Tin Việt Nam – 9/12/2014
Cựu Chủ tịch Hà Nội trả lại biệt thự
Trong một diễn biến gây bất ngờ, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên xin trả lại biệt thự công 12 Nguyễn Chế Nghĩa sau tám năm tranh cãi.
Báo Tiền Phong đưa tin hôm 5/12 Nghiên đã có thư gửi gửi Sở Xây dựng và UBND TP Hà Nội xin trả lại ngôi biệt thự với lý do là “vụ việc xảy ra đã kéo dài” và “ít nhiều ảnh hưởng đến công việc chung của thành phố”.
Lá thư này ngày 8/12 đã được giới chức Hà Nội chấp thuận và việc thu hồi căn biệt thự ở trung tâm thành phố “sẽ được thực hiện ngay trong tháng”.
Tiền Phong cho biết: “Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng và Cty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội căn cứ pháp luật, có thể tìm chỗ ở mới cho ông Nghiên nếu ông có nguyện vọng”.
Biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa được Hoàng Văn Nghiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giai đoạn 1994-2004, thuê từ năm 2001.
Tranh cãi phát sinh từ năm 2006 khi một loạt tờ báo cho rằng Nghiên phải trả lại nhà sau khi thôi chức vì đây là nhà công vụ.
Sau khi không còn làm Chủ tịch UBND, Nghiên đã làm đơn xin mua lại biệt thự theo Nghị định 61.
Thành phố từ chối bán lại, nhưng vẫn chưa thu hồi căn nhà sau tám năm.
Muốn đổi nhà?
Năm 2013, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã tìm địa điểm mới tại Nghĩa Đô, Cầu Giấy cho Nghiên và ông đã chấp thuận nhưng rồi bất ngờ đổi ý.
Nghiên đã đề nghị thành phố tìm nhà ở vị trí khác cho mình và chính quyền thành phố đã tiếp tục làm công việc này cho tới cuối năm 2014.
Tháng 11/2014, Hoàng Văn Nghiên chính thức chấp thuận phương án mà Sở Xây dựng đề xuất là thành phố mua một lô đất 163m2 tại khu đô thị Đông Hồ, Nghĩa Đô, sau đó thành phố xây nhà và cho Nghiên thuê.
Nếu có nhu cầu, thành phố sẽ bán ngôi nhà này, ước tính có giá trên 30 tỷ đồng, cho Nghiên theo Nghị định 61.
Tuy nhiên, nay việc cho Nghiên thuê hoặc mua nhà ở Nghĩa Đô như nói ở trên đã bị cho là không đúng quy định.
Không rõ nếu Hoàng Văn Nghiên vẫn có nguyện vọng thuê hoặc mua nhà công, chính quyền sẽ giải quyết thế nào.
Vụ ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa được nêu lại trong bối cảnh nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng yêu cầu trả nhà, đất mà ông đã xin mặc dù không đủ tiêu chuẩn.
Bản thân Hoàng Văn Nghiên nhiều lần khẳng định không làm gì sai. – Theo BBC
LHQ khen CSVN thông qua Công ước chống tra tấn – CPJ kêu gọi thả ‘Bọ Lập’ vô điều kiện – Mỹ kêu gọi CSVN thả bloggers ‘ngay lập tức’
Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) vừa ra thông cáo hoan nghênh quyết định thông qua Công ước về chống tra tấn của Quốc hội CSVN.
Thông cáo ra ngày 9/12 tại Bangkok “hoan nghênh quyết định của Quốc hội CSVN hôm 28/11 thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người cũng như Công ước về Quyền của người khuyết tật”.
“Việc thông qua và thực hiện Công ước về chống tra tấn, 30 năm sau khi nó ra đời, là một bước quan trọng nhằm bảo đảm việc ngăn chặn và cấm hành động tra tấn, cũng như bảo đảm chữa chạy cho các nạn nhân của tra tấn”.
Thông cáo mà OHCHR gửi cho BBC cũng nói việc thông qua và thực hiện Công ước về Quyền của người khuyết tật cũng là bước đi quan trọng trong phát triển một xã hội bao gồm tất cả mọi người, thúc đẩy và bảo đảm quyền của người khuyết tật.
