Điểm Báo Pháp – 11/11/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 11/11/2014

Thái độ thân thiện giữa hai lãnh đạo Mỹ- Trung tại APEC. Ảnh ngày 11/11/2014. – Reuters

APEC 2014: Mỹ-Trung gườm nhau tại Châu Á

Theo RFI – Lê Phước – 11-11-2014
Chiêu bài kinh tế của Bắc Kinh đang tạo ra «một bộ mặt dễ mến» cho sự bành trướng và che đậy những mưu đồ chiến lược khác của Trung Cộng (TC), trong đó có những đòi hỏi chủ quyền trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
APEC 2014 tại Bắc Kinh tiếp tục thu hút sự chú ý của báo chí Pháp. Nhật  báo Le Monde phân tích về quan hệ chiến lược giữa hai nước trong khu vực  Châu Á Thái Bình Dương qua bài viết: «Mỹ-Trung gườm nhau tại Châu Á». Đây là lần thứ hai TC tổ chức Thượng đỉnh APEC, lần trước là tại Thượng Hải năm 2001. Le Monde cho rằng, Bắc Kinh muốn nhân cơ hội lần này để phô trương với thế giới về hình ảnh một nước Trung Hoa «hùng mạnh, có trách nhiệm và hiện đại».
Thượng đỉnh Bắc Kinh huy tụ  21 nguyên thủ quốc gia. Bài viết tập trung phân tích sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại APEC và viễn cảnh quan hệ Trung-Mỹ.
Tổng thống Obama đã được đón tiếp trọng thị khi đến Bắc Kinh. Ngoại trưởng TC đã đón ông Obama tại chân cầu thang máy bay. Hôm nay, Tổng thống Obama hội kiến chính thức Chủ tịch TC Tập Cận Bình.
Tờ báo nhắc lại, vào năm 2013, hai vị nguyên thủ cũng đã hội kiến tại California và khi ấy người ta hi vọng hai bên sẽ thiết lập được mối giao hảo cá nhân để làm nền phát triển quan hệ giữa hai nước. Thế nhưng, cuộc gặp lần đó là không thể giúp hai bên thiết lập được một mối quan hệ đủ mạnh để có thể vượt qua «sự so kè giữa một cường quốc đang lên và một siêu cường đang bị ám ảnh bởi sự suy giảm về sức mạnh».
Trước đó, vào năm 2012, trong chuyến thăm Mỹ với tư cách là người sắp lên nắm quyền lực tối cao tại TC, Tập Cận Bình đã đề nghị với ông Obama về mô hình phát triển quan hệ song phương: «Một mối quan hệ theo một hình thức mới giữa hai cường quốc của thế kỷ 21». Thế nhưng, «hình thức mới» đó dường như không hấp dẫn Mỹ và quan hệ song phương đã vướng phải cái mà Bắc Kinh gọi là «lợi ích cốt lõi». Và cái «lợi ích cỗt lõi» đó của TC cũng đã «chạm trán» với các nước láng giềng trong khu vực vốn là đồng minh của Mỹ, mà khởi đầu là Nhật Bản.
Trong lần Thượng đỉnh APEC này, đối diện với một Tổng thống Mỹ đang vừa bị yếu thế về chính trị trong nước, Tập Cận Bình đã tập trung nhấn mạnh và phô trương sức mạnh kinh tế TC.
Le Monde nhận định, TC ý thức được vai trò quan trọng của nền kinh tế của mình trong khu vực. Bởi vậy mà trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp vào hôm chủ nhật trong khuôn khổ APEC 2014, Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước trong khu vực cùng nhau hiện thực hóa «giấc mơ về một Châu Á hòa bình» thông qua những «cơ hội to lớn và những lợi ích mà nền kinh tế TC có thể mang lại».
Để thực thi chiêu bài «cùng thịnh vượng» đó, Bắc Kinh chủ trương một «chiến lược ngoại giao đường Tơ Lụa». Và Tập cũng đã thông báo thành lập quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 40 tỷ đô la để kết nối các nước nằm dọc tuyến đường Tơ Lụa cũ.
Ngoài ra, tại APEC lần này, TC cũng ra sức thúc đẩy một hiệp ước tự do thương mại theo kiểu TC, một động thái được cho là nhằm đáp trả nỗ lực thúc đẩy Hiệp ước tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ đang tiến hành đàm phán với 11 nước trong khu vực mà không có sự tham gia của TC. Bắc Kinh cũng mặn mà với cái gọi là Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Á Châu, một cách đáp trả lại Ngân hàng phát triển Châu Á vốn dưới sự ảnh hưởng của Mỹ.
Le Monde nhận định, chiêu bài kinh tế đó của TC đang tạo ra «một bộ mặt dễ mến» cho sự bành trướng của nước này và che đậy những mưu đồ chiến lược khác: tức là những đòi hỏi chủ quyền của TC trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tờ báo kết luận: trước các đại biểu APEC, Bắc Kinh ra sức tạo hình ảnh là «một nước chủ nhà hào hiệp và biết huy động sức mạnh tập thể».

