Tin Thế Giới – 04/12/2014
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đến Thụy Sĩ để hội đàm về Ukraine
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry đang có mặt tại Thuỵ Sĩ để hội đàm về vụ khủng hoảng đang diễn tiến ở Ukraine với các nhà ngoại giao hàng đầu của các nước trong Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu.
Trong khi ở Basel, ngoại trưởng Kerry cũng dự kiến họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào lúc quan ngại gia tăng về sự ổn định của thoả thuận ngưng bắn trong tuần này giữa Ukraine và các binh sĩ đòi ly khai được Nga hậu thuẫn.
Bên ngoài cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE, người biểu tình đòi nhóm các nhà ngoại giao này làm áp lực với Nga để chấm dứt cuộc xâm lấn ở Ukraine.
Một người biểu tình nói ông đến đây để cho OSCE thấy rằng công tác họ đang làm chưa đủ bởi vì chúng ta vẫn đang có chiến tranh ở Ukraine và nhiều người đang chết.
Một người khác nói họ đi biểu tình để yêu cầu OSCE hỗ trợ thêm cho Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga và cũng để giải phóng cho các tù nhân chính trị của Ukraine.
Hôm qua, chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu Didier Burkhalter nói cuộc ngưng bắn đang được xem xét với sự lạc quan dè dặt:
“Tôi không muốn đưa ra thẩm định chung cuộc về tình hình nhưng tôi có thể nói rằng phải, đó là tin tốt và đi đúng theo chiều hướng mà OSCE muốn. OSCE muốn rằng có, với nhóm tiếp xúc ba bên, một cuộc đối thoại thường xuyên giữa Ukraine, Nga, phe đòi ly khai và OSCE, và chúng tôi muốn dùng cuộc đối thoại trực tiếp và khung sườn này, để đạt được những cải thiện trong mọi yếu tố, trong yếu tố có thể có được thoả thuận Minsk.”
Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama tuyên bố ông nghi ngờ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thay đổi lập trường về vai trò gây tranh cãi của Nga ở miền đông Ukraine, cho đến khi toàn lực các biện pháp chế tài kinh tế Tây phương có tác động trong nước. Ông nói:
“Ông đã tự khắc chế ra một đường lối dân tộc nhìn về quá khứ trong chính sách của Nga khiến cho các nước láng giềng của ông khiếp vía và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước ông. Và các biện pháp chế tài đang tác động mạnh đến nền kinh tế của họ”
Ông Obama nói với một diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Washington, hôm thứ Tư, rằng ông tin là Nga đã bị “bất ngờ” hồi đầu năm nay trước các cuộc biểu tình chống Nga của quần chúng ở Kiev.
Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận việc can dự trực tiếp vào vụ khủng hoảng Ukraine. Cuộc nổi dậy thân Nga ở miền đông Ukraine đã làm thiệt hại hơn 4.300 sinh mạng. – VOA
TT Putin: ‘Nga tự phát triển bất chấp khó khăn’, bênh vực việc sáp nhập Crimea – Cựu Bộ Truởng Nga: vấn đề kinh tế Nga mang tính cơ bản
Trong diễn văn về tình hình quốc gia trước Viện Duma, Tổng thống Vladimir Putin ca ngợi nền văn minh Nga và nói nước này có chủ quyền ‘tìm con đường phát triển riêng’.
Đọc trước hơn 1000 dân biểu Quốc hội và các quan chức cao cấp của Nga và các cộng hòa thuộc Nga hôm 4/12/2014, Putin nhấn mạnh đến ‘thành tích’ đưa Crimea và Sevastopol về với Nga.
Putin nói đến sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea thuộc về Ukraine hồi tháng 3, gây phản đối từ Ukraine và châu Âu: “Đó là sự thống nhất mang tính lịch sử đưa Crimea và Sevastopol về với Nga.”
“Với Nga, Crimea có ý nghĩa thiêng liêng và văn minh vĩ đại.”
