Tin Thế Giới – 11/11/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 11/11/2014

Mỹ-Trung đạt đột phá về thoả thuận thương mại tự do WTO

Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo Trung Cộng (TC) vừa đạt được một thỏa thuận có thể dẫn đến việc hạ giảm thuế suất của các mặt hàng công nghệ cao, như các thiết bị y tế và máy trò chơi điện tử.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman đưa ra loan báo này tại Bắc Kinh, nơi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tham dự hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.

“Đây là một tin đáng mừng trong quan hệ Mỹ-Trung. Điều này cho thấy sự hợp tác của Hoa Kỳ và TC để hai nước cùng tiến lên trong nghị trình kinh tế song phương, nhưng đồng thời cũng hỗ trợ cho hệ thống thương mại đa phương.”

Kết quả này đạt được giữ lúc Tổng thống Obama đang mưu tìm những tiếng nói chung với TC trong bối cảnh đang có những xung khắc về một số vấn đề, trong đó có các yêu sách về chủ quyền biển đảo của Bắc Kinh, và những nghi ngờ trong giới lãnh đạo TC cho rằng Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chận sự trỗi dậy của TC để trở thành một cường quốc thế giới.

Các giới chức Tòa Bạch Ốc gọi thỏa thuận này là một bước đột phá quan trọng mà họ hy vọng sẽ mang lại một sự đúc kết nhanh chóng cho cuộc thương thuyết về Hiệp ước Thương mại về Công nghệ Thông tin của Tổ chức Thương mại Thế giới ở Geneva.

Đàm phán về thỏa thuận này đã bị ngưng lại từ năm ngoái do có những bất đồng về những sản phẩm được bao gồm trong hiệp định.

Loan báo này được công bố một ngày sau khi Tổng thống Obama cho biết về những dàn xếp mới trong việc mở rộng chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ cho du khách TC, một động thái mà ông Obama hy vọng sẽ thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ giữa hai nước và giúp ích cho nền kinh tế Hoa Kỳ.

Cả hai loan báo này đều liên quan đến hợp tác kinh tế và diễn ra trong phần đầu của chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Bắc Kinh, và thuộc khuôn khổ của diễn đàn APEC.

Theo các nhà phân tích, thì đó là phần dễ của chuyến thăm Bắc Kinh của ông Obama.

Các cuộc họp của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ với Chủ tịch Nước TC Tập Cận Bình cho đến thời điểm này vẫn nằm trong khuôn khổ của hội nghị thượng đỉnh APEC, với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tổng thống Obama sẽ được chủ tịch TC tiếp đón riêng, bắt đầu với bữa ăn tối vào tối thứ Ba, và thứ Tư, khi chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Obama bắt đầu.

Tại hội nghị APEC hôm thứ Ba, Tổng thống Obama có một số dịp để nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một thời gian ngắn. Các giới chức Tòa Bạch Ốc cho hay hai bên nói về vấn đề Iran, Syria và Ukraine, nhưng không cho biết chi tiết.

Cuối ngày thứ Tư, Tổng thống Obama sẽ lên đường đến Myanmar, còn gọi là Miến Ðiện, nơi ông sẽ tham dự hai hội nghị thượng đỉnh khu vực, và ông cũng sẽ khuyến khích giới lãnh đạo Myanmar đẩy mạnh tiến trình cải cách chính trị sau nhiều thập niên nằm dưới sự cai trị của quân đội. – Theo VOA

Chính quyền Hong Kong yêu cầu người biểu tình rời khỏi đường phố

Một quan chức cấp cao của chính quyền Hồng Kông cảnh báo những người biểu tình có thể bị bắt nếu họ không rời khỏi các đường phố mà họ chiếm cứ trong nhiều tuần qua để đòi cải cách dân chủ.

Carrie Lam, nhân vật đứng hàng thứ nhì trong chính quyền Hồng Kông, hôm nay hối thúc những người biểu tình “nhanh chóng và hòa bình” rời khỏi các đường phố mà bà nói là “bị chiếm cứ một cách bất hợp pháp.” Bà không nói rõ là cảnh sát có hành động để dẹp bỏ các địa điểm biểu tình hay không, và nếu có, thì khi nào.

