Tin Thế Giới – 05/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 05/12/2014

Hồng Kông: Occupy Central đổi chiến thuật tranh đấu

Một trong những sáng lập viên phong trào Occupy Central kêu gọi thay đổi phương pháp đấu tranh vì chiếm đóng đường phố không mang lại kết quả mong muốn. Ông Đới Diệu Đình (Benny Tai) đề nghị trở lại chiến thuật “bất hợp tác” với chính quyền với quy mô lớn như “không đóng thuế và phong tỏa nghị viện”.

Trong một bài phân tích đăng trên báo Mỹ New York Times, giáo sư Benny Tai, một trong ba nhà sáng lập phong trào “Chiếm lĩnh Trung hoàn” hay Occupy Central cho rằng “đã qua rồi” giai đoạn phong tỏa đường phố để gây áp lực với chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh .

Theo ông, chiếm giữ đường phố là một chiến thuật nhiều rủi ro và ít có cơ may đạt được kết quả. Không ít cảnh sát viên đã không giữ được bình tỉnh dùng bạo lực đàn áp như trong vụ đụng độ ngày thứ hai 01/12.

Rút bài học sau hơn hai tháng tranh đấu và bị cảnh sát đàn áp bằng bạo lực, lãnh đạo Occupy Central nhận định: phong trào dân chủ đã nhận được ủng hộ tối đa có thể có được từ người dân Hồng Kông. Bây giờ đã đến lúc phải thay đổi phương pháp tranh đấu để thuyết phục công luận thấu hiểu cuộc tranh đấu cho dân chủ là vì lợi ích của chính họ.

Từ nhận định này Benny Tai đề nghị chiến thuật “bất hợp tác” với chính quyền như không đóng thuế, không trả tiền thuê nhà do nhà nước quản lý và ngăn chận nghị viện biểu quyết.

Sau khi Occupy Central kêu gọi ngưng phong tỏa đường phố, lực lượng chủ chốt còn lại là Liên đoàn sinh viên Hồng Kông do Hoàng Chí Phong lãnh đạo. Phong trào sinh viên cho biết họ sẽ lấy quyết định tiếp tục bám trụ hay giải tỏa các địa điểm chiếm đóng “trong tuần này”. – RFI

Ukraine loan báo thoả thuận ngưng bắn ngày 9/12 – Hai ngoại trưởng Nga-Mỹ khích bác nhau về vấn đề Ukraine

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ban hành lệnh ngừng bắn mới vào tuần sau, một phần trong nỗ lực chấm dứt nhiều tháng giao tranh với phiến quân thân Nga gần biên giới Nga.

Thông báo hôm thứ Năm cho biết Ukraine sẽ thực thi một ngày yên tĩnh vào thứ Ba để mở đường cho thỏa thuận này. Truyền thông Nga và phương Tây cho biết những lãnh đạo phiến quân nói rằng họ sẽ ủng hộ sáng kiến này.

Thông báo bất ngờ của Ukraine là nỗ lực thứ ba nhằm chấm dứt cuộc chiến nổ ra trên diện rộng hồi tháng 4 và kể từ đó đã khiến hơn 4.300 người thiệt mạng. Một thỏa thuận ngừng bắn ngày 5 tháng 9 đổ vỡ sau mấy ngày, trong khi một thỏa thuận ngừng bắn định sẽ bắt đầu trong tuần này sụp đổ dưới hỏa lực pháo kích ở miền đông chỉ mấy giờ sau khi được công bố.

Hãng tin AFP dẫn một nguồn tin thân cận với ông Poroshenko nói thỏa thuận này sẽ bắt đầu vào ngày 9 tháng 12 bằng việc rút vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến – miễn là phe ly khai cũng tôn trọng thỏa thuận.

Hãng tin Ria Novosti của Nga trích lời một nhà lập pháp của phiến quân ở nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng xác nhận thỏa thuận này. Tuy nhiên ông Andrei Purgin từ chối không bàn luận thỏa thuận liệu sẽ đứng vững được hay không.

Không có bình luận tức thì nào từ Moscow về thông báo này. Liên minh châu Âu và Mỹ cũng không lên tiếng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã trao đổi các nhận định gay gắt về Ukraine tại một cuộc họp quốc tế ở Basel, Thuỵ Sĩ.