Bà Matilda Bogner, trưởng đại diện khu vực của OHCHR tại Bangkok, nói điều này đã giúp thực hiện được một trong các cam kết mà CSVN đưa ra khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ.
CSVN đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.
Với việc thông qua các công ước trên, CSVN nay là một trong những nước thông qua nhiều công ước nhất trong khu vực với bảy trong số chín công ước cơ bản.
Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10/12/1984, có hiệu lực thi hành ngày 26/6/1987. Trước đó, CSVN đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước này.
Trong khi đó, Ủy ban Bảo vệ Ký giả Quốc tế (CPJ) hôm 8/12 đã ra thông báo lên án tình trạng trấn áp bất đồng ngày càng tăng ở Việt Nam sau khi ông Nguyễn Quang Lập (chủ blog Quê Choa) bị bắt giữ.
Ông Lập bị bắt giữ ở nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 8/12 để ‘điều tra hình sự’, theo thông báo của công an, nhưng không rõ vì tội danh gì.
Một tuần trước khi ông Lập bị bắt, một blogger khác là ông Hồng Lê Thọ, người điều hành trang blog ‘Người Lót Gạch’ cũng bị công an bắt giam để điều tra về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo điều 258 Bộ Luật hình sự.
‘Bịt miệng’
Trong thông báo phát đi từ Bangkok, CPJ cũng kêu gọi chính quyền CSVN thả tất cả nhà báo hiện đang bị giam giữ.
Ủy ban này dẫn lại lời bà Hồ Thị Hồng, vợ ông Lập, nói rằng ông Lập bị bắt vì ‘đã đăng tải những bài viết bị chính quyền xem là chỉ trích các chính sách của Đảng Cộng sản cầm quyền’.
CPJ nhận định trang blog của ông Lập bàn về những vấn đề chính trị và xã hội ở Việt Nam bao gồm mối quan hệ nhạy cảm giữa CSVN với nước láng giềng Trung Cộng. Trang blog này có hơn một triệu người đọc trong khi tài khoản Facebook của ông Lập có hơn 15.000 người theo dõi.
“Chúng tôi kêu gọi thả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho blogger Nguyễn Quang Lập,” ông Shawn Crispin, đại diện của CPJ ở Đông Nam Á, nói.
“Chính phủ Việt Nam nên chấm dứt việc sử dụng các đe dọa pháp lý để bịt miệng các bloggers độc lập và hãy bắt đầu bảo vệ quyền tự do báo chí được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam,” ông Crispin nói thêm.
CPJ nhắc lại vụ bắt giữ ông Hồng Lê Thọ hôm 29/11 để cho rằng CSVN ‘đang tăng cường trấn áp việc biểu đạt ý kiến trên mạng’ theo điều luật 258 Bộ Luật hình sự, một điều luật mà CPJ cho là ‘mơ hồ’ và ‘hình sự hóa tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ’.
Ủy ban này cũng nhắc lại là ngoài ông Thọ thì blogger Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy cũng bị bắt hồi tháng Năm theo điều 258.
Do đấu đá nội bộ?
Trao đổi với BBC, ông Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động ở Việt Nam, cho biết hai vụ bắt giữ liên tiếp các ông Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập ‘chắc chắn có tác động đến giới viết blog ở Việt Nam’.
“Tùy vào cây viết,” ông Thắng nói, “Có người mạnh mẽ thì việc bắt giữ càng làm cho họ quyết tâm hơn nữa. Còn những người e ngại thì sẽ giảm bớt mức độ.”
Tuy nhiên, ông Thắng tỏ vẻ nghi ngờ mục đích chính của hành động bắt giữ này của chính quyền là để đe dọa các blogger.
“Có nhiều cây viết còn kinh khủng hơn nhiều mà vẫn bình an vô sự,” ông Thắng nói và cho biết blogger Bọ Lập ‘có cách viết mềm mại nhất trong số các cây viết’ dù ông có phê phán chính quyền và các chính sách trên Biển Đông.
“Việc bắt giữ này không chỉ để trấn áp các blogger mà còn liên quan đến tiến trình Đại hội Đảng,” ông nhận định.
