Các quan chức Trung Cộng tìm cách hạ uy tín của Tập Cận Bình tại Hồng Kông
Theo Đại Kỷ Nguyên Thời Báo, Bởi: Li Zhen và Karen Tsang - 25 Tháng Mười, 2014
HỒNG KÔNG – Phe Giang Trạch Dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như đang cố tạo ra nhiều rắc rối ở Hồng Kông nhằm gây sức ép khiến lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình buộc phải tái diễn vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Khi đó, phe Giang Trạch Dân có thể chỉ trích hành vi bạo lực này của Tập Cận Bình và buộc ông ta phải từ chức, nhờ vậy ngăn ngừa Tập Cận Bình thanh trừng thêm các thành viên của phe Giang Trạch Dân. Tập Cận Bình đã loại bỏ một lượng lớn những người ủng hộ cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân trong chiến dịch chống tham nhũng của mình.
Giang Trạch Dân đã mất quyền lực đối với các cơ quan tối cao của ĐCSTQ khi người kế nhiệm của ông ta là Hồ Cẩm Đào nghỉ hưu vào năm 2012. Vào thời điểm đó, Hồ Cẩm Đào đã đặt ra một quy định mới không cho phép các cựu lãnh đạo Đảng can thiệp vào công việc của người lãnh đạo hiện tại.
Giang Trạch Dân không còn được tự do can thiệp vào chính trị nữa. Đồng thời, ông ta đã mất đi rất nhiều người ủng hộ, gồm cả Bạc Hy Lai – người được Giang ủng hộ lên làm Tổng Bí Thư, hiện đã bị bỏ tù.
Trong nỗ lực nhằm giành lại quyền lực, phe Giang Trạch Dân đã lên nhiều kế hoạch khác nhau nhằm loại bỏ Tập Cận Bình như: ám sát, đảo chính, hoặc một sự cố tương tự vụ thảm sát Thiên An Môn.
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay và các cuộc biểu tình tại Hồng Kông tất cả đều nằm trong kế hoạch của phe Giang Trạch Dân.
Hồng Kông là chiến trường
Tăng Khánh Hồng, một thành viên chủ chốt của phe Giang Trạch Dân, người phụ trách các vấn đề Hồng Kông, đã bổ nhiệm Lương Chấn Anh làm Trưởng đặc khu Hồng Kông vào năm 2012. Lẽ ra thành phố này phải có mức độ tự trị cao đối với Trung Quốc, nhưng Lương Chấn Anh được biết đến là một thành viên ngầm của ĐCSTQ và là người ủng hộ Giang Trạch Dân.
Điều này cho phép phe Giang Trạch Dân lôi kéo Hồng Kông vào cuộc chiến tranh giành quyền lực của Bắc Kinh. Mục tiêu của phe này là đưa Tập Cận Bình vào tình thế của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Triệu Tử Dương, người bị hạ bệ sau sự cố Thiên An Môn.
Ngày 31 tháng 8, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã từ chối ước muốn của người Hồng Kông về quyền phổ thông đầu phiếu thực sự trong cuộc bầu cử Trưởng đặc khu tiếp theo của họ. Điều này đã khiến các công dân Hồng Kông rất tức giận. Hàng chục ngàn sinh viên đại học đã bãi khóa, và nhiều người dân đã tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn được cả thế giới biết đến với tên gọi Cuộc Cách Mạng Ô.
Chính quyền Hồng Kông đã cho người tấn công những người biểu tình bằng hơi cay, với suy nghĩ rằng biện pháp này sẽ buộc họ phải rút lui. Nhưng thay vào đó, càng có nhiều người tham gia vào cuộc biểu tình.
Không mấy triển vọng cho thấy ĐCSTQ sẽ để cho Hồng Kông có một nền dân chủ. ĐCSTQ đã luôn thao túng các cuộc bầu cử Trưởng đặc khu và việc bổ nhiệm các thành viên cốt lõi trong bộ máy lãnh đạo của thành phố này kể từ khi Hồng Kông được Anh trao trả Trung Cộng vào năm 1997.
