Tin Thế Giới – 28/10/2014
Hồng Kông kỷ niệm một tháng biểu tình
Các nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông kêu gọi những người ủng hộ hôm nay 28/10/2014 hãy kỷ niệm một tháng biểu tình quy mô, bằng cách lại trang bị các khẩu trang đã sử dụng để tự bảo vệ trước hơi cay và hơi tiêu của cảnh sát.
Nhiều ngàn người tham gia bên ngoài trụ sở chính quyền Hong Kong.
Những người tổ chức, vốn tìm cách duy trì sự năng động của phong trào, đã yêu cầu những người biểu tình tối nay tập hợp tại Admiralty, một trong ba địa điểm chiếm đóng gần trụ sở chính quyền Hồng Kông.
Vào lúc 17giờ 57 (9 giờ 57 GMT) sẽ diễn ra 87 giây im lặng, tượng trưng cho 87 loạt hơi cay do cảnh sát bắn vào những người biểu tình đòi dân chủ – hôm 28/9 đã tràn ngập một đại lộ gần Hội đồng Lập pháp.
Loạt hơi cay này đã gây sốc mạnh tại Hồng Kông cũng như trên thế giới. Để phản ứng lại, hàng chục ngàn đã xuống đường phản kháng. Và nếu sau bốn tuần, số lượng người biểu tình giảm đi đáng kể, họ vẫn đang phong tỏa những con đường huyết mạch của thành phố, gây trở ngại rất nhiều cho giao thông và hoạt động kinh tế.
Đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất tại Hồng Kông kể từ khi cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc năm 1997 đến nay. Những người biểu tình đòi hỏi thiết lập chế độ phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử trưởng đại diện năm 2017. Bắc Kinh chấp nhận nguyên tắc “mỗi cử tri một lá phiếu, nhưng lại dành riêng cho một ủy ban – gồm các đại cử tri chủ yếu thiên về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc – quyền chọn lựa trước các ứng cử viên.
Những người phản kháng cũng yêu cầu Trưởng đại diện Hồng Kông Lương Chấn Anh, bị coi là con rối của Bắc Kinh, phải từ chức. Theo một cuộc thăm dò của trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, tỉ lệ ủng hộ ông Lương Chấn Anh lúc khởi đầu nhiệm kỳ vào tháng 3/2012 là 53,9%, nay giảm mạnh, chỉ còn có 38,6%.
Các địa điểm chiếm đóng là mục tiêu tấn công của một số cư dân bực tức, nhưng nhất là bọn côn đồ bị cho là thuộc phe Tam Hoàng – mafia Trung Quốc. Cảnh sát cũng vấp phải sự chống đối của những người biểu tình khi cố giải tỏa một số tuyến đường lưu thông.
Phong trào đấu tranh nay dường như đang lâm vào ngõ cụt, khi các cuộc đối thoại tuần trước giữa sinh viên và chính quyền không mang lại một kết quả cụ thể nào. Rất ít nhà quan sát chờ đợi việc Bắc Kinh nhượng bộ các đòi hỏi của người biểu tình, vốn ý thức được tâm trạng chán ngán trước tình trạng cuộc sống bị xáo trộn hiện nay của bảy triệu dân Hồng Kông.
Giáo sư đại học Đái Diệu Đình (Benny Tai), người đồng sáng lập phong trào dân chủ Chiếm lĩnh Trung Tâm (Occupy Central) tuyên bố với báo chí là ông dự kiến ít tham gia xuống đường hơn, dành thời gian trước hết cho việc giảng dạy. Ông nói: “Chúng tôi không rời bỏ phong trào. Nhưng để kéo dài cuộc tranh đấu, cần phải điều chỉnh lại cuộc sống hàng ngày theo cách sao cho có thể trụ lại được cả về mặt tâm lý và thể lực”. – RFI
Tân Tổng thống Afghanistan công du Trung Quốc
Tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani chính thức viếng thăm Trung Quốc lần đầu tiên giữa lúc có những sự lạc quan trong nước là việc tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc rất quan trọng để mang lại hòa bình cho đất nước bị chiến tranh tàn phá này.
