Sự Vùng Lên Của Phong Trào Đấu Tranh Dân Chủ Cho Việt Nam – Đinh Quang Tiến

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sự Vùng Lên Của Phong Trào Đấu Tranh Dân Chủ Cho Việt Nam – Đinh Quang Tiến

Bài thuyết trình “Sự Vùng Lên Của Phong Trào Đấu Tranh Dân Chủ Cho Việt Nam” của ông Đinh Quang Tiến, Đệ II Phó Chủ Tịch Đại Việt Cách Mạng Đảng, tại buổi Hội Luận chính trị “Thoát Trung và Dân Chủ Hóa Việt Nam” do Đảng Tân Đại Việt tổ chức tại Westminster, CA ngày 16/11/2014 – BBT

Phong trào đấu tranh Dân Chủ cho VN có thể được nói khởi động ngay từ khi Miền Nam VN bị rơi vào tay CS vào ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975. Trong những ngày tháng tiếp theo đó tại hải ngoại, một số các đoàn thể chủ trương đấu tranh vũ trang, trường kỳ kháng chiến ngay trong nước để tạo một cuộc nổi dậy nhưng chỉ trong một thời gian mọi người nhận rõ đường lối vũ trang là không khả thi vì thiếu các phương tiện vật chất, vũ khí đạn dược v.v… hay sự ủng hộ của một nước thứ ba.  Phương hướng hoạt động của một số các chính đảng sau đó đã chuyển hướng sang mặt trận chính trị như Mặt Trận VN Tự Do một tổ chức ngoại vi của Đại Việt Cách Mạng Đảng của ông Hà Thúc Ký, Tân Đại Việt qua Liên Minh Dân Chủ của G.S Nguyễn Ngọc Huy v.v… mà đường hướng đấu tranh nhắm vào việc khai thác nhân quyền để gây khó khăn và từng bước thay đổi chế độ CS hoặc chờ cơ hội gây nên những đột biến. Trong thời gian đầu, vũ khí nhân quyền không được hiệu quả lắm vì còn nhiều các nước cộng sản trên thế giới và những biến động hoặc các chuyện xảy ra còn có thể bị bưng bít, che dấu qua các bức “màn sắt”, “màn tre”. Tuy nhiên tinh thần chống cộng của mọi người rất cao độ và bền bỉ vì lòng khao khát được trở về nước, gặp gỡ người thân và chỉ có một con đường duy nhất đó là không còn chế độ cộng sản.

Vũ khí nhân quyền có nhiều hiệu quả khi một loạt các sự kiện sau đây xảy ra:

9 tháng 11 năm 1989 Đông Đức đã bắt buộc phải để dân Đông Đức, sau nhiều cuộc biểu tình rầm rộ, được tự do qua viếng Tây Đức và đã đưa đến việc sụp đổ bức tường ô nhục ở Berlin và nước Đức thống nhất vào ngày 3 tháng 10 năm 1990.

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Liên Bang Sô Viết tan rã cho thấy Chủ nghĩa Cộng Sản là hoang tưởng.

Hoa Kỳ và thế giới bắt đầu chủ trương đẩy mạnh việc toàn cầu hoá kinh tế. Tháng 1 năm 1994, Hiệp Ước Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ Châu (North American Free Trade Agreement – NAFTA) có hiệu lực giữa ba nước Hoa Kỳ, Canada và Mễ. Một năm sau đó cũng vào tháng 1 năm 1995 Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (World Trade Organization) ra đời.

Tổng Thống Bill Clinton bỏ lệnh cấm vận Việt Nam tháng 2 năm 1994 và bình thường hóa ngoại giao với VN năm 1995.

Hệ thống mạng lưới toàn cầu dù được nghiên cứu từ đầu thập niên 50, trải qua nhiều thử nghiệm và chỉ thực sự bành trướng và sử dụng bắt đầu từ năm 1982. Qua tới giữa thập niên 90  thì những phương tiện truyền thông như: electronic mail, instant messaging, voice over Internet Protocol (VoIP) telephone calls, two-way interactive video calls, và hệ thống mạng lưới World Wide Web  với các diễn đàn thảo luận điện tử, các trang nhà nhật ký điện tử blogs, và social networking v.v… trở nên rất phổ biến.

