Tin Thế Giới – 24/11/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 24/11/2014

Bắc Hàn dọa trả đũa về nghị quyết nhân quyền của LHQ — Quốc Hội Nam Hàn xem xét một nghị quyết về nhân quyền Bắc Hàn

Bắc Hàn công bố một thông cáo với lời lẽ cứng rắn cảnh báo những hậu quả thảm khốc đối với Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã ủng hộ một nghị quyết gần đây của Liên Hiệp Quốc, lên án hồ sơ nhân quyền của Bình Nhưỡng. Lời đe dọa trả đũa của Bắc Hàn có thể báo hiệu là họ đang có ý định tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân trong nay mai.

Thông báo chính thức, hiếm thấy của Ủy Ban Quốc phòng Bắc Hàn nghe giống như một diễn văn đả kích nhiều hơn. Tuyên bố này đề cập tới các đồng minh của Mỹ, như Nam Hàn, là những quốc gia vô giá trị, đồng thời gọi những người đào tị Bắc Hàn là “rác rưởi của nhân loại”. Và thông báo này nói rằng Hoa Kỳ và các “lực lượng theo đuôi” nước này, ám chỉ Nam Hàn và Nhật Bản, sẽ “không thể thoát khỏi những đòn trừng phạt nặng nề và tàn nhẫn”.

Những lời đe dọa của Bình Nhưỡng được đưa ra để đáp lại cuộc biểu quyết của một ủy ban Liên Hiệp Quốc kêu gọi Hội đồng Bảo an đưa Bắc Hàn ra Tòa Hình sự Quốc tế vì các vi phạm nhân quyền của nước này. Chính quyền của Kim Jong Un bị cáo buộc đã điều hành một mạng lưới các nhà tù chính trị, giam giữ hơn 100 nghìn người và gây ra các tội ác bao gồm “giết người, tra tấn, hãm hiếp và cưỡng bức phá thai”.

Ông Kim Yong-hyun, giáo sư nghiên cứu về Bắc Hàn tại Đại học Dongguk nói rằng ông không ngạc nhiên khi Bình Nhưỡng phản ứng với lời lẽ nặng nề, chứ không phải bằng hành động quân sự – ít nhất là cho tới giờ này.

Ông Yong-hyun nói rằng ông trông đợi Bình Nhưỡng sẽ bày tỏ sự kháng cự đối với cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ và Nam Hàn, bằng cách sử dụng các lời lẽ thay vì hành động quân sự.

Tuyên bố của Bắc Hàn bác bỏ và phản bác nghị quyết về nhân quyền của LHQ. Tuyên bố này coi Liên Hiệp Quốc là “đỉnh cao trò hề đáng hổ thẹn” đồng thời nói rằng nghị quyết vừa kể là một sự tấn công vào chủ quyền của nước này, và là một lời “tuyên chiến”.

Tuyên bố cũng đề cập tới khả năng xung đột hạt nhân đã khiến một số người tin rằng Bắc Hàn đang hoạch địch một cuộc thử nghiệm nguyên tử. Bình Nhưỡng đã vi phạm một số nghị quyết của Hội đồng Bảo an khi tiến hành một số các cuộc thử nghiệm hạt nhân và các vụ phóng phi đạn tầm ngắn cũng như phóng một vệ tinh nhỏ vào không gian.

Phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Nam Hàn Lim Byung Chul thận trọng cảnh báo Bình Nhưỡng chớ nên tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân mới.

Người phát ngôn này nói rằng nếu Bắc Hàn dùng hạt nhân để đe dọa, làm cho tình hình chính sự quốc tế nghiêm trọng hơn thì sự cô lập của họ cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Ông nói thêm rằng nếu Bắc Hàn khiêu khích, nước này sẽ phải đối mặt với các phản ứng cứng rắn từ cộng đồng quốc tế.

