Tin Việt Nam – 11/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 11/12/2014

Khoảng một trăm cô dâu Việt mất tích ở Hà Bắc, Trung Cộng

Công an Trung Cộng (TC) đang tìm kiếm khoảng một trăm cô dâu trẻ tuổi người Việt bỗng dưng mất tích sau khi làm lễ cưới với những người đàn ông độc thân Trung Hoa sống ở nông thôn, theo báo chí chính thức hôm nay 11/12/2014.

Tờ China Daily cho rằng đây là một vụ “lừa đảo” quy mô do một băng nhóm có tổ chức chặt chẽ tiến hành. Mỗi người đàn ông độc thân Trung Hoa phải nộp ít nhất 13.000 euro nếu cuộc môi giới hôn nhân thành công.

Sự mất cân bằng giới tính nam nữ và hiện tượng người nông thôn đổ xô lên thành thị khiến dịch vụ môi giới hôn nhân với các nước Đông Nam Á ăn nên làm ra. Đặc biệt là tại Việt Nam, nhiều nông dân Trung Hoa đã “mua” được vợ Việt thông qua các người mai mối.

Vụ một trăm cô dâu mất tích nói trên xảy ra ở thị trấn Cù Châu (Quzhou) thuộc tỉnh Hà Bắc (Hebei). “Bà mai” Ngô Mỹ Ngọc (Wu Meiyu), một người gốc Việt lấy chồng Trung Hoa và đã cư ngụ tại đây từ 20 năm qua, đòi chi phí 100.000 nhân dân tệ (13.000 euro) cho mỗi cuộc môi giới hôn nhân. Bà mối này đã biến mất vào cuối tháng 11 cùng với khoảng 100 cô dâu Việt đã được những người chồng tương lai coi mắt hồi đầu năm.

China Daily dẫn lời một viên chức địa phương, cho rằng đây là một mạng lưới có tổ chức: “Với các phương tiện liên lạc mới, các cô dâu này có thể dễ dàng bỏ trốn cùng một lúc”.

Theo thống kê chính thức, tại TC cứ mỗi 118 bé trai sinh ra thì chỉ có 100 bé gái. Những người đàn ông độc thân ở thôn quê phải dành dụm tiền bạc để cưới được vợ, và có thể phải chi ra đến 400.000 nhân dân tệ cho một cô vợ. Số tiền này ngoài tầm tay với của nhiều người, thế nên các vụ “mua bán cô dâu” quốc tế nở rộ, và thường mang dáng dấp của các vụ buôn người.

Những phụ nữ trên lấy chồng qua môi giới ở các khu vực nông thôn gần Hàm Đan, nhưng bỗng biến mất hồi cuối tháng 11/2014. Người môi giới là một phụ nữ Việt Nam sống ở TC, cũng đã bỏ đi.

Hồi đầu năm nay bà Ngô Mỹ Ngọc đi khắp các khu vực nông thôn ở Hà Bắc để tìm khách hàng, hứa sẽ mang cho họ một cô dâu người Việt với khoản phí 115.000 nhân dân tệ (khoảng 18.600 USD), theo các bài báo.

Hôm 20/11, những phụ nữ này được cho là đã nói với chồng rằng họ sẽ đi ăn với các phụ nữ người Việt khác, sau đó đã mất liên lạc hoàn toàn.

Khi chồng họ tới nhà bà Ngô Mỹ Ngọc để tìm hiểu, họ cũng phát hiện ra bà đã đi mất vài ngày trước đó.

Jinghua Daily đưa tin rằng ít nhất một cô dâu đã quay trở lại. Cô nói bị “bất tỉnh” sau bữa ăn và khi tỉnh dậy thì thấy mình đang ở trong một căn nhà nhỏ cách xa khu làng của nhà chồng ở Cù Châu.

Bài báo dẫn lời cô nói sẽ không “đi tìm chồng khác”. Cô cũng đã làm đơn báo cảnh sát Cù Châu.

Những đàn ông độc thân nghèo ở nông thôn thường phải dựa vào dịch vụ môi giới để tìm cô dâu từ những nước gần đó như Việt Nam, Campuchia và Miến Điện.

