Điểm Báo Pháp – 19/11/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 19/11/2014

Thủ tướng Shinzo Abe rời cuộc họp báo tại phủ thủ tướng, ngày 18/11/2014. Phía sau (T) là phát ngôn viên chính phủ Yoshihide Suga.- Reuters

Nhật Bản: Nguyên nhân giải tán Quốc hội của Thủ tướng Abe?

Theo RFI – Lê Phước – 19-11-2014  16:35

Hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định giải tán Quốc hội và sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 12 tới, tức là trước thời hạn 2 năm. Chủ đề này được sự quan tâm đặc biệt của báo chí Pháp hôm nay, với nhiều bài phân tích về nguyên nhân quyết định của ông Abe.
Nhật báo Le Monde đăng bài phân tích khá dài với dòng tựa chạy trên trang nhất: «Shinzo Abe giải tán Quốc hội để tạo đà hành động mới». Nhật báo cánh tả Libération chạy tựa nhận định rằng: «Do đang dần rơi vào thế yếu, nên ông Shinzo Abe giải tán Quốc hội để lấy đà cho cú nhảy mới». Tờ báo cánh hữu Le Figaro thì có bài «Shinzo Abe trở lại trước cử tri».
Le Figaro nhắc lại, mới hồi đầu tháng 11 này, Thủ tướng Abe còn khẳng định mạnh mẽ với báo chí là sẽ không có chuyện giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử trước thời hạn. Thế nhưng, hôm qua, ông lại quyết định như vậy. Có phải ông Abe đã có sự thay đổi đột ngột hay là suy nghĩ vội vã? Le Figaro cho rằng, quyết định đó rất khôn khéo và đã được ông Abe tính toán rất kỹ. Còn sự «quay quắt 180°» nói trên, theo tờ báo, đó là chiến lược đánh lạc hướng sự chú ý nhằm tạo đòn tấn công bất ngờ để phe đối lập không kịp trở tay. Le Monde và Libération cũng đồng quan điểm này.  Ba tờ báo cho biết, tín nhiệm trong dân của Thủ tướng Abe ngày càng giảm, và hiện tại đã dưới mức 50%. Nguyên nhân chính là do chính sách phục hồi kinh tế của ông-Abenomics- bên cạnh những thành công, đã tỏ ra nhiều nhược điểm. Kể từ khi ông Abe lên nhậm chức cách đây 2 năm, lương viên chức tại Nhật Bản đã giảm 2%. Giá cả thì không ngừng leo thang. Thêm vào đó, Abenomics còn bị chỉ trích là chỉ có lợi cho nhà giàu như lời một nhà kinh tế được Le Figaro dẫn lời: «Abenomics làm cho người giàu trở nên giàu hơn». Trong khi đó, sức tiêu thụ của các hộ gia đình đã giảm đi đáng kể do hậu quả của việc tăng thuế tiêu dùng hồi tháng Tư vừa qua. Và hiện tại, theo số liệu công bố hồi đầu tuần, thì Nhật Bản đã chính thức trở lại tình trạng suy thoái.
Le Monde dẫn lời một chuyên gia cho rằng: «Hiệu quả tích cực của Abenomics ngày càng mờ mịt. Tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn». Bên cạnh khó khăn kinh tế, ba tờ báo cho biết Thủ tướng Abe còn đối mặt với những thách thức chính trị. Hai nữ Bộ trưởng trong chính phủ Abe đã phải từ chức do dính líu đến những rắc rối tài chính. Nhiều bộ trưởng khác cũng đã bị chỉ trích này nọ. Khó khăn cũng đến từ các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản. Số là vào năm 1996, Mỹ và Nhật đã thỏa thuận sẽ dời căn cứ quân sự của Mỹ từ Futenma đến Henoko. Cả hai địa điểm này đều nằm trong khu vực Okinawa, trong khi mà người dân địa phương lại muốn phải đưa căn cứ này ra khỏi Okinawa.
Để giải quyết hồ sơ đó, Thủ tướng Abe hồi năm ngoái đã hứa sẽ đầu tư cho Okinawa 300 tỷ yên mỗi năm để phát triển tỉnh nghèo nhất nước này. Thế nhưng, ba tờ báo cho hay, người dân địa phương vẫn tiếp tục phản đối. Liên quan đến hạt nhân, thì vào ngày 7/11 vừa qua, một nhà máy hạt nhân ở Kogoshima đã được chính quyền cho vận hành lại, tức là có sự cho phép của chính phủ. Trong khi đó thì tâm lí sợ hạt nhân của người Nhật vẫn còn cao sau thảm họa hạt nhân và sóng thần tại Fukushima. Thêm vào đó, chính phủ Abe còn bị chỉ trích về thái độ hiếu chiến khi ra sức cho sữa cho diễn giải lại bản Hiến pháp hiếu hòa để tăng cường khả năng can thiệp quân sự ở nước ngoài của quân đội Nhật Bản. Chính phủ Abe cũng làm dấy lên nhiều phản ứng bất lợi khi cho thông qua thành công một đạo luật bị cho là xâm phạm đến các quyền tự do cơ bản của người dân.
Tuy vậy, trong giai đoạn khó khăn đó, Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe vẫn còn nhiều khả năng giành chiến thắng nếu tiến hành bầu cử vào tháng 12 như dự định. Ông Abe nắm các hãng truyền thông lớn tại Nhật Bản, vì thế các cuộc biểu tình chống chính phủ cũng ít được nhắc đến. Le Monde còn cho hay, ngay cả việc một người Nhật tự thiêu phản đối chính phủ cũng bị truyền thông nước này ém nhẹm. Các đảng đối lập đã thật sự bị bất ngờ và không kịp trở tay khi không thể chuẩn bị kịp nhân sự để ra tranh cử. Theo một thăm dò tại Nhật Bản, thì hiện số phiếu ủng hộ giành cho đảng của ông Abe vẫn còn vượt rất xa các đối thủ. Còn nếu như mức tín nhiệm của Thủ tướng Abe có giảm, thì Le Figaro cho hay, nó cũng còn cao hơn so với các tiền nhiệm của ông. Ông Abe cũng đã lấy lòng dân khi mà song song với việc tuyên bố giải tán Quốc hội, thì ông cũng cho hay sẽ dời việc tăng thuế tiêu dùng đợt hai lại đến năm 2017 mà theo dự kiến là sẽ được thực hiện vào tháng 10 năm tới. Một điều quan trọng nữa là, theo ba tờ báo, các đảng đối lập dù phản đổi chính sách Abenomics, nhưng hiện vẫn chưa đưa ra được chính sách nào có thể thay thế. Tóm lại, Thủ tướng Abe quyết định giải tán Quốc hội để tranh thủ giai đoạn khả năng chiến thắng còn cao nhằm giành thắng lợi và có thể kéo dài thêm thời gian điều hành đất nước của Đảng của ông.

