Tin Thế Giới – 11/12/2014
Tạp chí Time chọn những người chống Ebola là ‘Nhân vật xuất sắc nhất năm 2014’
Tạp chí Time đã chọn tất cả những người tham gia cuộc chiến chống Ebola làm “Nhân vật xuất sắc nhất” của năm 2014. Hình của 5 người đại diện cho các bác sĩ, y tá, nhân viên cứu trợ và những người khác đã giúp đỡ cho các nạn nhân Ebola ở Tây Phi sẽ được đăng trên trang bìa của tạp chí nổi tiếng thế giới này. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, trong số những người được tờ Time chọn làm nhân vật xuất sắc nhất trong những năm trước đây có Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Đức Giáo hoàng Phanxicô, cựu Tổng thống Nga Mikhail Gorbachev, và Hitler.
Tên của năm người tượng trưng cho một nhóm người đông đảo hơn hiện giờ chưa được nhiều người biết tới. Nhưng theo lời các biên tập viên của tạp chí Time, họ là những người đàn ông và phụ nữ bình thường đã có những sự hy sinh cao cả để ngăn chận sự lây lan của Ebola ở Tây Phi, và từ đó lan tới những phần còn lại của thế giới.
Bà Radhika Jones, phó chủ biên tạp chí Time, cho biết như sau:
“Chúng tôi thật sự muốn thu hút sự chú ý tới những người, mà ngay từ lúc ban đầu, khi họ bị làm ngơ bởi nhiều quan chức trong guồng máy hành chánh và trong chính phủ, đã kết luận rằng đây là một mối nguy tiềm ẩn. Họ nói rằng đó là một mối nguy tiềm ẩn chẳng những cho cộng đồng của chúng ta mà còn cho cả thế giới, và chúng ta sẽ làm những gì có thể làm để chuẩn bị và chiến đấu chống lại nó ngay tại chỗ.”
Hồi đầu năm nay, vi rút Ebola đã lan ra khắp Tâp Phi như một đám cháy rừng và đã gây tử vong cho hơn 6.300 người, hầu hết là ở Liberia, Guinea, và Sierra Leone. Gần 18.000 người bị nhiễm bệnh, tuy các giới chức nói rằng con số thật sự có thể cao hơn nhiều.
“Nhân vật xuất sắc nhất trong năm” của năm nay sẽ được giới thiệu trên 5 trang bìa, mỗi trang nói tới một khuôn mặt nổi tiếng trong cuộc chiến chống Ebola.
Bác sĩ Jerry Brown, người Liberia, được chọn cho trang bìa chính. Bà Radhika Jones của báo Time cho biết như sau:
“Ngay từ lúc ban đầu, khi ông ấy bắt đầu nghe tin về sự xuất hiện của bệnh này, ông ấy đã rất sợ hãi, đến độ như ông ấy nói trong một cuộc phỏng vấn là: nó có thể xóa tên nước ông trên bản đồ.”
Bác sĩ Kent Brantly, người Mỹ, làm việc cho tổ chức từ thiện Samaritan’s Purse, là một trong những người được tán dương. Ông bị nhiễm Ebola trong lúc chăm sóc cho bệnh nhân ở Monrovia và đã khỏi bệnh sau khi được đưa về Mỹ chữa trị.
Những nhân viên cứu trợ vẫn còn ra sức để cứu mạng người ở những khu vực bị dịch Ebola hoành hành dữ dội nhất cho biết họ cảm kích sự tuyên dương của tạp chí Time.
Ông Franklin Graham, người đứng đầu tổ chức từ thiện Samaritan’s Purse, cho biết như sau:
“Tôi cảm kích trước việc họ đã chiếu một tia sáng mạnh trở lại cho Ebola, bởi vì những người chiến đấu chống Ebola bây giờ vẫn đang chiến đấu. Dịch Ebola chưa kết thúc. Nhiều người thiệt mạng trong lúc chúng ta đang nói chuyện với nhau. Do đó, tôi rất cảm kích về việc tạp chí Time chiếu tia sáng vào việc này, vì đó là một việc cần thiết và những người chống Ebola là những người anh hùng.”
