Tin Việt Nam – 30/10/2014.
Hội nghị về DOC không đạt đột phá
Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc về Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) lần thứ 8 vừa diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, trong hai ngày 28/10 và 29/10.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow đồng chủ trì hội nghị lần này, có sự tham dự của quan chức cấp cao các nước ASEAN và đại diện của Tổng Thư ký khối.
Không có đột phá nào đạt được vào ngày cuối mà các đại biểu chỉ thống nhất tiếp tục thúc đẩy hợp tác theo tinh thần DOC đạt được từ 2002 với mục tiêu tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông.
Các đại biểu tại hội nghị cũng không thỏa thuận được thời gian biểu cho việc thực hiện DOC.
Giới chức ASEAN cho hay khối này và Trung Quốc sẽ thiết lập các đường dây nóng về tìm kiếm cứu nạn trong khu vực, cũng như giữa bộ ngoại giao các nước để liên lạc trong trường hợp nảy sinh nguy cơ xung đột.
Thứ trưởng Thái Lan Sihasak Phuangketkeow nói: “Chúng tôi có hợp tác về tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học đại dương và bảo vệ môi trường”.
“Chúng ta cần tiếp tục mở rộng các lĩnh vực quan tâm chung giữa hai bên (ASEAN và Trung Quốc).”
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Australia Gareth Evans nhận định: “Điều quan trọng là Trung Quốc phải đưa ra được các yêu sách có chứng thực lịch sử đối với các đảo và bãi ngầm và hoạt động theo khuôn khổ luật pháp quốc tế… Trung Quốc cũng cần thương lượng với các quốc gia trong khu vực trên nguyên tắc đó”.
Về phần mình, Trung Quốc luôn luôn khẳng định tuân thủ thỏa thuận ban đầu.
Tuy nhiên Bắc Kinh cũng đưa ra cái gọi là “ý tưởng kép” về xử lý vấn đề Biển Đông, mà Trung Quốc diễn giải là: “tranh chấp hữu quan do nước đương sự trực tiếp tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, còn hòa bình và ổn định của Nam Hải (Biển Đông) thì do Trung Quốc và các nước ASEAN cùng giữ gìn”.
Điều đó có nghĩa nước này vẫn nghiêng về đàm phán song phương thay vì đa phương cho các vấn đề Biển Đông.
Chủ đề DOC sẽ tiếp tục được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Nay Pi Taw, Miến Điện, vào đầu tháng tới. – BBC
Đài Loan cáo buộc VN xây đảo ở Trường Sa
Đài Loan nói các hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đang quyết liệt hơn cả Trung Quốc trong việc mở rộng đảo ở các khu vực có tranh chấp trên biển Đông, trang tin wantchinatimes. com của Đài Loan nói.
Bài tường thuật trên wantchinatimes dẫn nguồn ông Vương Thành Cơ từ Trung tâm Khảo sát Vệ tinh thuộc Vụ Quản lý Đất đai của Bộ Nội vụ Đài Loan nói ông này đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra Việt Nam đang mở rộng các rặng san hô và các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.
Được biết ông Vương là người phụ trách dự án trị giá 3 triệu đô la Mỹ chuyên trách các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao ở khu vực có tranh chấp trên biển Đông.
Ông Vương nói dự án tạo diện tích mới trên biển Đông của Việt Nam rộng tương đương 11 sân bóng đá.
Tuy nhiên, bài tường thuật của trang mạng này không đưa hình ảnh nào minh họa cho các bình luận của ông Vương, cũng không nhắc tới tên đảo hay rặng san hô nào, hay vị trí cụ thể nào mà ông Vương cho là Việt Nam đang mở rộng.
‘Trung Quốc và Đài Loan cùng phe trong tranh cãi chủ quyền’
Quần đảo Trường Sa là nơi Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia cùng tuyên bố chủ quyền.
Đảo Ba Bình, mà Đài Loan gọi là đảo Thái Bình, hay còn được gọi là Itu Aba, là đảo lớn nhất của Trường Sa trước khi có các dự án mở rộng diện tích các đảo, và là đảo duy nhất hiện thuộc quyền kiểm soát của Đài Loan, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Đảo Ba Bình cũng là hòn đảo duy nhất trên quần đảo Trường Sa đủ lớn để xây dựng một hải cảng.
Đài Loan đang xây dựng cảng trên Ba Bình nhằm cho phép chiến hạm và tàu hải giám trọng tại 3.000 tấn ra vào, dự kiến hoàn thành vào cuối 2015.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã mô tả hành động này của Đài Loan là ‘bất hợp pháp và không có cơ sở’.
Tuy nhiên, trong một thông cáo gửi cho hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Đài Loan và đại lục đều là cùng một nước Trung Quốc. Những hoạt động của người dân Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa và vùng biển lân cận, bao gồm đảo Thái Bình, là không có gì phải phê phán.”
Nay, với tin tức mới nhất về các hình ảnh vệ tinh mà Đài Loan cho là chứng tỏ có việc mở rộng đảo từ phía Việt Nam, trang mạng wantchinatimes nói rằng nếu Việt Nam tiếp tục mở rộng ảnh hưởng trong khu vực thì có khả năng sẽ xảy ra xung đột có vũ trang giữa Đài Bắc và Hà Nội.