Nhu cầu này làm gia tăng nạn buôn người. Hồi tháng trước, truyền thông TC đưa tin rằng chính quyền đã bắt giữ một băng nhóm bán phụ nữ và trẻ em người Miến Điện làm vợ ở TC. – Theo RFI, BBC

Trung Cộng đã bí mật thiết lập ADIZ trên Biển Đông?

Trung Cộng (TC) có thể đã bí mật thiết lập khu nhận dạng phòng không – ADIZ trên Biển Đông, mà không tuyên bố công khai để tránh bị phản đối, theo tin của Trung tâm Thông tin Kanwa, có trụ sở đặt ở Canada.

Báo Want China Times của Đài Loan hôm qua trích nguồn tin này nói rằng chính phủ TC đã lên kế hoạch thiết lập hai khu nhận dạng phòng không bao trùm Biển Hoa Đông, và Biển Đông từ sau sự cố đảo Hải Nam năm 2001, khi một chiến đấu cơ J-811 của TC và một máy bay do thám của Mỹ đâm vào nhau trên không, làm phi công TC thiệt mạng, dẫn tới việc phi hành đoàn Mỹ gồm 24 người bị TC bắt giữ và thẩm vấn.

Tháng 8 năm nay, một máy bay săn tàu ngầm P8 của Mỹ cũng đã chạm trán với một chiến đấu cơ J-11BH của TC. Lúc đó, tạp chí quốc phòng IHS Jane’s của Anh cho rằng chiến đấu cơ TC đã khiêu khích chiếc máy bay P8 của Mỹ.

Ngũ Giác Đài đã phổ biến những đoạn phim quay cảnh vụ chạm trán này, cho thấy chiến đấu cơ TC bẻ lái sang tay trái chỉ cách 10 thước trước mặt máy bay của Mỹ, rồi nghiêng cánh để phô trương vũ khí.

Sự cố này diễn ra gần ranh giới của khu đặc quyền kinh tế TC, tức trong vòng 200 hải lý tính từ đảo Hải Nam. Trung tâm thông tin Kanwa xem đây là dấu hiệu cho thấy TC rất có thể đã thiết lập một khu nhận dạng phòng không trong khu vực, bởi vì chiếc máy bay của Mỹ đã bị nghênh cản bên trên vùng biển được coi là lãnh hải quốc tế.

Bản tin của Want China Times nói rằng kế hoạch thiết lập khu nhận dạng phòng không đã bị chính quyền TC hoãn lại trong bối cảnh nước này chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh vào tháng 11, để tránh bị các nước khác phản đối, đặc biệt là các nước đang tranh giành chủ quyền biển đảo với TC, trong đó có CSVN.

Kanwa cho rằng sự kiện cộng đồng quốc tế đã lên án việc thiết lập khu nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông trước đó cũng là một yếu tố khiến Bắc Kinh phải hoãn ý định này.

Vụ chạm trán này, theo Kanwa, cho thấy TC đang tìm cách ngăn chận các phi cơ thám thính của Mỹ bay vào vùng đặc quyền kinh tế của họ, và sự xuất hiện của máy bay Mỹ cho thấy Hải quân Hoa Kỳ muốn theo dõi việc TC điều các tàu ngầm vào các vùng biển cách khu đặc quyền kinh tế TC 220 km về hướng Tây Nam trong Biển Đông.

Trung tâm thông tin Kanwa tiên đoán những vụ chạm trán như thế này sẽ gia tăng trong thời gian tới. – Theo VOA

Nhân quyền của CSVN còn kém cả Campuchia

Nhân quyền của Việt Nam ‘còn kém’ cả Campuchia và nhà nước CSVN cần chấp nhận nhân quyền ‘không phải là nguy hiểm’ cho an ninh quốc gia ‘mà ngược lại’, theo nhà nghiên cứu từ Campuchia nói với Tọa đàm trực tuyến của BBC Nhân ngày Nhân quyền LHQ (10/12) năm nay.

