Điểm Báo Pháp – 14/11/2014
Khói bốc lên phía trên sân bay quốc tế Donetsk, do quân nổi dậy chạm trán với quân chính phủ Ukraina, 09/11/2014.- REUTERS/Maxim Zmeyev
Ukraina: Bằng chứng Nga ủng hộ phe nổi dậy
Theo RFI – Lê Phước – 4-11-2014 17:41
Hồ sơ nóng Ukraina tiếp tục thu hút báo chí Pháp hôm nay. Hầu hết các tờ báo lớn như Le Figaro, Le Monde, Libération, Les Echos, La Croix…đều chạy tựa về hồ sơ này trên trang nhất, báo động tình hình căng thẳng tại miền đông Ukraina và đưa ra những bằng chứng cho việc can thiệp của Nga vào chiến trường Ukraina.
Liên Hiệp Quốc đã có cuộc họp khẩn về tình hình Ukraina vào tối thứ Tư và ở đó người ta đã nghe vang lên những lời lo ngại «một cuộc chiến tranh toàn diện» tại miền đông Ukraina. Đây đã là cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an về Ukraina lần thứ 26, kể từ khi nước này lâm vào khủng hoảng từ một năm nay.
Các tờ báo đều cho hay, có thông tin cho rằng, quân nổi dậy sẽ mở đợt tấn công tổng lực vào Chủ nhật tới. Còn trên hiện trường, theo thống kê mới nhất, thì hôm qua đã có 4 quân nhân thuộc chính phủ Ukraina thiệt mạng và 18 người bị thương.
Nhật báo La Croix dành một bài chạy tựa «Ngày càng nhiều bằng chứng của một cuộc xâm lược của Nga trên lãnh thổ Ukraina». Tờ báo thuật lại nội dung báo cáo của nhóm quan sát của Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu (OSCE) trên hiện trường. Nhóm quan sát này gồm có 261 quan chức dân sự đến từ 40 quốc gia.
Nhóm báo cáo cho biết đã có nhiều xe tải không biển số chở nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự của Nga vào lãnh thổ miền Đông Ukraina. Đặc biệt, nhóm này nhìn thấy 9 xe tăng chiến đấu loại T-72 và T-64 của Nga. Tờ báo đăng kèm theo hình ảnh xe tăng Nga tiến vào lãnh thổ Ukraina để minh chứng.
Theo nhóm quan sát thì hàng chục xe tải hạng nặng ZIL được phát hiện và không có biển số. Phe nổi dậy ở vùng Donetsk tuyên bố là vũ khí của họ có được là nhờ vào việc họ chiếm được các kho vũ khí của quân đội Ukraina trong khu vực. Thế nhưng, theo La Croix thì quân đội Ukraina xưa nay không sở hữu loại xe tăng T-72, còn xe tải Zil thì chỉ được sản xuất ở Matxcova.
Chỉ huy trưởng liên quân NATO tại Châu Âu cũng đã tuyên bố: «Chúng tôi đã nhìn thấy nhiều đoàn xe vận chuyển trang thiết bị quân sự của Nga, xe tăng Nga, thiết bị phòng không Nga, những khấu pháo Nga, và những đoàn quân chiến đấu Nga xâm nhập lãnh thổ Ukraina». La Croix nhắc lại, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 8 rồi NATO đưa ra những chỉ trích như vậy.
Phía Nga đã lên tiếng bác bỏ những thông tin đó. Còn chính phủ Kiev thì từ một tuần nay đã lên tiếng tố cáo Nga xâm phạm lãnh thổ Ukraina. Còn theo La Croix, thì những cáo buộc trên là có thể đúng bởi nó giống với những gì từng diễn ra ở vùng Crimée và đó cũng là chiến lược của Nga.
Bàn thêm về chiến lược của Nga, La Croix nhắc lại, hồi đầu năm 2013, tham mưu trưởng liên quân Nga là tướng Valéry Guerassimov đã cho đăng bài báo bàn về chiến lược quân sự sắp tới của Nga. Theo đó sẽ không còn là những trận chiến đối đầu trực diện hay những trận đánh lớn, mà sẽ sử dụng đặc công hay các lực lượng đặc nhiệm hành động một cách không kèn không trống để không ai có thể nhận diện được, sẽ sử dụng và trang bị cho những người địa phương. Và ông gọi đó là «chiến tranh phi tuyến tính» hay là «chiến tranh lai tạp».