Giáo sư Kim Yong-hyun nói rằng Bình Nhưỡng biết rằng tiến hành thử nghiệm hạt nhân sẽ làm thui chột bất kỳ triển vọng tái khởi động các cuộc thảo luận quốc tế nhằm chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế và gia tăng cứu trợ để đối lại việc nước này chấm dứt chương trình hạt nhân.

Ông Yong-hyung nói rằng nếu Bắc Hàn tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân, điều đó có nghĩa rằng là Bình Nhưỡng sử dụng lá bài của mình, nên nước này phải rất thận trọng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.

Chưa rõ liệu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có đưa Bắc Hàn ra trước Toà án Hình sự Quốc tế hay không, bởi lẽ các đồng minh của Bình Nhưỡng là Nga và Trung Cộng có thể phủ quyết hành động này.

Nhưng với tuyên bố mới nhất của Bắc Hàn, triển vọng tái tục các cuộc đàm phán hạt nhân sáu bên dường như khá xa vời, sáu năm sau vòng đàm phán cuối cùng năm 2008.

Sau nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, hôm nay (24/11/2014) đến lượt Nam Hàn xem xét dự thảo về tình hình nhân quyền Bắc Hàn.

Nghị quyết tố cáo Bắc Hàn vi phạm các quyền cơ bản của con người đã được trình lên Quốc hội từ năm 2005 nhưng tới hôm nay, 23 thành viên của Ủy ban Đối Ngoại và Thống Nhất tại Hạ Viện Nam Hàn mới cứu xét. Các dân biểu Nam Hàn đã hoãn lại việc xem xét văn bản nói trên vì muốn tránh gây thêm căng thẳng giữa Seoul với Bình Nhưỡng.

Cụ thể hơn, hôm nay, hai chương đầu của bản kiến nghị được các ủy viên của Ủy ban Đối Ngoại và Thống Nhất tại Hạ viện Nam Hàn của cả đảng đối lập và phe đang cầm quyền cứu xét. Hai bên cùng nhấn mạnh là cần có những tư liệu chính thức và cần phổ biến thông tin về các hành vi chà đạp nhân quyền của chế độ Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, các thành viên lại bất đồng quan điểm trước việc tài trợ cho các tổ chức chống Bắc Hàn. Các tổ chức này thường xuyên rải truyền đơn và thả bong bóng bay để chống đối các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng. Đảng đối lập lo ngại những hành vi đó càng đổ thêm dầu vào lửa trong quan hệ song phương và có thể trở thành một mối đe dọa đối với an ninh của Nam Hàn.

Bất đồng nói trên giữa các chính khách Nam Hàn khiến dự thảo nghị quyết về Bắc Hàn đã không được cứu xét từ gần một chục năm qua. Nhưng các phương tiện truyền thông tại Seoul cho rằng, với việc Liên Hiệp Quốc vừa thông qua nghị quyết về Bắc Hàn, đã đến lúc Nam Hàn phải bày tỏ lập trường. Báo Chosun Ilbo trong bài xã luận nêu lên câu hỏi: “Liệu rằng Nam Hàn sẽ khoanh tay nhìn Bắc Hàn chà đạp các quyền cơ bản của con người, hay sẽ gánh trách nhiệm làm thay đổi tình hình đó ?”.

Ngày 18/11/2014, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết đòi đưa một số lãnh đạo Bắc Hàn ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Quốc tế không nêu đích danh lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, nhưng bản tin KCNA ngày 23/11/2014 loan báo quân đội Bắc Hàn đe dọa những thành viên Liên Hiệp Quốc ủng hộ nghị quyết tố cáo Bình Nhưỡng phạm tội ác chống nhân loại. Bình Nhưỡng xem nghị quyết của Liên Hiệp Quốc là “một lời tuyên chiến” và là một sự xúc phạm đến lãnh tụ Bắc Hàn Tiên Kim Jong Un. – Theo VOA, RFI

Trung Cộng bảo vệ việc cải tạo Đá Chữ thập

Trung Cộng (TC) vừa lên tiếng bảo vệ kế hoạch cải tạo cơi nới Đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa sau khi bị Hoa Kỳ cảnh báo.