Ba người khác trên trang bìa của tờ Time là bà Ella Wayson-Stryker, người Mỹ, làm việc cho Hội Y Sĩ Không Biên Giới; ông Foday Gallah, người Liberia, lái xe cứu thương; và bà Salome Karwah, trợ tá người Liberia. – VOA
Trung CỘng tố cáo Mỹ vi phạm cam kết trung lập về vụ tranh chấp Biển Đông
Trung Cộng (TC) đã bác bỏ một bản phúc trình của chính phủ Mỹ về những yêu sách chủ quyền của TC ở Biển Đông. Bắc Kinh nói rằng văn kiện đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao ở Washington vi phạm cam kết của Mỹ là giữ lập trường trung lập trong vụ tranh chấp ở Biển Đông. Thông tín viên Shannon Van sant của đài VOA tường thuật từ Bắc Kinh.
Trong tuần vừa qua cả Bắc Kinh lẫn Washington đều công bố những phúc trình liên quan tới vụ tranh chấp lâu đời về chủ quyền đối với những bãi đá ngầm và những hòn đảo nhỏ ở Biển Nam Trung Hoa, nơi mà CSVN gọi là Biển Đông và TC gọi là Nam Hải.
Bản phúc trình của Mỹ về cơ sở pháp lý, địa lý, và lịch sử của TC để đòi chủ quyền khu vực này kết luận rằng các yêu sách của TC không phù hợp với luật pháp hải dương quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982 mà TC đã ký kết.
Việc này đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Bộ Ngoại giao TC.
Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao TC nói rằng các quyền và yêu sách của TC được hình thành bởi lịch sử và được các chính phủ TC tôn trọng. Ông nói thêm rằng phúc trình của Mỹ vi phạm cam kết là không nghiêng về bên nào trong vụ tranh chấp ở Biển Đông.
Các yêu sách lãnh thổ của TC ở Biển Đông được phác họa trong những bản đồ có đường 9 đoạn, thường được gọi là đường lưỡi bò, vây bọc những vùng biển và những hòn đảo ở Biển Đông có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Đường này bao trùm những khu vực mà nhiều nước khác cũng đòi chủ quyền, trong đó có CSVN và Philippines.
Philippines đã nộp đơn cho tòa trọng tài quốc tế dựa theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển để xin phân xử. TC được tòa án dành cho tới ngày 15 tháng này để bênh vực cho lập trường của mình, nhưng Bắc Kinh cho biết họ không tham gia tiến trình trọng tài.
Trong một phúc trình công bố hôm chủ nhật 7/12 vừa qua, chính phủ ở Bắc Kinh lập luận rằng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trước tiên phải được giải quyết giữa các nước. Lâu nay TC nhất mực bác bỏ những đề nghị đưa vụ tranh chấp ra phân xử trước Liên hiệp quốc hoặc những cơ quan quốc tế khác và chỉ muốn tiến hành đàm phán song phương với các nước khác trong vụ tranh chấp.
Cuộc nghiên cứu của Cục Hải dương, Môi trường Quốc tế và Khoa học Sự vụ của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận rằng những bản đồ của TC vẽ từ năm 1947 mà họ dùng làm cơ sở cho những yêu sách của mình là “thiếu chính xác” và thiếu nhất quán quá độ nên không thể dùng làm cơ sở cho những yêu sách có tính chất lịch sử đối với vùng biển này.
Phúc trình cũng nói rằng TC không có “luật lệ, tuyên bố, tuyên cáo, hoặc những phát biểu chính thức khác để mô tả hoặc thông báo cho cộng đồng quốc tế về yêu sách lịch sử đối với vùng biển bên trong đường 9 đoạn.”
Văn kiện này cho rằng yêu sách lịch sử của TC không thỏa mãn những đòi hỏi pháp lý được dùng trong công pháp quốc tế để giải quyết những vụ tranh chấp loại này.