La Croix nhận thấy chiến lược đó đang được Nga áp dụng tại Ukraina. Đó là việc Nga ra sức gây sức ép với chính quyền mới của Kiev bằng mọi cách : quân sự, kinh tế, và thậm chí là truyền thông thông, qua việc cho phát thường xuyên trên các kênh truyền hình của Nga vốn được người vùng Donbass ưa thích để đưa những thông tin làm mất uy tín chính quyền Kiev.
Quan điểm này cũng được tờ Le Figaro chia sẻ. Tờ báo nhận định, rất ít có khả năng việc xảy ra chiến tranh trực diện giữa Nga và Ukraina. Tờ báo dẫn một nguồn tin quân sự phương Tây cho rằng: «Đối với Nga, nước này rất khó để biện minh cho một hành động quân sự quy mô. Bởi vậy mà ông Putin đang chơi một ván bài bịp. Đó là dùng mọi biện pháp hăm dọa ông Porochenko, để ép ông này ngồi vào bàn đàm phán, và để đạt được một hành lang tiếp tế cho vùng Crimée trong mùa đông này, đó là mục tiêu chiến lược của ông Putin».
Thực lực của quân đội Ukraina?
Trong bối cảnh người ta đang lo ngại «một cuộc chiến tranh tổng lực» xảy đến ở khu vực miền Đông Ukraina, thì một câu hỏi lớn được đặt ra: thực lực quân đội Ukraina như thế nào? Libération đăng bài trả lời rằng: «Quân đội Kiev vẫn trong thời kỳ hồi sức».
Tờ báo cho hay, ý kiến về thực lực của quân đội Ukraina hiện khá không thống nhất. Đối với Tổng thống Ukraina, Petro Porochenko, thì ông này tỏ vẻ lạc quan. Tờ báo nhắc lại, hồi đầu tháng Chín rồi, ông cho rằng chính phủ Kiev đã giành được thắng lợi khi ký Thỏa thuận Minsk mà một trong những nước ký kết là Nga. Ông Porochenko cho rằng, với thỏa thuận đó đã chấm dứt «sự tấn công của kẻ thù» và mang lại sự ổn định cho vùng mặt trận bao gồm cả sân bay Donetsk, giải thoát được 1.500 tù binh, chăm sóc được người bị thương, có thời gian để sữa chữa trang thiết bị quân sự và nhận trang thiết bị mới.
Rồi trong một chuyến thăm đến miền đông Ukraina, ông Porochenko tuyên bố rằng, các tập đoàn quốc phòng của Ukraina, ở miền Tây lẫn miền Đông, có đủ khả năng sửa chữa các thiết bị giành cho mặt trận, và «những vũ khí chính xác, các phương tiện do thám và hệ thống kiểm soát đã được bàn giao»…
Thế nhưng, ngược lại sự lạc quan đó của ông Porochenko, Libération tỏ ra lo ngại cho tiềm lực quân sự của Ukraina. Tờ báo cho biết, quân đội Ukraina có khoảng 70.000 người, nhưng quân đội này đã bị suy yếu nhiều từ cái thời Tổng thống bị phế truất Viktor Ianoukovitch. Hồi đầu năm, quân đội này đã không bắn được một phát súng nào khi Nga lấn tới sáp nhập vùng Crimée. Hiện tại, theo Libération, quân đội vẫn đang trong tình trạng «hồi sức». Và phía chính phủ Kiev đã cho thay tới bốn lần Bộ trưởng Quốc phòng.
Trong khi đó, ngoài mặt trận, quân đội Kiev đang tập trung sức lực bảo vệ thành phố Marioupol với nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại. Thành phố cũng đã được bao bọc bởi ba tuyến phòng thủ. Thế nhưng, ngay cả Tổng thống Porochenko cũng phải thừa nhận một điều như Libération trích dẫn : Hiện tại, Ukraina thậm chí còn «không dám mơ» tới vũ khí có mức độ chính xác cao.
Biểu tình Hồng Kông: Nguyên nhân xã hội
Hồng Kông vẫn tiếp tục nóng với hồ sơ biểu tình. Nguyên nhân biểu tình thì hơn một tháng nay báo chí đã tốn nhiều giấy mực: đó là tuổi trẻ Hồng Kông muốn được bầu cử tự do người lãnh đạo của mình. Thế nhưng, nhật báo Công Giáo La Croix số ra hôm nay cung cấp thêm một nguyên nhân khác dưới góc nhìn xã hội qua bài chạy tựa đáng chú ý: «Sinh con ở Hồng Kông là chuyện không thể».
