Điểm Báo Pháp – 27/11/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 27/11/2014

Chiến hạm đa năng Mistral của Pháp. – REUTERS/Stephane Mah

Giao chiến hạm Mistral cho Nga: bài toán hóc búa cho Paris

Theo RFI – Minh Anh – 27-11-2014  16:53
Số phận hai chiến hạm đa năng Mistral là chủ đề được tờ Le Monde (27/11/2014) quan tâm đến. Khủng hoảng Ukraina xảy ra và kéo dài buộc Paris phải trì hoãn ngày giao hàng và có nguy cơ phải hủy hợp đồng. Trong trường hợp xấu nhất phải xảy ra, đâu là hệ quả kinh tế, chính trị và giải pháp nào cho hồ sơ này? Le Monde có bài phân tích cặn kẽ đề tựa «Chiến hạm Mistral, đối tượng tranh cãi lâu dài».
Vào năm 2011, dưới thời cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, Paris đã ký được một hợp đồng bán hai chiến hạm đa năng tối tân Mistral với tổng trị giá hơn 1,2 tỷ euro. Theo hợp đồng, Pháp sẽ phải giao chiến Mistral đầu tiên, được đặt tên là Vladivostok vào trung tuần tháng 11/2014.
Rủi ro thay, khủng hoảng Ukraina bùng nổ và kéo dài, buộc Paris phải trì hoãn ngày giao hàng. Dưới áp lực của thế giới, kế hoạch giao hàng cho Nga có nguy cơ bị hủy. Trước mắt Paris nhìn nhận chưa có một giải pháp nào tốt hơn cho hồ sơ này. Nếu việc hủy hoàn toàn việc giao chiến hạm Mistral cho Nga mang ý nghĩa trừng phạt chính trị nhắm vào Matxcơva, thì nó cũng là một đòn trừng phạt kinh tế dành cho Paris. Bởi vì, ngân sách dành cho quốc phòng Pháp hiện nay đang chịu một áp lực rất lớn.
Hơn nữa việc trì hoãn ngày giao hàng (mà không nêu rõ thời hạn) có rủi ro dẫn đến những tranh chấp. Từ nhiều tháng nay, Nga có những lời lẽ lúc thì đe dọa, lúc hòa dịu. Theo nhiều nhà quan sát, hồ sơ càng bị kéo dài, thì Matxcơva càng có nhiều lợi thế, nhằm có thể tiếp tục chơi trò gây căng thẳng.
Le Monde nhắc lại trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa hai lãnh đạo Pháp – Nga, bên lề thượng đỉnh G20 tại Brisban – Úc, một quan chức cao cấp Nga đã gia hạn cho phía Paris trong vòng hai tuần phải thực hiện việc giao hàng nếu không muốn bị bồi thường hợp đồng. Không những thế, Nga cũng có thể chấm dứt mọi kế hoạch mua công nghệ kỹ thuật quân sự với các quốc gia trong khối NATO, theo như tuyên bố của một quan chức quốc phòng Nga.
Theo Le Monde, vụ việc sẽ còn kéo dài trong nhiều năm. Chiếc chiến hạm đa năng thứ hai, có tên gọi là Sebastopol vừa được hạ thủy. Nó phải được giao trong năm 2016. Mặc dù ngày giao hàng đã bị trì hoãn, phía Pháp cho đến giờ vẫn tỏ ra khá lạc quan, đánh giá đây là một «hợp đồng vũ khí hấp dẫn nhất trong lịch sử».
Bởi vì nó liên quan đến sự sống còn của ba doanh nghiệp Pháp. Xí nghiệp đóng tàu STX tại Saint-Nazaire hưởng đến 660 triệu euro. Doanh nghiệp này hiện đang gặp khó khăn, chính phủ đang muốn cứu vãn việc làm tại đây. Nhà thiết kế DCNS được nhận 430 triệu euro và nhà thầu, và cuối cùng công ty tư vấn DCI-NAVFCO sẽ được chi trả 30 triệu euro.
Theo đánh giá của nhà thiết kế DCNS, rủi ro đó quá lớn. Hợp đồng trị giá 1,2 tỷ euro được bảo đảm bởi Coface, một công ty bảo hiểm tín dụng cho những hợp đồng xuất  khẩu Nhà nước. Trong trường hợp ngưng hợp đồng, mức bồi thường dành cho DCNS có thể chiếm đến 20% tổng giá trị hợp đồng, tức khoảng 240 triệu euro. Mức phạt này vượt quá kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong năm rồi (166 triệu euro). Trong khi đó, kết quả hoạt động trong quý I/2014 đang sụt giảm. Tệ hơn nữa, trong trường hợp phải ra trước tòa án trọng tài, mức bồi thường có thể còn vượt quá một tỷ euro. Và trong khi chờ đợi, công ty này vẫn phải tiếp tục trả tiền cập cảng chiếc Vladivostok.