Ngoại trưởng Kerry đổ lỗi vụ khủng hoảng Ukraine thẳng cho Nga, trong khi đối tác phía Nga của ông ngồi gần đó.

Hôm thứ Năm, ông Kerry lên án Nga là cung cấp vũ khí và mọi sự hỗ trợ khác cho các phần tử ly khai ở miền đông Ukraine, và vi phạm Công ước Minsk mà Nga đã giúp thương nghị, kêu gọi ngưng bắn cùng với các bước khác để chấm dứt vụ khủng hoảng.

Ông Kerry nói: “Kết quả là sự thiệt hại cho chính tính khả tín của họ và hoá ra người dân của chính họ phải trả một cái giá cao ngất về kinh tế và nhân sự, kể cả cái giá là hàng trăm binh sĩ Nga chiến đấu và hy sinh tính mạng tại một nước mà họ đã không và không có quyền hiện diện.”

Sau đó, một phóng viên đã hỏi ngoại trưởng Lavrov về nhận định vừa kể, vào lúc bắt đầu cuộc họp với Ngoại trưởng Kerry. Ông Lavrov từ chối không trả lời. Nhưng rồi người ta nghe thấy ông thách thức ông Kerry về lời nhận định khi họ ngồi vào bàn hội đàm, đặt câu hỏi vì sao, nếu như hàng trăm binh sĩ Nga đã chết ở Ukraine, mà không thấy chiếu hình ảnh trên các chương trình truyền hình tin tức.

Trong quá khứ, Nga đã từng nói bất cứ binh sĩ nào của họ chiến đấu ở miền đông Ukraine đều làm việc đó với tư cách tự nguyện ngoài giờ làm việc. Nhưng Nga đã đưa ra những tuyên bố tương tự trong cuộc xâm lăng Crimea, và sau đó thú nhận là những người vũ trang hùng hậu mặc quân phục màu xanh lá cây không có phù hiệu là quân đội của Nga.

Ngoại trưởng Kerry nói các quy định và nguyên tắc của hệ thống quốc tế phải được thực thi, rõ ràng là ông muốn đề cập đến việc quốc tế bác bỏ việc Nga sáp nhập Crimea, và đến các biện pháp trừng phạt kinh tế đã được áp dụng để tìm cách đảo ngược tình thế, và để chấm dứt sự can thiệp của Nga ở miền đông Ukraine.

Nhưng ông nói cộng đồng quốc tế không mưu tìm sự đối đầu.

Ông Kerry nói: “Moscow có thể xây dựng lại sự tin tưởng và các mối quan hệ, nếu như họ chỉ đơn giản giúp làm lắng dịu tình hình rối ren.”

Lavrov bác bỏ lời chỉ trích thái độ của Nga và nói Nga ủng hộ thoả thuận Minsk.

Lavrov nói các chuyên gia quân sự Nga đang hợp tác với chính phủ Ukraine để định ra một lằn ranh ngưng bắn, có thể dẫn đến việc triệt thoái vũ khí hạng nặng của cả hai bên. Ông cũng lập lại yêu cầu của Nga mở các cuộc đàm phán trực tiếp giữa chính phủ Ukraine và những người lãnh đạo cả hai khu vực tự xưng là độc lập ở miền đông Ukraine.

Một giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay trong cuộc họp riêng giữa hai bên, ông Kerry nói với Lavrov rằng Nga nên “trở lại các cuộc thảo luận nghiêm túc” về một cuộc ngưng bắn ở Ukraine.

Hai nhân vật đã nói chuyện tại một cuộc họp của 57 vị ngoại trưởng thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, mới chỉ phái các quan sát viên quốc tế ở miền đông Ukraine trong mấy tháng giao tranh vừa qua.

Tại cuộc họp, tân ngoại trưởng Ukraine, Pavlo Klimkin, nói rằng các hành động của Nga đã gây phương hại cho an ninh của toàn bộ châu Âu:

“Điều chúng ta cần không phải chỉ là một cuộc ngưng bắn ngụy tạo, một hình thức tiếp theo một cuộc chiến tranh nguỵ tạo, điều chúng ta cần là một cuộc ngưng bắn song phương thực sự.”