Phương Tây học gì từ quan hệ Trung-Nhật

Bên lề Thượng đỉnh APEC 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hội kiến Chủ tịch Trung Cộng (TC) Tập Cận Bình. Sự kiện này tiếp tục thu hút báo chí Pháp. Tờ Le Figaro đăng bài phân tích của chuyên gia với dòng tựa: «Bài học mà Châu Á cho chúng ta về quan hệ ngoại giao».
Tác giả bài viết nhắc lại, đây là cuộc hội kiến đầu tiên giữa Thủ tướng Abe và chủ tịch Tập kể từ khi hai ông lên nắm quyền cách đây trên hai năm. Và đây cũng là cuộc hội kiến cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi căng thẳng leo tháng từ mùa thu 2012. Sự căng thẳng mà tác giả cho rằng «như là một cuộc chiến tranh lạnh». Cuộc gặp gỡ lần này của hai ông Abe-Tập, sau nhiều cố gắng ngoại giao là một động thái «làm tan băng» trong quan hệ lạnh giá giữa hai nước. Từ đó tác giả rút ra bài học dành cho phương Tây.
Bài học đó là gì? Theo tác giả, đó là hai nước đã biết khoanh vùng căng thẳng. Tức là không để những bất đồng về tranh chấp lãnh thổ (trên Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư) làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ chính trị và hợp tác kinh tế.
Tuy nhiên, bài học ngoại giao không chỉ dừng lại ở đó, mà theo tác giả, TC và Nhật Bản, dù căng thẳng thế nào, cũng chưa từng áp đặt lẫn nhau những biện pháp trừng phạt kinh tế. Bởi vì, theo tác giả, trừng phạt kinh tế thiết lập thì dễ nhưng rút lại thì khó. Bởi vì trừng phạt kinh tế sẽ không chỉ gây hại cho người bị áp đặt mà sẽ là con dao hai lưỡi làm đứt tay cả người đi áp đặt.
Từ đó tác giả đề cập đến những biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt cho Nga do những bất đồng về hồ sơ Ukraina. Tác giả nhấn mạnh: với những biện pháp trừng phạt đó, Nga thua thiệt mà Liên Hiệp Châu Âu cũng bị tổn thất. Tức là, tác giả cho rằng, Châu Âu không có sự «ngoại giao mềm dẽo».

Cách duy trì biểu tình của người Hồng Kong

Liên quan đến phong trào xuống đường của người Hồng Kông, nhật báo Le Monde đăng hai bài đáng chú ý: «Bắc Kinh hành động» «Bất động dưới bóng dù».
Bài báo thứ nhất cho hay, bên lề Thượng đỉnh APEC, chủ tịch Trung Cộng (TC) Tập Cận Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn Anh. Tập đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà cầm quyền Hồng Kông khi tuyên bố: «Sự thượng tôn pháp luật là nền tảng cho ổn định và thịnh vượng lâu dài ở Hồng Kông. Chính quyền trung ương hoàn toàn ủng hộ cá nhân lãnh đạo đặc khu hành chính và chính quyền Hồng Kông trong việc điều hành và đặc biệt là trong việc đảm bảo sự uy nghiêm của phát luật và trật tự xã hội».
Đây là lần đầu tiên kể từ khi phong trào xuống đường ở Hồng Kông bắt đầu cách đây một tháng rưỡi, người nắm quyền lực cao nhất của nhà nước TC đã chính thức lên tiếng ủng hộ nhà cầm quyền Hồng Kông. Ngược lại, đối với những những người xuống đường thì đó là «một dấu hiệu của sự nghi ngờ». Do không tìm được đồng thuận với chính quyền địa phương, nên những người xuống đường đang tìm cách đối thoại trực tiếp với chính quyền trung ương.
Tuy vậy, Le Monde cho hay: «Sự mệt mỏi đã lộ rõ ở những người tham gia biểu tình, nhất là những người ban ngày phải đi làm hoặc đi học để rồi tối lại xuống đường». Theo một thăm dò của trường Đại học Bách Khoa Hồng Kông, thì có đến trên 70% người được hỏi cho rằng nên kết thúc việc xuống đường, và 40% thì đổ lỗi cho chính quyền Hồng Kông.
Trong bối cảnh đó, những người tổ chức biểu tình phải tìm cách duy trì phong trào. Và cách thức đó được miêu tả cụ thể trong bài viết thứ hai của tờ Le Monde. Nhà tổ chức có bộ phận tiếp nhận tiền quyên góp hỗ trợ phong trào, tổ chức đi phân phát thức ăn và đồ uống cho mọi người. Thậm chí chỗ đánh răng cũng được bố trí sạch sẽ ngăn nắp. Người còn đi học thì cũng chẳng phải lo, vì họ được bố trí chỗ đàng hoàng để có thể học bài vào ban đêm ngay tại nơi cấm trại biểu tình. Cũng có bộ phận phụ trách đi sạt điện thoại miễn phí cho người xuống đường.
Ngoài ra còn có những băng rôn, khẩu hiện được bố trí và trình bày theo kiểu rất thể thao, rất nghệ thuật để thu hút sự chú ý. Người biểu tình còn khôn ngoan đặt tượng Quan Công ngay tại lều của mình để cho lực lượng an ninh sợ thần thánh mà không dám tới dẹp lều… Tất cả là để duy trì phong trào và theo đuổi mục đích mà như các khẩu hiệu biểu tình đã nêu: «Một nền dân chủ thật sự», «Tương lai của chúng ta, sự chọn lựa của chúng ta»…