Giải pháp thay thế : bài toán hóc búa

Giải pháp thay thế nào cho nước Pháp ? Nhượng chiến hạm lại cho nước khác thì bị xem là không nghiêm túc. Hay nhượng lại cho NATO hay Liên Hiệp Châu Âu cũng không xong. Bởi vì, trên thực tế chiến hạm đa năng này đã thực sự thuộc quyền sở hữu Nga. Vì phần vỏ sau của chiếc tàu được sản xuất tại Nga. Do đó, nếu muốn nhượng lại cho NATO, Pháp phải tiến hành tu sửa lại hoàn toàn cho đến cả ổ cắm điện và đường dây điện theo tiêu chuẩn của tổ chức này.
Chỉ còn lại một giải pháp duy nhất, tồi tệ nhất đó là Hải quân Pháp phải lấy chiếc Mistral về. Nhưng lấy về để làm gì, trong khi Hải quân Pháp đã sở hữu đến ba chiếc loại này, ngân sách lại hạn hẹp và cần ưu tiên cho những nhu cầu khác quan trọng hơn như tàu hộ tống chống tàu ngầm chẳng hạn. Quả là một bài toán hóc búa cho chính phủ Pháp !

Thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại: Israel và Ả Rập Xê Út trên ghế bị cáo

Đàm phán hạt nhân Iran tại Vienna  thất bại. Thời gian thương lượng được quyết định kéo dài thêm thêm 7 tháng. Mọi hy vọng dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran tan vỡ. Đối với người dân và một số tờ báo Iran, chính Israel và Ả Rập Xê Út là thủ phạm của thất bại lần này.
Theo lời thuật của báo Le Monde, trên các trang mạng xã hội trong nước, rất đông người Iran lên án ảnh hưởng «tai hại» của Israel và Ả Rập Xê Út – kẻ thù muôn thuở của Iran. Theo họ, thời gian 7 tháng đó cũng đủ để Riyad – thành viên có tầm ảnh hưởng mạnh nhất trong Tổ chức OPEP – «gây áp lực lên Iran bằng cách giảm nhiều hơn nữa giá dầu thô». Điều này muốn ám chỉ đến việc Ả Rập Xê Út từ chối giảm sản lượng khai thác, nhằm mục đích gây tổn hại đến nền kinh tế Iran, đang bị đè nặng do các lệnh cấm vận.
Để chứng minh cho giả thuyết này, nhiều người Iran đã nhắc lại chuyến đến Vienna bất ngờ của Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út – Hoàng tử Saoud Al Fayçal, hôm Chủ nhật 23/11/2014 vừa qua, một ngày trước khi kỳ hạn thương thảo kết thúc. Vị Hoàng tử Ả Rập đã gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry để bàn về hồ sơ hạt nhân Iran. Các báo Iran gọi Ả Rập Xê Út là vị «khách không mời mà đến». Tờ Donya-Eghtesad (tương đương với Kinh tế Thế giới) cho rằng Riyad tìm «mọi cách để phá hoại thỏa thuận lịch sử này».
Về phần Israel, thái độ «hài lòng» của Thủ tướng Benyamin Netanyahou về thất bại đó đã gây bất bình cho người Iran. Trên Twitter, một người dân viết: «Thật là bất công khi thấy Israel, chẳng có dính dáng trực tiếp gì đến cuộc thương thuyết, lại có thể gạt chúng ta ra xa một thỏa thuận hạt nhân».
Tại Nghị viện Iran, các nghị sĩ phe bảo thủ chiếm đa số đã lên án «sự tham lam» của Hoa Kỳ. Những người này còn chỉ trích Ngoại trưởng Iran ông Mohammad Javad Zarif đã không biết đặt điều kiện với Mỹ cho việc dỡ bỏ lệnh cấm vận.
Dù sao đi nữa, Ngoại trưởng Iran cũng nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Tối cao, Giáo chủ Ali Khamenei. Ngay sau khi thỏa thuận tuyên bố thất bại ngày thứ Hai 24/11/2014, lãnh đạo Tối cao Iran khẳng định: «Hoa Kỳ và các đế quốc Châu Âu đã họp lại để hạ gục nước Cộng hòa Hồi giáo Iran trên hồ sơ hạt nhân. Nhưng bọn chúng đã không thành công và sẽ không thể nào đạt được điều đó nữa trong tương lai».

