Hướng về công cuộc Đấu Tranh Dân Chủ cho Việt Nam – Bs Mã Xái
Lời nói đầu: Nhơn Lễ Kỷ Niệm 50 năm Thành Lập Đảng Tân Đại Việt 1964-2014, vào cuối Thu 2014, tại Thủ Đô Sài gòn Nhỏ, Đảng Tân Đại Việt đã tổ chức cuộc Hội luận về “Thoát Trung và công cuộc đấu tranh Dân Chủ hoá Viêt Nam” với sự tham dự của Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đại Việt Cách Mạng Đảng cùng các chánh đảng, đoàn thể đấu tranh và cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản. Bài này nhằm tóm lược các bài tham luận và cập nhựt thêm phần nhận định của tác giả.
Lại tiếp tục con đường lệ thuộc Thành Đô
Trong suốt chiều dài lich sử đấu tranh cho sự sống còn của dân tộc, cho một Việt Nam tự do, dân chủ, thịnh vượng, chúng ta đã trải nghiệm muôn vàn khó khăn không phải chỉ ứng phó với biến chuyển tình hình thế giới, ảnh hưởng của cường quốc, mà còn đương đầu với lực cản chánh yếu trên đường dân chủ hóa đất nước là Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Hà nội đã áp đặt chế độ toàn trị, độc tài, độc đảng trên toàn cõi Việt Nam sau biến cố 30-4-75. Dù gần bảy mươi năm thất bại trong quản trị để phát triển đất nước, Đảng vẫn quyết tâm quá độ lên con đường XHCN mà ngay Tổng Bí Thư đảng cũng chưa biết đến cuối thế kỷ này đảng có hoàn thành nổi cuộc cách mạng ảo tưởng đó!
Nhưng cái nguy cơ đáng ngại nhứt là họa mất nước đã gần kề vào tay Trung Cộng (TC), một láng giềng đầy tham vọng bành trướng, mà Đảng CSVN đã tự nguyện chọn làm người đồng chí anh em trong tương đồng ý thức hệ từ sau Thỏa Thuận Thành
Đô (1990) và xem Bắc Kinh là chỗ dựa để bám giữ quyền lực và quyền lợi cho Đảng và bảo vệ chế độ. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước thực chất là một quan hệ bất bình đẳng, một quan hệ lệ thuộc mà Bắc Kinh đang tiến hành sách lược xâm lược một cách tiệm tiến. Việt Nam đã lần lượt mất đất, mất biển, hải đảo và cho đến ngày nay, sự lệ thuộc đã thể hiện trên mọi lãnh vực từ kinh tế, chánh trị, an ninh, quốc phòng, văn hoá, xã hội. Các địa điểm chiến lược như Tây Nguyên, Vũng Áng, gần đây Đèo Hải Vân lại sắp rơi vào tay người Hoa khai thác. Sự kiện giàn khoan HD-981 (2/5/2014) đã để lộ nguyên hình bản chất xâm lược, trong sách lược khống chế Biển Đông và chánh sách hai đại dương của Đại Hán. Họ Tâp vừa mới đây tuyên bố mở lại Con Đường Tơ Lụa Trên Biển ở thế kỷ 21; và TC tiếp tục lấn chiếm hải đảo, trong đó gần đây nhứt là nới rộng và nâng cao bãi đá ngầm Chữ Thập để thiết lập đường bay và cảng tiếp vận, tiếp tục củng cố cơ sở mới trên Biển Đông. Động thái xâm lấn này khiến quốc tế lo ngại TC lại thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông như họ đã làm trên vùng trời trên biển Hoa Đông cách đây đúng một năm (23/11/2013).
Sự kiện TC đặt giàn khoan nước sâu ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Viêt Nam (2/5/2014) là cái tát đau đớn vào mặt Bộ chánh trị Hà Nội từ sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, tạo nên mối rạn nứt trầm trọng trong bang giao Việt Trung.