Hơn nữa, ĐCSTQ đã kiểm soát xã hội Hồng Kông ở mức độ nhất định thông qua các tổ chức như Hội đồng Điều hành, Văn phòng Thương mại và Hiệp hội các Chuyên gia Hồng Kông.
Tuy nhiên, lần này, ĐCSTQ cố tình lựa chọn can thiệp vào vấn đề bầu cử của Hồng Kông, vì vấn đề này sẽ nhanh chóng kích hoạt sự bất mãn ngày càng gia tăng trong xã hội.
Phiên họp Toàn thể lần thứ tư của ĐCSTQ, một cuộc họp của giới lãnh đạo diễn ra từ ngày 20-23 tháng 10. Sau dịp này, dự kiến sẽ có nhiều nhân vật trung thành với Giang bị thanh trừng, vì vậy phe Giang phải có một động thái lớn nhằm tạo hỗn loạn ở Hồng Kông trước lúc đó.
Tuần trước, cuộc đối thoại giữa các sinh viên với Bắc Kinh đã bị Tổng thư ký Văn phòng Chính phủ Hồng Kông Carrie Lam Cheng Yuet-Ngor hủy bỏ vào ngày 9 tháng 10. Chính quyền của Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh đã làm gia tăng căng thẳng trong xã hội, và Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông đã tuyên bố một đợt phản kháng mới.
Theo truyền thông nước ngoài, vào ngày 28 tháng 9, Tập Cận Bình đã giận dữ từ chối đề nghị của Trương Đức Giang – thành viên phe Giang Trạch Dân về việc cho dẹp điểm biểu tình bằng vũ lực. Tập Cận Bình cho biết ông ta sẽ không triển khai quân đội giải phóng Trung Quốc (PLA) đồn trú tại Hồng Kông, thay vào đó sẽ để Lương Chấn Anh xử lý tình hình.
Ngày 03 tháng 10, Lương Chấn Anh cử những nhân vật ngầm thuộc ĐCSTQ của mình và giới mafia tới tấn công và quấy rối đám đông những người biểu tình. Một số tên côn đồ còn giả vờ là những người biểu tình ủng hộ dân chủ và cố gây chiến với những người biểu tình ủng hộ ĐCSTQ trên đường phố, nhằm mục đích khuấy động tình hình.
Hành động từ chối cho phép quyền phổ thông đầu phiếu thực thụ và việc đàn áp bạo lực của chính quyền của Lương Chấn Anh đối với Cuộc Cách Mạng Ô là kết quả của kế hoạch được triển khai cẩn thận bởi Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng trong hai năm qua. Họ có ý định đẩy Hồng Kông vào tình trạng hỗn loạn và tạo rắc rối cho Tập Cận Bình.
Tập Cận Bình đã đáp trả bằng cách cử một lượng lớn các gián điệp tới Hồng Kông để phơi bày ra danh tính và nguồn gốc của các thành viên thuộc phe Giang Trạch Dân tại thành phố này.
Các gián điệp đã thu thập thông tin của Lương Chấn Anh, bao gồm các mối quan hệ và những người ủng hộ của ông ta bên trong chính quyền Hồng Kông, cùng với lực lượng cảnh sát và mafia. Họ cũng công khai tố giác những người kích động biểu tình trên đường phố.
Tại sao lại là Hồng Kông?
Phe Giang Trạch Dân đã lựa chọn gây rối Hồng Kông vì nhiều lý do.
Thứ nhất, Hồng Kông là một thành phố quốc tế và là trung tâm tài chính thế giới. Hầu hết các phương tiện truyền thông nước ngoài có chi nhánh ở Hồng Kông, vì vậy khi có bất kỳ sự kiện nào xảy ra ở Hồng Kông, tin tức sẽ được phát sóng trên toàn cầu.
