Điểm Báo Pháp – 12/11/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 12/11/2014

Theo đánh giá của báo chí, hai lãnh đạo Tập Cận Bình và Shinzo Abe gặp nhau một cách miễn cưỡng – REUTERS /Kim Kyung-Hoon

Theo RFI – Lê Vy – 12-11-2014  15:28

Diễn đàn Apec vẫn là đề tài bình luận của báo chí. Đặc biệt, báo Le Monde phân tích quan hệ Trung-Nhật qua bài viết: «Trung – Nhật bắt đầu hòa giải». Sau hai năm căng thẳng giữa hai nước leo thang và các cuộc gặp cấp cao đều bị ngưng, vào ngày 10/11 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Cộng (TC) Tập Cận Bình lần đầu tiên đã gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, bên lề thượng đỉnh Apec từ khi hai lãnh đạo này nhậm chức.
Theo Le Monde, cuộc gặp chỉ kéo dài vỏn vẹn trong vòng 25 phút tại Đại lễ đường nhân dân được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe miêu tả như «những bước đầu tiên» hướng đến việc thiết lập «mối quan hệ đôi bên đều có lợi dựa trên những lợi ích chiến lược chung». Hai nước bắt đầu kình địch nhau từ khi Nhật quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát từ năm 1895 mà TC cũng tuyên bố chủ quyền dưới tên gọi Điếu Ngư.
Le Monde miêu tả, Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp Thủ tướng Shinzo Abe một cách lạnh lùng: hình ảnh chụp hai nhà lãnh đạo miễn cưỡng bắt tay nhau, không nhìn nhau, mà là có ánh mắt nhìn xuống. Báo Le Monde trích dẫn xã luận của tờ Hoàn Cầu thời báo cho biết: «từ nay đến lượt Nhật Bản phải quyết định xem có thể tái sinh được mối quan hệ Trung-Nhật hay không».
Xã luận mang tựa đề: «Shinzo Abe phải giữ lời» còn cảnh cáo, mọi chuyến viếng thăm đền tử sĩ Yasukumi của Thủ tướng Shinzo Abe đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến tiến trình hòa giải vừa mới bắt đầu vào thứ Hai. Trên thực tế thì ông Abe chẳng hứa hẹn gì về đề tài này.
Le Monde nhận định, cuộc gặp trên giữa hai lãnh đạo Trung-Nhật là kết quả của nhiều hành động ngoại giao từ phía Nhật. Ngày 8/11, ngoại trưởng hai nước đã gặp nhau và một thỏa thuận gồm 4 điểm đã được thông qua. Hai nước nhất trí «thi hành một cơ chế quản lý khủng hoảng và tránh mọi leo thang căng thẳng».
Tokyo muốn có một cuộc hội kiến nhưng lại không muốn có điều kiện tiên quyết. Thoả thuận cũng đã ghi nhận «khác biệt quan điểm» trên hồ sơ tranh chấp đảo Senkaku / Điếu Ngư. Tuy Tokyo có phần nhượng bộ nhưng không đến mức «công nhận có tranh chấp chủ quyền biển đảo», như Bắc Kinh vẫn mong muốn, theo nhận định của một nghiên cứu gia TC. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã phát biểu trên truyền hình Nhật hôm thứ hai vừa qua rằng: «thỏa thuận trên không có nghĩa là Nhật thay đổi thái độ về chủ quyền».
Căng thẳng ngoại giao đã làm hai nước phải trả giá đắt về kinh tế: vào năm 2013, trao đổi mậu dịch giảm 6,5%. Một số du khách Nhật không dám du lịch đến Bắc Kinh do sợ người TC trút giận lên du khách Nhật. Đầu tư trực tiếp Nhật vào TC giảm đi 43% từ tháng Giêng đến tháng Chín 2014. Chủ tịch một liên đoàn giới chủ Nhật nhận định: «thượng đỉnh lần này là một bước tiến quan trọng». Nhiều nhà công nghiệp Nhật, đặc biệt trong ngành sản xuất xe hơi được xem như bị phạt trên thị trường TC.
Nhật báo Nhật Asahi được Le Monde trích dẫn nhận định: «Vẫn còn quá sớm để biết được hiệp định và thượng đỉnh trên có làm cho quan hệ song phương tiến triển theo hướng tốt hay không. Tuy nhiên, cả hai có thể đồng tồn tại và tìm thấy thịnh vượng chung mặc dù các tranh chấp vẫn còn đó».