Đặc phái viên Dorian Malovic của La Croix đã đến nơi người biểu tình dựng lều ở trung tâm Hồng Kông để tìm hiểu thêm tình hình. Tại đây, Malovic đã trao đổi với những thanh niên vốn là thành phần chính của làn sóng biểu tình tại Hồng Kông. Malovic nhận định : đối với thế hệ trẻ ở Hồng Kông, bầu cử tự do, dân chủ và tự do ngôn luận là những thứ cần phải được bảo vệ. Tuy nhiên, bên trong còn ẩn chứa một nguyên nhân khác đến từ «sự bất an xã hội một cách sâu sắc».
Sự bất an xã hội đó là gì? Theo tác giả bài viết, thì nó đến từ tình trạng bất bình đẳng xã hội và khoảng cách giàu nghèo ngày càng cao. Vật giá leo thang, nhất là giá bất động sản. Bởi thế mà thế hệ trẻ dù có ăn có học nhưng vẫn không thể có được cuộc sống đàng hoàng. Thậm chí có nhiều cặp đôi đã cưới nhau nhưng mỗi người vẫn phải sống nương nhờ ở nhà bố mẹ mình, do bản thân không đủ tiền mua nhà, hoặc thậm chí không đủ tiền thuê nhà, trong khi đó bố mẹ thì không đủ khả năng để giúp.
Từ đó, tuổi trẻ bắt đầu cảm thấy bất an và so sánh với thế hệ trước, như lời của một thanh niên biểu tình được Malovic ghi nhận: «Chúng tôi không sống được sung túc như cái thời bố mẹ chúng tôi, mọi thứ đều trở nên quá đắt đỏ».
Tác giả bài viết nhận định: «Tầng lớp tiểu trung lưu này không kham nổi sự gia tăng của giá cả bất động sản. Từ đó phát sinh nhiều hệ lụy xã hội nặng nề đối với những người mơ ước đấp xây hạnh phuc gia đình». Vì thế, có mấy ai dám sinh con trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như vậy. Theo bài viết, Hồng Kông có tỉ lệ sinh sản thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Bên cạnh đó, tác giả bài viết còn đưa ra một nguyên nhân khác của làn sóng biểu tình tại Hồng Kông, đó là hiện tượng ngày càng có nhiều người Trung Quốc lục địa sang Hồng Kông định cư, làm việc hay học tập, gây cho người bản xứ «một cảm giác oán hận».
Hai thanh niên biểu tình được tác giả bài viết phỏng vấn đã thốt lên: «Sinh con à, việc đó chỉ trong mơ, việc đó là không thể. Hồng Kông sẽ không thể sinh sản đủ người đảm bảo cho thế hệ kế thừa. Vì thế, chúng tôi sẽ bị xâm chiếm bởi người Trung Quốc lục địa. Họ đã chiếm chỗ của chúng tôi ở các trường đại học, trường học, bệnh viện, nhà trẻ và các khu nhà ở». Tác giả bài viết cảm thấy trong lời lẽ đó «một cơn phẫn nộ âm ỉ» của tuổi trẻ Hồng Kông.
Như vậy, ngoài nguyên nhân chính trị, thì hồ sơ xã hội cũng chiếm một vị trí không nhỏ trong làn sóng xuống đường của tuổi trẻ Hồng Kông.
Mỹ-Trung: Tạm thời xuống nước?
Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh đã kết thúc thành công. Nhật báo Le Monde nhìn về sự kiện này và đặc biệt chú ý đến mối quan hệ Trung-Mỹ với bài phân tích: «Ở Bắc Kinh, Tập Cận Bình chăm sóc cho Barack Obama».
Trước tiên, tờ báo nhận định, Thượng đỉnh mang tầm quốc tế đầu tiên thời Tập Cận Bình đã được tổ chức thành công. Và ở đó, chủ tịch Tập Cận Bình đã chăm chút cho Tổng thống Obama nhằm làm hạ nhiệt quan hệ Trung-Mỹ vốn bị bào mòn bởi sự nghi kị lẫn nhau trong thời gian qua.
Tờ báo rằng, Tập đã dành sự tiếp đón hết sức ưu ái cho người đồng nhiệm Mỹ. Tập còn mời ông Obama dùng bữa tối tại Trung Nam Hải, trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc – biểu tượng quyền lực tối cao của Trung Cộng. Theo Le Monde, đây là một động thái ưu ái đặc biệt dành cho một nguyên thủ nước ngoài. Buổi ăn tối có thể là nơi đã dẫn đến nhiều thỏa thuận chính thức sau đó.