Đài Loan lo ngại lệ thuộc vào Trung Cộng

Nhìn về quan hệ Trung Cộng (TC)-Đài Loan, nhật báo Le Figaro đăng bài đáng chú ý: “Đài Loan lo sợ lệ thuộc Trung Cộng”. Tờ báo cho biết, nền kinh tế Đài Loan rất lệ thuộc vào kinh tế TC đại lục. Số liệu sau đây sẽ nói rõ điều đó: 80% đầu tư và 40% xuất khẩu của Đài Loan là đến TC. Đến mức mà Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu cũng thừa nhận tầm quan trọng đặc biệt trong mối quan hệ kinh tế với TC. Ông Mã cũng ra sức bảo vệ Thỏa thuận tự do thương mại đã kí kết với TC khi cho rằng: “Ngành công nghiệp dịch vụ của chúng ta còn lạc hậu hơn so với Hồng Kong và Nam Hàn. Thỏa thuận tự do mậu dịch mà chúng ta ký với Bắc Kinh sẽ mang đến cho chúng ta 30% tăng trưởng trong ngành này”. Trong khi đó, thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Nam Hàn và TC, sẽ có hiệu lực vào năm 2015, đang tạo nhiều nguy cơ cho kinh tế Đài Loan. Một quan chức kinh tế Đài Loan nói rõ rằng, 70% sản phẩm mà Đài Loan xuất khẩu sang TC lại cùng chủng loại với hàng hóa mà Nam Hàn có thể cung cấp cho TC. Trong bối cảnh đó, tại Đài Loan, đã dấy lên nhiều tiếng nói phản đối thỏa thuận thương mại với TC.
Tờ báo nhắc lại việc hồi đầu năm, nhiều sinh viên Đài Loan đã xuống đường phản đối dữ dội. Le Figaro nhấn mạnh, tuổi trẻ Đài Loan sợ rằng, TC sử dụng ảnh hưởng kinh tế để chi phối về chính trị. Còn phe đối lập tại Đài Loan thì cho rằng không nên ký thỏa thuận thương mại với TC mà hãy ưu tiên với Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ. Phe đối lập muốn Đài Loan tham gia Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP bao gồm 12 nước trong đó có Mỹ và Nhật và không có TC.

