Bí ẩn bao trùm ba vụ án “Nam Kỳ” – Lâm Lễ Trinh
III. Cộng sản xử tử hình Trần Văn Bá.
Sinh ngày 14.5.1945 tại Sa đéc, Trần Văn Bá là thứ nam của cố dân biểu Trần Văn Văn và vừa tròn 17 tuổi khi thân phụ bị thảm sát ngày 7.12.1966. Ngày 2.1.1967, Bá qua Paris, đoàn tụ với anh là kỷ sư Trần Văn Tòng, ghi tên vào trường trung học Carnot và sau đó, Michelet để chuẩn bị lấy bằng Tú tài. Vì rớt hạch miệng tại trường Cao đẳng thương mãi HEC, Bá đổi qua môn kinh tế và thi đậu bằng cử nhân tại Đại học Assas (thiên hữu) năm 1971. Bá được tuyển dụng làm phụ tá giáo sư tại trường Đại học Nanterre, nổi tiếng thiên tả, mặc dù Bá hoạt động hăng hái trong phong trào sinh viên Việt chống cộng. Bá không bô trai, hom hem gầy yếu, độc thân, ít nói. Sau cái vó “con cóc chết”, Bá cởi mở, chân tình, lạc quan, luôn luôn xung phong lãnh việc khó, giúp mọi người, bởi thế, thu hút cảm tình mọi giới. Vì mang một vết son lớn trên trán, Bá được bạn bè tặng cho biệt danh Bá Đầu Đỏ. Ăn bận xuềnh xoàng, không thích tán gái, sống khắc khổ trong một căn gác nghèo tại Bourg-la-Reine, Bá thường la cà nơi tiệm cà-phê Châlet du Parc, tại Parc Montsouris để tán gẩu với bạn học cũ tại Lycée Yersin Đà lạt. Bá mê Adam Smith, thích xem phim xưa loại Le Pont de la Rivière Kwai, La Grande Illusion, Pour qui sonne le glas.
Ngoài việc giảng huấn, Bá xông xáo hoạt động thanh niên, tổ chức trại hè Nối Vòng tay lớn 1973, và cổ động trí thức thành tài về nước phục vụ. Năm 1972, Bá đắc cử chủ tịch Tổng hội sinh viên VN, giữ chức này bốn khóa, cổ võ xây dựng cộng đồng, chống tuyên truyền của cộng sản Hànội… Tháng 4.1975, Sàigòn thất thủ. Mất tòa Đại sứ, mất Câu lạc bộ, mất trụ sở, Ban chấp hành Tổng hội sinh viên rút về ngoại ô Paris, trên lầu 6 của một chung cư, đường Maréchal Joffre. Giới người Việt ở Pháp hoang mang tột độ.
Ngày 30 tháng tư, trong cảnh hỗn loạn, Bá (30 tuổi) giữ bình tỉnh, chạy đến Phòng lãnh sự VNCH, đại lộ de Villiers Paris. Ông đại sứ tự ý giải nhiệm. Tòa Đai sứ tuyên bố đóng cửa chính thức ngày thứ sáu. Nhưng Tổng hội sinh viên vẫn tồn tại, đưa lưng gánh vác một gia tài tủi nhục. Với một số bạn, Bá phụ đốt các hồ sơ, cấp phát chứng thơ cần thiết cho kiều bào, chuyển sách vở, phim ảnh vể những điểm mật của Tổng hội sinh viên. Bá tuyên bố: “Sinh viên tiếp tục đấu tranh. Hãy giúp chúng tôi!” Tới phút chót, lúc 6 giờ chiều, đại sứ Nguyễn Duy Quang trao cho Bá một ngân phiếu khiêm nhượng, tiền dư bạc thừa, quỹ đen, quỹ đỏ. Sáng thứ hai, khi đại diện của Tổng hội ra băng để lãnh thì trương mục của Sứ quán đã đóng từ tuần trước!
Bá không nản chí, luôn luôn đứng đầu mũi dùi. Dù thiếu phương tiện, dù bị hăm dọa từ mọi phía. Tổng hội sinh viên cắn răng hoạt động. Tết 1976, Bá và các bạn tổ chức biểu tình đả đảo Hanoi tại Salle de la Mutualité với khẩu hiệu “Ta Còn Sống Đây!” Tổng hội xoay qua đón tiếp, giúp đỡ và ủy lạo – với tiền ít nhưng lòng nhiều! – các đợt sóng thuyền nhân đầu tiên. Bá chỉ huy, tổ chức (đôi
khi… ”xà ngầu”),và phát ngôn không hùng hồn nhưng chinh phục mọi người vì tân tụy hết mình, làm việc bất kể giờ giấc, cắt liên lạc với mẹ, anh và chị sống tại Paris.
Năm 1977, khi Phạm Văn Đồng viếng Paris, Bá và các bạn xuống đường, đánh lộn bằng gậy, gộc, cây, búa với phe Việt kiều cộng sản, Tây cộng và sinh viên ngoại quốc thiên cộng, đông hơn. Kết quả: cuộc triển lãm và hội thảo CS tại cư xá sinh viên quốc tế đường Jourdan phải hủy bỏ. Vì lý do an ninh.