“Do đó, với mục tiêu bảo vệ sự chấp hành luật pháp và thực thi thể chế pháp trị, cảnh sát sẽ cung cấp sự trợ giúp đầy đủ, kể cả việc thực hiện những vụ bắt giữ trong trường hợp cần thiết, để chấp hành những mệnh lệnh bằng những cách thức do Tòa án chỉ thị.”

Lam, người giữ chức Trưởng ti Chính vụ Hồng Kông, cho biết không nhận thấy “có không gian để tiến hành đối thoại vào thời điểm này” với những người biểu tình do sinh viên dẫn đầu, những người mà bà cho là đã không chứng tỏ sự thành thực trong cuộc đàm phán trước đây.

Hôm qua, Tòa Thượng thẩm Hồng Kông tuyên bố cảnh sát có thể bắt giữ những ai ngăn chận những nỗ lực nhằm dẹp bỏ các địa điểm biểu tình. Phán quyết này làm nhiều người lo ngại là những vụ đụng độ sẽ tái diễn.

Ông Fai Lai, một công nhân tham gia biểu tình, phát biểu như sau.

“Trong nhiều ngày qua tôi nghĩ rằng nếu cảnh sát muốn dọn sạch khu vực biểu tình thì chắc chắn họ có khả năng để làm như vậy. Chúng tôi chỉ làm những gì mà chúng tôi có thể làm mỗi ngày. Đó là đứng lên để nói lên tiếng nói của mình, để bày tỏ những đòi hỏi và ý nguyện của mình. Không có điều gì chúng tôi có thể làm về những hành động của họ. Điều duy nhất mà chúng tôi có thể làm là nói lên những gì chúng tôi mong muốn.”

Những nỗ lực trước đây của cảnh sát nhằm dẹp bỏ những địa điểm biểu tình ngồi lỳ đã có phản tác dụng và làm cho số người tham gia biểu tình trở nên đông đảo hơn. Có lúc, hàng vạn người đã xuống đường để gia nhập phong trào được đặt tên là Chiếm Trung hay Chiếm cứ khu Trung Hoàn.

Những người biểu tình đang đòi tổ chức một cuộc đầu phiếu hoàn toàn có tính chất dân chủ vào năm 2017 để bầu Trưởng quan hành chánh Hồng Kông. Hồi cuối tháng 8, chính phủ Trung Cộng tuyên bố tất cả các ứng cử viên trong cuộc bầu cử ở đặc khu hành chánh này phải có được sự chấp thuận của một ủy ban mà hầu hết các thành viên là những người trung thành với Bắc Kinh. – Theo VOA

Đánh bom trường học Nigeria, 46 người chết

Ít nhất 46 nam sinh đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết ở một trường học ở thị trấn Potiskum ở tây bắc Nigeria, cảnh sát cho biết.

Một người ăn mặc như học sinh được cho là thủ phạm vụ đánh bom tại trường học dành cho nam sinh ở bang Yobe.

Boko Haram?

Cảnh sát cho rằng nhóm thánh chiến Boko Haram đứng sau vụ tấn công này.

Thống đốc bang Yobe đã đóng cửa tất cả mọi trường học công xung quanh Potiskum và chỉ trích chính phủ đã không xử lý được nhóm phiến quân này.

Trong một thông cáo, Thống đốc Ibrahim Gaidam nói: “Cần phải có hành động khẩn cấp ngay bây giờ là làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn bạo lực leo thang ngõ hầu khôi phục lòng tin của công chúng vốn đang suy giảm nhanh chóng.”

Boko Haram đã tấn công các trường học trong cuộc nổi dậy kéo dài năm năm nhằm thiết lập một Nhà nước Hồi giáo.

Họ đang thực hiện một chiến dịch ngăn học sinh đến trường. Nhóm phiến quân này tin rằng trẻ em gái không nên đi học và trẻ em trai thì chỉ nên được giáo dục theo nguyên tắc của đạo Hồi.

