Hệ lụy của việc ông Hagel ra đi

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hệ lụy của việc ông Hagel ra đi

Ai sẽ được Obama chọn để thay thế Hagel?

Theo BBC – 27 tháng 11 2014
Ba ngày sau khi có thông báo từ Tổng thống Obama, giới quan sát tiếp tục bình luận về việc Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel từ chức.

Nước Mỹ hiện đang nghỉ nhân Lễ Tạ ơn, và bất cứ quyết định gì cũng phải đợi tới tuần sau. Một trong những điều khiến các chuyên gia tốn thời gian suy luận là ai sẽ thay chân ông Hagel trong vai trò bộ trưởng quốc phòng thứ 25 của Hoa Kỳ, vị trí bị cho là khó khăn thứ hai trong chính quyền chỉ sau chức tổng thống. Một trong các ‘ứng viên’ sáng giá nhất, bà Michèle Flournoy, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng chuyên trách chính sách từ năm 2009-2012, dường như đã nhanh chóng rút khỏi cuôc đua. Bà Flournoy nói với website Politico rằng bà sẽ không tham gia cuộc đua vào Lầu Năm Góc. Hiện hai người được cho có tiềm năng ngấp nghé vị trí của ông Hagel là cựu thứ trưởng “Ash” Carter và thứ trưởng Robert Work. Cho dù là ai, họ sẽ phải làm việc chặt chẽ với đội ngũ an ninh của ông Obama và đây không phải công việc dễ dàng gì.

Ảnh hưởng tới Việt Nam

BBC đã mang câu hỏi về việc ông Chuck Hagel từ nhiệm đặt cho ông Ernest Z. Bower, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington DC. Theo ông Bower, ông Hagel ra đi làm dấy lên câu hỏi ở châu Á về sự gắn kết trong đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Obama. Không ai lạ gì chuyện ông Hagel xung khắc với Cố vấn an ninh Quốc gia Susan Rice, và sự thân cận của bà Rice với ông tổng thống đã cản trở ảnh hưởng của các thành viên khác trong Ủy ban An ninh Quốc gia. Hồi đầu tháng vừa qua, ông Barack Obama đã có chuyến đi được xem là tích cực tới Á châu, nơi ông có các phát biểu gây chú ý. Bởi vậy khi ông quay về nước và làm công việc đầu tiên là giải quyết vấn đề nhập cư, các lãnh đạo Á châu tỏ ra ngỡ ngàng. Điều này cho thấy thông điệp của ông gửi đi là trong hai năm cuối ông Obama sẽ tấp trung vào các vấn đề quốc nội.

Ông Bower cho rằng đây là điều gây thất vọng lớn với châu Á. “Việc ông Hagel ra đi cũng là bước thụt lùi trong quan hệ an ninh Mỹ-Việt. Nó đã ảnh hưởng tới quan hệ vì chuyến thăm Việt Nam và Myanmar của ông Hagel dự định vào tháng 11 đã bị hủy bỏ, trong lúc Nhà Trắng và đội ngũ an ninh quốc gia quyết định số phận của ông.” Theo ông Bower, ông Hagel là cựu chiến binh, lại nhiều kinh nghiệm về Việt Nam nên có thiện cảm với đất nước này. Ông cũng hiểu được tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ an ninh và quốc phòng giữa hai bên. “Trong khi chưa rõ ai sẽ nối bước Chuck Hagel và những người có hiểu biết về Á châu như Jack Reed và Michèle Flournoy không muốn tham gia, con số ứng viên chất lượng xem ra rất ít ỏi.” “Đây có thể cũng là chỉ dấu rằng Obama muốn có ai đó có thể dẫn dắt cuộc chiến chống lại IS ở Trung Đông một cách mạnh mẽ hơn, và điều này sẽ khiến cho nghị trình cũng như nguồn lực dành cho Á châu một lần nữa lại bị Trung Đông soán mất.” “Tôi lo rằng không có nhiều ứng viên với chỉ số Á châu cao cho chức vụ bộ trưởng quốc phòng.”