Báo Pháp bình luận tình hình Ukraina và Thái Lan
Người biểu tình lũ lượt mang túi đựng gạch đá đến xây dựng chiến lũy xung quanh Quảng trường Độc lập. Ảnh chụp ngày20/02/2014. REUTERS/Vasily Fedosenko
Ukraina oằn mình trong cuộc chiến Đông-Tây
Từ hôm thứ Ba 18/02/2014, tại Ukraina, đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã làm hàng chục người chết. Hồ sơ này chiếm ưu tiên trên các báo Pháp hôm nay với những hình ảnh minh họa đầy máu lửa. La Croix đăng tựa lớn trên trang nhất : « Bạo lực và đàn áp lan rộng ở Ukraina ». Libération dành gần trọn trang nhất cho hồ sơ với dòng tựa : « Ukraina : Bạo lực ». Le Figaro cũng chạy tít lớn trang nhất : « Ukraina : cú sốc Đông-Tây ». Trên trang nhất, báo Le Monde đăng hình ảnh máu me bê bết với hàng tựa : « Đàn áp đẫm máu tại Ukraina».
Hậu quả xung đột đã làm thiệt mạng hàng chục người, trong đó có cả cảnh sát, và làm bị thương hàng trăm người. Quảng trường Độc Lập tại thủ đô Kiev luôn là nơi trọng điểm xung đột.
Bất ổn cũng lan nhanh sang các địa phương khác, làm rõ hơn bức tranh chia rẽ Đông-Tây của người Ukraina. Các tờ báo cho biết, ở một số tỉnh miền Tây Ukraina, tức thân với Châu Âu, người biểu tình đã tấn công chiếm đóng trụ sở các cơ quan hành chính và cảnh sát sau khi có tin vũ lực xảy ra ở Kiev. Còn ở các địa phương miền Đông, tức thân với Nga, thì người biểu tình lại tấn công vào trụ sở các đảng phái đối lập.
Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra « độc lập và khẩn cấp » về những cái chết vừa qua. Từ Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi « tất cả các bên chấm dứt bạo lực và tìm cách đạt thỏa thuận để lập lại hòa bình cho đất nước ».
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovich có cùng quan điểm khi tố cáo đó là « âm mưu đảo chính » của phe đối lập.
Liên Hiệp Châu Âu thì bị các tờ báo chỉ trích là thiếu kiên quyết trong hồ sơ Ukraina. Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đồng kêu gọi EU thông qua lệnh trừng phạt cá nhân bằng việc phong tỏa tài sản đối với những kẻ gây bạo lực. Thế nhưng, cả hai vị nguyên thủ của hai nước đầu tàu Châu Âu đều không chỉ đích danh Tổng thống Ianoukovich. Trong khi đó, phải đợi cuộc họp ngoại trưởng EU hôm nay mới biết được Châu Âu có trừng phạt Ukraina hay không.
Trong bài xã luận đăng trên trang nhất, La Croix cho rằng, Ukraina hiện tại là cuộc so kè giữa EU và Nga. Tuy nhiên, theo tờ báo thì « vũ khí hai bên không cân xứng ». Với hệ thống chính trị tập trung quá nhiều quyền lực vào tay tổng thống như Nga, thì Tổng thống Putin có thể có những quyết định nhanh chóng đối phó với những tình huống khẩn cấp. Trong khi đó, đối với EU, phải tốn nhiều thời gian và thủ tục mới có được một quyết định chung, đó là chưa kể sự bất đồng quan điểm thường trực của các nước trong khối.
Để giải quyết tình hình, bài xã luận đăng trên trang nhất báo Le Monde kêu gọi các nước EU nên « có cùng một tiếng nói » và nên « tỏ ra cứng rắn ». Tờ báo cho rằng, EU nên tăng cường sức ép lên chính quyền Ukraina nhiều hơn nữa.
Chia xẻ quan điểm này, tờ báo cánh tả Libération đăng bài xã luận cho rằng, vụ đàn áp đẫm máu tối thứ Ba rồi là « một bước ngoặt » để các nước Châu Âu nhanh chóng tỏ ra đồng thuận nhằm thiết lập các biện pháp trừng phạt mà EU đã nhắc đi nhắc lại từ mấy tuần nay. Tờ báo cho rằng, thời cơ hiện tại là rất hiếm, bởi Tổng thống Nga Putin đang bận rộn với Olympic Sotchi và không muốn bị dính quá nhiều rắc rối trong một bối cảnh như vậy.