Tuổi trẻ Châu Âu trước làn sóng Hồi Giáo cực đoan

Ngày càng có nhiều tuổi trẻ Châu Âu bị lôi kéo vào phong trào Thánh Chiến, đó là nội dung được nhiều tờ báo Pháp tập trung phân tích và bình luận. Nhật báo Le Monde đăng tựa lớn trên trang nhất: “Diện mạo mới của làn sóng Thánh Chiến tại Pháp”. Libération dành trọn trang nhất đăng ảnh của một thanh niên Pháp bị cho là một trong những người đã tham gia vụ chặt đầu 18 người vừa qua trên một đoạn video được Tổ chức nhà nước Hồi Giáo tự xưng phát tán, Maxime Hauchard, kèm theo dòng tựa: “Sự lạc hướng của những tín đồ”. Le Figaro cũng có bài: “Maxime, tên đao phủ người Pháp, không phải là trường hợp duy nhất”.
Các tờ báo nhân sự việc Maxime, đã đi sâu tìm hiểu thực trạng của làn sóng Thánh Chiến tại Pháp và thấy rằng “Maxime, tên đao phủ người Pháp, không phải là trường hợp duy nhất”. Theo Bộ Nội vụ Pháp, thì hiện tại, có khoảng gần 400 người Pháp tham gia các phong trào Thánh Chiến ở Irak hay Syria, tức là tăng gấp đôi so với đầu năm. Ccó nhiều tuổi trẻ Pháp bị lôi kéo vào phong trào Hồi Giáo cực đoan, trong số đó có trên 60% có tuổi đời từ 15 đến 21. Đây không phải là mối nguy của riêng nước Pháp mà của cả Châu Âu. Các tờ báo cho biết, hiện có khoảng 1700 người Châu Âu tham gia trực tiếp chiến đấu ở Irak, Syria hay Afghanistan. Có rất nhiều người thuộc thành phần này đã trở về Châu Âu tạo thành một mối nguy cơ tiềm tàng. Nước Anh và Bỉ mỗi nước có trên 300 người trực tiếp tham chiến trong hàng ngũ Hồi Giáo cực đoan. Đức thì trên 200 còn Hà Lan thì khoảng 150. Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch và các nước khu vực Balkan cũng đang đối mặt với làn sóng này.
Theo một chuyên gia tại Bruxelles, 80% những người này chỉ có “hiểu biết sơ bộ” về Hồi Giáo thông qua lời giảng giải của các giáo sĩ Hồi Giáo cực đoan. Đa phần xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không học hành, nghiện ma túy…Tuy nhiên, 1/3 trong số họ có xuất thân khá giả. Một chuyên gia Hòa Lan cho hay, thời gian “trở nên cực đoan” của các thanh niên Châu Âu ủng hộ Thánh Chiến chỉ vào khoảng vài tuần. Vai trò của Internet trong việc cải đạo và “cực đoan hóa” là rất lớn, chiếm hơn 90% các trường hợp. Một quan chức chống khủng bố Châu Âu cho rằng, ngoài các biện pháp đã dùng thì sắp tới nhà cầm quyền cần đẩy mạnh quá trình đàm phán với các tập đoàn truyền thông mạng để có biện pháp ngăn chặn làn sóng tuyên truyền của phe Hồi Giáo cực đoan.