Việt Nam từ giữa năm 2011 tới nay đã và đang thực hiện phong trào ‘Góp đá xây dựng Trường Sa’ do Trung ương Đoàn và báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh phát động.
Truyền thông trong nước đưa tin nhiều về phong trào này, và công trình xây dựng đầu tiên được khánh thành là tại Đảo Đá Tây A thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hồi tháng Ba 2012.
Đó là một khu vực gồm nhà ở, bến cập xuồng, bể dầu và một số hạng mục khác, được xây cất tại khu đảo đã có người ở.
Tuy nhiên, không thấy Việt Nam nhắc tới việc xây cất ở các khu đảo đá ngầm hay các khu đảo không người ở.
BBC Tiếng Việt đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đang chờ phản ứng chính thức từ phía Việt Nam liên quan tới các nội dung nêu trong bài tường thuật của wantchinatimes. – BBC
Ông Thắm ‘không thể khắc phục sai lầm’
Nguyên chủ tịch Ocean Bank bị bắt do “không khắc phục sai lầm” đúng thời hạn, người phát ngôn chính phủ Việt Nam cho biết.
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Nên, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đưa ra trước các phóng viên trong buổi họp báo chiều 29/10, các báo trong nước đưa tin.
Ông Hà Văn Thắm đã bị miễn nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng quản trị Ocean Bank và bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về tội danh “Vi phạm các quy định về tín dụng” theo Điều 143 Bộ Luật Hình sự, theo một thông cáo của Bộ Công an Việt Nam hôm 24/10.
“Việc bắt giữ đúng theo quy định của pháp luật và hiện nay đang chờ kết luận của cơ quan điều tra”, ông Nên được dẫn lời nói.
“Ban đầu thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra thường xuyên và phát hiện ngân hàng này có những dấu hiệu bất ổn”.
Ông Thắm đã được thông báo để “chuẩn bị khắc phục những bất ổn đó, đưa ngân hàng hoạt động tốt hơn, có quy định thời gian để thực hiện”, ông Nên nói thêm.
“Tuy nhiên, sau khi cơ quan điều tra vào cuộc, phát hiện ra ông Hà Văn Thắm không tự khắc phục được sai lầm của mình nên xem xét khởi tố. Viện Kiểm sát phê chuẩn dùng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam ông này”.
Cũng theo ông Nên, nguyên nhân ông Thắm được cho thời hạn để ‘khắc phục sai lầm’ là do chính phủ Việt Nam “chủ trương không hình sự hóa” các vi phạm về kinh tế.
“Đối với các vi phạm về kinh tế phải hết sức thận trọng, tạo điều kiện cho những người vi phạm tự khắc phục, còn khi nào không khắc phục được thì phải dùng biện pháp ngăn chặn”, ông cho biết.
‘Không thể khắc phục’
Tuy nhiên, theo ý kiến của một luật sư trong nước, luật pháp hiện hành không có cơ chế để quy định khoản thời gian để một cá nhân hoặc công ty có thể khắc phục sai phạm là bao lâu.
Trả lời BBC ngày 30/10, luật sư Trần Đình Triển, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội, cũng cho rằng sai phạm của ông Thắm là “không thể khắc phục” được.
“Trong quá trình giải quyết các sai phạm, không chỉ riêng trong trường hợp ông Thắm, mà còn nhiều trường hợp khác, nhà nước Việt Nam dùng đòn bẩy kinh tế để giải quyết các sai phạm đó”.
“Các doanh nghiệp và cá nhân được cho cơ hội khắc phục hậu quả và chấn chỉnh lại thì sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự”.
“Tuy nhiên đối với ông Hà Văn Thắm thì việc cho khắc phục và khả năng khắc phục được là không thể có”.
“Theo quy định của pháp luật thì cũng chưa có văn bản nào quy định là đối với các doanh nghiệp và cá nhân gây hậu quả nên cho thời gian bao nhiêu để khắc phục”.
“Tuy nhiên trong thực tiễn thì cũng đã có nhiều doanh nghiệp được cho phép như vậy và đã khắc phục được”.
“Nhưng có những trường hợp không khắc phục được mà còn gây thêm hậu quả, hoặc việc khắc phục không lấy kinh tế làm trọng mà có thủ đoạn gian dối, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật thì việc khắc phục chỉ là tình tiết giảm nhẹ thôi”.
Ngoài chức danh Chủ tịch HĐQT Ocean Bank, ông Thắm còn là Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group).
Ngoài kinh doanh tài chính ngân hàng, bất động sản, khách sạn, truyền thông, trang web Tập đoàn Đại Dương cho biết vào đầu tháng 10/2014 Bộ Giao thông Vận tải với ký hợp đồng với các nhà đầu tư trong đó có Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương để cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Bắc Giang trong dự án với tổng vốn đầu tư dự án này là 4.213 tỉ VND (khoảng gần 200 triệu USD). – BBC