Tổng thống Ghani sẽ có một thời khóa biểu bận rộn trong chuyến viếng thăm 4 ngày ở Bắc Kinh, nơi ông sẽ có những cuộc thảo luận “sâu rộng” với người tương nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, về các vấn đề song phương và những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Afghanistan tin là hỗ trợ về kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc có thể giúp họ vượt qua những thách thức về kinh tế và an ninh sau khi binh sĩ NATO rút khỏi Afghanistan vào tháng 12 năm nay.
Ông Janan Mosazai, Đại sứ Afghanistan tại nước láng giềng Pakistan, nói Trung Quốc hiện là nước đầu tư lớn nhất tại Afghanistan và việc hợp tác song phương đã nới rộng trong nhiều lãnh vực.
“Trong 13 năm qua, chúng tôi đã đặt nền tảng cho một mối liên hệ chặt chẽ lâu dài với Trung Quốc và cả hai nước đều qyết tâm tiến đến việc phát triển và củng cố thêm nữa những mối quan hệ này trong những năm sắp tới, bắt đầu bằng chuyến viếng thăm chính thức Bắc Kinh của Tổng thống Ashraf Ghani.”
Trong một cuộc phỏng vấn được Tân Hoa Xã đăng tải ngày hôm nay, ông Ghani nói ông xem Afghanistan như là một trung tâm thương mại và đầu tư trong vùng và ông hy vọng những mối quan hệ với Trung Quốc sẽ mở rộng thêm.
Trung Quốc phần lớn tránh dính líu sâu rộng đến những vấn đề địa chính trị tại Afghanistan và xác nhận vai trò của Trung Quốc là một nhà đầu tư trong lãnh vực năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của Afghanistan. Trung Quốc đã đầu tư gần 7,5 tỉ đô la và có ý định tăng cường dấu ấn kinh tế của họ tại Afghanistan.
Tuy nhiên trong hai năm qua, Bắc Kinh đã tìm cách xác định lại những mối quan hệ với Kabul và đã bổ nhiệm một đặc sứ tại Afghanistan để tăng tiến hơn nữa những muc tiêu của nước này.
Ông Tôn Vệ Đông, Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ổn định chính trị để tái thiết Afghanistan trong hòa bình.
“Trung Quốc tin hoà giải dân tộc là một tiến trình không thể tránh khỏi đối với Afghanistan để đạt được ổn định và thịnh vượng cho đất nước này.”
Ngày 31 tháng 10 tới đây Trung Quốc sẽ tổ chức “Hội nghị Trái tim châu Á Istanbul” năm nay, một hội nghị của các nước trong vùng chung quanh Afghanistan để thảo luận về các phương cách nhằm thúc đẩy hòa giải và tái thiết.
Tổng thống Ashraf Ghani cũng sẽ tham dự hội nghị này. Đại sứ Mosarai nói hội nghị sẽ tích cực thảo luận về việc thúc đẩy hòa bình khu vực.
“Sự kiện là Trung Quốc, một thành viên quan trọng trong tiến trình này, tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng vào giao điểm lịch sử này, là bằng chứng về tầm quan trọng và ý nghĩa của tiến trình đối với những nỗ lực chung của chúng ta để có những quan hệ tốt đẹp hơn và hợp tác chặt chẽ hơn trong vùng của chúng ta.”
Trung Quốc lo ngại là việc sụp đổ về an ninh tại Afghanistan sau khi các lực lượng quốc tế rút đi có thể châm ngòi cho hoạt động của những phần tử ly khai người Uighur tại vùng biên giới Tân cương nhiều xáo trộn của Trung Quốc. Các giới chức Trung Quốc nghi ngờ là phe nổi dậy Hồi Giáo có liên hệ đến những phần tử chủ chiến Hồi Giáo đang ẩn náu trong khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan.