Khi được yêu cầu so sánh giữa CSVN và Campuchia, ở đâu mà chính quyền và nhà nước ‘nghiêm chỉnh, nghiêm túc’ hơn đối với vấn đề nhân quyền, từ Phnom Penh, Tiến sỹ Vannarith Chheang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hợp tác và Hòa bình, nói với cuộc Tọa đàm hôm 11/12/2014.

“Hệ thống chính trị hai nước khác nhau, ở Campuchia có hệ thống bầu cử đa đảng từ năm 1993. Từ 1993 đến nay, Campuchia về dân chủ và nhân quyền có tiến bộ và phát triển khá, so với Việt Nam thì hệ thống chính trị khác nhau.

“Về tự do chính trị, tự do ngôn luận, Campuchia cao hơn nhiều so với Việt Nam, về phê phán chính phủ hay vấn đề xây dựng đất nước, như vậy đó cũng là một vấn đề, nhưng so với Việt Nam là tốt hơn, nó không nghiêm trọng bằng Việt Nam.”

Nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam, khu vực Đông Nam Á đưa ra lời khuyên với nhà nước CSVN về vấn đề nhân quyền, ông nói:

“Đối với nhà nước Việt Nam, nhà nước Campuchia và các nước khác, nhà lãnh đạo, nhà chính trị phải chấp nhận những vấn đề nhân quyền không phải là nguy hiểm đến an ninh quốc gia, đên sự phát triển xã hội và kinh tế.

“Ngược lại nhân quyền là một vấn đề giúp cho sự phát triển, ổn định xã hội và ổn định chính trị.

“Như vậy đó là thực chất của vấn đề nhân quyền.

“Tôi nghĩ chính phủ của các nước trên thế giới phải thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền vì lợi ích của con người và lợi ích của nhà nước.”

‘Nhân quyền trên giấy?’

Mới đây, một nhà nghiên cứu về luật Hiến pháp và quyền con người, quyền công dân, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói với BBC rằng bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013 của CSVN ‘đã có tiến bộ’ với hẳn một chương riêng được soạn thảo về quyền con người.

Nhà nghiên cứu này cũng cho hay năm tới đây, CSVN đang ‘đặt trên bàn’ để cân nhắc sửa đổi toàn hệ thống luật pháp.

Theo Dung, việc này không chỉ hạn chế ở một số điều luật nhất định như các điều 258, 79 và 88 trong Bộ luật hình sự và lý do là để phù hợp hơn với Hiến pháp sửa đổi và công ước, các văn bản luật pháp quốc tế mà CSVN đã tham gia ký kết.

Hôm thứ Năm, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng bình luận với Tọa đàm của BBC về khoảng cách giữa chính sách, luật pháp và thực tiễn nhân quyền ở Việt Nam.

Từ Đồng Tháp, nơi ông đang chuẩn bị theo dõi vụ xét xử với bà Bùi Thị Minh Hằng và một số nhà hoạt động nhân quyền khác, Kỹ sư Lân Thắng nói:

“Mọi điều luật cũng chỉ nằm trên giấy, điều quan trọng nhất là mỗi chúng ta phải biết quyền của mình, bảo vệ quyền của mình và cùng hợp tác với những người khác để có thể giữ được quyền của mình không bị ai xâm phạm. Đấy mới là điều quan trọng.

“Chứ còn bất cứ điều luật, bất cứ điều hay rồi bất cứ tuyên bố của các chính trị gia như thế nào đều vô nghĩa hết, nếu như những người nhỏ bé trong xã hội cũng như những người ở một địa vị cao, họ bị vi phạm nhân quyền thì đấy là điều không thể chấp nhận được.”

‘Bắt bớ bloggers’

Bộ công an CSVN mới đây cập nhật về vụ bắt nhà văn Nguyễn Quang Lập (tức blogger Bọ Lập – Quê Choa) với một thông báo trên trang tin của Bộ này nói ông Lập đã ‘xin được khoan hồng’ và cam kết ‘từ nay chỉ viết về văn học, nghệ thuật’, thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung từ Sài Gòn bình luận:

“Tôi không rõ thực hư như thế nào, nhưng dù có chuyện gì xảy ra, tôi lúc nào cũng yêu mến nhà văn Nguyễn Quang Lập.