Tuy nhiên, không chỉ học sinh mà hàng ngàn người đã bị nhóm này giết hại.

Hôm 17/10, Chính phủ Nigeria nói họ đã thỏa thuận được một lệnh ngừng bắn với Boko Haram.

Nhưng hai tuần sau đó, thủ lĩnh của Boko Haram là Abubakar Shekau đã bác bỏ thông tin này và phát biểu trong một video rằng: “Chúng tôi không ngừng bắn với ai cả. Chúng tôi không đàm phán với ai cả. Toàn là dối trá.”

Vụ đánh bom đã xé toạc hội trường của ngôi trường trung học này.

Phát ngôn nhân cảnh sát Emmanuel Ojukwu nói với BBC Tiếng Hausa rằng vụ đánh bom đã làm thiệt mạng 47 người, trong đó có kẻ đánh bom. 79 người khác bị thương.

Hàng chục học sinh khác bị thương quá nặng nên các bác sỹ không thể cứu được.

Người dân phẫn nộ

“Vào khoảng 8h sáng (tức 2h chiều giờ Việt Nam ngày 10/11), một kẻ đánh bom liều chết đã cải dạng thành một nam sinh và trong lúc học sinh đang nhóm họp như thường lệ thì quả bom phát nổ,” ông Ojukwu nói.

Ông nói rằng cảnh sát đang điều tra vụ nổ này.

Các học sinh được cho là đã tra hỏi kẻ tình nghi này khi hắn ta đang tìm cách trà trộn vào hội trường.

Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã ra thông cáo nói ông chia sẻ ‘nỗi đau tận đáy lòng’ đến các nạn nhân.

Mặc dù ông thừa nhận rằng đất nước ông đã thụt lùi trong cuộc chiến chống khủng bố, ông cũng khẳng định những kẻ đằng sau vụ tấn công phải ‘được đưa ra trước công lý và phải trả giá cho tội ác tàn bạo này’.

Một học sinh nói với BBC rằng em đã nhìn thấy những phần thi thể bị đứt lìa của bạn học tại hiện trường. Một cư dân cho biết em đã chứng kiến các bậc phụ huynh than khóc trước thi thể con em mình tại một bệnh viện.

Binh sỹ trông coi hiện trường vụ đánh bom đã bị đám đông giận dữ ném đá. Người dân phẫn nộ cho rằng họ đã làm không đủ để ngăn chặn sự nổi dậy của Boko Haram.

Tình hình xấu đi

Một người có thân nhân thiệt mạng trong vụ nổ nói với BBC: “Em trai tôi, một học sinh của trường, đã chết trong vụ đánh bom. Nó khoảng 16 tuổi… Chúng tôi đã chôn cất nó trong ngày hôm nay.”

“Chính phủ cần hành động nghiêm túc hơn trong cuộc chiến với Boko Haram bởi vì chúng đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát,” ông nói thêm.

Các trường học ở bang Yobe thường xuyên bị các chiến binh Boko Haram tấn công.

Bang này là một trong ba bang ở Nigeria được đặt trong tình trạng khẩn cấp do hoạt động của nhóm Boko Haram.

Thị trấn Potiskum, một trong những thị trấn lớn nhất ở Yobe, đã từng bị Boko Haram tấn công.

Hồi tuần trước, một vụ đánh bom liều chết đã làm thiệt mạng 15 người ở Potiskum.

Thủ phạm đã gia nhập một đám rước nghi lễ của người Hồi giáo dòng Shia rồi sau đó cho nổ tung bản thân.

Phát ngôn nhân cảnh sát Nigeria nói với BBC rằng họ đang ‘có tiến triển’ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Phóng viên BBC Will Ross cho biết giới chức Nigeria không muốn thừa nhận cuộc khủng hoảng ở tây bắc nước này đang xấu đi.

Phe thánh chiến đã chiếm được các thị trấn và làng mạc và đã có tin tức về việc quân chính phủ bỏ chạy thay vì chiến đấu.

Hồi tháng Tư, Boko Haram đã làm thế giới phẫn nộ khi bắt cóc hơn 200 em gái ở một trường nội trú ở thị trấn Chibok thuộc bang Borno.