Bộ Chánh trị Hà Nội trước tình thế như vậy lại xử dụng chánh sách hai mang, một mặt vận động “một quan hệ bang giao mới” xích lại gần hơn với Hoa Kỳ, và đẩy mạnh nền ngoại giao đa phương, chủ yếu là với đối tác hay đồng minh của Hoa Kỳ (Ấn độ, Nhựt Bổn, Phi Luật Tân). Mặt khác, Bộ Chánh trị Hà Nội phân công cho Lê Hồng Anh, một Ủy viên Thường Vụ Bộ chánh trị với tư cách đặc phái viên của TBT Nguyễn Phú Trọng sang xin hòa hiếu với Tập Cận Bình (28/072014), nối lại sợi dây tương đồng ý thức hệ. Tình đồng chí anh em lại được siết chặt sau hai chuyến thăm cách nhau không đầy bốn tháng của Dương Khiết Trì ngày 27/10/2014 để cùng Phạm Bình Minh chủ trì Ủy Ban chỉ đạo song phương, và cùng ngày cuộc gặp gỡ giữa TT Nguyễn Tấn Dũng và TT Lý Khắc Cường tại hội nghị Thượng đỉnh ASEM-10 ở Milano (Ý Đại Lợi). Ngoài ra Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, hai cây trụ chống đỡ chế độ và bảo vệ đảng cũng trình diện Bắc Kinh (tháng 10/2014). Một lần nữa, Hà nội lại tự nguyện thi hành Thỏa Thuận Thành Đô, tự tròng sợi dây thòng lọng vào cổ, nay lại siết chặt thêm; dầu Hà Nội có muốn cởi trói, Trung Cộng cũng không cho; vả chăng 16 nhân vật trong Bộ chánh trị đã ngả về phía thân TC, họ là những viên quan thái thú sẵn sàng làm theo lịnh Bắc Kinh. Thế nên cái gọi là chánh sách đu dây chỉ là sự phân công đóng kịch do chủ trương của Hà nội: những vận động chánh trị con thoi giữa Hà Nội và Washington mưu tìm một quan hệ tiếp cận sâu hơn đã đưa tới kết quả là Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đến được Washington (tháng Mười/2014) gặp lại người đồng nhiệm của mình John Kerry và Minh đã thành công trong việc xin nới lỏng lịnh cấm vận võ khí sát thương. Minh còn cao giọng trong các cuộc gặp gỡ với các giới truyền thông quốc tế “chúng ta không thể sửa đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể sửa đổi tương lai” như thể chuẩn bị cho một chỗ dựa mới trong mối bang giao Viêt Mỹ khi lá chắn ý thức hệ Bắc Kinh có vẻ lung lay sau vụ giàn khoan HD-981, và hai phía như đang chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bang giao Việt Mỹ (1995-2015). Nhưng cả hai lần công du Á Châu trong năm nay, TT Obama đã không ghé Việt Nam. CSVN cũng không quên đáp lễ trả tự do môt số tù nhơn, trong đó có Cù Huy Hà Vũ và Điếu Cầy được Hà Nội đưa từ trại tù ra thẳng sân bay sang Hoa Kỳ để bày tỏ tiến bộ về nhơn quyền (!) như món quà trao đổi chánh trị. Hoa Kỳ cũng thừa biết lòng dạ của cộng sản. Trong việc tháo khoán võ khí sát thương cho Hà Nội, ông Daniel Russell trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á nói với báo chí rằng Hoa Kỳ biết rõ Hà Nội không thể từ bỏ sự ràng buộc với Bắc Kinh để đổi lấy liên minh với Hoa Thạnh Đốn, nhưng Hoa Kỳ sẵn sàng giúp Viêt Nam cũng như các đồng minh và đối tác khác nhằm tăng cường sức mạnh bảo vệ lãnh hải trước thái độ hung hãn của TC ở Biển Đông. Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia nơi vùng biển chiến lược này như cựu ngoại trưởng Hilary Clinton từng nói với Dương Khiết Trì. Ngay từ nhiệm kỳ đầu, TT Obama thường tuyên bố CSVN là đối tác tiềm năng trong chánh sách “Đổi Trục” về Châu Á-Thái Bình Dương và vẫn muốn lôi kéo Hà nội về với Hoa Thạnh đốn. Tại Hội Nghị APEC năm nay (11/2014) ở Bắc Kinh, TT Obama khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực trước đà bành trướng của TC và trong chuyến công du tại Miến Điện (11/2014) và tại Úc (11/2014) ông thường lập lại Hoa kỳ sẽ giúp Viêt Nam cải tổ sâu rộng nền kinh tế và tăng cường năng lực hàng hải và vẫn quan tâm về các tranh chấp ở Biển Đông. Một cường quốc Hoa Kỳ của Thái Bình Dương trên trăm năm chắc không để Bắc Kinh đẩy lùi ra khỏi vùng địa hải chiến lược này. Hoa Kỳ cũng luôn bác bỏ lý lẽ TC cáo buộc Hoa Kỳ bao vây TC và Hoa Kỳ chủ trương cả hai cùng thịnh vượng, tôn trọng nhân phẩm và ổn định. Và với tư cách chủ nhà của Hội nghi Thương đỉnh APEC 2014, Chủ tich Tập Cận Bình không dấu diếm uy thế của một lãnh tụ đầy quyền lực của cường quốc đang lên và muốn lan tỏa ảnh hưởng kinh tế, quân sự đặc biệt tại ĐNA. Tại Thượng đỉnh APEC, họ Tập đưa ra dự án đàm phán Hiệp định FTAAP (Thương Mại Tự do Á Châu Thái Bình Dương) trong khi Hoa Kỳ còn lay hoay chưa kết thúc xong vòng đàm phán hiệp định TPP.