Các giới chức Afghanistan cũng tin là Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng của nước này với Pakistan, một đối tác lâu đời của họ, để thuyết phục Pakistan giúp Kabul cải thiện sự hoà giải với Taliban. Các giới chức Afghanistan lâu nay vẫn tin là Taliban chỉ đạo phe nổi dậy tại Afghanistan từ những an toàn khu tại Pakistan. – VOA
Úc không cấp Visa cho du khách đến từ các nước có dịch Ebola để cách ly, LHQ mạnh mẽ chỉ trích
Australia đã trở thành một quốc gia giàu có đầu tiên áp đặt lệnh cấm thị thực đối với tất cả các quốc gia hiện đang bị ảnh hưởng bởi Ebola, sau một thông báo bất ngờ đến quốc hội của nước này hôm thứ Hai.
Bộ trưởng Di trú Scott Morrison nói với các nhà lập pháp rằng Bộ của ông đã không xử lý các đơn xin visa từ các nước có dịch bệnh này, và những du khách đã có visa thường trực vào Úc mà đến từ các nước có virus phải trải qua ba tuần cách ly trước khi có thể nhập cảnh. Ông nói thêm rằng Úc đã đình chỉ các chương trình nhân đạo cho các nước Tây Phi đang bị Ebola.
Động thái này bị lên án bởi chủ tịch Hiệp hội Y khoa Úc, ông Brian Owler, ông nói, “Cái bức tranh lớn hơn cần phải có là sự chuẩn bị sẵn sàng của chúng ta ở Úc, nhưng quan trọng hơn nữa là sự tham gia của chúng ta ở Tây Phi, ta cần đưa bác sĩ, y tá và các yếu tố hậu cần khác đến tại chỗ và cố gắng để chống lại cuộc khủng hoảng đó.”
Thông báo của Úc đưa ra sau ngày tranh cãi ở Hoa Kỳ về các biện pháp cách ly cho nhân viên y tế trở về từ các nước bị ảnh hưởng mà New York và New Jersey bắt buộc. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh chỉ trích là các biện pháp này chỉ nhằm phản ứng và kém quy hoạch, Trung tâm đề nghị là nhân viên y tế trở về từ Tây Phi cần được theo dõi, nhưng không phải cách ly. Quân đội Mỹ cũng đã bắt đầu cô lập những người lính trở về từ Tây Phi, bất kể họ đang bị nghi ngờ có tiếp xúc với virus hay không.
Liên Hợp Quốc chỉ trích việc cách ly này hôm thứ Hai. “Nhân viên y tế trở về là những người xuất chúng, những người đang hy sinh bản thân mình cho nhân loại”, Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết. “Họ không thể bị hạn chế mà không dựa trên khoa học. Những người bị nhiễm trùng cần được hỗ trợ, không được kỳ thị.” Cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan cũng chỉ trích khuynh huớng cô lập này, ông nói với CNN rằng, “Các bác sĩ từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) đang ở đây và ở các nước khác đã chỉ ra rằng điều tồi tệ nhất mà quý vị muốn làm là đóng cửa biên giới và tạo ra những hạn chế nhằm xua đuổi những tiềm năng hổ trợ.” – FP
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Đan Mạch căng thẳng vì vụ trao đổi với IS
Vụ tranh chấp ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đan Mạch đang gia tăng vì việc phóng thích một người Thổ Nhĩ Kỳ bị nghi bắn một nhà văn Đan Mạch. Người ta tin rằng nghi can này được cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ thả khỏi nhà giam hồi tháng 9 trong khuôn khổ của một vụ trao đổi 49 con tin bị nhóm Nhà nước Hồi giáo bắt giữ, giờ đây đang chiến đấu trong hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Basil Hassan, người gốc Li Băng, 27 tuổi, bị Đan Mạch truy nã vì âm mưu ám sát nhà văn Lars Hedeggard, một người nổi tiếng về sự chỉ trích nhắm vào Hồi giáo.
