Mất mặt quốc thể? Có gì để mà mất!!!
Bài này được đăng để bạn đọc tùy nghi nhận xét, nhưng xin xác định nó không phản ảnh quan điểm hay lập trường của TĐV
Published on November 7, 2014
https://www.ttxva.net/du-khach-viet-q…
Xứ sở Singapour trong mắt người VN là một cái gì đó «vĩ đại» lắm, to lớn lắm, nhất là trong giới «trí thức». Singapour đã trở thành một điểm «qui chiếu». Đơn giản vì xứ này «giàu» quá. Tâm lý xưa nay «sợ kẻ có tiền» đã làm cho nhiều người hèn đi. Nhưng ít ai biết cái giàu của Singapour là cái giàu đem lại từ sự «bất chánh». Dưới mắt dân chúng (và chính phủ) các nước khác, đây là một xứ sở của ngành «tài chánh đen». Tài phiệt (trên thế giới) muốn trốn thuế, muốn rửa tiền… thì tìm đến ngân hàng Singapour mở tài khoản. Nhiều người ca ngợi «tài năng» của Lý Quang Diệu, tưởng rằng nhờ ông này đảo quốc trở nên thịnh vượng. Nhưng giá trị thật của Singapour không phải do khả năng của ông Lý mà là vị thế địa chính trị. Giả sử một ngày, con kinh Kra (vắt ngang qua eo đất Nam Thái Lan, đi qua vịnh Thái Lan, bao gồm cả đảo Phú Quốc của Việt Nam) được thông suốt, lúc đó sẽ biết số phận của Singapour ra sao. Luật lệ của Singapour, qua vụ anh chàng người Việt sơ ý (ký vào hợp đồng), cho thấy xứ sở này còn kém văn minh lắm. Những xứ khác, người ta có 7 ngày để suy nghĩ (sau khi ký hợp đồng). Tức là, hợp đồng ký rồi, về nhà đọc lại, nếu thấy bất tiện, người ta có thể đơn phương hủy bỏ hợp đồng (mà không bị mất tiền đồng nào). Đàng này anh nạn nhân người Việt, hủy hợp đồng (tại chỗ) mà bị phạt 50% (thì phải). Điều này xảy ra dưới sự chứng kiến của cảnh sát. Ở các xứ Âu, Mỹ, người ta có thể trả lại món hàng đã mua nếu cảm thấy không hài lòng. Vụ này xảy ra thường xuyên ở bên Mỹ. Nhiều người (phụ nữ VN) vào cửa hàng «xịn», mua những bộ đồ «dạ hội», giá động trời (vài ngàn đến hàng chục ngàn đô một bộ). Sau khi mặc diện le lói đã đời, các bà gói lại đem trả, lấy tiền lại. Cửa hàng phải lấy lại và trả lại tiền (nếu hàng hóa không bị hư hỏng). Anh chàng người Việt mua máy iphone, chưa được cầm máy trong tay, lý do gì không trả lại được? Vì vậy luật lệ xứ Singapour còn man dã lắm. Luật pháp các xứ văn minh nhằm bảo vệ người tiêu thụ trong khi luật xứ này bảo vệ những con buôn bất lương. Nhưng cuối cùng thì dư luận (Singapour và thế giới) đứng về phía nạn nhân người Việt. Đơn giản vì lẽ phải đã thắng. Nhiều người lên tiếng bênh vực, thậm chí quyên góp ủng hộ anh này. Dầu vậy, ở VN, xứ sở của ngoại lệ, xem việc anh chàng kia quì lạy (năn nỉ người bán hàng Singapour trả lại tiền) là việc làm đáng khinh bỉ, đáng lên án vì đã làm «xấu» đi hình ảnh của người Việt. Tôi thì cho rằng hành vi của anh chàng kia là một hành vi «tự vệ», trong lúc đường cùng, vì luật pháp cũng đứng về phía kẻ lưu manh. Và tôi cũng nghĩ rằng không ai có tư cách để nhân danh «thể diện quốc gia», «lòng tự trọng» hay lòng «tự hào dân tộc» để đánh giá hành động (đạo đức) của một người khác. (Chỉ có bọn cuồng tín Hồi giáo mới làm việc này mà thôi.) Mà hành vi quì lạy, năn nỉ người ta trả lại tiền (do mồ hôi nước mắt của mình làm ra) là phạm đạo đức sao Anh chàng này có ăn cắp của ai chưa mà nói đạo đức với không đạo đức? Đạo đức nào vậy? Một người «có tội» chỉ khi họ «phạm luật», mà pháp nhân duy nhất có thể kết luận người này phạm tội là «tòa án». Anh chàng người Việt này không phạm luật, nhưng cũng bị những «nhà yêu nước» lên án, đóng đinh anh trên cây thánh giá mang tên «thể diện quốc gia». Tự vấn lại mình, quốc gia này có thể diện không mà mất? Dân tộc này có cái gì đáng tự hào để mà mất mặt? Quốc gia không ra gì, trách nhiệm không chỉ của người lãnh đạo, mà trước hết là của thành phần trí thức. Thay vì «ném đá», «đóng đinh» anh chàng VN khờ khạo kia, nên hạch sách vì sao lãnh đạo đã làm đất nước, dân tình, dân trí… ra nông nỗi thế này.
Theo FB Trương Nhân Tuấn