Nạn thiếu lương thực vẫn đe dọa nhân loại

Thế giới hiện tại vẫn còn đối mặt với nạn thiếu lương thực. Thông tin này được nhật báo kinh tế Les Echos đăng tải với hàng tựa báo động: “Trên thế giới, cứ 9 người thì có một người còn trong cảnh thiếu lương thực”. Hôm nay, Hội nghị quốc tế về dinh dưỡng lần thứ hai đã diễn ra tại trụ sở Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) với sự tham dự của 90 đại diện cấp cao của các nước. Mục tiêu hội nghị là tiếp tục phát huy những nổ lực bắt đầu từ Hội nghị lần thứ nhất vào năm 1992, hỗ trợ các nước hiện thực hiện 10 biện pháp cải thiện tình trạng thiếu lương thực. Một quan chức của FAO đã cảnh báo về hậu quả của tình trạng thiếu lương thực, không chỉ về nhân đạo, mà về kinh tế thì mỗi năm những hệ lụy gắn với nạn thiếu lương thực gây tổn hại cho thế giới từ 4% đến 5% GDP. Tờ báo dẫn ra số liệu của FAO cho thấy, trong giai đoạn 2012-2014, trên thế giới có tới 805 triệu người thiếu lương thực, tức chiếm 1/9 dân số thế giới. Có đến 30% dân số thế giới bị thiếu các chất dinh dưỡng vi lượng. Một số liệu khác được tờ báo dẫn ra cũng đáng chú ý, đó là vào năm 2013, có đến 161 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trong tình trạng chậm phát triển do suy dinh dưỡng. Les Echos cho hay, hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh giá lương thực thế giới tăng chậm lại. Thế nhưng, các chuyên gia vẫn lo ngại vì những đe dọa hiện hữu đến từ biến đối khí hậu và những ảnh hưởng của tình trạng bất ổn chính trị ở nhiều nước.

Ấn Độ: cánh mài râu vùng lên…

Đến với Ấn Độ, Le Monde đăng bài chạy tựa khá hấp dẫn: “Cuộc chiến về của hồi môn đánh thức phong trào bênh vực nam quyền”. Số là theo một truyền thống tại Ấn Độ, khi cưới nhau, gia đình cô dâu phải có của hồi môn cho chú rể. Tập tục này đã bị cấm chính thức vào năm 1961, nhưng trên thực tế do bám rể sâu trong văn hóa truyền thống, nên vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Rồi vào năm 1983, điều luật 498A đã được thông qua, theo đó sẽ trừng phạt những người nào có hành vi bạo lực có liên quan đến của hồi môn. Mục đích của điều luật là nhằm bảo vệ phụ nữ trước những đòi hỏi quá đáng của các chú rể và của gia đình chú rể. Thế nhưng, cũng chính điều luật 498A đã làm nổi lên làn sóng bảo vệ quyền lợi cánh mài râu. Bởi vì, những tổ chức bảo vệ nam quyền cho rằng, thời gian qua, có quá nhiều cáo buộc của những bà vợ là sai thực tế, vì thế có nhiều ông chồng đã phải ở tù oan. Làn sóng này ngày càng mạnh mẽ đến mức mà chính phủ Ấn Độ đang có kế hoạch sửa lại điều luật này trong mục đích tăng mạnh khung hình phạt đối với những lời cáo buộc sai sự thật. Thế nhưng, dự định đó lại vấp phải sự phản đối của phe bảo vệ nữ quyền khi cho rằng, nếu làm như vậy sẽ khiến phụ nữ khổ càng khổ hơn. Theo các tổ chức này thì số cáo buộc không chính xác của chị em phụ nữ thời gian qua có tỷ lệ rất thấp, trong khi đó thì nạn bạo hành mà phụ nữ gánh chịu lại rất nghiêm trọng.
Tờ báo cho biết, tranh cãi vợ chồng liên quan đến của hồi môn thời gian qua đã là nguồn gốc của nạn khủng bố tinh thần, bạo hành gia đình, và gây ra cái chết của nhiều người vợ. Vào năm 2013, các cuộc tranh cải liên quan đến của hồi môn ở Ấn Độ đã gây ra cái chết của 8643 phụ nữ, bao gồm bị chồng giết hoặc tự tử. Có đến 50 triệu phụ nữ đã kết hôn ở Ấn Độ là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình.