Tập Cận Bình muốn áp đặt luật chơi trên trường quốc tế như thế nào?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập Cận Bình muốn áp đặt luật chơi trên trường quốc tế như thế nào?

Ảnh: Tập Cận Bình luôn nuôi mộng vượt qua Mỹ, thành đại cường hàng đầu thế giới

Thụy My, theo Le Figaro/ blog Thụy My
Theo nhật báo Le Figaro, người đứng đầu Trung Cộng (TC) đang tập trung quyền lực trong tay nhằm đạt cho được các tham vọng.
Lần  đầu tiên từ mười năm qua, Bắc Kinh là chủ nhà hội nghị thượng đỉnh APEC vào đầu tháng 11. Chủ tịch TC đã sắp đặt mọi thứ sẵn sàng trước hội nghị quan trọng này. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái  Bình Dương gồm 21 nước thành viên; trong đó có Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản; chiếm 40% dân số thế giới và 46% trao đổi thương mại toàn cầu. Tập Cận  Bình, vốn đã chú tâm củng cố quyền lực từ khi lên làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm Chủ tịch nước cách đây gần hai năm, ngự  trị trong các buổi tiếp tân trong lớp áo của vị hoàng đế đỏ, hiện thân  của sức mạnh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trong dịp này, dân Bắc Kinh được nghỉ sáu ngày… để cho bầu trời không còn bị ô nhiễm và không làm ảnh hưởng đến «sự hài hòa» được tuyên truyền lâu nay. Chủ tịch TC chú tâm giảm bớt tình  hình căng thẳng ở các địa phương, nhằm trưng ra hình ảnh một cường quốc  không còn mặc cảm và có tinh thần trách nhiệm.
Từ ba mươi năm qua, TC nhấn mạnh đến «sự cất cánh hòa bình».  Từ ngữ này đã biến mất trong các bài diễn văn chính thức. François  Godement, giám đốc chương trình Châu Á- TC của European Council on Foreign Relation nhận xét: «Bắc Kinh không còn nói về sự hài hòa trong quan hệ quốc tế, cũng như việc dân chủ hóa đối với vai trò của các nước nhỏ».
Trong ba thập kỷ, TC đã làm theo khuyến cáo của Đặng Tiểu Bình, cha đẻ chính sách cải cách kinh tế, «giấu đi những gì sáng chói và gắn bó với những góc tối» trong chính sách đối ngoại. Nay thì Tập Cận Bình muốn đảm bảo «giấc mơ Trung Hoa», đó là sự hùng cường và vị thế vừa tìm lại được.
1) Phải chăng người đứng đầu TC từ nay kiểm soát được tất cả các đòn bẩy quyền lực? 
Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương ĐCS TC được đánh dấu với ý  hướng của Tập Cận Bình: nắm lại một nền tư pháp bị suy yếu bởi nạn  thông đồng lợi ích ở địa phương. Đây không phải là việc xây dựng một nền tư pháp độc lập, nhưng là việc tập trung hóa, tách rời khỏi ảnh hưởng  địa phương, với nét mới là cho phép kháng cáo.
Biện pháp này nằm  trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình, tăng cường dấu ấn của ông ta lên chế độ. Trong hai năm, Tập đã lập ra vô số các ủy ban mà ông ta là chủ tịch: quốc phòng, an ninh, kiểm soát internet, cải  cách kinh tế… không có lãnh vực quan trọng nào thoát tầm tay của Tập  cả.
Tập Cận Bình là lãnh đạo TC được báo chí nhà nước nêu  tên nhiều nhất kể từ thời người sáng lập chế độ là Mao Trạch Đông đến  nay. Nhiều nhà quan sát khẳng định sau Người cầm lái vĩ đại, chưa có  lãnh đạo nào khác thâu tóm bằng ấy quyền lực. François Godement xác nhận: «Người Trung Hoa nói rằng mọi con đường đều dẫn đến cá nhân Tập Cận Bình».  Chính sách đối ngoại cũng không thoát khỏi quy luật này, và từ nay được  điều phối ở cấp Hội đồng An ninh Quốc gia do Tập lãnh đạo.
2) Sự liên minh với nước Nga của ông Putin có là điều đáng ngại cho phương Tây? 
Ngay từ cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Nga, Tập Cận Bình đã thổ lộ là cá  tính hai người có rất nhiều điểm chung… tuy không nói rõ là những điểm gì. Họ cùng sùng bái quyền lực độc đoán, cùng thống nhất với nhau trong việc chối từ các giá trị phương Tây (dân chủ, nhân quyền, tự do), và  trong nỗi hoài nhớ đế chế Liên Xô cũ. Trong một bài diễn văn, Tập bày tỏ  sự tiếc nuối là không ai ở Liên Xô có can đảm chặn lại sự sụp đổ của hệ  thống xô-viết và sự tan rã của đế chế này.
Các biện pháp trừng  phạt Matxcơva của phương Tây do cuộc khủng hoảng Ukraina, đã khiến Nga vội gieo mình vào cánh tay TC, đang đói năng lượng và nhờ đó có  được khách hàng mới. François Godement ghi nhận: «TC nhận ra điểm yếu của Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng này,  thấy đây là cơ hội để thủ lợi về kinh tế mà chẳng mất mát gì cả». 
Các lãnh đạo phương Tây hiện không cảm thấy là đáng ngại. Một nhà ngoại giao cho rằng đây không phải là «một sự xích lại gần lâu bền. TC đã tiến xa hơn so với Nga. Đây là một liên minh ý thức hệ cơ hội, chống lại những gì đến từ phương Tây». 
3) TC vẫn luôn đối đầu với Hoa Kỳ? 