Nam Hàn làm gì để kích thích tăng trưởng

Liên quan đến tình hình kinh tế Nam Hàn, mục kinh tế báo Le Monde có bài viết: «Nam Hàn đối diện với cơn cuồng phong Trung Cộng». Theo tờ báo, Nam Hàn muốn thúc đẩy tăng trưởng, cải tổ nền kinh tế và các doanh nghiệp lớn. Nước này đang hy vọng ký kết được hiệp định tự do mậu dịch với Bắc Kinh vào cuối năm.
Le Monde cho biết, để kích thích tăng trưởng bị xem là khá «yếu» (+3,5% vào năm 2014 và 3,9% năm 2015, sau một thập niên tăng trưởng ở mức 6%), Tổng thống Park Geun-hye đã thông qua tại quốc hội một tiểu kế hoạch với ngân sách phải chi tiêu thêm là 14,8 triệu euro để kích thích nền kinh tế. Tình trạng dân số già và sự tăng năng suất chậm lại làm suy yếu tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Rút ra được hậu quả của sự bất cân bằng trong chế độ hưu bổng (người hưu trí sẽ đông hơn người lao động từ năm 2017), bà Park Geun-hye đã đề nghị lùi độ tuổi về hưu đến 65. Lạm phát thấp, các hộ gia đình mắc nợ nhiều vì họ muốn đầu tư tiền của cho con cái học hành để đỗ đạt, con số này vượt 150% tổng sản phẩm nội địa GDP. Đồng tiền cao giá cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo Le Monde, Nam Hàn ngày càng phụ thuộc nhiều vào Trung Cộng (TC) và khu vực đông nam Á. TC, khách hành và là nhà cung ứng số một của Nam Hàn tiêu thụ 26% hàng xuất khẩu của Nam Hàn, các quốc gia khối Asian là 15%.
Thương mại song phương Trung-Hàn cũng đang biến đổi mạnh. TC từ lâu vốn chỉ dừng lại ở vai trò là thị trường lắp ráp và xuất khẩu lại hàng hóa Nam Hàn, tuy nhiên, TC sẽ trở thành thị trường tiêu thụ một ngày nào đó. Để đối mặt với «cơn cuồng phong TC», từ ngữ được tờ Korean Times dùng vào ngày 31/10, Nam Hàn đã ký kết hiệp định tự do mậu dịch với 47 quốc gia, trong đó có rất nhiều nước ngoài Châu Á như Hoa Kỳ và Châu Âu. Ngày nay, Nam Hàn quảng bá vị trí chiến lược của mình nằm ở trung tâm Châu Á, «cửa ngõ» để vào TC.

Pháp điêu đứng trước làn sóng quốc tế lừa đảo trong việc chuyển ngân

Liên quan đến thời sự tại Pháp, nhật báo Le Monde báo động nạn lừa đảo quốc tế trong việc huyển ngân. 40 công ty lớn nhất thị trường chứng khoán Pháp đã  bị cướp mất 20 triệu euro qua một mạng lưới lừa đảo Pháp-Israel. Thủ phạm là những tên thường có hai quốc tịch, tiến hành các vụ lừa đảo từ một thành phố duyên hải ở Israel, được gọi là Silicon Valley của Israel. Chúng tạo ra các tên người nhận chuyển ngân giả mạo. Càng ngày trình độ tin học của họ tinh vi hơn và bẻ gãy được hết hệ thống an ninh.
Theo Le Monde, chúng cấu kết với mafia Trung Cộng (TC), họ nhận các số tiền chuyển ngân tại TC và ung dung tại đấy tránh bị truy tố do sự hợp tác pháp lý quốc tế vẫn còn rất chậm chạp. Tên lừa đảo nhận tiền mặt từ những người Trung Hoa sống tại Pháp vì một số tay Trung Hoa lắm tiền cũng muốn gửi tiền về nước nhưng ngại phải qua con đường ngân hàng. Một chuyên gia nhận định, cứ mỗi vụ lừa đảo của người Israel tương đương với một vụ rửa tiền của người Hoa. Từ cuối năm 2010, 700 công ty Pháp đã đệ đơn kiện, ước tính mất 300 triệu euro.
Le Monde cho biết, tên lừa đảo có thể đánh cắp chữ ký của các tổng giám đốc, các thông tin về công ty do các bản báo cáo thường niên được đăng trên mạng cho công chúng truy cập hay thông qua các trang mạng xã hội. Vài tháng gần đây, tên lừa đảo còn tung ra vi rút tên là «con ngựa thành Troie» dưới dạng file đính kèm như thông tin kỳ nghỉ, ngân hàng, nhà cung ứng. Khi người sử dụng nhấn vào thì vi rút sẽ đánh cắp thông tin.
Tên lừa đảo thường giả danh sếp, gửi các thông điệp giả mạo đề nghị thanh toán một hóa đơn hay chuyển khoản cho một cơ quan nào đó và yêu cầu người nhận lệnh phải giữ bí mật vì công việc trên mang tính bảo mật. Tuy nhiên, theo quan sát của Le Monde, trong các bức thư gửi qua mạng, đối tượng lừa đảo thường viết sai chính tả, sai cấu trúc ngữ pháp và đó cũng là một cách để nhận ra là sếp giả mạo.
Le Monde nhận định, các vụ lừa đảo còn gây ra hậu quả nghiêm trọng về con người như các nạn nhân có thể bị đuổi việc hay nhiều bi kịch khác. Tờ báo thuật lại trường hợp của một nhân viên Pháp bị lừa chuyển ngân 4 lần với tổng giá trị 3,5 triệu euro. Bà ta đã phải xin nghỉ bệnh khi biết mình đã gây thiệt hại cho công ty. Một giám đốc tài chính cũng đã tự sát vì những vụ lừa đảo như vậy.

