Chuck Hagel ra đi có ảnh hưởng tới VN?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chuck Hagel ra đi có ảnh hưởng tới VN?

Tổng thống Barack Obama đã loan báo việc ông Chuck Hagel từ chức hôm 24/11

Theo BBC – 25 tháng 11 2014
Giới quan sát cho rằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel rút khỏi nhiệm sở không có ảnh hưởng lớn tới quan hệ Việt-Mỹ.

Thứ Hai ngày 24/11, Tổng thống Barack Obama xác nhận ông Hagel sẽ từ chức sau chưa đầy hai năm nắm quyền. Hiện dư luận còn đang đồn đoán ông bị buộc phải từ chức hay tự nguyện ra đi. Một điều rõ ràng, là quan hệ giữa ông trong vai trò bộ trưởng với tổng thống và nội các, nhấ́t là Ủy ban An ninh Quốc gia, đã lâm vào tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” từ lâu nay. Ông từng than phiền rằng ông bị “quản lý quá tỉ mỉ” (micromanaged). Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain hôm thứ Hai nói trên một đài phát thanh ở bang Arizona rằng ông Hagel “rất rất mệt mỏi” về quan hệ của mình với Nhà Trắng. Ngoài lý do quan hệ không tốt với chính quyền Obama, người ta còn đoán thêm các lý do khác dẫn tới sự ra đi của ông, như thiếu hiểu biết về Trung Đông trong bối cảnh cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) đang hồi gay gắt; thậm chí ông là vật tế thần cho chính sách ngoại giao và an ninh ẻo lả của ông tổng thống… Nói những điều đó để thấy rằng, không có lý do gì trong những đồn đoán liên quan tới Việt Nam, hay khu vực Đông Nam Á.

‘Không suy xuyển’

Tiến sỹ Ian Storey, chuyên gia về Đông Nam Á tại Singapore, nói theo ông việc ông Hagel từ chức “không có ảnh hưởng gì tới quan hệ Mỹ-Việt, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng”.

Có ý kiến cho rằng ông Chuck Hagel, một trong các cựu chiến binh cuộc chiến Việt Nam, có thể có tình cảm riêng đặc biệt nào đó với Việt Nam và do vậy có khả năng đóng góp nhiều hơn cho quan hệ hai bên. Đó chỉ là cách nhìn cảm tính, và theo Tiến sỹ Storey, một bộ trưởng mạnh với hiểu biết thấu đáo hơn về an ninh như Robert Gates mới thực sự có ảnh hưởng cho quan hệ giữa Hoa Kỳ với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tiến sỹ Zachary Abuza, chuyên gia về an ninh khu vực Đông Nam Á, thì cho rằng sự kiện ông Chuck Hagel từ chức có thể gây ra ảnh hưởng về tâm lý. “Ông Hagel vừa hoãn thăm Việt Nam vì tình hình Iraq và Syria. Ông ta sẽ không thực hiện chuyến đi này trước khi rời nhiệm sở.” Quá trình lựa chọn người thay thế Hagel, theo ông Abuza, sẽ lâu dài và khó khăn trong khi hai đảng đều tập trung vào cuộc bầu cử 2016. “Sẽ rất khó cho chính quyền Obama thuyết phục các bạn bè và đồng minh trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, về cam kết xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương cũng như đối với an ninh khu vực.” Tiến sỹ Zachary Abuza nói: “Tuy việc từ chức sẽ không ảnh hưởng nhiều tới các chi tiết đã hoạch định như điều 60% lực lượng hải quân tới châu Á-Thái Bình Dương, các cuộc tập trận và thăm hải cảng dự kiến, dư luận trong khu vực chắc chắn sẽ quan ngại rằng Hoa Kỳ quá bận rộn về các vấn đề khác và không thể hỗ trợ trước sự mạnh bạo gia tăng của Trung Quốc”. Ông cũng cho rằng, Bắc Kinh đã bỏ nhiều nỗ lực ngoại giao để thuyết phục các nước trong khu vực rằng Hoa Kỳ không phải là đối tác đáng tin cậy. “Việc Hagel hoãn thăm Việt Nam đã đưa ra các tín hiệu sai lệch cho Hà Nội, và việc ông từ chức chắc sẽ gây thêm quan ngại. Hà Nội sẽ muốn biết chắc hơn về cam kết đối với an ninh khu vực cũng như tự do hàng hải [của Hoa Kỳ].”

Ai thay Hagel?

                        Chuck Hagel từng than phiền bị quản lý quá tỉ mỉ                    

Chuck Hagel, 68 tuổi, từng tham chiến ở Việt Nam và từng làm thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa cho tiểu bang Nebraska quê hương ông trong 12 năm, là bộ trưởng quốc phòng từ năm 2013. Ông sẽ vẫn tại vị cho tới khi chính quyền Mỹ xác nhận người kế nhiệm ông. Ông đã từng chỉ trích việc Hoa Kỳ can dự vào Iraq mặc dù bỏ phiếu để Washington lâm chiến. Ông Hagel thay ông Leon Panetta trong cương vị bộ trưởng quốc phòng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Obama và đóng vai trò giảm cường độ hai cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq cùng lúc giúp chính quyền ông Obama chuyển cán cân quân sự sang châu Á. Tuy nhiên ông bị cho là lựa chọn sai cho vị trí bộ trưởng quốc phòng, và hiện đang có một danh sách các “ứng viên” có thể thay thế ông. Trong các nhân vật khả dĩ có bà Michèle Flournoy, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng; ông Ash Carter, cựu thứ trưởng quốc phòng, hoặc ông John Hamre, người cũng từng giữ chức thứ trưởng. Thế nhưng dù là ai, thì người đó cũng phải làm việc trong hai năm cuối nhiệm kỳ Obama, và phải cân nhắc kỹ lưỡng là liệu sẽ có đủ hỗ trợ và điều kiện để làm tròn nhiệm vụ của mình hay không trước quyền lực tập trung to lớn hiện nay của Ủy ban An ninh Quốc gia.