Dù đã sáp nhập Crimea bất chấp sự phản đối của Kiev, nay Putin cũng vẫn gọi người Ukraine là ‘anh em’.
Putin cũng nhấn mạnh đến quyền không tách rời và chủ quyền của mỗi quốc gia chọn con đường phát triển riêng.
“Nga luôn luôn tôn trọng quyền đó, và điều đó áp dụng với cả Ukraine, dân tộc Ukraine anh em.”
Putin tiếp tục đổ lỗi cho Kiev, coi chính biến tại đây hồi tháng 2 là “cuộc đảo chính”. Về kinh tế, Putin nhấn mạnh “Nga sẽ vẫn mở cửa cho đầu tư nước ngoài” và không ngừng “hợp tác với châu Âu”.
Nguy cơ suy thoái
Trong khi ông đọc bài diễn văn, thừa nhận đồng tiền Nga mất giá, vẻ mặt nhiều người trong cử tọa Nga, gồm cả thủ tướng Dmitry Medvedev trên truyền hình có vẻ lo lắng. Họ vỗ tay lẻ tẻ, không hề cười mà có nét mặt mệt mỏi. Hôm đầu tuần, đồng rúp Nga rớt giá xuống mức thấp nhất từ 1998.
Giá dầu thế giới sụt và cấm vận tài chính của Phương Tây là các yếu tố tác động mạnh đến kinh tế Nga.
Các chuyên gia cho rằng việc nhận về Crimea và chi tiêu cho các phe phái miền Đông Ukraine cũng đang là gánh nặng cho kinh tế Nga.
Chính phủ Nga cho hay nếu không có biện pháp hiệu quả, kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2015.
Nay, Putin nói Nga vẫn có nhiều tiềm năng tự phát triển “bất kể những gì xảy ra bên ngoài”.
Putin còn nói đồng tiền mất giá có thể còn giúp cho các công ty Nga sản xuất và xuất khẩu nhưng họ phải biết tự cố gắng.
Cùng ngày, tại Grozny, thủ đô của Chechnya ở vùng Caucasus của Nga, có ba cảnh sát viên và sáu tay súng bị giết trong ngày thứ Năm trong một vụ tấn công vào sáng sớm.
Trong bài diễn văn hàng năm đọc ngày hôm nay, Putin cho rằng Crimea là phần đất tâm linh của Nga. Về vấn đề chế tài, Putin nói rằng “khi có người nghĩ rằng Nga trở nên hùng mạnh, độc lập thì những biện pháp như vậy được áp dụng ngay.”
Trong bài diễn hôm nay, Putin cho biết Quỹ Tài sản Quốc gia của Nga nên được dùng để hỗ trợ cho các ngân hàng trong nước. Putin nói rằng tính đến ngày 1 tháng 11, quỹ này có 81,7 tỉ đô la. Đây là quỹ được lập ra với mục đích phòng hờ sự thiếu hụt của các quỹ hưu trí trong tương lai.
Giá trị đồng rúp của Nga trong tuần này xuống đến mức thấp nhất trong vòng một phần tư thế kỷ. Giá dầu cũng sụt giảm khi các giới chức tài chánh thay đổi dự báo về kinh tế trong năm tới từ tăng trưởng ít sang suy thoái. Nền kinh tế Nga bị thiệt hại vì những chế tài của Tây phương về vấn đề Ukraine, và các nhà đầu tư nước ngoài đang rời bỏ nước này. Nhưng các kinh tế gia nói các vấn đề cơ bản của Nga còn quan trọng hơn những biến cố tại Ukraine và giá dầu.
Theo dự kiến, kinh tế Nga dự trù sẽ co cụm trong năm 2015.
Giá dầu thấp làm cho đồng rúp xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la, giảm hơn 40% trong năm nay.