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia cho biết trong khi phúc trình của TC tìm cách ảnh hưởng tới các vị thẩm phán của vụ án trọng tài mà không giao tiếp một cách trực tiếp, phúc trình của Mỹ mạnh mẽ thúc giục TC làm rõ những yêu sách của mình. Giáo sư Thayer nói:
“TC có thể lấy bớt các đoạn, họ cũng có thể thêm vào, như họ đã làm, xung quanh Đài Loan, để có đoạn thứ 10. Cho nên những đường vạch này không phải là cố định như TC muốn chúng ta tin là như vậy. Do đó Mỹ đã làm cho quả bóng bắt đầu lăn để giúp thúc đẩy thêm nữa cho các lập luận pháp lý.”
Vương Đông, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Bắc Kinh, cho rằng văn kiện của Mỹ và vụ kiện của Philippines không có ích cho việc giải quyết tranh chấp:
“Nó không có ích cho việc giảm thiểu căng thẳng ở Biển Nam Trung Hoa. Nó có thể khuấy động vấn đề một cách không cần thiết và làm cho một số nước có yêu sách chủ quyền cảm thấy mạnh bạo hơn để không tham gia đàm phán một cách thành thật, mà lại tìm cách theo đuổi một đường lối có tính chất đối đầu nhiều hơn đối với vấn đề này.”
TC cho biết kết quả của vụ kiện của Philippines ở tòa trọng tài sẽ không “lay chuyển quyết tâm của TC trong việc bảo vệ chủ quyền và những quyền lợi và lợi ích hải dương của mình.” – Theo VOA
Thủ Tướng Nga kêu gọi dân tin tưởng vào đồng rúp, chỉ trích phương Tây – Nga nâng lãi suất để chống lạm phát
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev kêu gọi người dân Nga không mua ngoại tệ như một cách đầu tư an toàn dù đồng rúp của Nga tiếp tục trượt giá và nền kinh tế đang tiến vào suy thoái. Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình Nga, Medvedev cũng đả kích những nước phương Tây vì áp đặt những biện pháp trừng phạt đáp lại những hành động của điện Kremlin ở Ukraine. Ông nói rằng những biện pháp này gây tổn hại cho cả hai bên. Thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA tường thuật từ Moscow.
Thủ tướng Medvedev hôm thứ Tư thừa nhận rằng đồng rúp suy yếu và những biện pháp trừng phạt của phương Tây đang gây tổn hại cho nền kinh tế của Nga.
Đồng tiền Nga đã trượt giá 40% kể từ tháng 6, vì giá dầu sút giảm và vì những chế tài về vấn đề Ukraine tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế của Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình hàng năm, Medvedev cho biết tiền của ông là đồng rúp và do đó ông chịu “cùng cảnh ngộ” với người dân Nga bình thường.
Ông kêu gọi người dân không đổi tiền tiết kiệm của họ sang đồng đôla hay euro. Ông nhắc họ nhớ lại điều gì đã xảy ra sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, khi đồng rúp sụt giá.
Thủ tướng Nga nói đồng rúp sau đó tăng giá, và những người đổi tiền tiết kiệm của mình sang ngoại tệ đã bị lỗ.
Nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng của Nga đang hướng đến suy thoái, một phần là do những biện pháp trừng phạt không cho những ngân hàng của Nga tiếp cận với tín dụng quốc tế và khuyến khích tình trạng tháo vốn.
Medvedev cho biết những biện pháp trừng phạt Nga về việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea khiến cả Nga và châu Âu thiệt hại hàng chục tỉ đôla một năm vì những hoạt động kinh doanh bị mất.
Thủ tướng nói việc Crimea quay trở về với Nga không phải là vấn đề kinh tế, mà là “định mệnh” của Nga.
Ông bác bỏ những cáo buộc nói rằng Nga đang hành xử như một kẻ gây hấn ở Ukraine, dù Nga vẫn sử dụng lực lượng bí mật tại Crimea và tiếp tục ủng hộ quân nổi dậy chống chính phủ ở miền đông Ukraine.
Medvedev nói Nga không tranh cãi với ai và cũng không tuyên chiến với bất cứ ai.
Hơn 4.300 người đã thiệt mạng kể từ khi phiến quân thân Nga chiếm giữ những văn phòng chính phủ ở miền đông Ukraine và tự tuyên bố thành lập hai nước cộng hòa.
