Điểm Báo Pháp 3/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp 3/12/2014

Một công ty sản xuất giầy ở Hà Nội – REUTERS/Kham

CSVN đẩy mạnh tự do hóa nền kinh tế

Theo RFI – Lê Phước – 03-12-2014  17:06
Kinh tế Việt Nam hiện thuộc hàng năng động trong khối ASEAN, là một thị trường tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là kể từ sau khi Trung Cộng (TC) thi hành chính sách nâng lương lao động khiến nhiều doanh nghiệp ngoại quốc phải chạy đi tìm đất khác. Nhìn về Việt Nam, trang quốc tế của nhật báo kinh tế Les Echos số ra hôm nay có bài đáng chú ý: «Việt Nam cam kết đẩy mạnh tự do hóa nền kinh tế».
Tờ báo đăng hình Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn doanh nghiệp thường niên diễn ra vào hôm qua (02/12/2014) ở Hà Nội với sự tham dự của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây được xem là kênh đối thoại chính thức giữa chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam.
Tờ báo cho biết, Dũng đã đối thoại với các doanh nghiệp và công bố kế hoạch 5 năm với tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, thì Dũng đã mang đến cho các doanh nghiệp những thông tin lạc quan: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dao động từ 5 đến 7%; thâm hụt ngân sách sẽ được giữ dưới mức 5% GDP…
Les Echos nhận định, Thủ tướng CSVN hiện tại muốn phát triển Việt Nam thành «nước kinh tế thị trường» có hệ thống luật pháp hiệu quả và độc lập; muốn tự do hóa nhiều hơn nữa thị trường lao động và bất động sản. Tờ báo cũng nhắc lại việc vừa rồi Quốc hội CSVN đã thông qua những văn bản pháp luật có liên quan, làm cơ sở cho việc cải cách kinh tế của chính phủ. Như vậy, tờ báo nhấn mạnh: «Luật thì đã có, nhưng còn phải chờ đợi nghị định hướng dẫn».
Tờ báo cho biết thêm, người đứng đầu chính phủ Việt Nam tuyên bố quyết tâm cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác trong khối ASEAN. Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định sẽ tăng cường quan hệ đối tác công-tư trong các dự án lớn, kể cả lĩnh vực công nghệ cao.
Liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, Dũng cũng cam kết với các nhà đầu tư sẽ tiếp tục cải tổ lĩnh vực này. Tờ báo nhắc lại, hồi năm 1990, số doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam là 12000, và hiện tại chỉ còn có 2000. Cũng nhân diễn đàn này, Dũng cho biết hy vọng sẽ ký được thỏa thuận tự do thương mại với Liên Hiệp Châu Âu vào năm tới.
Les Echos cho rằng, những cam kết cải cách mạnh mẽ đó «đã làm ngạc nhiên các nhà doanh nghiệp có mặt». Tờ báo dẫn lời luật sư Nicolas Audier tại Paris: «Phải chi ông ấy cũng phát biểu như vậy tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) ở Milano hồi tháng 10 rồi». Tờ báo kết luận: «Thủ tướng tiết lộ kế hoạch 5 năm. Các nhà đầu tư thì sốt ruột chờ đợi».  