Ông Artyom, một doanh gia Nga nói:
“Dĩ nhiên việc này làm tôi lo ngại là giá đông đôla và đồng euro tăng cao. Tôi là một doanh gia. Tôi mua hàng từ Hoa Kỳ. Trước đây tôi trả 30 rúp, nhưng nay tôi phải trả 50 rúp. Thành thật mà nói điều này làm tôi lo ngại. Tôi không biết việc gì sẽ xảy ra tới đây. Tôi nghĩ đến việc mua hàng Trung Quốc và mang về đây. Mối quan hệ với Mỹ đã sụp đổ rồi và tôi sẽ không có hàng của Mỹ. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp.”
Giới hữu trách lo về tài chánh Nga nói sự trừng phạt kinh tế và gia dầu hạ làm cho Nga thiệt hại 140 tỉ đô la mỗi năm.
Nhưng cựu Bộ trưởng Kinh tế Andrei Nechayev nói việc phụ thuộc quá mức của Nga vào xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu, và môi trường đầu tư nghèo nàn là nguồn gốc của vấn đề: “Những vấn đề kinh tế nghiêm trọng bắt đầu trước vụ khủng hoảng Ukraine và trước khi giá dầu sụt giảm. Kể từ năm 2012, những chỉ số kinh tế vĩ mô chính đã sụt giảm với biệt lệ là lạm phát tăng cao.”
Giá tiêu dùng gia tăng vì lệnh cấm nhập thực phẩm của phương Tây để trả đũa. Nhưng tuyên truyền của nhà nước cho đến nay vẫn chú trọng đến việc làm cho công chúng bất bình về điều được gọi là “những kẻ thù nước ngoài .”
Ông Oleg Dibryov, một cư dân địa phương nói:
“Tôi nghĩ hiện nay chỉ trích chính phủ không có ý nghĩa gì cả. Bởi vì hiện nay chúng ta bị cô lập và chúng ta phải đoàn kết. Nếu chúng ta bắt đầu bất đồng ý kiến, thì việc này chỉ làm hại chúng ta.”
Nhưng ông Nechayev nói kẻ thù kinh tế của Nga phát xuất từ ngay trong nước Nga vì nhà cầm quyền đã không có mấy biện pháp để giữ cho hàng tỉ đô la vốn và đầu tư nước ngoài chạy ra khỏi nước Nga.
Cựu Bộ trưởng kinh tế Nechayev nói: “Tôi tin là chúng ta cần phải cải cách lãnh vực doanh nghiệp một cách nghiêm chỉnh để bảo vệ quyền sở hữu tài sản, thiết lập một hệ thống tư pháp thực sự độc lập, và phải chế ngự được căn bệnh tệ hại nhất của đất nước là tham nhũng.”
Nechayev nói dù có suy thoái nhưng mọi việc không đến nỗi tệ như là thời kỳ Nga thoát khỏi Liên Bang Sô Viết và ông được trao trách nhiệm lo về kinh tế. Ông nói:
“Vào thời đó, sự sụp đổ của nền kinh tế là một vấn đề thực sự. Mọi việc báo chí đăng tải đều đúng là Nga có thể không sống qua mùa đông. Các hiểm hoạ đói kém, thiếu các phương tiện chuyên chở công cộng, hỗn loạn, nội chiến có thể xảy ra giống như ở Yugoslavia nhưng lại có liên hệ đến vũ khí hạt nhân – tất cả đều là những hiểm hoạ thực sự, chứ không phải do báo chí thổi phồng lên.”
Nechayev nói một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng như vậy chỉ có thể xảy ra hiện nay nếu giá dầu giảm xuống còn 40 đô la một thùng trong ít nhất một năm.
Đối với hầu hết người Nga, đối phó với cuộc suy thoái sắp tới có nghĩa là đồng rúp mua được ít hàng hoá hơn và nếu có khả năng đi du lịch thì phải chi ra nhiều tiền hơn. – Theo BBC, VOA
Mỹ ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông, Bắc Kinh phản ứng tức tối – Một tổ chức sinh viên Hong Kong xét tới việc chấm dứt biểu tình
Trung Cộng (TC) vào hôm nay 04/12/2014 đã nhắc lại rằng nước ngoài không nên gây thêm rắc rối tại Hồng Kông. Phản ứng trên đây từ phía Bắc Kinh được đưa ra sau khi một quan chức cao cấp trong ngành ngoại giao Mỹ đã lên tiếng hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh dân chủ ở đặc khu hành chánh TC, một lời ủng hộ được cho là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.
Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Hoa Xuân Oánh xác định chính quyền TC phản đối mọi hành vi can thiệp vào Hồng Kông. Theo Oánh: “Vấn đề Hồng Kông thuộc công việc nội bộ của Trung Quốc… Chúng tôi đã nhiều lần long trọng tuyên bố quan điểm của Trung Quốc về việc một số cá nhân ‘và thế lực’ nước ngoài can thiệp vào nội tình Hồng Kông hay thậm chí kích động hoặc hỗ trợ các hoạt động bất hợp pháp như Chiếm Trung Hoàn”.
Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố như trên sau khi ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương, đã lên tiếng kêu gọi tạo ra một sự “cạnh tranh” thực thụ cho cuộc bầu cử năm 2017 tại Hồng Kông.
Trong cuộc điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ, ông Russel nhận xét: “Tính chính đáng của nhà lãnh đạo Hồng Kông sẽ gia tăng đáng kể nếu các cam kết cho áp dụng thể thức phổ thông đầu phiếu được tôn trọng”. Nhà ngoại giao Mỹ giải thích thêm: “Điều đó có nghĩa là cho phép cho một cuộc bầu cử thực sự có cạnh tranh, trong đó một loạt các ứng viên với đường lối khác nhau đều có cơ hội tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri Hồng Kông”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 11 vừa rồi trong một cuộc họp báo chung với Chủ tịch TC Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, cũng từng đề cập đến hồ sơ Hồng Kông khi khẳng định rằng Mỹ ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa của người dân Hồng Kông, nhưng không có vai trò gì tại vùng lãnh thổ này.
Vừa lên tiếng phản đối Mỹ và tất cả những ai có biểu hiện ủng hộ phong trào dân chủ tại vùng thuộc địa cũ của Anh Quốc, TC vừa có những biện pháp cụ thể chống can thiệp, như việc từ chối cho phép một nhóm nghị sĩ Anh đến Hồng Kông.
Liên quan đến biểu tình ở Hong Kong, một trong những nhóm chính tổ chức các cuộc biểu tình phản kháng đang xem xét tới việc kêu gọi những người ủng hộ họ rời khỏi đường phố.
Một nữ phát ngôn viên của Liên hội Sinh viên Hồng Kông hôm nay nói trên Đài phát thanh rằng trong vòng một tuần nữa tổ chức này sẽ quyết định về việc có tiếp tục biểu tình hay không.
Tổ chức này là một trong vài nhóm đã nắm giữ một vai trò then chốt trong việc vận động dân chúng tham gia những cuộc biểu tình đòi dân chủ, có lúc lên tới hàng vạn người.
Hiện giờ chỉ còn hai nhóm người không mấy đông tại hai địa điểm biểu tình – một nhóm ngăn chận một con đường bên ngoài khu trụ sở chính phủ và nhóm kia cắm trại trên một con đường ở khu thương mại chính. Một địa điểm thứ ba đã bị cảnh sát tháo dỡ hồi tuần trước, làm bùng ra những vụ xô xát.
Một tổ chức khác, có tên Chiếm Trung, đã kêu gọi người biểu tình rời khỏi đường phố, với lý do đã xảy ra bạo động hôm chủ nhật và những vụ đụng độ trước đó làm cho cảnh sát và người biểu tình bị thương.
Ba nhân vật khởi xướng phong trào Chiếm Trung hôm qua 3/12 đã ra nộp mình cho cảnh sát trong một hành động có tính chất tượng trưng để chấm dứt cuộc phản kháng. Những người này chưa bị khởi tố và chưa rõ sau này họ có bị bắt hay không.