Ấn Độ: thảm kịch của chiến dịch triệt sản

Nhìn sang Ấn Độ, nhật báo La Croix quan tâm đến chiến dịch triệt sản tại bang Chhattisgarh làm khoảng một chục phụ nữ thiệt mạng, hàng chục phụ nữ khác đang trong tình trạng nguy kịch. Bi kịch trên cho thấy hệ thống y tế Ấn Độ còn nhiều hạn chế, thiếu sót.
Theo La Croix, 80 phụ nữ đã được một bác sĩ và một phụ tá phẫu thuật trong vòng 5 giờ tại một bệnh viện công Bilaspur. Các phụ nữ đã bị triệt sản thông qua nội soi, một quá trình dự kiến là ít xâm hại nhất đối với phụ nữ. Hoạt động này nhằm chặn các ống dẫn trứng và bệnh nhân được gây mê toàn thân. Các bác sĩ đặt câu hỏi về vai trò và chất lượng thuốc cấp cho họ sau khi tiến hành phẫu thuật.
Tại Ấn Độ, mục tiêu của nhà nước là đảm bảo mỗi phụ nữ chỉ sinh trung bình hai con. Triệt sản là biện pháp phổ biến nhất của ban kế hoạch hóa gia đình. Việc dùng thuốc tránh thai vẫn còn rất hạn chế.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được đối xử công bằng tại Ấn Độ. Một số gia đình nghèo phải tìm đến các bệnh viện công để triệt sản, giá cả ít đắt hơn nhưng chất lượng vệ sinh kém. Do ham lợi, vừa mới triệt sản xong, các bác sĩ đã cho bệnh nhân ra về để có thể tiến hành các ca khác. Thuốc cấp cho bệnh nhân cũng thiếu liều và tệ nạn tham nhũng vẫn đầy rẫy.

Trang nhất các báo Pháp

Các nhật báo Pháp đều chú ý đến sự kiện tàu vũ trụ Châu Âu hôm nay sẽ đặt một con rô bốt có tên là Philae lên sao chổi 67P để phân tích mặt đất trên đó sau hành trình kéo dài 10 năm qua 6 tỷ km.
Libération tự hỏi, «tại sao lại chọn sao chổi này». Bởi vì nó có thể lưu giữ những bí mật về sự xuất hiện sự sống trên Trái đất. Nó chính là một «trong hàng tỷ ngôi sao bay lang thang trong hệ mặt trời, được tạo thành cùng lúc với Mặt trời và Trái Đất, cách đây hơn 4 tỷ năm và không hề thay đổi từ đó».
Chúng ta thấy ảnh của sao chổi được tàu không gian Rosetta chụp trên trang nhất các báo. Nó giống như một hòn đá, không hẳn tròn và không đồng chất. Ta còn thấy lớp tuyết bao phủ sao chổi. Trong vài giờ nữa, rô bốt sẽ phải đáp trên nền tuyết này, Libération cho biết, trên một địa hình khá bất lợi và khó khăn với dốc đứng và các tảng đá lớn.
Nguy cơ thất bại của hoạt động này cũng rất cao nhưng đó chính là một thách thức khoa học mang tầm cỡ lớn… Xã luận Libération hân hoan, gọi đây là một «sức mạnh khoa học, một kỳ tích vũ trụ đã tập hợp hàng triệu nhà khoa học Châu Âu thực hiện cuộc khám phá này mà không có người Nga hay Mỹ».