“Và tôi biết rằng mỗi người có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, cho nên tùy thuộc hoàn cảnh đó mà chúng ta sẽ chọn một cách hành xử khi trong hoàn cảnh như vậy.

“Bản thân tôi lúc nào cũng ủng hộ nhà văn Nguyễn Quang Lập và bản thân tôi cũng có mối quan hệ tình bạn với nhà văn Nguyễn Quang Lập,” thạc sỹ Trung nói với Tọa đàm.

Trong vòng một tuần, từ ngày 29/11 tới ngày 6/12, hai blogger được nhiều người biết tới là ông Hồng Lê Thọ (chủ blog Người Lót Gạch) và ông Nguyễn Quang Lập đã bị công an csvn bắt giữ mà có ý kiến cho là lý do bắt “tạm giữ hình sự” có thể đều liên quan tới điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Kỹ sư Lân Thắng bình luận với Tọa đàm:

“Tôi nghĩ rằng giới blogger trong cả nước rất là quan tâm tới hai bloggers này. Và tôi nghĩ việc bắt họ cho đến giờ này, tôi nghĩ có lẽ là một đòn thăm dò đối với giới hoạt động.

“Đồng thời cũng có sự tranh đấu, sự tranh giành nào đó trước kỳ Đại hội Đảng và đấy là lý do chính để bắt nhà văn Nguyễn Quang Lập.”

‘Hành xử lạ lùng’

Các vụ bắt hai bloggers diễn ra chỉ trong vòng một tuần trước ngày nhân quyền Liên hiệp quốc năm nay, ngày mà hôm thứ Tư, 10/12/2014, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh thông điệp “Nhân quyền 365” được hiểu là quanh năm 365 ngày, ngày nào cũng là ngày của quyền con người, ngày để ‘lên tiếng.’

Bình luận về các vụ bắt giữ tại thời điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát xã hội Việt Nam từ Hà Nội nói với Tọa đàm: “Tôi cũng ngạc nhiên về một sự hành xử hết sức lạ lùng của chính quyền Việt Nam, bắt Giáo sư Lê Hồng Thọ trước, rồi cách ngày Nhân quyền Quốc tế có 3-4 ngày, thì bắt một nhà văn rất nổi tiếng, một blogger rất có tiếng ở Việt Nam.

“Anh Nguyễn Quang Lập có hàng trăm ngàn người hâm mộ và thực sự cả hai anh đều hoạt động hết sức ôn hòa và mang tính xây dựng. Nhưng người ta vẫn vu cho họ những tội hết sức vu vơ, và bắt họ tôi nghĩ là điều gì đấy mà tôi nghĩ là khó hiểu. Và người ta khó mà đánh giá, lý giải tại sao họ lại làm những việc mà nhiều người cho rằng là rất ngớ ngẩn và ngu ngốc như vậy. Nguyên nhân của nó là gì không ai có thể biết rõ được, nhưng chỉ có thể nêu ra những giả thuyết để tìm cách lý giải mà thôi.

“Trong mọi trường hợp, đấy là một sự vi phạm nhân quyền hết sức trắng trợn của nhà cầm quyền và rất đặc biệt là sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền quốc tế của Liên hợp quốc, sau khi Việt Nam đã vượt qua cuộc sát hạch UPR (kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền), tháng Hai và tháng Sáu năm nay.

“Và trước ngày Nhân quyền Quốc tế có vài ngày, mà họ làm những việc như thế thì gây ra sự phẫn nộ hết sức là lớn ở trong nước Việt Nam và các trí thức, các nhà văn, cũng như những người yêu mến anh Lập đã vừa mới có một đòi hỏi nhà cầm quyền phải trả ngay tự do lại cho anh Nguyễn Quang Lập cũng như trả tự do cho Giáo sư Hồng Lê Thọ, thả ngay anh Trương Duy Nhất, anh Nguyễn Hữu Vinh và những người khác.

“Tôi nghĩ rằng đấy là một diễn biến rất là buồn về nhân quyền ở Việt Nam trong những ngày mà cả thế giới kỷ niệm về nhân quyền,” Tiến sỹ Quang A nói với Tọa đàm.