CSVN trước đó cũng đã chính thức phản đối kế hoạch này.

Thiếu tướng La Viện (Lou Yuan) nói trên tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Hoa hôm thứ Hai 24/11 rằng Bắc Kinh đang “xây dựng cơ sở hạ tầng” trên Đá Chữ thập và Hoa Kỳ không nên xía vào vấn đề này.

“Mỹ rõ ràng là thiên vị, vì cả Philippines, Malaysia và Việt Nam đều cùng thiết lập các cơ sở quân sự”.

Thiếu tướng La Viện khẳng định: “TC chắc sẽ vượt qua áp lực quốc tế và tiếp tục công việc xây dựng, vì đó là việc làm hoàn toàn hợp pháp và chính đáng”.

Tuần trước tạp chí IHS Jane’s Defence cho biết thêm chi tiết về công trình cải tạo trên Đá Chữ thập, mà TC gọi là Vĩnh Thử.

Theo tạp chí này, đảo nhân tạo mà TC đang xây dài tới 3km và rộng 200-300m, có thể sẽ là nơi đầu tiên có đường băng dành cho phi cơ.

TC đang có kế hoạch xây dựng sáu đảo nhân tạo tại Biển Đông, trong đó Đá Chữ Thập được cho là sẽ trở thành đảo lớn nhất.

Bãi đá ngầm này hiện chỉ có diện tích 1km2, nhưng đang được mở rộng, có một hải cảng ở phía đông được cho là đủ lớn để đón tàu hải quân và tàu chở dầu.

Giới chuyên gia có đồn đoán đảo này sẽ trở thành nơi tiếp vận, trong tương lai thậm chí còn trở thành căn cứ, cho hải quân TC.

Ngừng dự án

Sau khi tạp chí Jane’s Defence đăng thông tin nói trên, Hoa Kỳ kêu gọi TC ngừng dự án.

Washington cũng khuyến cáo các nước khác trong khu vực dừng các công việc tương tự.

Phát ngôn nhân của quân đội Hoa Kỳ, Trung tá Jeffrey Pool, được hãng tin AFP dẫn lời nói: “Chúng tôi kêu gọi TC ngừng chương trình cải tạo đảo và có sáng kiến ngoại giao nhằm khuyến khích các bên cùng kiềm chế không thực hiện các hoạt động tương tự”.

Tuy nhiên, bài trên Hoàn cầu Thời báo viết việc cải tạo cơi nới đảo “chủ yếu để cải thiện điều kiện sống của các quân nhân trên đảo”.

Báo này nói trong bài xã luận rằng Mỹ, dù không phải là một bên tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, hành xử rất “ích kỷ” trong khu vực.

“Việc xây dựng của TC trên đảo Vĩnh Thử sẽ không bị ảnh hưởng vì lời lẽ của Mỹ. Vĩnh Thử sẽ trở thành đảo lớn, cho thấy khả năng xây dựng to lớn của TC.”

TC đã tiến hành cải tạo bãi đá Vĩnh Thử (tức Đá Chữ Thập) cách nay 3 tháng, đây là dự án thứ tư mà TC tiến hành tại vùng quần đảo Trường Sa, trong vòng từ 12 đến 18 tháng qua..

Tạp chí Jane’s Defense nhận định, dự án cải tạo Đá Chữ Thập dường như được thiết kế nhằm buộc các bên đang có tranh chấp chủ quyền từ bỏ các yêu sách của mình hoặc trong giả thuyết các bên liên quan đàm phán về tranh chấp ở Biển Đông, thì ít ra là tạo thế mạnh cho TC trong các cuộc thương lượng.

Gần đây, TC đã xây dựng một đường băng trên đảo Vĩnh Hưng (Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm), trong quần đảo Hoàng Sa, mà Bắc Kinh đã đánh chiếm hồi tháng Giêng 1974, lúc đó đang do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý. – Theo BBC, RFI

Đàm phán hạt nhân Iran triển hạn tới ngày 1 tháng 7, 2015

Các nhà ngoại giao của Iran và các nước Tây phương cho biết cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và 6 cường quốc thế giới sẽ được triển hạn cho tới ngày 1 tháng 7 năm 2015.