Về mối quan hệ Việt Trung Mỹ, trong hiện tình, nhiều nhà phân tích có cảm tưởng CSVN đang ở thế kẹt giữa Tây phương và một TC đang lên. Nhưng thật sự, từ xưa tới nay, CSVN bao giờ cũng nghiêng về phía mà họ cho là phù hợp với chủ trương bảo vệ đảng và chế độ, chớ không vì dân, vì nước, vì Tổ quốc và CSVN đã chọn TC, chọn con đường lệ thuộc.
Lối Thoát cho Việt Nam: Dân Chủ hóa và giải thể chế độ CSVN.
Sau 30 Tháng Tư năm 1975, ĐCSVN áp đặt chế độ toàn trị, độc đảng, độc tài, trên toàn lãnh thổ Việt Nam và cưỡng bức dân tộc theo con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa, dựa trên chủ nghĩa Mác-Lê. Thêm vào đó sự thoái trào của CNCS trong khối Liên Xô đưa đến nguy cơ sụp đổ trong cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 đã đưa đẩy đảng CSVN chọn ”kẻ thù 1979” thành người “đồng chí 16 chữ vàng bốn tốt” theo Thỏa Thuận Thành Đô (1990) và đưa đất nước vào con đường lệ thuộc Bắc Phương. Với bản chất độc ác của mọi chế độ CS, chế độ Hà nội thẳng tay trấn áp những nhà dân chủ, những người bất đồng chánh kiến, những ai đòi tự do tôn giáo, họ tước đoạt quyền căn bản con người và trừng trị những ai biểu thị lòng yêu nước, dám chống lại sự xâm lược của Trung Cộng.
Phong trào đấu tranh dân chủ thật ra đã phát khởi ngay từ lúc Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, dưới những hình thức khác nhau. Các tổ chức võ trang lúc đầu đã được thay thế bằng đấu tranh chánh trị. Tại hải ngoại, những chánh đảng truyền thống như Tân Đại Việt, Đại Việt Cách Mạng, Đại Việt Quốc Dân, Việt Quốc cùng các tổ chức được thành lập sớm tại hải ngoại như Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, Mặt Trận Việt Nam Tự Do và sau đó nhiều Lực Lượng, Mặt Trận khác ra đời mà đường lối đấu tranh khá đa dạng vẫn tiếp tục đấu tranh không ngừng. Mặc dù hoạt động của các tổ chức quốc nội của các đảng truyền thống rất khó khăn, hạn chế vì mạng lưới an ninh CSVN dầy đặc, các nhà đấu tranh dân chủ, các nhà bất đồng chánh kiến trong và ngoài đảng CS xuất hiện càng ngày đông đảo hơn. Sự phát triển của ngành công nghệ thông tin cũng đã hỗ trợ đắc lực cho sự lớn mạnh của phong trào dân chủ. Những twitter, facebook, hệ thống mạng lưới toàn cầu đã giúp đưa Cách mạng Mùa Xuân thành tựu, và những cuộc cách mạng ở Trung Đông và Bắc Phi cổ võ thêm cho phong trào dân chủ trong nước. Thế giới toàn cầu hóa làm các quốc gia xích lại gần hơn. Giới trẻ và mọi người với chiếc cell phone có thể theo dõi từng giờ từng phút “cách mạng Cây Dù” với tài lãnh đạo tài tình của Joshua Wong mới 17 tuổi, có thể kêu gọi xuống đường cả chục, cả trăm ngàn người đòi Tập Cận Bình trả lại quyền “dân cử dân bầu”cho Hồng Kông. Trong nhiều năm qua, lối đấu tranh theo kiểu “xin – cho” dựa vào lòng từ tâm của CS dưới hình thức thơ ngỏ, kiến nghị gởi xin nhà nước, ban lãnh đạo đảng, nêu lên tình trạng báo động trong mọi lãnh vực đã không có hiệu quả. Đáng ghi nhớ có Thư Ngỏ của 71 nhân sĩ, trí thức ký ngày 6/08/12 gởi Quốc Hội, Nhà Nước, Đảng; Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp do 72 nhân sĩ, trí thức ký tên ngày 19/01/2013; Nhận định và Góp ý sửa đổi hiến pháp của Hội Đồng Giám mục Việt Nam vào tháng 3/2013. Gần đây, một Thư Ngỏ của 61 