Tin Thế Giới – 9/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 9/12/2014

Ngày Quốc Tế Nhân Quyền nêu bật ‘Năm 2014 khủng khiếp’

Ngày thứ Tư là Ngày Nhân quyền Liên hiệp quốc. Nhiều nhà quan sát mô tả năm 2014 là như một năm khủng khiếp về các vụ vi phạm nhân quyền. Theo tường thuật của thông tín viên Henry Ridgwell của Đài VOA ở London, chiến tranh là nguyên chính của những vụ vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới – và trong 12 tháng qua, những cuộc xung đột qui mô lớn đã gia tăng cường độ.

Cuộc nội chiến Syria sắp bước qua năm thứ 4. Hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Trong 12 tháng qua chiến tranh đã lan sang nước láng giềng Iraq, với các lực lượng chính phủ, những chiến binh đối lập ôn hoà, các phần tử chủ chiến Hồi Giáo và các chiến binh người Kurd chiến đấu để tranh giành đất đai. Ông Steve Crawshaw, cố vấn cao cấp của Hội Ân xá Quốc tế, nói cộng đồng quốc tế phải nhận lãnh một số trách nhiệm:

“Cộng đồng quốc tế đã thất bại trong việc giải quyết cuộc tranh chấp tại Syria tốt hơn và sớm hơn và đã không thực sự lên tiếng mạnh mẽ và không tạo ra những áp lực cần thiết để cho nhân quyền được tôn trọng nhiều hơn.”

Những tiếng bom thùng vang dội trong vùng ngoại ô Aleppo hồi đầu tháng này. Vũ khí thô sơ này là những thùng chứa đầy chất nổ được thả từ máy bay trực thăng, mà các lực lượng chính phủ Syria sử dụng một cách rộng rãi, đã giết chết hàng ngàn thường dân.

Ông Kenneth Roth, giám đốc tổ chức Human Rights Watch nói Nga, là nước đồng minh chính của Syria, cần phải lên tiếng chống lại việc sử dụng bom thùng:

“Bom thùng cho phép ISIS nói là ít nhất họ cũng chống lại chính phủ Damascus, là chính phủ được Nga ủng hộ và đang giết thường dân trong những khu vực do họ kiểm soát.”

Trong khi đó Moscow chế dầu thêm vào cuộc tranh chấp tại miền đông Ukraine bằng cách yễm trợ quân sự cho các phần tử đòi ly khai. Có gần 4.500 người thiệt mạng và nhiều vụ bắt cóc và tra tấn.

Trong một chuyến viếng thăm Moscow mới đây, ông Kenneth Roth của tổ chức Human Rights Watch nói tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn:

“Tôi nghĩ đằng sau tất cả những chuyện này là vấn đề không có an ninh chính trị. Và tôi e rằng việc này sẽ gia tăng khi Nga gặp phải những hậu quả kinh tế thật sự của cuộc phiêu lưu của ông Putin tại Ukraine.”

Theo ông Roth, việc Nga bị cô lập ngày càng tăng đã đưa đến chiến dịch đàn áp tệ hại nhất nhắm vào những nhà bất đồng chính kiến tại Nga kể từ thời Xô viết. Ông nói:

“Tất cả những chuyện này cộng lại cùng với những cấu trúc đã có sẵn khiến cho ông Putin có thể đàn áp thêm nữa nếu ông ấy cần đến.”

Trung Quốc bị cáo buộc đã có những bước thụt lùi về nhân quyền mới đây với việc đàn áp những cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong.

Việc lan rộng của những tổ chức hiếu chiến Hồi Giáo tại châu Phi đã khiến cho những việc vi phạm nhân quyền lên ở một mức độ cao hơn rất nhiều. Giết chóc và những cuộc tấn công tự sát của Boko Haram tại Nigeria ngày càng tăng, trong khi lực lượng của chính phủ Nigeria bị tố cáo đã thực hiện những vụ chặt đầu và tra tấn.

Tại Ai Cập, những người tranh đấu cho nhân quyền nói hy vọng của những người biểu tình trong Cách mạng Mùa Xuân đã tắt ngấm. Tuy nhiên, Hội Ân xá Quốc tế cũng nhấn mạnh đến hai thành tựu chính trong 12 tháng qua. Ông Crawshaw nói:

“Tại Sri Lanka hiện nay đang có cuộc điều tra quốc tế về những vụ giết hại khủng khiếp trong năm 2009 khi hàng ngàn thường dân thiệt mạng. Cũng trong khuôn khổ của Liên hiệp quốc, có Hiệp ước về Buôn bán Vũ khí, mà chúng tôi đã vận động trong 20 năm qua.”

Nhưng nói chung, Ngày Nhân quyền 2014 có phần chắc sẽ được xem như là một sự nhắc nhở về những vụ vi phạm nhân quyền trên diện rộng tại nhiều nơi trên thế giới. – VOA

Quốc Hội Do Thái bỏ phiếu giải tán, bầu cử trước hạn

Quốc hội Israel đã bỏ phiếu giải tán và tổ chức bầu cử trước hạn sau khi chính phủ liên minh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tan rã.

Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Hai đạt tỉ lệ tuyệt đối 93-0.

Nội các của Thủ tướng bao gồm các thành viên đảng Lukid bảo thủ của ông, hai đảng trung dung và hai đảng dân tộc cánh hữu.

Các bộ trưởng cãi vã và tranh luận về những vấn đề như ngân sách và một đề xuất gây tranh cãi sẽ viết thành luật, một tuyên bố nói rằng Israel là một nhà nước Do Thái.

Ông Netanyahu đã sa thải hai Bộ trưởng của phe trung dung hồi tuần trước, một người trong hai người đó nói rằng thủ tướng đang mắc sai lầm về việc tổ chức bầu cử sớm vào tháng 3 – hai năm trước thời hạn – và dự đoán ông sẽ thất cử.

Các nhà lập pháp giới thiệu dự luật giải tán Quốc hội cho biết “rất, rất khó quản lý” được liên minh. – VOA

Tin Hoa Kỳ

Tòa Bạch Ốc ủng hộ việc phổ biến phúc trình về chương trình thẩm vấn trước đây của CIA – Mỹ cảnh báo an ninh trước báo cáo về CIA

Ủy ban Tình báo Thượng viện theo dự trù sẽ phổ biến một phúc trình 480 trang về các kỹ thuật tra tấn của CIA tại các trại tù bí mật mà nay đã đóng cửa. Tòa Bạch Ốc ủng hộ việc phổ biến phúc trình có thể trong ngày hôm nay, thứ Ba 9/12, bất chấp những cảnh báo từ một số giới chức và các nhà lập pháp rằng điều này có thể gây bất lợi cho Mỹ trên thế giới.

Phúc trình sắp được công bố sẽ hé lộ những chi tiết khủng khiếp về các kỹ thuật thẩm vấn khắc nghiệt của CIA tiếp theo sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho biết như sau:

“Mục đích của cuộc duyệt xét này là để khám phá những sự thật đằng sau chương trình bí mật này, và kết quả theo tôi là gây sốc. Phúc trình phơi bày sự tàn nhẫn và sự tương phản hoàn toàn với những giá trị của chúng ta trong tư cách một quốc gia.”

Một số giới chức chính phủ và thành viên Quốc hội lo ngại rằng các nhóm cực đoan sẽ sử dụng những gì mà phúc trình phơi bày để tăng cường cho các mục tiêu bài Mỹ.

Dân biểu Mike Rogers, thuộc Ðảng Cộng hòa, đại diện bang Michigan, phát biểu như sau:

“Họ không cần biết chính xác, hoặc đúng sai; họ chỉ cần tin là đúng và họ sẽ lợi dụng điều đó. Chúng tôi biết chắc guồng máy tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo sẽ làm như vậy. Đây sẽ là một cơ hội bằng vàng đối với họ.”

Quân đội Hoa Kỳ đã đặt hàng ngàn binh sĩ trong tình trạng cảnh giác cao trong lúc chờ phúc trình được công bố, đề phòng các phái bộ của Hoa Kỳ ở nước ngoài bị tấn công.

Dân biểu Rogers nói:

“Việc này chắc chắn sẽ kích động bạo lực, và có thể sẽ phải trả giá bằng những sinh mạng.”

Chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush đã bị chỉ trích nặng nề khi một số chi tiết bị tiết lộ về các kỹ thuật tra tấn tàn nhẫn được sử dụng tại các nhà tù bí mật của CIA ở nước ngoài, tiếp theo sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Sau đó các nhà tù bí mật đã bị đóng cửa.

Nhưng phúc trình mới này theo trông đợi sẽ cho thấy rằng chương trình tra tấn đó vẫn tiếp tục ngay cả sau khi được chứng minh là không có hiệu quả. Cựu giám đốc CIA Michael Hayden bác bỏ các cáo buộc trong phúc trình, khi ông nói chuyện trong chương trình Face the Nation trên kênh truyền hình CBS:

“Phải là một người có trí tưởng tượng rất phong phú mới có thể nói rằng trong suốt một khoảng thời gian kéo dài sau đó, chúng tôi không ngừng lừa dối mọi người về một chương trình chẳng mang lại một tí hiệu quả nào.”

Tổng thống Barack Obama lúc trước đây trong năm thừa nhận rằng một số kỹ thuật được sử dụng có thể lên tới mức tra tấn:

“Chúng ta có tra tấn một số người. Chúng ta đã làm những điều đi ngược lại với giá trị của chúng ta.”

Tòa Bạch Ốc nói Tổng thống Obama ủng hộ việc Ủy ban Tình báo Thượng viện phổ biến phúc trình này.