Họ cho biết như vậy tại Vienna ngày hôm nay 24/11, là ngày chót của thời hạn một năm mà họ tự đặt ra để đạt được một hiệp định toàn diện nhằm bảo đảm chương trình hạt nhân Iran chỉ phục vụ các mục tiêu hòa bình.

Các nhà ngoại giao nói rằng họ sẽ làm việc để có được một hiệp định khung trước ngày 1 tháng 3, ghi nhận những tiến bộ đạt được và xác định những điểm còn cần phải giải quyết.

Một thỏa thuận chung cuộc sẽ đạt được 3 tháng sau đó.

Cuộc đàm phán dự kiến sẽ được thực hiện lại trước cuối năm nay, tuy chưa rõ thời giờ và địa điểm.

Hôm qua các giới chức của đôi bên cho biết họ đang xem xét tới việc triển hạn cuộc đàm phán ở Vienna, như họ đã từng làm hồi tháng 7 khi không đạt được thỏa thuận trước thời hạn chót đặt ra từ lúc đầu là 6 tháng.

Các nhà ngoại giao nói rằng một số tiến bộ đã đạt được nhưng sự khác biệt vẫn tồn tại đối với những vấn đề then chốt, bao gồm số máy ly tâm mà Iran được phép vận hành và mức độ tinh chế uranium Tehran được thực hiện.

Hãng tin IRNA của Iran cho biết Tổng thống Hassan Rouhani sẽ đọc bài diễn văn toàn quốc xế ngày hôm nay, trùng hợp với sự kết thúc của cuộc đàm phán tại Vienna.

Cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm P5 + 1, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Cộng, Nga, Pháp, Anh và Đức, nhắm tới mục đích có được một hiệp định nhằm bảo đảm Iran không phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự tháo bỏ một số chế tài đã gây khốn đốn cho nền kinh tế của họ.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm qua tuyên bố việc kéo dài các cuộc đàm phán hạt nhân nhằm đạt được một thoả thuận toàn diện với Iran sẽ tuỳ thuộc vào diễn biến của các cuộc đàm phán mới nhất tại Vienna. Xuất hiện trên cùng một chương trình truyền hình của đài ABC hồi hôm qua, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo chống lại việc phạm một ‘lỗi lầm lịch sử’ nếu đạt một thoả thuận xấu với Tehran.

Tổng thống Obama được hỏi liệu ông có tin tưởng rằng một thoả thuận kiềm chế chương trình hạt nhân Iran có được sự hậu thuẫn của Quốc hội Hoa Kỳ hay không.

“Tôi tin là, nếu chúng ta đạt được một thoả thuận có thể kiểm chứng được và bảo đảm rằng Iran không có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân thì, không những tôi có thể thuyết phục Quốc hội, mà còn có thể thuyết phục dân chúng Hoa Kỳ rằng đó là điều nên làm.”

Ông Obama nói điều đáng mừng là thỏa thuận hạt nhân tạm thời đạt được cách đây 1 năm với Tehran đang có tác dụng qua việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran tiến tới. Còn về các quan hệ được cải thiện với Iran, ông Obama nói Iran là nước bảo trợ cho khủng bố và thái độ của Iran đối với các quốc gia như Israel vẫn còn là những trở ngại nghiêm trọng, song một thoả thuận hạt nhân sẽ giải quyết được phần lớn mọi chuyện trên bàn thương nghị.”