Theo lời cảnh sát Đan Mạch, nghi can Hassan đã trốn khỏi Đan Mạch vào ngày xảy ra vụ nổ súng và đã tới Syria trước khi bị bắt tại phi trường Ataturk ở Istanbul hồi tháng tư trong lúc tìm cách nhập cảnh Thổ Nhĩ Kỳ bằng hộ chiếu giả.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một thông cáo rằng Hassan được thả sau khi các thủ tục pháp lý thỏa đáng đã được áp dụng.
Theo tường thuật của báo chí, sau khi được thả, Hassan đã vượt biên sang Syria và gia nhập hàng ngũ của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo.
Ông Semih Idiz, một nhà bình luận của nhật báo Taraf ở Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo rằng vụ tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Đan Mạch về vấn đề này có phần chắc sẽ kéo dài.
“Đương nhiên là Đan Mạch rất tức giận. Chúng tôi đã thấy có những bình luận và phát biểu từ cấp cao nhất. Ngay cả ông tổng thống cũng đã lên tiếng nói rằng vấn đề chưa chấm dứt.”
Chính phủ Đan Mạch dự trù nêu ra sự dính líu của Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ này khi Liên hiệp Châu Âu nhóm họp vào ngày 31 tháng 10 để tìm cách xác định vấn đề là Thổ Nhĩ Kỳ có tuân thủ các tiêu chuẩn của liên hiệp hay không.
Tuy nhiên, Ankara cũng có một cách để chống lại Copenhagen.
Hồi tuần trước, một tòa án Đan Mạch đã tha bổng cho 10 người Kurd bị tố cáo là đã chuyển gần 24 triệu đô la cho đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ. PKK, tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ cấm hoạt động, đã chiến đấu để đòi thêm quyền tự trị cho người Kurd. Đảng này bị Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Nhà bình luận Idiz cho biết việc 10 nghi can người Kurd được thả chỉ làm gia tăng cảm nghĩ của phía Thổ Nhĩ Kỳ là Đan Mạch có thái độ đạo đức giả về việc chống khủng bố.
“Trong nhiều năm nay Ankara đã đòi Đan Mạch dẫn độ những người mà họ cho là các phần tử khủng bố PKK. Họ cũng đòi Đan Mạch đóng cửa một kênh truyền hình mà Thổ Nhĩ Kỳ nói là cái loa tuyên truyền của PKK, một tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là tổ chức khủng bố. Do đó, chúng ta thấy có yếu tố ăn miếng trả miếng trong vụ tranh chấp này.”
Đan Mạch không phải là nước duy nhất ở Châu Âu quan tâm về việc Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho những nghi can khủng bố.”
Tường thuật của báo chí cho biết Anh Quốc cũng tức giận vì hai công dân của họ nằm trong số gần 200 phần tử hiếu chiến mà Thổ Nhĩ Kỳ đã thả khỏi nhà giam để đổi lấy 49 người Thổ Nhĩ Kỳ bị Nhà nước Hồi giáo bắt làm con tin.
Các nhà phân tích cho rằng những vụ việc này có phần chắc sẽ làm gia tăng mối lo ngại về lập trường của Ankara trong cuộc chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, nhà bình luận Idiz cho rằng các quốc gia phương Tây không muốn đánh mất một đồng minh quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ, một nước giáp ranh với Syria và Iraq.
“Tôi nghĩ rằng đây là một tình huống tiến thoái lưỡng nan, bởi vì ấn tượng chung đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc này là không tích cực. Tuy Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh thiếu tích cực, nhưng dù sao thì họ cũng là một đồng minh mà NATO phải làm việc chung bằng cách này hay cách khác, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ nằm ngay bên cạnh Syria.”
Các mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia phương Tây đang được nhiều người chú tâm theo dõi, trong lúc thành phố Kobani có thể bị lọt vào tay nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tuy Ankara cho biết họ sẽ để cho các lực lượng người Kurd ở Iraq tới Kobani để chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo, các nhà phân tích cho rằng điều đó chưa đủ để giảm thiểu mối lo ngại về lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại nhóm quá khích của người Hồi giáo Sunni. – VOA