Sắc lệnh nhập cư tác động ra sao đến chính trường Mỹ hai năm tới?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sắc lệnh nhập cư tác động ra sao đến chính trường Mỹ hai năm tới?

Bài phát biểu về di trú của tổng thống Barack Obama được phát trên màn hình lớn, trước khi diễn ra lễ trao giải Latin Grammy Awards hàng năm lần thứ 15 ở Las Vegas, Nevada 20/11/2014.

Theo VOA – Jim Malone – 27.11.2014

WASHINGTON— Người dân Mỹ có quan điểm chia rẽ về việc Tổng thống Barack Obama ban hành sắc lệnh hành pháp bảo vệ hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp khỏi bị trục xuất, theo một cuộc thăm dò mới. Đại học Quinnipiac cho biết 48 phần trăm người được hỏi chống đối hành động này của tổng thống trong khi 45 phần trăm ủng hộ. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 48 phần trăm những người được hỏi tin rằng những người nhập cư không giấy tờ nên được cho phép ở lại Mỹ và được mở đường hướng tới nhập quốc tịch. Nhưng con số này đã giảm xuống từ mức 57 phần trăm người ủng hộ cách đây một năm. Nhưng các cuộc thăm dò cũng cho thấy đảng Cộng hòa nên cẩn trọng trong cách họ phản ứng trước sắc lệnh nhập cư của tổng thống. Trường Quinnipiac cho thấy 68 phần trăm người được hỏi phản đối Quốc hội đóng cửa chính phủ như một cách để ngăn chặn hành động của ông Obama về vấn đề nhập cư. Tác động chính trị dài hạn Nhìn về hai năm kế tiếp, hành động hành pháp của Tổng thống về vấn đề nhập cư có hệ quả chính trị sâu rộng cho cả hai đảng lớn và có thể trở thành vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Lên tiếng bênh vực hành động của mình trong những bài phát biểu trên khắp nước, Tổng thống Obama thường nhắc nhở cử tri rằng ông đưa ra hành động này trong khi vẫn ghi nhớ một ý niệm từ lâu nay là nước Mỹ coi mình là một quốc gia của những người nhập cư. Tổng thống nói với một đám đông người ủng hộ ở thành phố Las Vegas, bang Nevada: “Không phải ngoại hình chúng ta ra sao. Không phải tên họ chúng ta là gì. Không phải chúng ta đến từ đâu. Không phải cách mà chúng ta cầu nguyện. Điều khiến chúng ta là người Mỹ chính là sự gắn bó mà chúng ta cùng chia sẻ với lý tưởng rằng tất cả chúng ta sinh ra đều bình đẳng, tất cả chúng ta đều có cơ hội biến cuộc sống của mình thành cuộc sống mà chúng ta mong muốn.”

Quyết định của ông Obama khiến nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa nổi giận, những người coi hành động này là ân xá hàng loạt cho hàng triệu người vào Mỹ bất hợp pháp. Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã hứa sẽ đáp trả mạnh mẽ nhưng ông cũng không nói rõ phản ứng này có thể là gì và khi nào thì thực hiện. “Tổng thống trước đây từng nói ông ta không phải là vua hay hoàng đế. Nhưng ông ta chắc chắn đã hành động như vậy vào lúc người dân Mỹ chẳng muốn gì hơn là chúng ta làm việc cùng nhau,” ông Boehner nói. Tổng thống đã hoãn lại quyết định của mình cho đến sau cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vì lo sợ rằng bất kỳ hành động nào trước tháng 11 sẽ gây nguy hại cho một số nghị sĩ đảng Dân chủ ở Thượng viện đang tham gia những trận quyết chiến để tái đắc cử. Nhưng đảng Cộng hòa càn quét gần như tất cả các cuộc đua gần và sẽ đạt được thế đa số ở Thượng viện vào tháng 1. Nhà phân tích James Thurber thuộc trường Đại học American cho biết dường như Tổng thống quyết định rằng ông không còn gì để mất về mặt chính trị và thực hiện lời hứa sẽ hành động của mình về vấn đề nhập cư trước sự bế tắc của Quốc hội trong việc cải cách. “Ông ấy rõ ràng đã nghĩ là, phe Cộng hòa đã không thực hiện bất cứ điều gì và họ có lẽ sẽ không làm bất cứ điều gì [về vấn đề nhập cư]. Đằng nào cũng sẽ bị chỉ trích nhưng mình muốn làm điều đúng đắn, đây sẽ là một phần di sản của mình và mình sẽ xúc tiến làm điều này.” Chờ đảng Cộng hòa ‘phản pháo’ Trong ngắn hạn, ông Obama có thể phải trả giá đắt về chính trị, đặc biệt là khi đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát cả hai viện của Quốc hội vào năm sau, theo lời chuyên gia Matt Dallek của Đại học George Washington. “Tôi nghĩ rằng những gì mà ta sẽ thấy là một loạt những hành vi có phần quyết liệt của Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát, cố gắng gửi đi một thông điệp cho thấy họ nghĩ rằng hành động này là vi hiến.”