“… và bắt đầu một tiến trình lâu dài trong đó quan hệ, không phải chỉ giữa Iran và chúng ta, mà còn là quan hệ giữa Iran và phần còn lại của thế giới và khu vực, bắt đầu thay đổi. Không giống với Bắc Hàn, là một nước hoàn toàn cô lập và hoàn toàn thiểu năng, Iran có cơ hội, theo tôi, thực sự phát triển. Tôi nghĩ là Tổng thống Hassan Rouhani sẽ muốn nắm lấy cơ hội đó, nhưng, cuối cùng ông sẽ phải đối phó với chính sự ở nhà, và ông không phải là người quyết định chung cuộc, mà là lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khameini.”

Xuất hiện trong cùng chương trình truyền hình “This Week” của đài ABC, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo chống lại việc đạt một thoả thuận xấu với Iran.

“Một thoả thuận xấu sẽ giúp Iran vẫn còn lại hàng ngàn máy ly tâm mà họ có thể sử dụng để tinh chế uranium cần thiết để chế tạo một quả bom hạt nhân. Họ có thể làm như vậy trong một thời gian rất ngắn. Tôi nghĩ nguyên tắc chủ chốt là: đừng bãi bỏ các biện pháp chế tài trước khi loại trừ khả năng của Iran chế tạo được một quả bom hạt nhân, và theo tôi hiểu, người Iran không đi gần đến chỗ chấp nhận điều đó, và nếu, vì bất cứ lý do nào, Hoa Kỳ và các cường quốc khác đồng ý để Iran duy trì khả năng đó để khai thông bế tắc thì tôi cho rằng đó sẽ là một lỗi lầm lịch sử, không những bởi vì nó gây nguy cơ cho đất nước tôi là Israel, mà người cai trị Iran, Ayatollah Khamenei đã thề quyết tiêu diệt, mà còn bởi vì tôi cho là nó sẽ gây nguy cơ cho toàn vùng Trung Đông và thế giới.”

Ông Netanyahu nói Iran đã lợi dụng thoả thuận tạm thời để phát triển các mặt khác của chương trình hạt nhân. Ông nêu ra việc cơ quan nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA, nói rằng Tehran từ chối không tiết lộ các thành phần của chương trình hạt nhân quân sự bí mật của họ.

Chuyên gia phân tích về Trung Đông Stephen Zunes của trường Đại học San Francisco nói việc kéo dài các cuộc đàm phán hạt nhân dường như là điều không thể tránh được.

“Đây chủ yếu là bởi vì cả hai bên đã dành ra rất nhiều công sức kể từ khi đạt thoả thuận tạm thời hồi năm ngoái và sẽ là điều đáng buồn cho tất cả các bên liên hệ nếu như các cuộc đàm phán sụp đổ.”

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng có một khoảng cách ngăn chia các lập trường của mỗi bên.

“Iran muốn bãi bỏ các biện pháp chế tài ngay tức thời, trong khi các nước Tây phương muốn việc bãi bỏ được thực hiện từng bước trong một thời gian để bảo đảm chính phủ Iran tuân thủ các cam kết. Các vấn đề khác bao gồm quy mô việc tinh chế uranium và khối lượng có thể phat triển, và với độ đậm đặc cỡ nào. Vì thế, đây vẫn còn là những vấn đề cơ bản đối với cả hai bên. Nó vẫn sẽ là một vấn đề hóc búa cho cả hai bên.”

Ông Zunes nói các nhà thương thuyết quốc tế, kể cả các đồng minh của Iran là Nga và Trung Cộng, đã đoàn kết một cách bất ngờ trong việc chống đối Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân. Điều đó, theo ông, khiến cho Tehran nhận ra rằng sự chống đối chương trình của họ không phải chỉ mang tính chủ thuyết, mà còn mang tính quốc tế nữa. – Theo VOA

Tin Hoa Kỳ

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Chuck Hagel từ chức — TT Obama bênh vực hành động về vấn đề nhập cư

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ từ chức sau chưa đầy hai năm nắm quyền, truyền thông Mỹ đưa tin.

Ông Hagel, 68 tuổi, từng tham chiến ở Việt Nam và từng ngồi ghế thượng nghị sỹ, là bộ trưởng quốc phòng hồi năm 2013.