Vụ Ferguson: Người Mỹ gốc Phi không có công lý

Phán quyết thả cảnh sát da trắng, người đã hạ sát một thanh niên da đen hồi tháng Tám vừa qua tiếp tục chiếm lĩnh các báo Pháp. Le Figaro cho biết «Obama đối mặt với cơn phẫn nộ người Phi tại Ferguson». Liberation dành hai trang lớn cho bài phóng sự của đặc phái viên Frédéric Autran tại chỗ.
Với tấm ảnh chiếm hơn nữa trang báo cho thấy nhiều thanh niên tay cầm súng AK, một số có che mặt, Liberation chạy tựa «Xung quanh Ferguson, dân quân tự vệ làm mưa làm gió». Trong khi tại thành phố Missouri, nơi thanh niên da đen Michael Brown bị hạ sát vẫn đang trong tình trạng căng thẳng, dân cư vùng Ferguson tự tổ chức các nhóm tự vệ được trang bị vũ khí quá mức. Tại thành phố Missouri, một công dân chỉ cần 21 tuổi và có lý lịch tư pháp trong sạch là được quyền mua vũ khí. Tác giả còn cho hay, tại vùng Ferguson, gần đến ngày tòa ra phán quyết, lượng vũ khí bán ra đã tăng gấp đôi.
Cũng nhân dịp này, đặc phái viên tờ Libération đã có dịp phỏng vấn ông Cornell Brooks, chủ tịch Hiệp hội cho sự tiến bộ người da màu NAACP. Theo nhận xét chung của ông Brooks, «Rủi ro một thanh niên da đen bị cảnh sát da trắng hạ gục cao gấp 21 lần».
Nhưng đối với Le Monde, vụ việc tại Ferguson một lần nữa chứng minh cho thấy «Sự phủ nhận công lý cho người Mỹ gốc Phi». Đây cũng là tựa đề của bài xã luận.
Người Mỹ gốc Phi nổi giận và cảm thấy bất an. Cuộc sống của họ không được luật pháp đảm bảo. Nỗi sợ bị cảnh sát hạ gục còn cao hơn cả bị người da trắng bắn hạ. Nỗi sợ đó ám ảnh hết thảy các bà mẹ gia đình gốc Phi nhất là khi không thấy con trai mình về nhà. Nỗi sợ đó thể hiện rõ nét trên gương mặt một nhân chứng phát biểu trên truyền hình: «Với tư cách là một bà mẹ người Mỹ gốc Phi, phán quyết này quả thật làm tôi rất đau lòng».
Sự việc để lại một tỳ vết trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, vị Tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông sẽ không còn là người đã từng thúc đẩy hơn nữa công cuộc đấu tranh cho những người Mỹ gốc Phi thiểu số. Nhưng ông Obama cũng nhận thức được rằng vấn đề đã vượt mức khả năng của ông. Nhiều tờ báo Mỹ cho rằng Michael Brown có lẽ sẽ được cứu sống giả như cảnh sát được trang bị các camera siêu nhỏ.
Nhưng điều đó cũng chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề: văn hóa cảnh sát và tư pháp đè nặng một cách thái quá và bất công lên thiểu số người Phi tại Mỹ. Bất hạnh thay, không chỉ có Hoa Kỳ mới có vấn đề này.