Hồng Kông và kế sách «dĩ vật đãi lao» của Bắc Kinh

Phong trào xuống đường đòi dân chủ của thanh niên Hồng Kông diễn ra hơn tám tuần qua đã thất bại. Nhìn về sự thất bại này, báo Libération đăng bài viết: «Ở Hồng Kông, chính quyền đập tan một cuộc nổi dậy đang mệt mỏi».
Tờ báo nhắc lại việc hôm qua, ba nhà lãnh đạo của phong trào xuống đường đã lên tiếng kêu gọi người biểu tình về nhà và chọn hình thức đấu tranh khác. Họ cũng tuyên bố sẽ «nộp mình cho cảnh sát» để bày tỏ tình thần dám làm dám chịu của họ.
Như vậy, phong trào Occupy Central bắt đầu từ Mỹ và sau đó lan rộng ra khắp thế giới, đã quét ngã một loạt chính phủ độc tài ở nhiều nước Ả Rập, nhưng đã thất bại ở Hồng Kông. Bắc Kinh đã sử dụng chiến thuật gì để giành chiến thắng?
Chiến thuật đó, theo tờ báo, là hạn chế sử dụng vũ lực để giải tán vì Bắc Kinh biết rằng vũ lực trong trường hợp này chỉ khiến cho ngày càng có nhiều người ủng hộ biểu tình mà thôi. Bởi vậy, Bắc Kinh mới sử dụng cách theo kiểu «dĩ vật đãi lao», tức án binh bất động đợi cho đối phương dần mệt mỏi rồi sẽ ra tay đánh dẹp.
Kết quả là, tờ báo cho biết, lúc đầu nhiều người Hồng Kông còn ủng hộ cho con em họ xuống đường đòi dân chủ, nhưng dần họ cũng tỏ ra mệt mỏi. Người kinh doanh cũng dần chán nản vì hoạt động mua bán của họ bị ảnh hưởng. Người biểu tình cũng nản chí và bắt đầu chia rẻ…
Một tuyệt chiêu khác nữa, đó là chính phủ Bắc Kinh về mặt chính thức họ không chỉ huy rầm rộ trực tiếp chính quyền Hồng Kông giải quyết khủng hoảng. Thế nhưng, Libération cho hay, Bắc Kinh chỉ đạo sát sườn nhà cầm quyền Hồng Kông, và đại diện hai bên ngày nào cũng bí mật gặp nhau tại Thẩm Quyến. Cách né tránh chỉ đạo công khai trực tiếp cho phép Bắc Kinh giữ được «hình ảnh quyến rũ» của chính sách «Một nhà nước hai chế độ».

Dân Hồng Kông nổi dậy, chính phủ Đài Loan sụp đổ

Libération cũng bàn về sự ảnh hưởng của làn sóng xuống đường ở Hồng Kông đến đời sống chính trị tại Đài Loan. Đó là, người Hồng Kông xuống đường, chính phủ Hồng Kông vẫn mạnh khỏe, mà chính phủ Đài Loan thì sụp đổ. Tờ báo cho rằng, sự việc tại Hồng Kông càng làm sâu sắc thêm mối nghi ngờ của người Đài Loan đối với chính sách một nhà nước hai chế độ của Bắc Kinh.
Vừa rồi, Quốc Dân Đảng cầm quyền tại Đài Loan đã thất bại trong cuộc bầu cử địa phương. Đảng này chủ trương thân Bắc Kinh. Lãnh đạo Đảng là Tổng thống Mã Anh Cửu cũng phải từ chức. Thủ tướng và toàn thể nội các Đài Loan cũng từ chức. Phe chống Bắc Kinh thì thắng cử và đang lớn mạnh. Tất cả tạo một tương lai ảm đạm cho tiến trình thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan mà Bắc Kinh mong muốn.