Một số thành viên bảo thủ ở Hạ viện đã nêu lên khả năng cắt ngân quỹ thực thi chương trình của tổng thống về vấn đề nhập cư. Một trong những nhân vật chống đối cải cách nhập cư hàng đầu ở Hạ viện, Dân biểu Cộng hòa bang Iowa Steve King, cũng nêu ra khả năng khiển trách Tổng thống, một thủ tục phê phán chính thức do Quốc hội thực hiện. Phe Cộng hòa cũng có thể kiện ra tòa án liên bang để cố gắng ngăn chặn hành động hành pháp của Tổng thống, nhưng học giả Thomas Mann của Viện Brookings dự đoán đó sẽ là một cuộc chiến pháp lý nhọc nhằn. ” Không dễ để phe Cộng hòa trong Quốc hội thực hiện hành động mà có thể tước mất khả năng thực hiện sắc lệnh hành pháp của chính Tổng thống hay thưa ra tòa, vì tòa án thường duy trì thẩm quyền tài quyết của Tổng thống,” ông Mann nói. Dù phe Cộng hòa quyết định đáp trả thế nào đi nữa, chuyên gia thăm dò dư luận của đảng Cộng hòa Whit Ayres cho biết đảng ông cần thận trọng không làm mất lòng cử tri gốc Tây Ban Nha, là khối cử tri Mỹ đang lớn mạnh trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. “Chúng tôi có một phần ba phiếu bầu của cử tri nói tiếng Tây Ban Nha. Chúng tôi phải làm tốt hơn với khối cử tri nói tiếng Tây Ban Nha, cử tri gốc Á. Chúng tôi đã thấy trước điều đó. Đây không phải là vấn đề còn phải tranh cãi và đơn giản là một thách thức mà chúng tôi phải ứng phó thành công nếu có bỏ phiếu bầu chọn một tổng thống khác,” ông Ayres cho biết. Di sản của ông Obama Việc ông Obama sẵn sàng đơn phương hành động về vấn đề nhập cư cũng báo hiệu một sự tập trung kỹ hơn vào sự phán xét của lịch sử trong hai năm cuối ông tại chức, theo tác giả Aaron David Miller, một khách mời gần đây trong chương trình Press Conference USA của VOA. “Tôi nghĩ rằng vì Tổng thống chỉ còn ít hơn một ngàn ngày trong nhiệm kỳ tổng thống của mình nên sẽ phải củng cố bất cứ di sản nào mà ông sẽ để lại ở nhà và ở nước ngoài.” Các cuộc thăm dò của Quinnipiac cũng cho thấy tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Obama chỉ ở mức 39 phần trăm, một điềm báo đáng lo ngại cho đảng Dân chủ khi đảng Cộng hòa chuẩn bị tiếp quản cả hai viện Quốc hội vào đầu tháng 1.