TC chăm chút quan hệ với Mỹ tới mức mà sau đó Hãng Tân Hoa Xã cho là hai nước đã đi tới «mô hình quan hệ kiểu mới giữa hai cường quốc». Đây là một khái niệm đã được TC đưa ra mà theo tờ báo thì Mỹ không tỏ ra mấy mặn mà.
Quan hệ Trung-Mỹ thời gian qua có nhiều trở ngại do vấp phải cái mà TC gọi là «lợi ích cốt lõi» hay «lợi ích chiến lược». Trong những nguyên tắc chỉ đạo của mối quan hệ kiểu mới giữa hai cường quốc mà Bắc Kinh đưa ra có việc: hai bên phải tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau. Thế nhưng, Le Monde cho hay, lợi ích cốt lõi của TC lại bao gồm cả khu vực biển mà TC tranh chấp với các nước láng giềng.
Thế nhưng, trong Thượng đỉnh APEC 2014, hai bên đã tỏ ra hòa dịu. Vì sao? Vì cả hai hiểu rằng, trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nước này không thể hành động đơn phương bỏ qua nước kia. Một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh được Le Monde dẫn lời giải thích về những động thái hòa dịu đó như sau: «Nếu TC muốn thực hiện được Con đường Tơ lụa mới và chính sách ngoại giao của mình, thì phải tìm cho được sự đồng thuận với Mỹ. Đó là lí do căn bản giải thích cho những nhượng bộ và tham vấn lẫn nhau mà chúng ta đã thấy».
Về phần mình, Tổng thống Obama đang ở trong thế yếu về mặt chính trị trong nước do thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kì để lưỡng viện rơi toàn bộ vào tay phe Cộng Hòa. Bởi thế mà những thỏa thuận đạt được với TC đã «rơi đúng thời điểm» để giúp củng cố hơn chiến lược xoay trục về Châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Obama. Le Monde nhận định thêm: xây dựng mối quan hệ hữu hảo với «ông chủ mới của TC» giúp cho ông Obama thuận lợi hơn trên những hồ sơ quốc tế khác, mà trước mắt là hồ sơ môi trường mà hai bên vừa ký kết. Nên nhớ rằng, sẽ không có một thỏa thuận môi trường nào tầm thế giới được ký mà không có sự tham gia đồng thuận của Mỹ và TC, hai nước gây ô nhiễm nhất thế giới.
Thụy Sĩ: «thâm hụt» sinh viên ngoại quốc
Đến với Thụy Sĩ, một nước Châu Âu phồn thịnh vốn thu hút nhiều sinh viên ngoại quốc, nhật báo Le Monde đăng bài chạy dòng tựa đáng chú ý: «Sau khi hạn chế quyền tự do lưu thông, Thụy Sĩ rơi vào cảnh thiếu sinh viên Châu Âu».
Số là vào đầu tháng Hai rồi, Thụy Sĩ thông qua luật hạn chế «nhập cư ào ạt» để hạn chế người nước ngoài nhập cư. Và thế là, những thỏa thuận về trao đổi trong lĩnh vực giáo dục đại học với các nước Châu Âu khác đã tạm thời không còn hiệu lực. Thêm vào đó, luật nói trên nghiễm nhiên đưa Thụy Sĩ ra khỏi danh sách những nước thuộc chương trình trao đổi sinh viên của Liên Hiệp Châu Âu, Erasmus Plus giai đoạn 2014-2020 được thông qua hồi cuối năm ngoái.
Việc hạn chế lưu thông này không chỉ vi phạm nguyên tắc tự do đi lại của công dân các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu, mà còn gây hậu quả cho chính Thụy Sĩ, mà điển hình như tờ báo nêu là trong lĩnh vực giáo dục đại học. Số lượng sinh viên các nước Châu Âu khác đăng ký học tại các trường đại học Thụy Sĩ vào năm 2014 đã giảm có thể lên đến 30%.
Le Monde cho biết thêm, vào ngày 30 tháng này, Thụy Sĩ sẽ tiến hành thông qua một luật mới có tên Ecopop, mà nếu được thông qua, thì quyền nhập cư vào Thụy Sĩ sẽ bị hạn chế nhiều hơn nữa, và sẽ gây nhiều thiệt hại hơn nữa cho các trường đại học của nước này.