Tổng thống Đài Loan thôi lãnh đạo đảng
Trung Hoa Quốc Dân Đảng có thất bại lớn nhất trong lịch sử hôm 29/11
Ông Mã được cho là sẽ thông báo quyết định tại cuộc họp của ban chấp hành trung ương đảng vào ngày mai, 3/12/2014. Trong bầu cử địa phương lớn nhất trong lịch sử Đài Loan, Quốc Dân Đảng ̣(KMT), vốn thân với Bắc Kinh, đã mất hơn một nửa số vị trí thị trưởng trong đó có cả chức thị trưởng Đài Bắc, địa hạt truyền thống của Quốc Dân Đảng. Phe Dân Tiến Đảng (DPP) đối lập đã chiến thắng tại 13 trong tổng số 22 thành phố lớn nhất ở Đài Loan. Tại Đài Bắc, ứng viên của Dân Tiến Đảng, ông Kha Văn Triết đắc cử vào chức đô trưởng. Đối thủ của ông Kha là ứng viên Quốc Dân Đảng, Liên Thắng Văn (Sean Lien), con trai cựu thủ tướng Liên Chiến, đã chỉ được có 17 điểm dù Đài Bắc từng là “thành trì’ của Quốc Dân Đảng.
Thắng lợi vang dội
Tại các thành phố lớn khác của Đài Loan, phe Dân Tiến Đảng cũng thắng cử vang dội. Đảng Dân Tiến từng có xu hướng độc lập nay nắm cả Đài Trung mà tân thị trưởng là Lâm Gia Long sau khi các ứng viên của họ cũng tái đắc cử ở Đài Nam và Cao Hùng. Ở hai đô thị này, Dân Tiến Đảng giành 73 và 69 phần trăm phiếu.
Hôm thứ Hai, toàn bộ nội các Quốc Dân Đảng của Thủ tướng Giang Nghi Hoa đã từ chức theo sau thất bại lớn nhất trong bầu cử địa phương của Quốc Dân Đảng ở Đài Loan. Các nhà bình luận cho rằng dù đây chỉ là cuộc bầu cử cấp địa phương, mọi chỉ dấu cho thấy sự thay đổi tâm lý xã hội Đài Loan chưa đầy một năm trước cuộc bầu cử tổng thống. Sau nhiệm kỳ nhiều vấn đề của Tổng thống Trần Thủy Biển, người bị tù vì tội biển thủ công quỹ, Dân Tiến Đảng đã thay đổi nhân sự và phục hồi mạnh mẽ. Ngược lại, Quốc Dân Đảng có vẻ rơi vào khủng hoảng nặng hơn cả các chỉ dấu bề ngoài biểu lộ. Chẳng hạn tại Đào Nguyên, thành phố phía Bắc, ứng viên Quốc Dân Đảng dẫn 20 điểm trong các cuộc điều tra dư luận trước ngày đầu phiếu nhưng cuối cùng đã thua. Di sản của ông Mã̉ Anh Cửu hiện được đánh giá tồi tệ ở cả hai mặt. Một là chính sách hòa hoãn với Trung Quốc. Tuy được Bắc Kinh và Washington hoan nghênh, lại gây phản ứng khác nhau từ nhiều giới. Việc mở cửa thị trường cho Trung Quốc đầu tư khiến không ít doanh nghiệp Đài Loan lo ngại và bị phong trào Hoa Hướng Dương của sinh viên phản đối. Các cuộc chiếm nghị viện của sinh viên đã thu hút sự chú ý của dư luận châu Á.
Gần đây, để tỏ ra độc lập hơn với Trung Quốc, ông Mã Anh Cửu đã lên tiếng ủng hộ phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong nhưng với nhiều người Đài Loan, ông vẫn có tiếng là thân Trung Quốc. Hai bên Trung Quốc và Đài Loan đã ký một loạt thỏa thuận mậu dịch quan trọng năm 2010 nhằm thông thương kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay việc đưa nhiều thỏa thuận đó vào thực hiện đang bị dư luận và viện lập pháp ngăn lại. Một số điều tra dư luận ở Đài Loan nói người dân ủng hộ hòa hoãn với Trung Quốc về chính trị nhưng tin rằng chỉ các doanh nhân Đài đầu tư vào lục địa là nhóm được hưởng lợi nhất từ thỏa thuận mậu dịch. Ngoài ra, chính sách hòa hoãn cũng không được Bắc Kinh đáp trả nồng hậu và hy vọng về cuộc gặp của Mã Anh Cửu với Chủ tịch Tập Cận Bình tại APEC Bắc Kinh đã không thành hiện thực. Nay, có vẻ như vị thế của bà Thái Anh Văn, chủ tịch Dân Tiến Đảng đang tăng lên cùng cơ hội tranh cử tổng thống năm 2016. Có tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan là nơi duy nhất thuộc khu vực văn hóa Trung Hoa có bầu cử hoàn toàn tự do, dân chủ.