Kỳ tích kinh tế của Trung Cộng đã đến hồi kết thúc?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Kỳ tích kinh tế của Trung Cộng đã đến hồi kết thúc?

Theo Dân Luận – Bob Davis – Athena chuyển ngữ

Nợ công và nạn tham nhũng thực sự đang ngáng chân gã khổng lồ châu Á. Trong một chuyến đi đến Trung Quốc vào năm 2009, tôi đã leo lên tầng cao nhất của một ngôi chùa 13 tầng năm trong khu công nghiệp Thường Châu, cách thành phố Thượng Hải không xa lắm, và phóng tầm mắt nhìn khung cảnh xung quanh. Các loại cần cẩu đang thi công công trình trải dài tít tắp trên đường chân trời mờ sương, ánh lên màu vàng rực dưới nắng mặt trời. Daniel, con trai của tôi, lúc đó đang là giáo viên dạy tiếng Anh cho một trường học ở địa phương, nói với tôi rằng, “Màu vàng tượng trưng cho sự phát triển đấy ba ạ.” Trong suốt thời gian tôi ở Bắc Kinh với tư cách là ký giả của tờ Wall Street Journal tìm hiểu về nền kinh tế của Trung Quốc, thì bắt đầu từ năm 2011, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có kim ngạch thương mại số một thế giới, vượt qua cả Mỹ, và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vuợt lên trên Nhật Bản. Các nhà kinh tế học nhận định rằng việc GDP của Trung Quốc vươn lên đứng đầu thế giới chỉ là vấn đề thời gian. Trong thời gian này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bầu ra một vị tổng bí thư đầy quyền lực, đó là Tập Cận Bình, người tự cho mình là một nhà cải cách, đã đề ra kế hoạch 60 điểm để tái cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc và tiến hành chiến dịch xóa bỏ nạn tham nhũng trong nội bộ Đảng Cộng sản. Những người ngưỡng mộ ông Tập nói với tôi rằng cuộc thanh trừng này sẽ khiến các quan chức, chính trị gia ở địa phương và giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ – ba chân kiềng của chế độ – lo sợ và phải ủng hộ những thay đổi của ông Tập. Vậy thì tại sao tôi lại tỏ thái độ bi quan như vậy, khi rời khỏi Trung Quốc lúc sắp kết thúc 4 năm công tác, về tình hình kinh tế trong tương lai của nước này? Lúc tôi mới đến đó, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc là gần 10% trong gần 30 năm liên tục, một điều không tưởng trong lịch sử kinh tế học hiện đại. Nhưng hiện tại tỉ lệ đó giảm xuống chỉ còn 7%. Những doanh nhân phương Tây và các nhà chuyên gia kinh tế quốc tế ở Trung Quốc cảnh báo rằng số liệu thống kê GDP của chính phủ chỉ chính xác khi nó là kim chỉ nam cho hướng phát triển, và phương hướng hiện giờ của nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng đang đi xuống. Vấn đề được đặt ra ở đây là tốc độ tụt dốc này còn nhanh và xa như thế nào nữa. Báo cáo của riêng tôi đã chỉ ra rằng chúng ta đang chứng kiến hồi kết thúc của kỳ tích kinh tế Trung Hoa. Cái mà chúng ta nhìn thấy chỉ là sự thành công chủ yếu dựa vào bong bóng nhà đất dựa trên vay nợ và chi tiêu công đuợc thúc đẩy bởi tham nhũng. Những chiếc cần cẩu xây dựng vuơn lên nhan nhản không phải là biểu tượng cho sức sống của một nền kinh tế; nó chỉ cho thấy nền kinh tế đó đang chạy đua một cách điên cuồng. Phần lớn những thành phố ở Trung Quốc tôi từng đến thăm đều đã bị lấp đầy bởi những khu phức hợp gồm các căn hộ lớn nhưng vẫn còn trống, đặc biệt chỉ nhìn thấy vào buổi tối bởi những ánh đèn từ trên tầng cao nhất. Tôi đặc biệt lưu ý điều này trong các chuyến đi về cái gọi là đô thị loại ba và bốn – có đến khoảng 200 thành phố như thế, với dân số từ 500,000 cho đến vài triệu người, nơi mà các du khách phương Tây hiếm khi đến nhưng lại chiếm khoảng 70% doanh số bán nhà đất ở Trung Quốc. Ví dụ, nhìn từ cửa sổ phòng khách sạn của tôi ở thành phố Dinh Khẩu thuộc phía đông bắc của Trung Quốc, tôi chỉ thấy những tòa nhà cao tầng trải dài hàng dặm, với số lượng ô tô qua lại trên đường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nó khiến tôi nghĩ rằng đây chính là hậu quả của vụ nổ bom neutron – chỉ còn các công trình kiến trúc đứng lạc lõng nhưng không ai còn sống. Tình hình còn tồi tệ hơn ở Hàm Đan, một trung tâm chuyên về thép cách Bắc Kinh 300 dặm về phía Nam, khiến một nhà đầu tư ở tuổi trung niên lo sợ rằng một nhà phát triển ở địa phương sẽ không đủ khả năng thanh toán các khoản tiền lãi như đã hứa, và dọa sẽ tự tử vào mùa hè năm ngoái. Sau khi nghe những câu chuyện tương tự về sự tuyệt vọng, các nhà chức trách đã cấm người dân không được nhảy từ tầng cao nhất của các tòa nhà. Chính quyền thành phố