Ukraine và các nước phương Tây nói rằng Nga đang huấn luyện, vũ trang, và trong một số trường hợp, đưa quân đến tham chiến bên cạnh quân nổi dậy để duy trì gây áp lực đối với chính phủ thân châu Âu ở Kiev. Điện Kremlin phủ nhận những tố cáo đó và nói rằng phương Tây đang hỗ trợ thành phần theo chủ trương dân tộc cực đoan cánh hữu ở Ukraine, trong đó có những phần tử tân phát-xít.
Medvedev đổ lỗi cho Mỹ về những căng thẳng với Nga. Ông nói rằng Washington xử sự theo cách “không thể dự đoán.” Tuy nhiên, ông cho biết Nga sẵn sàng cải thiện các mối quan hệ với châu Âu và Mỹ.
Vị thủ tướng Nga cũng chỉ trích Ukraine về điều mà ông gọi là thái độ “kém văn minh” trong cuộc điều đình về việc Nga cung ứng khí đốt cho Ukraine. Ông cho biết trong những năm Ukraine nằm dưới sự lãnh đạo của những nhân vật thân Nga, Moscow đã dành cho Kiev những khoản chiết khấu trị giá hàng tỉ đô la khi bán khí đốt; nhưng giờ đây Nga có thái độ thực tế hơn.
Thủ tướng Medvedev nói rằng nếu Ukraine trả tiền, Nga sẽ cung ứng khí đốt và nếu không trả tiền thì khí đốt sẽ không được cung ứng. Ông cho biết thêm là những nước ở Âu châu đang tìm cách thuyết phục Ukraine trở thành chuẩn hội viên của Liên hiệp Âu châu, xích lại gần hơn với Tây Âu, bây giờ hãy để những nước đó giúp đỡ cho Ukraine vì Nga đã giúp rồi.
Tháng 11 vừa qua, sau những cuộc điều đình kéo dài nhiều tháng, Nga đã chấp nhận một thỏa thuận tạm thời để cung ứng cho Ukraine khí đốt mà nước này rất cần để sưởi ấm trong mùa đông.
Thủ tướng Medvedev nói rằng khí đốt trong hợp đồng này được bán với giá rẻ vì Nga cảm thông với hoàn cảnh của nhân dân Ukraine.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất chính lên 10.5% để chống lạm phát.
Bước đi được thực hiện chỉ 6 tuần sau khi Moscow tăng lãi suất từ 8 lên 9.5%.
Trang web Ngân hàng Trung ương Nga nói thêm họ sẽ tiếp tục nâng lãi suất “trong trường hợp có nguy cơ lạm phát gia tăng”.
Trong cập nhật tình hình kinh tế hàng tháng, báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga nói mức lạm phát thường niên là 9.4%.
Đồng rúp mất giá và lệnh cấp nhập thực phẩm phương tây đã làm lạm phát tăng.
“Người ta hy vọng việc tăng lãi suất sẽ cắt tiêu thụ và ngưng giá cả tăng mạnh,” Phóng viên BBC tại Moscow là Steven Rosenberg cho biết.
Tuy nhiên mặt trái là việc tăng lãi suất sẽ làm chậm lại tăng trưởng và đó là việc không tốt trong bối cảnh Nga đang sắp bị khủng hoảng kinh tế.
Đồng rúp tiếp tục mất giá và tỉ giá đã xuống mức thấp nhất so với đô la với 55.45 rúp đổi được 1 đôla và 68.98 rúp/euro.
Tỉ giá hối đoái ở mức này chỉ một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Nga thừa nhận họ đã phải can thiệp cho đồng rúp tại các thị trường tiền tệ vào tuần trước với số tiền là 4.53 tỉ USD.
Tính cho tới nay Ngân hàng Trung ương Nga đã chi 70 tỉ USD để giữ giá đồng rúp từ đầu năm nay.
Ngân hàng Trung ương Nga nói vào hôm thứ Năm rằng tăng trưởng GDP sẽ yếu trong giai đoạn 2015-16 do nhu cầu chi của người tiêu dùng kém đi. – Theo VOA, BBC