Giới hữu trách Hồng Kông tuyên bố các cuộc phản kháng đó là bất hợp pháp và nhất định không chịu nhượng bộ trước những đòi hỏi của người biểu tình là phải tổ chức cuộc bầu cử hoàn toàn dân chủ vào năm 2017.
Nhiều người biểu tình giờ đây thừa nhận là sự phản kháng của họ không mang lại kết quả, nhưng một số người vẫn tiếp tục cuộc tranh đấu. Anh Joshua Wong, một lãnh tụ sinh viên biểu tình, đã bắt đầu tuyệt thực hôm thứ hai.
Thanh niên 18 tuổi này hy vọng chính quyền sẽ tiến hành một vòng đàm phán thứ nhì để khởi động lại tiến trình cải cách chính trị.
Chính phủ Mỹ hôm thứ tư 3/12 lập lại sự hậu thuẫn đối với mục tiêu thực thi phổ thông đầu phiếu ở đặc khu hành chánh của TC.
Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel nói rằng người dân Hồng Kông nên có một sự lựa chọn có ý nghĩa. Ông cũng bác bỏ tố cáo của truyền thông nhà nước TC là Hoa Kỳ cùng với các nước Tây phương khác dàn dựng cuộc phản kháng ở Hồng Kông. – Theo RFI, VOA
Tin Hoa Kỳ
Hạ viện Mỹ: Phải tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông
Trong một động thái nêu bật mối quan tâm của Mỹ đối với tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, Hạ viện Mỹ vào hôm qua 04/12/2014, đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước giải quyết trong hòa bình các tranh chấp chủ quyền tại hai vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nghị quyết đã được nhất trí thông qua không một lời phản đối.
Mang ký hiệu H. Res-714, nghị quyết này đã được trình lên Hạ viện Mỹ để xem xét từ ngày 08/09/2014, nội dung tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Nghị quyết cũng tái khẳng định hậu thuẫn đối với quyền tự do hàng hải và hàng không, đồng thời lên án những hành vi cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực để ngăn cản việc thực thi các quyền tự do sử dụng vùng biển hay không phận quốc tế.
Nghị quyết của Hạ viện Mỹ đã liệt kê một loạt những vụ ngăn trở quyền tự do lưu thông trên không và trên biển từ năm 2010 đến nay mà tác giả là TC khi tàu TC tấn công hay uy hiếp tàu cá, tàu công vụ của Việt Nam, Philippines, Ấn Độ tại Biển Đông.
Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất sai trái trong việc TC đơn phương tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, và việc cho hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông từ đầu tháng Năm đến giữa tháng Bảy 2014.
Trên các cơ sở đó, nghị quyết đã kêu gọi TC tự kiềm chế trong việc thực thi các quy định về Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, bị cho là trái với các quy định quốc tế, và tránh những hành động tương tự ở những nơi khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo nhận định của các nhà quan sát, nếu Thượng viện Mỹ – định chế có chức năng đối ngoại – đã nhiều lần chính thức lên tiếng quan ngại về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, đây là lần hiếm hoi mà Hạ viện Mỹ – chủ yếu phụ trách các hồ sơ đối nội – ra nghị quyết về vấn đề này. – Theo RFI
Cảnh sát Mỹ duyệt lại thủ tục sử dụng sức mạnh
Chính phủ của Tổng thống Obama vừa thành lập một lực lượng đặc nhiệm để cập nhật những chính sách về hoạt động cảnh sát, kể cả việc sử dụng sức mạnh trong lúc bắt giữ nghi can. Việc này được thực hiện để đáp lại những vụ biểu tình trên cả nước đòi chấm dứt nạn sử dụng sức mạnh thái qua của cảnh sát sau vụ cảnh sát viên da trắng bắn chết thiếu niên da đen tay không ở Ferguson hồi tháng 8.
Những người biểu tình mới đây ở Washington đã hô to khẩu hiệu đòi hỏi công lý sau vụ cảnh sát viên da trắng Darren Wilson bắn chết thiếu niên da đen tay không Michael Brown ở Ferguson.