Chống tham nhũng tại Brazil: Dilma Rouseff sập bẫy của chính mình

Cũng tại Châu Mỹ, Libération lại nhìn sang Brazil với bài viết đề tựa «Brazil: Dilma Roussef bị sập bẫy chống tham nhũng của mình». Nhằm phản ứng lại vụ tai tiếng liên quan đến tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, nữ Tổng thống đã tung ra chiến dịch «Bàn tay sạch». Và chiến dịch đã xoay chiều chống lại chính Đảng Lao động của bà.
Ngày 14/11/2014, 21 vị lãnh đạo các nhà thầu đã bị cảnh sát liên bang bắt giữ và câu lưu. Những người này bị cáo buộc về tội đút lót để ký kết các hợp đồng thầu với “giá thổi phồng” với Petrobras. Một phần huê hồng từ 1-3% theo giá trị hợp đồng sẽ được đổ vào quỹ đen của Đảng Lao động của bà Dilma Rousseff và hai đảng liên minh chính trị khác của chính phủ cầm quyền là Đảng Tiến bộ và Đảng Phong trào Dân chủ Brazil.
Các quan chức tại Petrobas do các đảng này đưa vào nắm giữ cũng đã bị bắt giữ. Một trong số những người này, cựu giám đốc chuyên trách vật tư, Paulo Roberto Costa cũng như một người môi giới đã thú nhận với hy vọng được giảm án. Bà Dilma Rousseff, từng là chủ tịch hội đồng quản trị giai đoạn 2003-2010, tuy không trực tiếp bị ảnh hưởng, nhưng bản thân bà và người tiền nhiệm, cựu tổng thống Lula có lẽ cũng tường tận về nạn tham ô.
Tại Brazil, cũng như tại nhiều quốc gia, thị trường công là miền đất màu mỡ cho nạn tham nhũng. Cùng lúc đó, các nhóm thầu xây dựng lại là những nhà hảo tâm lớn cho các chiến dịch vận động. Và vụ tai tiếng Petrobras minh chứng cho mối quan hệ nguy hiểm này.
Đối với chuyên gia chính trị Teixeira, vụ việc lần này có thể gây áp lực lên Quốc hội để thông qua một chính sách cải cách chống tham nhũng. Đây cũng là cam kết chính của Dilma Rousseff sau vụ nổi dậy của người dân mùa hè năm 2013.

Trang nhất các báo Pháp

Tình hình kinh tế chính trị nước Pháp hầu như là chủ đề chính trên các trang nhất của nhiều tờ báo lớn tại Pháp sáng nay 27/11/2014. Thời gian làm việc trong tuần là mối bận tâm của nhật báo Công giáo La Croix. Tờ báo đặt câu hỏi trên trang nhất «Có nên xem xét lại quy định 35 giờ?», trong khi nhiều đề nghị nới lỏng quy định thời gian làm việc gia tăng.
Nhà tù quá tải là chủ đề trang nhất của Le Figaro. «Taubira đối mặt với quả bom quá tải trong các trại tù» tít của tờ báo. Để đối phó với tình trạng này, một đại biểu đảng Xã hội đề xuất trả tự do trước thời hạn tại các trại tù quá tải.
Libération đặc biệt chú ý đến Tổng thống Pháp qua câu hỏi: «Liệu ông Hollande có thật sự xanh?». Ban biên tập thắc mắc về tính cách bảo vệ môi trường của Tổng thống.
Le Monde đặc biệt quan tâm đến lãnh vực kinh tế qua hàng tít «Tăng trưởng: Châu Âu vẫn dậm chân tại chỗ trước sự cất cánh của Hoa Kỳ». Mối quan ngại về một Châu Âu «già cỗi» của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài diễn văn tại Strasbourg cũng là một chủ đề chính trên trang nhất Le Monde với hàng tựa «Châu Âu: đâu rồi sức sống mãnh liệt?».