Người phát ngôn Josh Earnest của Tòa Bạch Ốc nói:

“Chính quyền mạnh mẽ ủng hộ việc phổ biến bản tóm lược đã được giải mật của phúc trình này. Tổng thống Obama ngay ngày đầu hay ngày thứ hai sau khi nhậm chức đã tiến hành những bước bằng quyền hành pháp để chấm dứt sử dụng các kỹ thuật thẩm vấn mà sẽ được mô tả rõ hơn trong phúc trình.”

Tin tức báo chí cho biết phúc trình sẽ mô tả chi tiết những kỹ thuật thẩm vấn khủng khiếp như không cho ngủ, và “waterboarding” làm cho người bị thẩm vấn có cảm giác như bị chết đuối.

Nhà Trắng nói sẽ tăng cảnh báo an ninh tại các sứ quán và căn cứ ở nước ngoài trước khi ra phúc trình về cách thức thẩm vấn của CIA.
Một người phát ngôn của chính phủ Mỹ nói các đại sứ quán và cơ sở của Mỹ cần chuẩn bị tinh thần vì “có chỉ dấu” về “tăng nguy cơ” an ninh.

Phúc trình này ra mắt chậm trễ vì tại Washington đã có nhiều tranh cãi liệu có nên công bố nó hay không.

Bản phúc trình chính thức, đầy đủ với 6.000 trang, do Ủy ban Tình báo của Thượng viện tổng hợp, được bảo mật.

Phe Dân chủ tại Thượng viện quyết định công khai bản tóm lược dài 480 trang.

Tổng thống Barack Obama đã dừng chương trình tra khảo của CIA khi ông lên nắm quyền năm 2009, và sau đó thừa nhận rằng một số phương pháp dùng để lấy cung tù nhân al-Qaeda gần giống như tra tấn.

Trong thời kỳ George W Bush làm tổng thống, trong chiến dịch chống al-Qaeda của CIA – được biết dưới tên Rendition, Detention and Interrogation – khoảng 100 nghi phạm khủng bố đã bị giam giữ tại “những địa điểm đen” bên ngoài nước Mỹ.

Những người này bị tra khảo bằng các hình thức như cho ngộp nước, đánh đập, chửi bới, giam ngoài trời lạnh và không cho ngủ.

Thông tin rò rỉ về phúc trình của Thượng viện lần đầu tiên xuất hiện hồi tháng Tám năm nay, khiến ông Obama phải tuyên bố: “Chúng ta đã có hành động đi ngược lại các giá trị của chúng ta.”

Ông tổng thống sau đó nói thêm rằng ông cho rằng giới chức đã sử dụng các biện pháp mạnh tay vì “áp lực khổng lồ” đặt lên họ nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công khác ở nước Mỹ.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã tổ chức điều tra về chương trình của CIA năm 2012 nhưng không đưa ra truy tố hình sự nào, gây tức giận trong các tổ chức quyền dân sự.

Hoan nghênh phúc trình

Người phát ngôn của Nhà Trắng Josh Earnest nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng chính phủ Obama hoan nghênh việc công bố phúc trình, nhưng cho rằng có “một số chỉ dấu” nó sẽ dẫn đến nguy cơ an ninh tại các cơ sở của Hoa Kỳ trên thế giới.

Ông Earnest nói: “Chính phủ đang có các biện pháp để bảo đảm tăng cường an ninh một cách thích hợp”.

Ngoại trưởng John Kerry trước đó đã yêu cầu chủ tịch Ủy ban Tình báo Dianne Feinstein “cân nhắc” thay đổi thời gian ra phúc trình.

Tuy nhiên ông Earnest nói thật khó có thể tìm ra thời điểm lý tưởng để công bố nó.

Cho dù có cáo buộc rằng các nhân viên CIA đã vượt quá các thẩm quyền tra hỏi của chính quyền Bush, ông cựu tổng thống đã lên tiếng bảo vệ CIA trên truyền hình Mỹ.

Ông nói trên kênh CNN hôm Chủ nhật: “Chúng ta rất may mắn đã có các nhân viên CIA cả nam lẫn nữ hoạt động vất vả để phục vụ cho chúng ta”.

“Họ là người yêu nước và nếu như bản phúc trình có nói gì để giảm nhẹ đóng góp của họ với đất nước thì đó cũng là điều không đúng đắn.”

Một số nhân vật khác cũng chỉ trích bản phúc trình sắp ra, trong đó có thông tin nói CIA đã nói dối một số quan chức chủ chốt của chính phủ về chương trình của mình.

Cựu giám đốc CIA Michael Hayden nói với báo New York Times: “Chúng tôi không bảo vệ việc tra tấn. Chúng tôi bảo vệ lịch sử”.

Bản phúc trình về CIA là thành quả của nhiều năm nghiên cứu của Ủy ban Tình báo thượng viện, hiện do phe Dân chủ nắm. Phe Cộng hòa tại đây cũng dự tính sẽ ra phúc trình riêng.

Bản tóm lược đã được quyết định công bố từ hồi tháng Tư. – VOA, BBC