Một lý do khác là Tăng Khánh Hồng đã nuôi dưỡng được một lượng lớn các tổ chức ngầm của ĐCSTQ và các Hội Tam Hoàng tại Hồng Kông trong thời gian gần 20 năm ông ta phụ trách các vấn đề Hồng Kông. Những lực lượng này rất tiện dụng cho việc triển khai kế hoạch.
Ngoài ra, Hồng Kông là một khu vực đặc biệt áp dụng nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ. Thành phố này được bảo vệ với các giá trị cốt lõi về tự do, dân chủ và pháp quyền được thừa hưởng từ thời kỳ còn là thuộc địa Anh.
Vì vậy, nếu vụ thảm sát đẫm máu Thiên An Môn được lặp lại, đây sẽ là một đòn nặng cho Tập Cận Bình, và phe Giang Trạch Dân có thể giành lại quyền lực của mình.
Các nhóm ủng hộ ĐCSTQ gây rối
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 vào năm 2012, Tăng Khánh Hồng và Chu Vĩnh Khang – các thành viên của phe Giang Trạch Dân, lo ngại bị đưa ra công lý vì đàn áp bạo lực môn Pháp Luân Công ở Trung Cộng. Vì vậy, họ đã ra lệnh Lương Chấn Anh chống lại Pháp Luân Công ở Hồng Kông.
Hiệp hội Quan Ái Thanh niên Hồng Kông (HKYCA) do ĐCSTQ hậu thuẫn đã được thành lập vì mục đích này. Trong hơn hai năm, các thành viên HKYCA đã vu khống, quấy rối, đe dọa và đánh đập các học viên Pháp Luân Công tại các điểm giới thiệu Pháp Luân Công, nơi cung cấp thông tin về cuộc đàn áp.
Các tổ chức khác của ĐCSTQ cũng đã được thành lập, chẳng hạn như Tổ chức Chăm sóc Sức mạnh Hồng Kông (Caring Hong Kong Power) và Tiếng nói Hồng Kông (Voice of Hong Kong). Tất cả các tổ chức này đã tham gia một cuộc diễu hành phản đối dân chủ vào ngày 17 tháng 8 và tấn công những người biểu tình ôn hòa của Cuộc Cách Mạng Ô ở quận Mong Kok.
Những sự việc này nhằm tạo ra sự hận thù và làm gia tăng căng thẳng cho tình hình ở Hồng Kông.
Phe Giang Trạch Dân cũng đã cố gắng ban hành lại Điều 23, nhằm làm những tiếng nói phản đối Đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Hồng Kông phải im lặng. Cuối tháng 12 năm ngoái, các nhà hoạt động cấp tiến từ nhóm Hongkongese Priority đã đột nhập vào các doanh trại quân đội Trung Cộng, sau đó giáo sư Wang Zhenmin – người ủng hộ Giang Trạch Dân đã kêu gọi chính phủ Hồng Kông triển khai Điều 23 càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, Điều 23 đã không được thông qua do có sự phản kháng từ xã hội.
Đàn áp giới truyền thông
Để truyền bá những tin đồn mà họ muốn, phe Giang Trạch Dân đã ngăn chặn tự do báo chí tại Hồng Kông. Sau khi Lương Chấn Anh lên nhậm chức, ông ta đẩy mạnh thâm nhập và kiểm soát các phương tiện truyền thông thông qua một số thủ đoạn.
Một là dùng Hội Tam Hoàng để đe dọa các nhân viên truyền thông. Các tên côn đồ đã quấy rối các khách hàng của Epoch Times tại Hồng Kông, phá hoại nhà cửa của ông chủ Next Media Jimmy Lai, và tấn công tàn nhẫn cựu tổng biên tập Kevin Lau của Minh Báo.