Nga-Thổ: Dầu hỏa thắng nhân quyền

Để bù lại những thiệt hại đến từ bất đồng giữa Nga và các nước phương Tây, chính phủ Putin ra sức tăng cường quan hệ với các đối tác khác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Bàn về chủ đề có liên quan đến mối quan hệ này, nhật báo Le Monde có bài chạy tựa: “Ngài Putin từ bỏ đường ống South Stream”.
Bài viết đề cập đến chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tuần của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong chuyến thăm chỉ có vài giờ, Tổng thống Putin đã hội đàm với Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan. Le Monde cho rằng, cuộc gặp mở ra một «thời đại mới» trong quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước. Sức nặng của khí đốt và dầu hỏa đã khiến cho các bất đồng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất là về hồ sơ Syria bị đẩy xuống hàng thứ yếu.
Hiện tại, 50% lượng khí đốt nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ là đến từ Nga. Ankara muốn hạn chế lệ thuộc năng lượng vào Maxtcơva nên đã có kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân. Thế nhưng, nhà máy hạt nhân đầu tiên trong kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ lại là do tập đoàn khổng lồ Rosatom của Nga nhận thầu xây dựng.
Về phần mình, do bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc khủng hoảng Ukraina và do giá dầu sụt giảm, nên Nga phải nhanh chóng chạy đi tìm bạn hàng khác bù lại cho sự mất mát ở thị trường Châu Âu. Và dĩ nhiên, Thỗ Nhĩ Kỳ là một thị trường quan trọng của Nga.
Theo Le Monde, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường quan trọng thứ hai của Gazprom, chỉ đứng sau Đức. Và trong chuyến thăm này, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố tại Ankara là sẽ dừng triển khai việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt South Stream. Đường ống này được Nga quyết định triển khai vào năm 2012 để tránh đi qua lãnh thổ Ukraina, dự định sẽ đi quan Biển Đen để cung cấp khí đốt cho các nước Nam và Đông Âu.
Bên cạnh hồ sơ năng lượng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng có điểm chung là đều cảm thấy khó chịu với phương Tây. Le Monde cho hay, trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Erdogan đã chỉ trích «sự bất lực» của phương Tây trong hồ sơ Syria, trong khi Tổng thống Putin lên án «những lệnh trừng phạt bất hợp pháp» của các nước Châu Âu.
Trên hồ sơ Syria, lâu nay Nga thì ra sức duy trì chính quyền Assad trong khi Thổ Nhĩ Kỳ thì tố cáo chính quyền Assad vô nhân đạo, và còn thẳng thừng tuyên bố muốn lật đổ chính quyền này. Ấy thế mà, giờ đây hồ sơ năng lượng đã chiến thắng tất cả. Và chính sách của các nước phương Tây đã khiến cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau hơn.