Ông Klimkin cũng kêu gọi phóng thích con số mà ông nói là “lên tới 500” con tin mà phe đòi ly khai đang cầm giữ. Ngoại trưởng Kerry cũng kêu gọi phóng thích những người này, cùng các biện pháp làm giảm nhẹ sự đau khổ mà thường dân phải chịu đựng trong các khu vực đòi ly khai. – VOA

Tin Hoa Kỳ

Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật ngăn quyết định của Tổng Thống về di trú

Hạ viện Mỹ vừa thông qua một dự luật ngăn Tổng thống Barack Obama thực thi lệnh hành pháp ngưng trục xuất gần 5 triệu di dân không có giấy tờ hợp lệ. Quyết định mới đây của tổng thống về di trú làm hầu hết các nhà lập pháp đảng Cộng hòa tức giận. Họ cho rằng tổng thống đã vượt quá quyền hạn hiến định của ông. Tuy nhiên dự luật này chủ yếu được xem như là một thông điệp chính trị gởi tổng thống. Thông tín viên VOA Cindy Saine tường thuật tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ.

Các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội lên tiếng kêu gọi ủng hộ dự luật do dân biểu Ted Yoho đề xuất nhằm vô hiệu hóa lệnh hành pháp có tác động rộng lớn mà tổng thống ban hành trong tháng trước để che chở cho hàng triệu di dân khỏi bị trục xuất.

Dân biểu Cộng hòa Tom McClintock nói tổng thống đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng về hiến pháp qua hành động đơn phương như thế:

“Nếu để yên cho tổng thống hành động trong vụ này thì việc phân quyền và hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực cấu thành nền tảng hiến pháp của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa.”

Tòa Bạch Ốc nói tổng thống hành động trong quyền hạn hiến định của ông để đình hoãn việc trục xuất cha mẹ của các công dân Mỹ và con cái là những thường trú nhân để giúp cho gia đình được đoàn tụ. Tòa Bạch Ốc công bố một thông báo cho biết nếu dự luật của Hạ viện được chuyển đến tổng thống, chắc chắn ông sẽ phủ quyết dự luật này. Về phía Thượng viện, Lãnh tụ Khối Dân chủ đa số, Thượng nghị sĩ Harry Reid đã nói sẽ không đưa dự luật ra biểu quyết.

Các nhà lập pháp Dân chủ nói cựu tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan cũng ban hành lệnh hành pháp để che chở cho các di dân bất hợp pháp, và ông không bị cáo buộc gây nên khủng hoảng hiến pháp. Dân biểu Dân chủ Luis Gutierrez đứng bên cạnh ảnh bằng giấy lớn bằng người thật của tổng thống Ronald Reagan. Ông đổ lỗi cho đảng Cộng hòa tại Hạ viện không thông qua dự luật cải cách di trú mà Thượng viện đã thông qua trong năm 2013. Ông nói:

“Rõ ràng là đảng Cộng hòa đa số tại Hạ viện thích bỏ phiếu tượng trưng thay vì thông qua những giải pháp pháp lý thực tế và lâu dài.”

Các nhà phân tích nói cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua là một phương cách để những thành viên Cộng hòa trong Hạ viện giải toả sự căm phẫn để có thể tiến tới và thông qua luật chi tiêu của chính phủ vào tuần tới.

Chủ tịch Hạ viện, dân biểu Cộng hòa John Boehner cho biết ông sẽ hoãn lại một sự đối đầu về ngân sách cho đến khi Quốc hội được triệu tập vào tháng Giêng tới. Ông nói:

“Tuần tới, Hạ viện sẽ làm việc để giữ cho chính phủ vẫn hoạt động, trong khi vẫn nắm vững ảnh hưởng của chúng ta, để khi chúng ta củng cố quyền lực tại Thượng viện, chúng ta sẽ ở một vị thế mạnh nhất để tiến hành thêm các biện pháp chống lại các quyết định đơn phương của tổng thống.”

Đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Thượng viện vào tháng Giêng sang năm, nhưng trước khi Quốc hội nghỉ lễ, cả hai Hạ viện và Thượng viện phải thông qua luật chi tiêu để tránh phải đóng cửa một số cơ quan chính phủ, giống như trường hợp đã xảy ra trong 16 ngày vào tháng 10 năm 2013. – VOA

Biểu tình phản đối sự thô bạo của cảnh sát tiếp diễn ở các thành phố Mỹ

Các cuộc biểu tình ở New York và các thành phố khác tiếp diễn hôm Thứ năm, tiếp theo quyết định của một đại bồi thẩm đoàn New York không truy tố một cảnh sát viên da trắng trong cái chết của một người Mỹ gốc Phi châu không mang vũ khí. Thông tín viên VOA Carolyn Weaver tường thuật từ New York.

Người biểu tình ở New York và các thành phố Mỹ, từ Chicago đến Minneapolis, hôm qua đã phản đối quyết định của một đại bồi thẩm đoàn New York không truy tố một cảnh sát viên da trắng trong vụ kẹp cổ chết ông Eric Garner, một người Mỹ gốc Phi châu. Vụ này đã trở thành một điểm nóng khác về vấn đề cảnh sát sử dụng vũ khí quá đáng nhắm vào những người da màu ở nhiều thành phố Mỹ, như Tổng thống Obama đã thừa nhận hôm qua:

“Có quá nhiều người Mỹ cảm thấy bất công sâu xa khi nói tới sự cách biệt giữa các lý tưởng mà chúng ta quảng bá và cách thức các luật lệ được áp dụng trên cơ sở hàng ngày.”

Sinh viên sắp tốt nghiệp Monica Melton tham gia biểu tình ở New York hồi xế chiều, trước khi các cuộc biểu tình ôn hoà làm nhiều tuyến đường chính phải đóng cửa:

“Chiều hướng đã trở nên thực sự đáng lo ngại và tai hại do các vụ Michael Brown, Eric Garner và vô số những vụ khác. Tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ, và nói rằng đây không phải là điều có thể dung chấp.”

Thị trưởng New York Bill Di Blasio nói lực lượng cảnh sát thành phố sẽ tiến hành 3 ngày tái huấn luyện – để giảm thiểu việc sử dụng lực lượng một cách không cần thiết, và đem lại sự tin tưởng cho tất cả người dân New York rằng họ sẽ được đối xử một cách bình đẳng:

“Họ cần phải biết rằng trong khi thi hành công tác cấp thiết này, cảnh sát của chúng ta sẽ luôn luôn dốc toàn tâm toàn lực, tránh mọi thương tích vô ích, và lạy Chúa, tránh mọi cái chết có thể ngăn được. Dân chúng cần phải biết điều đó, họ cần phải cảm nhận được điều đó.”

Tại Cleveland, Ohio, nơi cảnh sát bắn chết em Tamir Rice 12 tuổi hồi tháng 11 – em này đang cầm một khẩu súng giả – Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder nói cuộc xét duyệt cảnh sát Cleveland kéo dài gần 2 năm nhận thấy có một khuôn thuớc sử dụng vũ lực quá đáng – và cơ quan này sẽ được đặt dưới sự giám sát của liên bang:

“Thành phố đã thừa nhận rằng các kết quả điều tra về cơ quan này nêu lên những vấn đề quan trọng đối với dân chúng trong khắp cộng đồng này, và cùng nhau, chúng ta đã đồng ý với một tuyên ngôn về các nguyên tắc sẽ dẫn tới một thoả thuận giải quyết vấn đề được toà án thi hành.”

Trong số những người biểu tình ở Washington, có sinh viên Nicole Dashiell lớn lên ở Cleveland:

“Thị trấn quê nhà tôi cuối cùng cũng bị tác động của bạo lực cảnh sát mang tính phân biệt chủng tộc, và tôi chỉ muốn cho thế giới biết rằng rất nhiều người Mỹ bất bình về sự kiện này, và muốn có thay đổi.”

Các nhà lãnh đạo dân quyền, kể cả mục sư Al Sharpton, đã thông báo một cuộc biểu tình toàn quốc vào ngày 13 tháng này tại thủ đô Washington. – VOA