Bầu cử Quốc hội Ukraina: Cử tri cảnh cáo giới lãnh đạo chính trị cựu trào

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bầu cử Quốc hội Ukraina: Cử tri cảnh cáo giới lãnh đạo chính trị cựu trào

Đảng Batkivchitchina của cựu Thủ tướng Ioulia Timochenko (trái) thất bại nặng nề. Ảnh: Hai vợ chồng bà Timochenko đi bỏ phiếu tại Dnipropetrovsk ngày 26/10/2014 – REUTERS/Alexander Pokopenko/Pool

Theo RFI – Đức Tâm – Ngày 27-10-2014  14:06
Khi ủng hộ mạnh mẽ các phong trào chính trị với những khuôn mặt mới trẻ của xã hội dân sự và các chiến binh từng tham gia chiến đấu chống lại phiến quân ly khai, người dân Ukraina đã phần nào tẩy chay, không còn tin tưởng vào những chính trị gia cựu trào, bất kể những người này thân Nga hay mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.
Theo kết quả kiểm hơn 70% số phiếu, Khối Porochenko, đảng của Tổng thống Ukraina chỉ thu được 21,6% số phiếu, trong khi đó, hai đảng giành được thắng lợi lớn trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua là đảng Mặt trận bình dân của Thủ tướng Arseni Iatseniouk, có số phiếu ngang bằng với Khối Porochenko và đặc biệt là đảng Samopomitch (Tự hỗ trợ). Đảng này rất tự hào là không có một quan chức nào trong danh sách ứng viên của họ. Giới quan sát nhấn mạnh, cả hai chính đảng, Mặt trận bình dân và Samopomitch, đều chủ trương có đường lối cứng rắn với Nga và phiến quân ly khai ở miền đông Ukraina. Trong danh sách ứng viên của đảng Mặt trận bình dân, có nữ nhà báo Tetiana Tchornovol, nổi tiếng với các bài viết chống tham nhũng dưới thời cựu Tổng thống thân Nga Viktor Ianoukovitch. Hay ông Andrie Teterouk, người đã tham chiến ở miền đông và tuyên bố sẵn sàng cầm súng quay lại mặt trận, «để tái lập trật tự». Việc đảng Mặt trận bình dân có số phiếu ngang ngửa với khối Porochenko, có thể cho phép ông Arseni Iatsouniouk tiếp tục giữ chức Thủ tướng. Nếu như Tổng thống Petro Porochenko tìm cách đàm phán với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin về một kế hoạch hòa bình cho miền đông Ukraina, thì Thủ tướng Iatsouniouk lại có lập trường được coi là diều hâu, ủng hộ trừng phạt kinh tế Nga và kêu gọi xây dựng một «bức tường» ở biên giới phía đông, để ngăn chặn ảnh hưởng của Nga. Theo nhà phân tích chính trị Vadim Karassev, được AFP trích dẫn, «các cử tri không muốn thấy vai trò độc quyền của Tổng thống Porochenko. Họ bỏ phiếu cho cặp đôi Porochenko-Iatsouniouk. Về hình thức, ông Porochenko đã thắng, nhưng trên thực tế, ông đã thua». Một chuyên gia khác, ông Volodymyr Fessenko giải thích thêm, người dân Ukraina mong muốn «các vấn đề chính trị được quyết định tại Quốc hội chứ không phải ở dinh Tổng thống». Điều thực sự gây ngạc nhiên trong cuộc bầu cử là việc đảng Samopomitch về thứ ba. Đảng này do ông Andrii Sadovyi, thị trưởng Lviv, lập ra. Đây là thành trì của phe dân tộc chủ nghĩa ở phía tây Ukraina. Hầu như không ai biết đến cách nay vài tháng, đảng Samopomitch đã thu được 10,6% số phiếu. Trên danh sách ứng cử có một số nhà hoạt động được báo chí nói đến nhiều, như bà Ganna Gopko, chủ trương cải cách kinh tế sâu rộng, ông Egor Sobolev, tác giả một đạo luật làm trong sạch chính quyền, loại bỏ những quan chức tham nhũng, hay ông Semen Sementchenko, chỉ huy một đơn vị tình nguyện tham chiến ở miền đông. Bên cạnh đó, còn có nhiều ứng viên là các chiến binh trẻ. Cuộc bầu cử ngày hôm qua cũng đánh dấu sự kết liễu đảng Cộng sản Ukraina. Chính đảng này bị tố cáo ủng hộ phiến quân ly khai ở miền đông và là hiện thân của quá khứ Xô Viết. Chuyên gia Volodymyr Fessenko nhận định: «Người dân Ukraina đã nói lời vĩnh biệt với quá khứ chính trị của mình». Cử tri Ukraina còn rút «thẻ vàng», cảnh cáo các chính trị gia cựu trào, các phần tử dân tộc chủ nghĩa. Đảng Batkivchitchina của cựu Thủ tướng Ioulia Timochenko, vốn là biểu tượng của cuộc «cách mạng màu cam», chỉ thu được có 5,8% số phiếu. Theo ông Vadim Karassev, đó là sự chấm hết của thời kỳ cá nhân hóa chính trị tại Ukraina, một tín hiệu báo động về việc đảng của bà Timonchenko lạc lõng với thời cuộc. Các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa thuộc đảng Svoboda cũng chịu chung số phận. Cử tri truyền thống của đảng này giờ đây quay sang ủng hộ đảng Samopomitch hoặc đảng dân tộc chủ nghĩa cực đoan Pravy Sektor, vốn đi đầu trong các vụ xô xát bạo lực ở quảng trường Maidan và hiện vẫn đang tham chiến chống phiến quân ly khai, ở miền đông Ukraina.