Ngày 18 tháng 12 năm 2010 Cách Mạng Mùa Xuân tại Ả Rập và Bắc Phi bao gồm các nước Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen. Nhiều cuộc biểu tình đòi Dân Chủ lớn lao đã xảy ra tại các nước như Bahrain, Syria (đang nội chiến), Algeria, Irap, Jordan, Kuwait, Moroco, Sudan v.v…

Khi toàn cầu hoá kinh tế xảy ra, tất cả các nước trên thế giới dựa vào nhau, trói buộc vào nhau, không một nước nào có thể tự mình đứng độc lập. Vì vậy việc trừng phạt kinh tế một nước nào đó đã trở nên có hiệu quả và khiến những nước độc tài không còn có thể tự tung tự tác, hay không thèm đếm xỉa đến những lời cảnh báo. Hệ thống mạng lưới toàn cầu Internet đã giúp cho vấn đề thông tin trở nên nhanh chóng, các nước độc tài khó lòng che đậy những vụ đàn áp người dân vô tội hay che dấu người dân những biến động đang xảy ra trên thế giới. Điều trớ trêu cho các nước độc tài là dẫu biết hệ thống Internet không có lợi trong việc bảo vệ chế độ độc tài, nhưng tất cả các quốc gia trên thế giới ngày nay không thể thiếu nó nếu muốn phát triển và tránh diệt vong. Chính hệ thống Internet và truyền thông ngày nay đã tạo nên Cách Mạng Mùa Xuân ở Ả rập và Bắc Phi và hãy còn đang tiếp diễn tại một số các nước tại Trung Đông.

Cũng vậy, phong trào Dân Chủ tại Việt Nam cũng nhờ vào các sự kiện trên mà trỗi dậy ngày càng lớn mạnh. Khi chủ nghĩa Cộng Sản đã bị Liên Bang Sô Viết khai tử sau sự sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu, với một nền kinh tế toàn cầu hoá, Việt Nam cũng bị cuốn theo trào lưu văn minh của nhân loại và bắt buộc phải mở cửa khi đối tác với thế giới bên ngoài. Các quyền căn bản của con người, nhân quyền, thường được các nước đối tác với VN đem ra thảo luận và đặt điều kiện với sự thúc đẩy của khối người Việt tại hải ngoại qua các nhà lập pháp và hành pháp tại nước mình đang cư ngụ. Nhiều tổ chức phi chính phủ hay xã hội công dân đã tự động thành hình hay vào VN. Những tổ chức này đã cho người dân thấy họ không cần phải trông chờ vào nhà cầm quyền CS để giúp đỡ họ. Các cơ sở tôn giáo muốn được tự do phát triển mà không bị chi phối bởi nhà cầm quyền CS. Những người dân oan bị cướp đất khiếu kiện xuống đường biểu tình. Sinh viên học sinh được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, học hỏi được những điều hay và mới lạ qua hệ thống Internet. Người dân ao ước được có những thứ mà người dân của các nước khác có được. Các ý niệm dân chủ được bộc phát, các sợ hãi đã biến mất nhường chỗ cho can đảm đứng dậy để đòi hỏi. Bên ngoài, Người Việt Hải Ngoại hỗ trợ, lên tiếng với chính phủ các nước bên ngoài hay cơ quan Liên Hiệp Quốc, các tổ chức nhân quyền trên thế giới khi những người trong nước hay cá nhân nào bị bắt bớ, đàn áp. Phong trào Dân Chủ trong nước thành hình và các nhà dân chủ đã nối kết với nhau, tương trợ nhau trên khắp ba miền đất nước. Khối người Việt tại hải ngoại cũng không ngừng tiếp trợ và nuôi dưỡng phong trào Dân Chủ trong nước ngày càng lớn mạnh hơn.

Sự kiện Trung Cộng xâm chiếm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam đã giúp sức rất nhiều cho phong trào Dân Chủ khi người dân nhận rõ bản chất yếu hèn của nhà cầm quyền cộng sản, thà mất nước chứ không để mất đảng! Những tiếng nói phản đối giờ đây không hẳn chỉ từ người dân mất nhà cửa đất đai mà cả giới trí thức sĩ phu, văn nghệ sĩ và từ chính các cán bộ cộng sản và quân đội. Đã có nhiều người trả lại thẻ đảng, nhiều cựu tướng lãnh lên tiếng đòi công khai hoá những cam kết bí mật của Hội Nghị Thành Đô v.v… và không thể không nói đến nạn tham nhũng trầm trọng trong mọi cơ cấu chính quyền từ trên xuống dưới của khắp mọi nghành! Một chính quyền thối nát dưới sự điều khiển của một đảng độc tài đang đứng trước vực thẳm và không thể không thay đổi hay sụp đổ!

Thời điểm cho sự thay đổi chế độ độc tài độc đảng bằng một chế độ dân chủ chẳng còn bao xa!