‘Khó ngăn đánh bom’

Thủ lĩnh Boko Haram đã bác bỏ tuyên bố của chính phủ về một lệnh ngừng bắn trong đó có điều khoản là thả các em gái bị bắt cóc.

Ông Abubakar Shekau nói rằng các em gái này đã cải sang đạo Hồi, đang học thuộc kinh Koran và đã được gả đi.

Từ Nigeria, phóng viên BBC Will Ross bình luận:

“Với việc cho phát nổ quả bom khi các nam sinh đang tập hợp trong buổi sáng đầu giờ, rõ ràng phiến quân muốn giết chết càng nhiều nạn nhân càng tốt.

Ít có vụ tấn công nào được các nhóm phiến quân nhận trách nhiệm nhưng một lần nữa Boko Haram lại là đối tượng bị tình nghi. Trước đây nhóm này đã từng thực hiện những vụ tấn công dã man vào trường học.

Chibok được thế giới biết đến với vụ bắt cóc các em gái. Nhưng có nhiều vụ tấn công khủng khiếp vào trường học mà thế giới ít để ý hơn, trong đó có vụ tấn công vào Buni Yadi ở bang Yobe.

Hàng chục nam sinh đã bị thiêu, bị bắn hay bị đâm bằng dao trong ký túc xá. Nữ sinh được tha mạng nhưng được yêu cầu không bao giờ được đi học nữa và hãy đi lấy chồng.

Boko Haram muốn chỉ có nam giới mới được đi học và chỉ được giáo dục theo những nguyên tắc hà khắc của kinh Koran mà thôi.

Vùng tây bắc của Nigeria đang bất ổn lan rộng với nhiều thị trấn và làng mạc đang nằm trong tay phe thánh chiến, sẽ hết sức khó khăn để ngăn chặn các vụ đánh bom khác.” – BBC

Đàm phán hạt nhân Iran kết thúc mà không đạt thoả thuận

Các cuộc đàm phán cấp thấp hơn hôm nay tiếp tục ở thủ đô Muscat của Oman, sau khi Iran, Hoa Kỳ và các đối tác trong cuộc thương thuyết không đạt được một sự đột phá cho một hiệp định hạt nhân toàn diện. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, tuy sắp tới thời hạn chót là ngày 24 tháng 11 nhưng đôi bên tỏ dấu cho thấy có thể có tiến bộ để đạt được một thỏa thuận.

Các nhà thương thuyết hàng đầu của Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và Iran hôm qua đã chấm dứt ngày đàm phán thứ nhì mà không nói rõ những sự bất đồng nào còn tồn tại. Trước cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng “vẫn còn những khoảng cách thật sự.” Sau đó ông chỉ nói rằng các bên đang ra sức làm việc để đạt được một thỏa thuận.

Ông Kerry đã rời Oman để đến Bắc Kinh để tháp tùng Tổng thống Barack Obama và Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice. Một giới chức Bộ Ngoại giao đi chung với ông Kerry nói rằng có nhiều vấn đề cần được xác định về những bước kế tiếp.

Theo tin của hãng IRNA của nhà nước Iran, ông Abbas Araghchi, thương thuyết gia cấp cao của Iran, nói rằng mặc dù chính phủ ông không thể nói là đã đạt được tiến bộ, nhưng ông cảm thấy lạc quan là một hiệp định có thể đạt được trước thời hạn chót.

Nhà phân tích tình hình Trung Đông của Đại học San Francisco, ông Stephen Zunes, nói rằng việc những sự bất đồng không được công khai nêu ra là một dấu hiệu tốt và nó cho thấy có thể có được tiến bộ.

“Tôi nghĩ rằng nếu có mối nguy cuộc đàm phán bị đổ vỡ thì đôi bên sẽ tiết lộ những mối bất đồng để tìm cách giành ưu thế đối với phía bên kia. Nhưng họ đang giữ im lặng và điều này chứng tỏ họ hy vọng có thể đạt được một kết luận nào đó. Có điều không hay là những người như chúng tôi ở bên ngoài không thật sự biết được những gì đang xảy ra.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki mô tả cuộc họp đang ở trong giai đoạn quan trọng và Hoa Kỳ đang tập trung nỗ lực để đạt tiến bộ.