Hàm Đan đã từ chối bình luận về điều này. Trong 20 năm qua, bất động sản đã trở thành nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Vào cuối thập niên 1990, Đảng Cộng sản cuối cùng đã cho phép người dân thành thị được sở hữu nhà riêng, và từ đó nền kinh tế phát triển tăng vọt. Mọi người đổ hết tiền tiết kiệm vào bất động sản. Các ngành công nghiệp liên quan như thép, thủy tinh và điện gia dụng phát triển đến mức bất động sản chiếm hơn một phần tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Các khoản nợ phải trả cho sự bùng nổ, bao gồm cả khoản vay của các chính phủ, nhà phát triển và tất cả các ngành công nghiệp. Mùa hè này, quỹ tiền tệ quốc tế đã lưu ý rằng trong suốt 50 năm qua, chỉ có bốn quốc gia trải qua tốc độ tích tụ nợ nhanh như Trung Quốc chỉ trong vòng 5 năm. Bốn nước đó là Brazil, Ireland, Tây Ban Nha và Thụy Điển – đã phải đối mặt với khủng hoảng ngân hàng trong vòng 3 năm tăng trưởng tín dụng với tốc độ khủng khiếp như thế. Trung Quốc đã học theo Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc xuất khẩu hàng hóa để thoát khỏi cảnh đói nghèo. Nhưng quy mô phát triển rộng lớn của Trung Quốc giờ lại trở thành hạn chế. Với tư cách là quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới, liệu Trung Quốc có thể tăng trưởng đến mức độ nào nữa từ việc giao dịch thương mại với Hoa Kỳ và đặc biệt là châu Âu? Chuyển dịch kinh tế theo hướng đổi mới? Đó là câu thần chú của mọi nền kinh tế phát triển, và về điểm này thì các đối thủ của Trung Quốc lại có lợi thế hơn hẳn, đó là: xã hội của họ khuyến khích tư duy phóng khoáng và tín ngưỡng mang phong cách riêng. Khi nói chuyện với các sinh viên đại học người Trung Quốc, tôi thường hỏi họ về các kế hoạch cho tương lai. Tôi thầm thắc mắc rằng, tại sao trong một nền kinh tế với vô số tiềm năng phát triển như vậy mà rất ít sinh viên lựa chọn trở thành doanh nhân? Theo các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Trung Quốc, sinh viên học ngành kỹ sư ở Stanford nhiều gấp 7 lần so với số sinh viên theo học tại các trường đại học danh giá ở Trung Quốc có ý định khởi nghiệp. Một cuộc phỏng vấn với sinh viên học ngành kỹ sư môi trường cứ ám ảnh tôi mãi. Bố mẹ của cậu sinh viên ấy trở nên giàu có nhờ phát triển công ty chuyên về sản xuất giày và ống nước. Nhưng cậu ấy lại không hề muốn kế nghiệp gia đình – và bố mẹ cậu ấy cũng chẳng mong muốn điều đó. Họ nói rằng thà cậu đi làm nhà nước còn hơn. Công việc vừa an toàn hơn, và nếu cậu có thể leo lên vị trí cao trong chính quyền thì có thể giúp cho việc kinh doanh của gia đình. Liệu chiến dịch của ông Tập có đảo ngược sự suy giảm của Trung Quốc hay ít nhất là hạn chế nó không? Có thể. Nó phụ thuộc vào công thức chuẩn của các nhà cải cách Trung Quốc: tái cơ cấu hệ thống tài chính để khuyến khích đầu tư, phá bỏ thế độc quyền để tạo ra vai trò lớn hơn cho doanh nghiệp tự nhân, chủ yếu dựa vào tiêu dùng trong nước. Nhưng ngay cả những nhà lãnh đạo đầy quyền lực của Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc thực thi mong muốn của họ. Hồi đầu năm nay tôi có nói đến kế hoạch của chính phủ nước này trong việc giải quyết một vấn đề khá đơn giản: giảm sản lượng thép ở Hà bắc, một tỉnh gần Bắc Kinh. Chỉ riêng Hà Bắc đã sản xuất lượng thép thô gấp đôi Mỹ, nhưng từ lâu Trung Quốc đã không còn cần đến lượng thép lớn như vậy, khiến bầu trời Hà Bắc đen kịt bởi khí thải. Cuối cùng ông Tập đã phải cảnh báo các quan chức địa phương rằng, các tiêu chuẩn để đánh giá sẽ không đơn giản là mức tăng trưởng GDP nữa mà còn là đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Vào cuối năm 2013, Hà Bắc đã tổ chức một sự kiện có tên là “Ngày chủ nhật hành động.” Các quan chức đã cử một đội đi phá dỡ các lò luyện kim và nhà máy, đưa việc này trở thành sự kiện đáng quan tâm trong chương trình thời sự lúc 7h tối. Nhưng cuối cùng mọi chuyện vỡ lở ra rằng các nhà máy bị phá hủy ấy từ lâu đã không còn sản xuất nữa nên việc phá hủy chúng cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sản lượng. Thay vào đó, ngành công nghiệp luyện thép của Trung Quốc vẫn đang trên đà lập kỷ lục vào năm nay. Tôi đã học được một điều rằng, ở Trung Quốc, màu vàng không chỉ tượng trưng cho sự phát triển. Nó còn là màu của ánh hoàng hôn. —- Esther Fung và Lingling Wei có đóng góp cho bài viết này. Nguồn: The End of China’s Economic Miracle?, The Wall Street Journal.