“Những phe phái lực lượng trong Đảng đang tranh giành đấu đá nhau. Khi họ chuẩn bị bước vào cuộc đấu thì sẽ có nhiều cách định hướng dư luận,” ông Thắng nói thêm nhưng không giải thích rõ.
“Chúng tôi như con cá nằm trong rọ. Họ thích bắt con nào là họ bắt,” ông nói và cho biết phản ứng của dư luận và của các hội nhóm dân sự trong nước ‘rất quan trọng’.
“Nếu sau các vụ bắt giữ này họ vẫn tiếp tục mạnh mẽ và tiếp tục đấu tranh thì sẽ làm thay đổi tình hình.”
Về việc vận động bãi bỏ điều luật 258 vốn được chính quyền áp dụng để bắt các blogger, ông Thắng nói việc này ‘không tác động trực tiếp được chính quyền’.
“Nó chỉ cho công chúng thấy những vấn đề của Việt Nam mà giới bất đồng chính kiến và các blogger đang gặp phải,” ông giải thích, “Điều này sẽ tạo ra sự hiểu biết và sự đồng tình của công chúng đối với hoạt động của họ.”
Ngoài ra, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội mới gửi cho VOA Việt Ngữ một thông cáo, trong đó viết rằng “chính phủ Hoa Kỳ thực sự quan ngại về vụ bắt giữ các blogger Nguyễn Quang Lập và Hồng Lê Thọ”.
Tuyên bố có đoạn: “Tin cho hay, họ bị bắt vì đăng tải các bài viết chỉ trích các chính sách và hành động của nhà nước trên mạng. Chính phủ Mỹ kêu gọi chính quyền Việt Nam thả các cá nhân này ngay lập tức và cho phép mọi người dân Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm chính trị, cả trên không gian ảo cũng như trong đời thực”.
Theo nhận định của chính phủ Mỹ, những vụ bắt giữ như thế này “làm tổn hại tới các nghĩa vụ cũng như cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền”.
“Việt Nam cần phải bảo đảm rằng các luật lệ và hành động của mình phù hợp với các nghĩa vụ đó,” thông cáo viết.
Tiến sỹ Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam, tại Đại học Thành thị Hong Kong, cho VOA Việt Ngữ biết, vừa qua, ông từng hy vọng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam “dần dần có tiến bộ” nên thấy “khó hiểu động thái của chính quyền Việt Nam hiện nay”.
Ông nói với VOA Việt Ngữ bằng tiếng Việt:
“Nó làm cho mình rất là thắc mắc, nhất là ngay sau một giai đoạn quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã có tiến bộ nhất định, và ngay trong quá trình [Việt Nam] cố gắng hoàn thành TPP chẳng hạn. Có những chuyện như thế này là một cái rất là khó hiểu một cách logic. Chúng ta thì cũng như nhau hết, tức là phải đoán mãi mới hiểu là làm sao có những chuyện như thế này. Có thể có những sự khác biệt về quan niệm trong giới lãnh đạo của Việt Nam. Hy vọng là trong một thời gian ngắn, thì hai người này cùng một số tù nhân lương tâm khác sẽ được thả để Việt Nam thực sự có tiến bộ trong hồ sơ nhân quyền như mọi người chờ đợi”.
Một nguồn tin cho biết, vợ ông Lập hôm nay 9/12, đã lần đầu tiên được vào thăm chồng kể từ khi ông bị bắt.
Trong một bài viết đăng tải trên mạng, nhà văn Phạm Thị Hoài, hiện sống tại Berlin, Đức, viết, xin trích: “Con thuyền của anh Lập, dập dìu sóng vỗ khi nào, là một con thuyền lẻ loi. Lật bởi sự tồi tệ của thể chế chính trị. Chìm bởi sự đơn độc của chính nó giữa vài ba con thuyền đơn độc khác. Đắm bởi sự bạc bẽo của phần lớn chúng ta”.
CSVN bấy lâu nay vẫn tuyên bố không bỏ tù những người bất đồng chính kiến mà chỉ bắt những người vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền luôn phản bác tuyên bố này. – Theo BBC, VOA