“Các cuộc thảo luận đã có tính chất khó khăn, thẳng thắn và nghiêm túc. Và như quí vị đã biết, các viên giám đốc chính trị sẽ tiếp tục ở lại Oman trong một khoảng thời gian chưa được xác định. Họ sẽ họp lại, dĩ nhiên, cho vòng đàm phán đã được loan báo là sẽ diễn ra vào tuần sau ở Châu Âu.”

Cuộc họp mà báo chí cho biết sẽ diễn ra ngày 18 tháng 11 tại Vienna có mục đích đạt được thỏa thuận để đặt ra những sự hạn chế có thể kiểm chứng được đối với hoạt động tinh luyện uranium của Iran để họ không thể chế bom hạt nhân, và để đổi lại, các biện pháp chế tài quốc tế đối với Iran sẽ được gỡ bỏ dần.

Israel là nước mạnh mẽ bày tỏ sự nghi ngờ đối với một thỏa thuận hạt nhân, nhất là sau khi có tin nói rằng lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khameini hô hào cho việc tiêu diệt Israel.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm qua nói với một tổ chức của người Do Thái rằng ông đã nghe thấy những sự đồn đại thất thiệt về lập trường của chính quyền Obama đối với Iran.

“Tôi xin nói rõ với quí vị điều này. Chúng tôi sẽ không để cho Iran có vũ khí hạt nhân. Chấm hết. Chấm hết. Chấm hết. Và tôi sẽ không mang tiếng tăm 42 năm của tôi ra đặt cược, nếu tôi không tin chắc là chúng tôi nhất định sẽ làm như vậy.”

Iran lâu nay vẫn khăng khăng cho rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ các mục tiêu hòa bình.

Giáo sư Zunes cho biết mặc dù giới lãnh đạo chính trị của Israel phản đối bất kỳ thỏa thuận nào cho phép Iran duy trì một phần của chương trình hạt nhân của họ, các giới chức an ninh Israel có thể có quan điểm khác.

“Có một số dấu hiệu cho thấy một số chuyên gia quân sự Israel có thể linh hoạt hơn. Nếu có đủ những biện pháp bảo đảm để giám sát những gì còn lại trong chương trình hạt nhân để đoan chắc là không có cơ hội để vũ khí hóa, thì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tìm được sự chấp nhận của các giới chức an ninh Israel.”

Ông Ian Lustick, một nhà phân tích tình hình Trung Đông của Đại học Pennsylvania, nói vòng đàm phán hiện nay về vấn đề hạt nhân Iran đã bị phức tạp hóa bởi vấn đề của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

“Phía Iran muốn liên minh với Hoa Kỳ, bất kể là liên minh hoàn toàn ngấm ngầm hay ngấm ngầm một phần, và dường như Hoa Kỳ cũng sẵn sàng làm việc với Iran qua một số cách thức nào đó để ứng phó với vấn đề này. Cả hai nước đều rất quan tâm về nhóm Nhà nước Hồi giáo.”

Giáo sư Lustick nói rằng tuy ông không dự kiến một thỏa thuận sẽ đạt được trước ngày 24 tháng 11, nhưng rốt cuộc sẽ có một thỏa thuận với kết quả là có một nước Iran có khả năng hạt nhân nhưng không có lực lượng tấn công hạt nhân. – VOA

Tin Hoa Kỳ
Liệu TT Obama có theo đuổi được chính sách xoay trục Châu Á

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang có mặt tại Châu Á trong tuần này để hội đàm với các nhà lãnh đạo ở Trung Cộng, Myanmar và Australia. Chuyến đi Châu Á của tổng thống là chuyến đi đầu tiên kể từ khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội – một thất bại chính trị mà ông Robert Manning thuộc Hội đồng Đại Tây Dương cho là có thể gây phương hại đến ảnh hưởng của ông Obama ở Châu Á trong hai năm cuối cùng tại chức. Ông Manning nhận xét:

“Chúng ta đã thấy Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Nam trở nên hung hăng hơn trong vài năm qua, và nếu họ nhận thấy ông Obama ở vị trí của một con vịt què, thì họ có thể quyết định làm lơ trước những lời phản đối của Hoa Kỳ.”