Bá nói: “Người ta nói chúng tôi nhận tiền của CIA, bị Bắc Kinh giựt giây. Không ai biết tôi đang khám phá con người thật của tôi.”. Rồi mẹ của Bá vượt đến Pháp trong số thuyền nhân. Bá mất việc làm, phải nhờ anh là kỹ sư Tòng phụ cấp.
Tòng hỏi Bá: “ Đây có phải là lúc chống cự như vậy hay không? Cậu sẽ phải lội qua đại dương!!”. Bá cười: “Đó là con đường ít bị kẹt nhứt. Khi Hồ, Giáp và Đồng bắt tay vào business của họ, họ chỉ là 4 hay 5 người. Lúc đó, đảng CS yếu xìu. Dân nghèo đã khuyến khích họ ”Đúng thế, Bá nghĩ rằng vấn đề dân chủ và thuyền nhân phải được giải quyết tại Việt Nam, bằng sự tranh đấu bên trong. Nếu người Việt không tự giúp, ai sẽ giúp họ?
Nói là làm. Lối 1979, Bá biệt tích tại Pháp. Tin đồn Bá bí mật bay qua Bangkok, vào Thái lan, Cam bốt, Việt Nam. Bá về bưng. Ngày 6.6.1982, Bá viết thơ từ nước Thái: “ Tôi vẫn mạnh khoẻ. Rất khó, khó thật. Nhưng tôi thấy tôi mạch lạc với chính tôi và đoàn kết với đất nước tôi, nghèo nàn, khốn khổ, đói rách. Tương lai Việt Nam tùy thuộc nơi thành phần đối kháng bên trong, không phải nơi các chính trị gia lưu vong.” Trong môt bức thơ khác, Bá than: “Điều khủng khiếp nhứt là sự cô đơn. Tìm đâu ra những giá trị nhân bản, tôn giáo, trí tuệ? Đừng nói những gì chúng tôi đang làm là vô bổ.”
Chiều 11.9.1984, có tin Trần Văn Bá bị bắt với (cựu phi công) Mai Văn Hạnh tại Minh Hải trong lúc công tác, trên chiếc xe hơi của một cán bộ cao cấp CS. Vì bất cẩn hay vì bị gài bẫy? Ngày 8.1.1985, tại Nhà Hát lớn Saigon, trụ sở của Hạ viện cũ thời quốc gia, Tòa án Nhân dân Tối cao – sắp xếp như một trò hề công lý, một vở tuồng cải lương – tuyên xử Bá và 20 can phạm khác thuộc Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải Phóng Việt Nam về tội “phản bội tổ quốc, chống phá cách mạng”.
Các “chiến lợi phẩm tịch thu được từ các kháng chiến quân” được triển lãm ở nơi đây. Nhà chức trách còn đặt nhiều máy phóng thanh tại công trường Lam Sơn để dân chúng – trên 1000 – theo dõi diễn tiến của vụ án từ bên ngoài.
Trong bản cáo trạng, công tố viện Trần Tế cho biết: ngay từ đầu tháng giêng 1981 cho đến tháng 9.1984, cơ quan an ninh Nhà nước đã phát hiện được “mười toán gián điệp” xâm nhập vào VN với sự hỗ trợ của Trung quốc, Thái lan và Hoa kỳ. Tổng cộng 119 người, bị bắt giam hoặc giết chết.
Cá nhân Bá bị truy tố về tội đã chỉ huy, từ 1981 cho đến tháng 9.1984, nhiều nhóm kháng chiến xâm nhập VN, một chuyến đường bộ từ Thái lan về An giang với sự giúp đỡ của phe Pol Pốt và chín chuyến đường biển từ Thái đến mật cứ ở Minh Hải và Phú Khánh, đưa lậu vào VN hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược. Báo Quân đội Nhân Dân số 8456 ghi: “Bá, người thấp, gầy, ra trước Tòa lúc 15 giờ ngày 14.12.1984, thường chỉ nói rất ngắn, rất nhanh”
Ông Lê Quốc Túy đáng lẽ cũng đi cùng toán thứ mười nhưng vì phải vào nhà thương ở Pháp vào giờ chót nên thoát nạn. Ngày 27.12.1984, ông họp báo tại khách sạn sang trọng Lutétia, Paris với tư cách ủy viên đối ngoại của Mặt trận nói trên. Trước báo chí ngoại quốc đông đảo, Túy – trên ngũ tuần – xác nhận lãnh tụ Mặt trận còn ở trong xứ và một số chiến sĩ của tổ chức đã bị bắt từ 1980. Một trận đánh lớn đã xảy ra tại Hà Tiên gây thiệt hại cho khoản 120 cán binh Việt cộng. Theo ông Túy, không có nước nào giúp. Súng đạn do chính cán bộ hồi chính CS cung cấp hay binh lính CS bán lại. Trong số 21 người bị xử, có hai cựu cán bộ cao cấp CS.