Đức vẫn là đầu tàu kinh tế Châu Âu

Liên quan đến kinh tế Châu Âu, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến nước Đức với bài chạy tựa: «Đức thu hút nhiều nhất công nghiệp của khu vực đồng tiền chung Châu Âu (eurozone)».
Trong eurozone, trong vòng xoáy khủng hoảng, cạnh tranh giá rẽ ngày càng cao khiến các doanh nghiệp thu hẹp số lượng lao động, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp không ngừng tăng lên. Lĩnh vực đầu tư không còn năng động như trước. Ngành công nghiệp eurozone không ngừng co lại. Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp không ngừng sụt giảm kể từ năm 2008.
Trong bối cảnh đó, Les Echos cho hay, theo một báo cáo của Ủy ban Châu Âu vừa qua, thì Đức là nước không chỉ duy nhất trong eurozone mà còn là nước duy nhất trong toàn cõi Châu Âu đã thành công trong việc tạo công ăn việc làm trong lĩnh vực công nghiệp kể từ năm 2007. Đức cũng là nước duy nhất có giá trị gia tăng ngành công nghiệp không hề sụt giảm. Trong năm 2013, giá trị gia tăng của công nghiệp Đức chiếm 21,8%, trong khi ở Pháp chỉ có 10,2%. Ngược lại với Đức, thì Tây Ban Nha, Ý và Pháp là ba nước để mất nhiều công ăn việc làm nhất trong ngành công nghiệp.
Giải thích cho sự thành công của Đức, các chuyên gia nhấn mạnh trước hết đến mức lương lao động rẽ và lực lượng lao động có tay nghề cao của nước này. Thêm vào đó, ngành công nghiệp cũng đã phát triển rất mạnh ở Đức, nên dễ kiếm được lực lượng kĩ sư cần thiết. Và trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các nhà công nghiệp đương nhiên có xu hướng tìm đến những nơi có lực lượng lao động có chất lượng mà lại giá rẽ như ở Đức.

Vụ rớt máy bay MH17: thủ phạm là ai?

Hòa Lan vừa chính thức tổ chức lễ tang cho các nạn nhân của vụ rớt máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysian Airlines cách đây bốn tháng, trong bối cảnh thủ phạm chưa được tìm thấy. Nhật báo Les Echos nhìn về hồ sơ này qua bài: «Bí ẩn vẫn bao trùm vụ rớt máy bay MH17».
Chiếc máy bay dân sự số hiệu MH17 hồi tháng Bảy vừa qua đã bị nổ tung trên bầu trời miền Đông Ukraina, làm thiệt mạng 298 người trong đó 2/3 mang quốc tịch Hà Lan. Bốn tháng đã trôi qua, nhiều bằng chứng từ hình ảnh chụp từ vệ tinh của Nga, Mỹ, Đức đã được công bố, hoặc những đoạn thu âm có liên quan cũng đã được công bố. Thế nhưng, tờ báo cho biết, đến hiện tại, nhà cầm quyền Hòa Lan vẫn không tin ai cả, mà «chỉ tin những gì họ thấy», vì vậy vẫn từ chối đưa ra mọi kết luận «vội vã».
Theo một báo cáo được công bố hồi tháng Chín của Cơ quan an ninh hàng không Hòa Lan (OVV) thì các nhà điều tra sẽ tiến hành nghiên cứu những mãnh vỡ mà họ thu được tại hiện trường. Và công tác này sẽ diễn ra tại Hà Lan sau khi những mãnh vỡ được chuyển đến nước này. Thế nhưng, khi nào chuyển đến thì vẫn chưa có lịch trình cụ thể do chiến sự tại khu vực miền Đông Ukraina vẫn đang căng thẳng.
Việc nhận diện những nạn nhân cuối cùng vẫn chưa kết thúc. Lối vào khu vực máy bay rơi bị hạn chế do chiến sự và nhiều phần thi thể nạn nhân vẫn còn nằm đó.
Theo Les Echos, đến hiện tại, chính phủ Hòa Lan chỉ tuyên bố dựa theo báo cáo của OVV như sau: «Chiếc máy bay đã bị phá hủy bởi một lượng lớn vật phóng có tốc độ cao làm chiếc máy bay nổ tung trên không trung». Quan chức phụ trách bộ phận điều tra của Hòa Lan cho rằng: «Để có thể đưa thủ phạm ra trước vành móng ngựa, thì phải cần thêm những bằng chứng cụ thể, ngoài những hình ảnh và ghi âm đã được công bố».