Những người biểu tình đòi chấm dứt việc nhân viên công lực dựa vào yếu tố chủng tộc để phân loại thành phần dân chúng trong lúc thi hành nhiệm vụ và việc cảnh sát sử dụng sức mạnh quá độ, nhất là đối với những người da đen.
Những người biểu tình đã nằm dài trên đường phố để ngăn không cho xe cộ qua lại. Một người biểu tình phát biểu như sau:
“Tất cả mọi thứ phải ngưng lại cho tới khi họ hiểu được mạng sống là quan trọng. Không phải chỉ có mạng sống của người da đen mới quan trọng, mà sinh mạng của tất cả mọi người đều quan trọng.”
Vụ thiếu niên da đen 18 tuổi bị cảnh sát viên da trắng bắn chết hồi tháng 8 làm bùng ra những mối căng thẳng chủng tộc và khơi dậy những mối quan tâm về sự sử dụng vũ lực đối với người Mỹ gốc Phi châu. Cảnh sát viên Wilson nói rằng ông lo sợ cho tính mạng của mình sau khi thiếu niên Brown tìm cách cướp súng của ông. Một đại bồi thẩm đoàn ở tiểu bang Missouri đã quyết định không truy tố cảnh sát viên này.
Tổng thống Barack Obama, trong lúc tiếp kiến các nhân vật lãnh đạo của người Mỹ gốc Phi châu, đã hứa thúc đẩy cho những sự cải cách tại những sở cảnh sát xảy ra nhiều vụ cảnh sát nổ súng bắn người da đen:
“Sự tức giận mà chúng ta vừa chứng kiến không phải chỉ liên quan tới một vụ việc cá biệt. Sự bất bình này có gốc rễ sâu xa trong nhiều cộng đồng của người da màu. Những người này cảm thấy là luật lệ của chúng ta không phải lúc nào cũng được thực thi một cách đồng nhất hay một cách công bằng.”
Đã có nhiều vụ án mạng xảy ra trong những vụ đối đầu giữa cảnh sát với người da đen gây xôn xao dư luận trong năm nay. Hồi tháng 7, một người Mỹ da đen 43 tuổi, tên Eric Garner, đã chết vì lên cơn đau tim sau khi bị một cảnh sát viên ở New York kẹp cổ đè xuống đất. Khi đó họ định bắt ông Garner vì tội bán thuốc lá lậu. Vụ này đã khiến Sở Cảnh sát New York phải thực hiện những khóa huấn luyện cho nhân viên của họ về nạn sử dụng vũ lực quá độ.
Tháng 11 vừa qua, một viên cảnh sát ở thành phố Cleveland đã bắn chết một em bé trai da đen 12 tuổi cầm một khẩu súng đồ chơi. Vụ nổ súng xảy ra chưa đầy 2 giây đồng hồ sau khi xe cảnh sát chạy tới nơi đứa bé đang cầm khẩu súng giả. Cho đến nay viên cảnh sát đó chưa phải đối mặt với cáo trạng hình sự nào.
Các lãnh tụ dân quyền, như ông Al Sharpton, đã lên tiếng chỉ trích điều mà ông gọi là sự hung hãn của cảnh sát đối với những người trẻ tuổi trong cộng đồng của người Mỹ gốc Phi châu và những sắc dân thiểu số:
“Điều mà tôi lo sợ là sẽ không có những lệnh khởi tố nhắm vào những người cảnh sát giết chết những người tay không. Đó là điều mà tôi lo sợ. Tôi nghĩ rằng chúng ta quá bận rộn với việc vận động mọi người có phản ứng với tình trạng bất công đến nỗi chúng ta không có phản ứng đối với sự bất công.”
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang tiến hành một cuộc điều tra về nạn sử dụng sức mạnh quá độ và việc cảnh sát dựa vào yếu tố chủng tộc để phân loại thành phần dân chúng trong lúc thi hành nhiệm vụ tại Sở Cảnh sát Ferguson và nhiều sở cảnh sát khác trên cả nước. – VOA