Tờ báo cánh hữu Le Figaro cũng có quan điểm tương tự khi đăng bài xã luận trên trang nhất với dòng tựa « Không Đông cũng không Tây ». Tờ báo cho rằng, đã đến lúc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt bằng việc phong tỏa tài sản các cá nhân tại Ukraina, bởi vì phần lớn tài sản của họ được gửi ở các nước Tây Âu. Từ đó, có thể làm suy yếu phe cánh của ông Ianoukovich. Tuy vậy, tờ báo cũng kêu gọi EU và Nga đàm phán để đạt được thỏa thuận về hồ sơ Ukraina, để cho « một nước Ukraina mới được thành hình », đó là một Ukaina «không theo phương Tây cũng chẳng nghiêng về phương Đông ».
Bàn về vai trò của Nga, nhật báo Le Monde đăng bài : « Nga hoạt động khắp các mặt trận khủng hoảng ở Ukraina ». Tờ báo chỉ ra một số điểm nghi ngờ cho thấy Maxcơva đang chống lưng cho Tổng thống Ukraina Ianoukovitch. Tờ báo cũng cho biết, hiện Nga đang ra sức tuyên truyền ở các địa phương miền Đông thân Nga của Ukraina về « một Liên bang Ukraina », theo đó các địa phương sẽ có nhiều quyền tự quyết hơn. Và để từ đó, miền Đông Ukraina thân Nga sẽ gia nhập vào liên minh thuế quan do Nga chủ xướng, còn miền Tây Ukraina thân EU sẽ mở rộng quan hệ hợp tác với các nước Liên Hiệp Châu Âu.
Thái Lan : người biểu tình muốn gì ?
Nhìn sang điểm nóng Thái Lan, Libération đăng bài giải mã chạy dòng tựa : « Phe đối lập gióng chuông báo động chống gia tộc Thaksin ».
Tờ báo nhắc lại, từ cuối tháng 10/2013 đến nay, người biểu tình đã tràn ngập thủ đô Băngkok, phản đối chính phủ Yingluck Shinawatra. Vậy những người biểu tình muốn gì ? Libération cho rằng, họ đòi cải tổ, thế nhưng những cải tổ mà họ đề nghị còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, theo tờ báo, trên tổng thể, những cải tổ nhắm đến việc sửa đổi luật bầu cử sao cho gây được khó khăn cho con đường trở lại chính trường của gia tộc Thaksin.
Tờ báo nhắc lại, ông Thaksin đã lên nắm chính quyền từ năm 2001, đến năm 2006 thì bị quân đội đảo chính. Từ năm 2008, ông Thaksin đã phải sống lưu vong. Cuối năm 2008, một người em rể của ông Thaksin cũng đã làm quyền thủ tướng. Rồi đến năm 2011, đến lượt em gái ông, tức bà Yingluck, lên làm Thủ tướng.
Trở lại việc biểu tình tại Bangkok, Libération nhận định, thời gian qua, chính phủ bà Yingluck đã có phản ứng mềm dẻo gần như «yếu đuối ». Bà đã không kêu gọi đến sự can thiệp của quân đội. Cảnh sát thì luôn cố gắng tránh xảy ra đụng độ với người biểu tình. Thế nhưng, tờ báo cho hay, sự mềm dẻo của cảnh sát không dễ dàng chút nào bởi có khi người biểu tình có cả vũ khí.
Một cuộc đảo chính quân sự có xảy ra không ? Theo Libération : Không. Thế nhưng, tờ báo cho rằng, đảo chính tư pháp là có thể, bởi phe đối lập sẽ nhắm vào những vấn đề tồn tại trong hệ thống hỗ trợ giá lương thực mà chính phủ Yingluck dành cho nông dân Thái. Và thực tế là đã có nhiều nông dân biểu tình trước nơi làm việc dã chiến của bà Yingluck.
Tờ báo cũng đề cập đến thủ lĩnh người biểu tình, ông Suthep Thaugsuban. Hồi năm 2010, theo tờ báo, ông này khi ấy là phó thủ tướng, đã ra lệnh cho quân đội bắn vào những người biểu tình ủng hộ ông Thaksin.