Trong năm nay, Trung Cộng (TC) đang theo một đường lối quyết liệt hơn ở Biển Đông, nơi CSVN nói tuần duyên TC đã đâm vào một trong những tàu tuần của họ. Các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đạt được một bộ quy tắc ứng xử trong vùng biển có tranh chấp đã không thu hút được hậu thuẫn của TC, theo nhận xét của chuyên gia phân tích Michael Auslin thuộc Viện Kinh doanh Mỹ:

“Nó đã không có tác dụng, sẽ không bao giờ có tác dụng và tôi nghĩ rằng các năng lượng ngoại giao của chúng ta có lẽ nên dành nhiều vào việc hợp tác với các đồng minh của chúng ta hơn là tìm cách duy trì giả tưởng là chúng ta và Trung Quốc có một mối bang giao hữu ích.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói Washington sẽ không từ bỏ một bộ quy tắc ứng xử hoặc việc cải thiện hợp tác với Bắc Kinh:

“Bang giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có hệ quả lớn nhất trong thế giới ngày nay. Dứt khoát là như thế, và nó sẽ có tác dụng nhiều hơn trong việc định hình thế kỷ thứ 21. Đó có nghĩa là chúng ta phải điều chỉnh mối bang giao này cho đúng.”

Tổng thống Obama lên nhậm chức và thúc đẩy cái ông gọi là “Xoay trục qua Châu Á” về các nguồn lực quân sự, thương mại và ngoại giao qua vùng này. Nhưng hứa hẹn đó chưa hề được thực hiện, theo chuyên gia phân tích của Viện Cato, ông Justin Logan, và có phần chắc sẽ không tốt đẹp hơn khi nay tổng thống phải đối mặt với các khối đa số đối lập tại Quốc hội:

“Tôi nghi rằng ông ấy sẽ muốn có một trọng điểm mang tính chiến lược hơn và muốn hoàn thành chính sách gọi là ‘Xoay trục’ ấy. Nhưng chính ông cũng đang phải hứng chịu áp lực của giới truyền thông, của chu kỳ tin tức, các áp lực lập pháp.”

Vào một thời điểm khi Bắc Kinh đang bành trướng ảnh hưởng ở Châu Á Thái Bình Dương, ông Logan cho rằng Washington đã tiêu hao vì cuộc chiến với các phần tử khủng bố ở Iraq và Syria:

“Và tôi cho rằng đó là nơi mà chính sách Xoay trục thực sự tan rã bởi vì mọi người đang phải làm việc 16 giờ một ngày để tìm cách tính toán xem chúng ta muốn ai là bên thắng trong cuộc nội chiến ở Syria thay vì suy nghĩ kỹ về các vấn đề biển Đông và biển Hoa Nam.”

Nếu tổng thống muốn hồi sinh chính sách Xoay trục qua Châu Á, ông Auslin cho rằng chính quyền phải có một đường lối mạnh mẽ hơn:

“Nếu họ không muốn di sản của họ là một mục tiêu cao xa của chính sách Xoay trục mà không bao giờ vượt quá được giai đoạn lý luận và chắc chắn không thay đổi được cán cân lực lượng theo một hướng tích cực mà họ muốn, cộng với việc đi tới một mối quan hệ Mỹ-Trung còn tệ hại hơn vào năm 2017 khi họ rời chức, thì đây là lúc phải thay đổi chiến thuật.”

Ông Auslin nói ông Obama có thể chứng minh cho cả các đồng minh Á châu và đảng Cộng hòa ở Quốc hội sự nghiêm túc của chính sách Xoay trục qua việc ủng hộ sự điều giải của Liên Hiệp Quốc theo luật quốc tế trong vùng biển có tranh chấp – thay vì một bộ quy tắc ứng xử không có tính cưỡng hành. – Theo VOA