Đồng minh của Mặt trận là kháng chiến khờ-me. Mặt trận không có liên lạc với nhóm Hoàng Cơ Minh nhưng nếu cần, sẵn sàng giúp đỡ. Trả lời một câu hỏi, Túy cho biết Mặt trận, trong giai đoạn hiện tại, chưa chủ trương thiết lập những vùng giải phóng mà chỉ chú trọng xây dựng những cơ cấu nhỏ để từ đó, xâm nhập vào guồng máy và hàng ngũ bộ đội CS. Đáp một câu hỏi khác, Túy xác nhận số võ khí do CS trưng bày tại Tòa án là thực nhưng “chúng tôi còn nhiều hơn thế nữa.”
Điểm đáng lưu ý: Bản cáo trạng có ghi Mặt trận của Lê Quốc Túy được sự hậu thuẫn của cố Thủ tướng Trần Văn Hữu, nhóm Lai Hữu Tài, Lai Hữu Sang và nguyên nghị sĩ Hòa Hảo Lê Phước Sang (đọc bài Vụ án Yên Báy 84 của Trần Phổ Minh, trong Tuyển tập Trần Văn Bá)..
Trần Quốc Mạnh, một trong các luật sư (quốc doanh) được chỉ định để biện hộ thí cho nhóm bị can, làm cho các khán giả nực cười khi y tuyên bố: “Các can phạm đã vi phạm luật. Không ai bào chửa cho họ được vì họ là những người tội đồ phản quốc”. Tại phiên Tòa, Hồ Thái Bạch bị đàn áp bằng dùi cui khi lớn tiếng phản đối. Huỳnh Vĩnh Sanh bị bịt miệng khi hô to “VN Cộng hòa muôn năm!” Sau bốn ngày diễn trò bịp bợm, Tòa tuyên án
1) Tử hình: Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, Huỳnh Vĩnh Sanh, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch
2) Chung thân: Trần Nguyên Hùng, Tô Văn Hườn, Hoàng Đình Mỹ.
3) Từ 8 đến 20 năm tù: 13 kháng chiến quân còn lại.
Nhiều cuộc biểu tình xảy ra ở ngoại quốc để phản đối nhà cầm quyền cộng sản, Đức Giáo hoàng và Tổng thống và Thủ tướng Pháp cùng nhiều nhân vật chính trị và tôn giáo trên thế giới can thiệp.
Mười bốn hội đoàn thanh niên tại Đan Mạch, Đức, Thụy sĩ, Bỉ và Pháp xuống đường tố cáo Hanội.
Trần Văn Tòng, anh của Bá, phối hợp một Ủy ban quốc tế để tranh đấu cho các tội nhân. Lễ cầu an được tổ chức khắp nơi.
Dưới áp lực quốc tế, nhà cầm quyền Việt nam đổi án tử hình của hai can phạm có Pháp tịch là Mai Văn Hạnh và Huỳnh Vĩnh Sanh thành khổ sai chung thân. Trần văn Bá (mặc dù mang sổ thông hành Pháp), Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch bị hành quyết tại khám đường Thủ Đức ngày 8.1.1985. Một thông cáo vắn tắt của Nhà nước cho biết tin này. Xác của các tử tội không được trả lại cho gia đình.
Trên 3.000 đồng bào VN biểu tình tuần hành tại Paris ngày 10.1.1985 từ Maison de la Radio, quận 16, đến trước sứ quán Việt cộng để tỏ sự căm phẫn với bạo quyền Hànội. Hiện nay Lê Quốc Túy ở đâu? hoạt động ra sao? Không ai được biết.
Vụ án Trần văn Bá và chiến hữu làm sống lại khí phách của vụ Yên Bái năm 30. Đây là vụ Yên Bái 84. Vụ đầu, kháng thực dân Pháp. Vụ sau, chống độc tài cộng sản, ghê tởm hơn nhiều. Liệt sĩ thời đại mới Trần Văn Bá đã gieo hạt giống tốt. Bá không hy sinh vô bổ. Gương của Bá đáng ghi vào sử xanh.
Chống Pháp và Mỹ, Cộng sản đã thắng.
Chống dân tộc Việt, Cộng sản chắc chắn sẽ thảm bại phen này.
Thủy Hoa Trang Californie
THƯ TỊCH:
1- Tiểu luận “Vấn đề địa phương trong chính trường Việt Nam” của Lâm Lễ Trinh, trong tạp chí Thế Giới, Houston ngày 18.5.2001 và Nhân Văn Hải Ngoại, 6.2001
2- Ký ức “Mây Mùa Thu” của Jackie Bông Wright, Virginia, 7.12.2004
3- «Tuyển tập Trần Văn Bá» 14 mai 1945 – 8 Janvier 1885, Paris. (gồm nhiều bài báo)
4- «Trần Văn Bá Tương hội» Paris, 2.8.1999
5- «Việt Nam máu lửa, Quê hương tôi», hồi ký của Hoành Linh Đổ Mậu, CA 19865
6- «Blind Design, Why America lost the VN War?» by Hoàng Lạc & Hà Mai Việt, 1996
7- “Bí mật Hậu trường chính trị Miền Nam, 1954-1975” của Đặng Văn Nhâm 1999