Dầu hỏa tuột giá: Hậu quả domino

Một trong những hồ sơ nóng liên quan đến kinh tế thế giới được các phương tiện truyền thông phản ánh liên tục thời gian qua là hiện tượng giá dầu hỏa tuột dốc thảm hại. Hậu quả kéo theo không hề nhỏ, đó là cảnh báo đăng trên nhật báo Le Figaro với hồ sơ chạy dòng tựa đáng chú ý: «Giá dầu tuột dốc tạo nên một cú sốc quy mô khắp hành tinh».
Số là trong 6 tháng qua, dầu hỏa trên thế giới đã mất giá đến 40%, một hiện tượng chưa từng gặp kể từ khủng hoảng 2008 đến nay. Các nước nhập khẩu dầu sẽ có nhiều lợi ích, và như Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde nhận định, nếu giá dầu giảm 30% sẽ mang đến cho các nước nhập khẩu dầu mức tăng trưởng 0,8% GDP.
Người thắng, kẻ thua. Hiệu ứng tiêu cực sẽ mang tính domino bởi hiện tại các nền kinh tế thế giới trong thời đại toàn cầu hóa vốn rất lệ thuộc vào nhau. Chẳng hạn như, nếu kinh tế Nga bị chao đảo bởi giá dầu, thì kinh tế Đức cũng khổ lây, mà kinh tế Đức bị nhức đầu thì tất nhiên kinh tế Châu Âu sẽ bị sổ mũi. Hoặc dã là nếu các nước Vùng Vịnh lâm khủng hoảng vì dầu hỏa, thì cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường xuất khẩu của Châu Âu.
Le Figaro lược qua một số nước bị ảnh hưởng chính bởi hiện tượng giá dầu giảm mạnh. Đến với Hoa Kỳ, nước này đang phát triển rầm rộ việc khai thác khí đá phiến. Chi phí khai thác khí đá phiến rất đắt đỏ. Nếu năm tới mà dầu hỏa còn ở giá như hiện nay là trên dưới 80 đô la/thùng, thì các nhà sản xuất Hoa kỳ sẽ thiệt hại 15 tỷ đô la. Canada cũng nổi đình nổi đám với dầu cát. Thế nhưng, giá dầu phải ở mức tối thiểu là 90 đô la/thùng thì các nhà sản xuất mới có lãi. Trên thực tế ở nước này nhiều dự án đã bị đình chỉ hoặc hủy bỏ.
Venezuela là nước lệ thuộc tuyệt đối vào dầu với 97% ngân sách và ngoại hối đến từ việc xuất khẩu dầu hỏa. Thế nhưng, giá dầu hiện tại của nước này chỉ có 70 đô la/thùng, tức giảm 30% so với năm ngoái. Lạm phát của Venezuela cũng ngày càng trầm trọng. Nguy cơ phá sản của nền kinh tế đang hiển hiện.
Kinh tế Nga vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây, càng trở nên khổ sở hơn vì giá dầu giảm. Đồng tiền nước này đang bị rớt giá nghiêm trọng, lạm phát ước tính 10% vào cuối năm nay. Trong khi đó, ngân sách Nga được ước lượng dựa trên giá dầu 100 đô la/thùng. Theo một tờ nhật báo tại Nga, cứ giảm 1 đô la/thùng dầu, nhà nước sẽ mất đến 2,1 tỷ đô la thu ngân sách.
Theo Le Figaro, Nga đã ra sức vận động OPEC giảm lượng khai thác dầu, nhưng cuối cùng thì các nước OPEC vẫn quyết định không giảm. Tờ báo cho biết, trong bối cảnh đó có người cho rằng, quyết định của OPEC là theo ý Mỹ vì nó nhắm đến việc «làm suy yếu các đối thủ của Mỹ» như Nga và Iran.
Đến với các nước Vùng Vịnh, Le Figaro cho biết, các nước này luôn mong giá dầu ở mức 100 đô la/thùng thì nền kinh tế mới phát triển được, ấy thế mà hiện tại nó chỉ dao động xung quanh 70 đô la/thùng, thậm chí có thể giảm xuống còn 60 đô la.
Nếu tình trạng này kéo dài, kinh tế của các vương quốc dầu hỏa Vùng Vịnh sẽ bị đe dọa rơi vào suy thoái. Năm tới, nếu giá dầu ở mức 80 đô la/thùng thì các nước này sẽ thiệt hại đến 43 tỷ đô la, nếu ở mức 60 đô la/thùng thì con số thiệt hại cho ngân sách sẽ là 140 tỷ đô la.

Nước nào tham nhũng nhất hành tinh?

Cuối cùng, đến với chủ đề tham nhũng, Les Echos đăng dòng tựa cho hay: «Mỹ là nước dính líu nhiều nhất đến tham nhũng». Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nghiên cứu 427 vụ tham nhũng xuất hiện trong 15 năm qua liên quan đến cá nhân và doanh nghiệp của 41 nước từng tham gia ký kết cam kết chống tham nhũng của khối.
Kết quả cho thấy: «Tiền hối lộ thường được sử dụng để kiếm hợp đồng ở các doanh nghiệp nhà nước ở những nước có nền kinh tế phát triển, và nhất là ở những nước đang phát triển. Đa số người đưa tiền tham nhũng và người nhận tham nhũng đến từ các nước giàu». Mỹ dẫn đầu danh sách khi có liên quan đến 128/427 vụ, tiếp sau là Đức và Hàn Quốc.
Lĩnh vực nào tham nhũng nhiều nhất: kết quả cho thấy có 2/3 trường hợp tham nhũng tập trung nhiều nhất trong bốn lĩnh vực: công nghiệp khai thác, xây dựng, vận tải, và thông tin- truyền thông.
Về cách thức tham nhũng, có đến 75% trường hợp được thực hiện thông qua trung gian. Các vị nguyên thủ và bộ trưởng dính líu đến 5% trường hợp, nhưng chiếm 11% trên tổng số tiền tham nhũng.