‘Không thể đảo ngược’

Hôm thứ Năm, Thạc sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung, người từng bị kết án 7 năm tù vì tội ‘hoạt động chống phá chính quyền’ trong vụ án với Luật sư Lê Công Định và kỹ sư, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và những người khác, bình luận với Tọa đàm của BBC về xu hướng nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam.

Nhắc lại lời được cho là của chính Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng, thạc sỹ Tiến Trung nói:

“Ông nói nhân quyền, tự do và dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người, Việt Nam không phải ngoại lệ. Và như vậy trong Hiến pháp, pháp luật và chính sách đều nêu rõ dân chủ và nhân quyền vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam.

“Như vậy chứng tỏ phía những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ vấn đề là phát triển nhân quyền tốt cho sự phát triển của đất nước, là bởi vì từng cá nhân khi bảo đảm các quyền của mình thì có cơ hội để phát triển toàn diện, để tối đa hóa tiềm năng của chính mình.

“Khi từng cá nhân được tối đa hóa tiềm năng của chính mình và phát triển toàn diện thì khi đó đất nước mới phát triển toàn diện được. Tuy nhiên, trong bất kỳ quốc gia dân chủ nào đều có luật pháp và chuẩn mực.

“Thì luật pháp đó phải do Quốc hội do toàn dân bầu ra, có nhiều nhóm khác nhau để trong Quốc hội để ban hành đạo luật nó phải công bằng, phải chuẩn mực, như vậy mới bảo đảm được nhân quyền, chứ không thể nào ngụy biện như giới báo chí trong nước (nói) là ‘nhân quyền hay tự do quá trớn sẽ gây hại, thì cái đó hoàn toàn không phải.

“Bởi khi đó còn có vấn đề pháp luật bảo vệ nhân quyền và bảo vệ quyền của người này sẽ không xâm phạm quyền của người khác. Nhưng vấn đề là pháp luật ở Việt Nam do một đảng làm ra nên nó sẽ bảo đảm quyền của cái đảng đó thôi,” thạc sỹ Tiến Trung nói với Tọa đàm.

‘Thông điệp hy vọng’

Hôm thứ Năm, Tiến sỹ Jonathan London, nhà nghiên cứu xã hội học và chính trị từ Đại học Thành thị Hong Kong nêu quan điểm tại Tọa đàm đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Ông nói: “Tiến bộ đối với nhân quyền vẫn còn quá chậm so với những gì mà chúng ta mong muốn, nhưng việc chúng ta đang có những thảo luận công khai như thế này, việc có những bloggers như Nguyễn Quang A, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Hoàng Vy v.v… thì người ta đang tiếp tục cho một quá trình mà có những tiến bộ quan trọng về nhân quyền.

“Và tôi hy vọng trong thời gian tới, có thể là (nhiều) tháng, (nhiều) năm, hy vọng rằng trong tương lai Việt Nam, mỗi người đều nỗ lực hơn nữa, để có một Việt Nam (mà) quyền con người sẽ (đạt) được, đó là một thông điệp tôi gửi tới những người Việt Nam.

Về vị trí của nhân quyền trong quan hệ Mỹ-Việt, nhà nghiên cứu người Mỹ đang giảng dạy tại Hong Kong nói:

“Tôi nghĩ rằng nhân quyền ở Việt Nam rất quan trọng đối với quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, chưa rõ làm sao gần đây có những người bloggers bị bắt, nhưng tôi hy vọng những người ở Việt Nam, đặc biệt những lãnh đạo muốn thực sự có một quan hệ với Mỹ,

“Thì dù Mỹ, cũng có những vấn đề về nhân quyền, chẳng hạn hành động của CIA…, nhưng nhiều người ở Mỹ muốn… đặc biệt giới lãnh đạo ở Việt Nam, có thể có một sự dũng cảm, để có bước đi quyết định, cho phép tình trạng nhân quyền ở Việt Nam có tiến bộ,

“Và nếu thế, tôi nghĩ là quan hệ giữa hai nước Mỹ-Việt sẽ tiến bộ rất nhanh, thì đó sẽ mang lợi cho cả hai nước,” Tiến sỹ Jonathan London nói với BBC. – Theo BBC