Tin cho hay ông sẽ từ chức trong bối cảnh Hoa Kỳ chuyển hướng quân sự để đối phó với Nhà nước Hồi giáo (IS), New York Times đưa tin.

Theo dự kiến ông sẽ vẫn tại vị cho tới khi chính quyền Mỹ xác nhận người kế nhiệm ông.

Ông Obama sẽ tuyên bố việc ông Hagel từ chức nội trong ngày thứ Hai, theo truyền thông Mỹ.

Một quan chức muốn ẩn danh nói với hãng thông tấn Associated Press rằng ông Hagel và ông Obama đều “xác định rõ rằng nay là thời điểm đúng để có lãnh đạo mới tại Ngũ Giác Đài” và đã bàn thảo về bước đi này nhiều tuần qua.

New York Times đưa tin ông Obama trước đó đã yêu cầu ông Hagel từ chức.

Ông Hagel, người ngồi ghế thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa cho tiểu bang Nebraska quê hương ông trong 12 năm, đã từng chỉ trích việc Hoa Kỳ can dự vào Iraq mặc dù bỏ phiếu để Washington lâm chiến.

Ông Hagel thay ông Leon Panetta trong cương vị bộ trưởng quốc phòng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Obama và đóng vai trò giảm cường độ hai cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq cùng lúc giúp chính quyền ông Obama chuyển cán cân quân sự sang châu Á.

Tờ New York Times là cơ quan truyền thông đầu tiên hôm nay loan tin vụ từ chức. Họ trích lời các giới chức trong chính phủ nói rằng vụ này diễn ra “dưới áp lực”.

Ông từng tham chiến ở Việt Nam trước khi làm việc cho chính phủ và trong khu vực tư. Ông Hagel đắc cử thượng nghị sĩ năm 1996, đại diện tiểu bang Nebraska cho tới năm 2009.

Về vấn đề di trú, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm qua bác bỏ những chỉ trích về sắc lệnh ông ban hành thay đổi cách giải quyết đối với môt số người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ, đồng thời thúc giục các nhà lập pháp đảng Cộng hòa thông qua dự luật nếu họ không hài lòng với hành động đơn phương của ông.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình This Week của đài truyền hình ABC hôm Chủ nhật, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói rằng điều quan trọng là đặt ưu tiên việc trục xuất các tội phạm nghiêm trọng, tội phạm hình sự và những người mới đến so với với những người đã sống ở đây bất hợp pháp trên 5 năm.

Khi được hỏi về phản ứng của ông trước lời chỉ trích của Chủ tịch Hạ viện John Boehner, Tổng thống Obama nói rằng câu trả của ông là “hãy thông qua dự luật.”

Trong bài diễn văn hàng tuần đọc hôm thứ Bảy, Tổng thống nói rằng kế hoạch nhập cư của ông sẽ “đưa thêm những người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ ra khỏi bóng tối để họ có thể hành sử đúng luật, đóng thuế đầy đủ, thông qua điều tra lý lịch và tuân thủ quy định luật pháp.”

Tổng thống nói ông buộc lòng phải hành động vì Hạ viện không xét đến dự luật đã được Thượng viện thông qua trước đây.

Hai sắc lệnh, được ký hôm thứ Sáu, sẽ bắt đầu tiến trình cấp giấy phép làm việc tạm thời và bãi bỏ lời đe dọa trục xuất gần 5 triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ.

Chủ tịch Hạ viện Boehner nói rằng Tổng thống Obama đã gây phương hại vai trò tổng thống qua việc vượt qua vai trò Quốc hội để thực hiện hành động hành pháp về vấn đề nhập cư.

Tổng thống Obama nói, hôm thứ Bảy, rằng sắc lệnh của ông không phải là sự ân xá cho dù những người chỉ trích có nói bao lần về điều này đi nữa. Ông nói ân xá là “hệ thống nhập cư chúng ta hiện đang có – với hàng triệu người sống tại đây mà không phải đóng thuế, hay hành sử đúng luật lệ.” – BBC, VOA