Tập Cận Bình đã có cuộc gặp song phương với Barack Obama bên lề thượng đỉnh APEC. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước đó đã tiếp Dương Khiết Trì, cựu  Ngoại trưởng này là cố vấn Nhà nước TC tại Boston, để làm giảm  nhẹ căng thẳng Mỹ-Trung trước cuộc gặp.
Cho rằng đã tiến quá  nhanh, Bắc Kinh không còn chấp nhận danh sách các nhà ly khai mà các vị  khách Mỹ đưa ra đòi trả tự do. Và các lãnh đạo TC cũng không  ngần ngại công khai nói lên những bất đồng với Washington. Các chủ đề  không thiếu: cuộc khủng hoảng Hồng Kông, nhân quyền, căng thẳng tại  Biển Đông và Biển Hoa Đông với các láng giềng Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tin tặc.
François Godement khẳng định: «TC chấp nhận nguyên tắc đối đầu chiến lược với Hoa Kỳ. Bắc Kinh ý thức được rằng dù  tầm mức không bằng Washington, nhưng cho rằng thời gian sẽ đứng về phía  mình»… Sự suy yếu của phương Tây làm tăng nhanh tốc độ đi lên của TC, mà nền kinh tế có thể gấp đôi so với Hoa Kỳ vào năm 2030  theo một số ước đoán. Đại cường này lúc đó có thể trở nên mờ nhạt hơn.
4) Phải chăng các nước láng giềng châu Á có lý, khi lo sợ tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh? 
Các yêu sách lãnh thổ của TC đáp ứng một mệnh lệnh bên trong của ĐCSTQ: vượt qua tất cả các dạng cạnh tranh nội bộ về dân tộc chủ nghĩa, và sử dụng làm công cụ để thay thế cho ý thức hệ cộng sản quá cố. Từ  khi Tập Cận Bình lên ngôi, TC đã khiến cho đa số các nước láng  giềng ở Biển Đông lo ngại. Tháng 11/2013, Bắc Kinh đã gây ra bão ngoại giao khi đơn phương quy định vùng nhận dạng phòng không trên phần  lớn Biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Nhật Bản kiểm soát nhưng TC đòi hỏi chủ quyền.
Tháng 5/2014, TC cho kéo một giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa, Việt Nam, gây ra khủng hoảng nghiêm trọng với Hà Nội. Bắc Kinh liên tục tiến hành các hoạt động xây dựng để khẳng định chủ quyền tại Biển Đông, nơi họ yêu  sách đến 90%: khu vực chiến lược này là nơi giao thoa của các tuyến  đường hàng hải quan trọng, và một số đảo cũng được Malaysia, Brunei, Việt Nam, Philippines, Đài Loan đòi hỏi chủ quyền. Tháng 10/2014, Bắc Kinh còn xây dựng đường băng trên một trong các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, được đặt tên lại là Yongxing, trở nền điểm tiền tiêu của tham vọng trên biển TC.
Lấn dần từng bước theo kiểu tằm ăn dâu, TC ghi điểm trong cuộc xung đột lãnh thổ «lịch sử» mà các giải pháp xem ra từ nay trong tầm tay họ. Trong cuộc đấu với Hoa Kỳ, chính quyền TC dòm ngó xem Washington có thể bảo vệ các đồng minh của mình đến mức nào.
François Godement nhấn mạnh: «TC giảm căng thẳng xuống lúc sắp diễn ra hội nghị thượng đỉnh vừa qua. Bắc Kinh có khả năng giảm tần suất và cường độ xảy ra các sự cố  trong những tháng gần đây, chứng tỏ một sự phối hợp ngoại giao và sự  nắm quyền rất chặt chẽ của Tập Cận Bình, nhất là đối với quân đội. Các  nước trong khu vực hết sức lo ngại». 
5) TC có còn cần đến quyền lực mềm để tác động?
Cho dù triển khai mạng lưới các Viện Khổng tử cùng khắp – công cụ để truyền bá văn hóa Trung Hoa – ngoại giao kinh tế vẫn là đòn bẩy chính của  quyền lực mềm Trung Quốc. Với 4.500 tỉ đô la dự trữ ngoại hối, Bắc Kinh  có năng lực tấn công khủng khiếp. Đầu tư trực tiếp TC ra nước ngoài không ngừng phá các kỷ lục. Năm 2014, con số này có thể vượt  ngưỡng 100 tỉ đô la. Bắc Kinh ban bố các ân huệ kinh tế theo lợi ích của chính mình và theo không khí chính trị với các đối tác.
TC chủ yếu đầu tư vào châu Phi, tại đây Bắc Kinh đã vượt qua ảnh hưởng của Mỹ. Trao đổi thương mại với châu lục này tăng 30% kể từ năm 2000.  TC đầu tư nhắm vào các dự án hạ tầng của Nhà nước, mà không quan tâm đến chế độ ấy như thế nào. Mô hình quản lý «không dân chủ» của Bắc Kinh được một số nước hoan nghênh, và cũng được dùng để tự ca ngợi trong nội bộ.
Cũng nhờ châu Phi mà TC đảm bảo được nguồn cung năng lượng. Ảnh hưởng Bắc Kinh tại lục địa mà các lá phiếu có trọng lượng khá trong các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc, là một vũ khí đáng ngại để tạo nên liên minh. Trong số 54 nước châu Phi, chỉ có ba nước công nhận Đài Loan (Burkina Faso, Swaziland, Sao Tomé-et-Principe). Nhưng thường là để nói không và hiếm khi có sáng kiến.
Bắc Kinh tỏ ra thận trọng trong  việc nhận trách nhiệm quốc tế phù hợp với trọng lượng kinh tế của mình, đóng vai trò người ổn định trong các cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới. TC chờ đợi đến khi đạt đến sức mạnh tối đa để áp đặt trên  trường quốc tế.