đảng viên CS kỳ cựu ký vào ngày 28/07/2014 gởi cho Ban Chấp hành Trung Ương đảng CSVN và toàn thể đảng viên đảng CS kêu gọi thay đổi cương lĩnh từ bỏ con đường xây dựng XHCN, chuyển hẳn sang đường lối dân chủ và dân tộc. Trọng tâm là chuyển đổi thể chế chánh trị từ toàn trị sang dân chủ pháp quyền nhưng ôn hoà. Thư ngỏ còn kêu gọi thoát Trung, kêu gọi kiện TC ra Tòa án Quốc Tế về tình hình tranh chấp Biển Đông, chỉ trích chánh sách 3 không là tự trói mình và do đó không còn phù hợp với thực tế. Tất cả đều là công việc đờn gảy tai trâu, kêu gọi người CS cải tà quy chánh, xin ban phát dân chủ cho dân, vì từ trước tới nay, có bao giờ đảng CSVN sờ mó đến thỉnh nguyện, thư ngõ. Bất cứ nhà bất đồng chánh kiến, nhà đấu tranh dân chủ nào ngoài đảng mà phát biểu như 61 đảng viên CS bên trên, dù một cách ôn hòa, cầm chắc sẽ bị kết tội hình với tội danh “chống phá nhà nước”, tội âm mưu ”lật đổ chánh quyền“, lạm dụng quyền tự do dân chủ… Theo báo cáo của của cơ quan nhơn quyền như Human Rights Watch, của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trong năm 2013 thì số người còn bị tù về tội hoạt động phổ biến nhơn quyền và tù nhơn chánh trị còn nhiều hơn năm trước. Buổi toạ đàm về “Người bảo vệ nhân quyền” do Diễn đàn Xã Hội Dân Sự và Vietnam UPR Working Group tổ chức tại nhà thờ Thái Hà, Hà nội ngày 26/11/2014 đã cho biết tình hình nhân quyền sau phiên UPR hồi tháng Sáu, năm 2014 (Kiểm điểm định kỳ phổ quát) lại tồi tệ hơn.
Trong những năm gần đây người ta cũng thấy xuất hiện những hội, nhóm xã hội dân sự (XHDS) dù chưa được phép của nhà cầm quyền CS, đã phát triển đều đặn, đến nay đã có trên 25 hội, nhóm; dù thành viên các tổ chức này vẫn thường xuyên bị công an theo dõi, bắt bớ, sách nhiễu và đàn áp. Các tổ chức XHDS chia sẻ nhận thức với nhơn dân về quyền con người mà gần bảy chục năm qua đã bị đảng CSVN tước đoạt, và từ đó các ý niệm dân chủ được bộc phát rộng rãi hơn. Một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ trong nước nhận định vấn đề là các tổ chức đấu tranh, các nhóm XHDS phải biết cách đoàn kết, phối hợp hành động. Trong chế độ toàn trị, độc tài như hiện nay khi không có tự do, ngôn luận, báo chí, tự do hội họp, lập hội thì việc tranh đấu để tạo nên một thế lực chính trị đối lập với đảng CSVN đòi hỏi các phong trào dân chủ, các tổ chức XHDS còn phải nỗ lực và kiên trì nhiều hơn nữa nhứt là khi Hà Nội lệ thuộc vào sự chỉ đạo của Bắc Kinh hầu như toàn diện.
Thay lời kết
Thực trạng của đất nước Việt Nam đang đi vào thời kỳ báo động trên mọi mặt. Nhơn dân ngày nay đã nhận rõ bản chất yếu hèn của đảng CSVN thà mất nước chứ không chịu mất đảng, lệ thuộc gần như toàn diện vào sự lãnh đạo của đảng CS Trung Cộng. Đảng CSVN đã tỏ ra bất lực trong quản trị đất nước để đem lại phúc lợi cho người dân. Nhơn dân phẫn uất, sự chống đối không chỉ ở nông dân, lao động mà đa số trí thức, sĩ phu, sinh viên học sinh, cả những cán bộ CS, cựu tướng lãnh, nhiều người đã trả lại thẻ đảng viên, đa phần không còn tin tưởng ở sự lãnh đạo của đảng CSVN. Một sự thay đổi toàn diện là lối thoát cho mọi bế tắc cho Việt Nam, lối thoát đó là dân chủ hoá đất nước, phù hợp với lòng dân, với xu thế dân chủ, nhơn quyền của thời đại.
Hiện nay Bộ Chánh trị Hà Nội chủ trương bám lấy chánh quyền, dứt khoát không chịu thay đổi. Một sự thay từ bên trên đi xuống một cách ôn hòa như mô hình Miến Điên không thể xảy ra ở Việt Nam. Một cuộc tranh giành quyền lực đang xảy ra giữa các phe nhóm thân Trung Cộng trong tập đoàn lãnh đạo Hà Nội chuẩn bị cho Đại Hội toàn quốc đảng CS thứ XII (2016) để tiếp tục con đường toàn trị, độc tài. Những phát ngôn, tuyên bố mới đây “nhân quyền, tự do và dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và Việt Nam không thể đi ngược xu thế ấy”của người cầm đầu chánh phủ CSVN chỉ là những lời hứa hẹn suông, đã nhắc lại nhiều lần. Chỉ nhìn họ tiếp tục trấn áp các nhà dân chủ thì đủ rõ sự kêu gọi xây dựng lòng tin của họ ra sao. Năm vừa qua, một số người còn mơ ngủ, còn tin lời kêu gọi của CS để tiếp cận và đối thoại.
Nội lực phát triển Xã Hội Dân Sự trong nước đang trên đà phát triển, cùng với các nỗ lực hoat động của Phong trào dân chủ trong những năm gần đây có thêm hậu thuẫn của quần chúng và sự hỗ trợ bên ngoài nhứt là từ các nước Hoa Kỳ, Tây phương và cộng đồng người Việt Hải Ngoại. Đảng CSVN vẫn lo sợ ảnh hưởng của các giá trị dân chủ, nhân quyền tác động lên xã hội Việt Nam và e sợ cảnh mưa lâu thấm đất, họ rất dị ứng với các hình thức diễn biến hòa bình.
Một chánh quyền thối nát dưới sự điều khiển của một đảng độc tài đang đứng trên bờ vực thẩm, không thể không thay đổi hay sụp đổ. Đảng CS không chịu tự thay đổi, thì nhơn dân Việt Nam khi tình thế đẩy họ vào chơn tường, sẽ đứng lên tranh đấu vì sự sống còn của bản thân, của gia đình, của đất nước, để đoạt lại chánh quyền và thay đổi chế độ. Nhơn dân ngày nay không còn sợ hãi như trước đây. Thật vậy, tiến trình dân chủ hóa hoặc là từ diễn biến hoà bình hoặc là tình thế đột biến đưa đến cách mạng, có thể ôn hòa nhưng việc đổ máu ít nhiều khó bề tránh khỏi. Lối thoát cho Việt Nam là chế độ CSVN phải giải thể, hầu xây dựng lại một Việt Nam tự do, dân chủ pháp trị, thịnh vượng phú cường. Đã đến lúc toàn dân Việt Nam với truyền thống hào hùng bất khuất của tiền nhân hãy đồng lòng can đảm đứng lên, quyết định thay đổi vận mạng quốc gia tìm cách giải trừ và vứt bỏ chủ nghĩa Mác-Lê, vận dụng chủ nghĩa Dân tộc, tạo được sức mạnh của toàn dân trong và ngoài nước thì mới mong chống lại giặc ngoại xâm Trung Cộng.
Người Việt Nam hải ngoại, trong đó có Đảng Tân Đại Viêt với vai trò hậu phương yểm trợ và vận động quốc tế yểm trợ các lực lượng dân chủ trong nước. Quốc nội là chủ lực, là lực lượng lãnh đạo cho công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước. Tại hải ngoại, Đảng Tân Đại Việt chủ trương cộng tác với các đoàn thể chánh trị dân chủ cùng đường lối, đóng góp vào sức mạnh chung của các lực lượng dân chủ hải ngoại ngoại, và khuyến khích sự hợp lực trong và ngoài nước tạo một sức mạnh chung cho công cuộc đấu tranh mà mục tiêu là giải thể chế độ cộng sản và xây dựng nước Việt Nam tự do, dân chủ, pháp trị. Phong trào dân chủ đã vùng lên, thế hệ trẻ đã nhập cuộc, ngày chế độ Cộng Sản Việt Nam sụp đổ đã gần kề.
Chính nghĩa tất thắng.
Bs Mã Xái – Dec 2, 2014