Lương Chấn Anh cũng đàn áp giới truyền thông bằng các phương tiện kinh tế. Cả Apple Daily và am730 đã có những khách hàng rút hợp đồng quảng cáo, và bình luận viên chính trị nổi tiếng đồng thời là người dẫn chương trình đài phát thanh Li Wei-ling của Đài Commercial Radio đã bị sa thải.
Ngoài ra, Lương Chấn Anh còn sử dụng các phương tiện hành chính. Chủ tịch và người sáng lập của Hồng Kông Television Network Limited, Ricky Wong Wai-kay, đã không được cấp giấy phép cung cấp kênh truyền hình miễn phí. Kênh truyền hình Internet của ông Wong cũng bị cơ quan kiểm duyệt của chính quyền Lương Chấn Anh đình chỉ hoạt động.
Cuộc đàn áp giới truyền thông Hong Kong của Lương Chấn Anh đã cho phép các phương tiện truyền thông bị ĐCSTQ kiểm soát liên tục bôi nhọ các sinh viên biểu tình và sử dụng các kênh tuyên truyền để vu khống Cuộc Cách Mạng Ô. Đồng thời, hàng trăm nhómcủa ĐCSTQ đang lan truyền các tin đồn nhằm làm mất uy tín của những người biểu tình.
Tờ Apple Daily đã trở thành một nạn nhân của hoạt động liên tục ngăn chặn tự do báo chí. Vào ngày 11 tháng 10, hàng trăm người biểu tình ủng hộ ĐCSTQ đã chặn lối vào tòa nhà của Next Media – công ty mẹ của Apple Daily, nhằm ngăn cản hoạt động giao báo của họ.
Vào ngày 14 tháng 10, Apple Daily đã nhận được một lệnh tạm thời đình chỉ hoạt động từ Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, những người biểu tình ủng hộ ĐCSTQ vẫn tiếp tục chặn các xe tải đưa báo và chửi rủa người quay phim của Apple Daily trước sự có mặt của cảnh sát.
ĐCSTQ cố tình khiến người Hồng Kông nổi giận
Trong năm nay, các quan chức của ĐCSTQ và các nhân vật thân ĐCSTQ tại Hồng Kông thường xuyên tuyên bố quan điểm của họ về vấn đề bầu cử Trưởng đặc khu nhằm kích động người dân Hồng Kông.
Ví dụ, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trương Đức Giang tuyên bố rằng hoạt động phổ thông đầu phiếu phải phù hợp với thực tế tại Hồng Kông, và phải tuân theo Luật cơ bản và quyết định của Quốc hội. Ông ta phát biểu rằng Trưởng đặc khu phải yêu đất nước Trung Quốc và yêu Hồng Kông.
Cùng khoảng thời gian này, ông Rao Geping – giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh đã phản đối các kế hoạch bầu cử do người Hồng Kông đề xuất, bao gồm: đề cử của công dân, đề cử của Đảng, giới thiệu của công dân, giới thiệu của Đảng. Tổng thư ký Hồng Kông Carrie Lam nhận xét rằng việc ông Rao phản đối các kế hoạch trên cho thấy khẳng định cuối cùng về cải cách chính trị. Điều này đã gây ra một làn sóng biểu tình.
Vào tháng 3 năm 2013, Chủ tịch Uỷ ban Luật pháp của Quốc hội Trung Cộng Qiao Xiaoyang tuyên bố rằng Trưởng đặc khu được lựa chọn phải “yêu đất nước và yêu Hồng Kông”, không được thách thức chính quyền trung ương, và phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật cơ bản và các quyết định của Quốc hội Trung Cộng.
Vào ngày 10 tháng 6 năm 2014, Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, do Lưu Vân Sơn – một thành viên phe Giang Trạch Dân nắm giữ, đã phát hành một Sách trắng tuyên bố rằng mức độ tự chủ của Hồng Kông phụ thuộc vào thiện chí của Bắc Kinh.
Điều này gây ra một cuộc biểu tình mới đòi quyền phổ thông đầu phiếu thực thụ. Gần 800 nghìn người dân đã bỏ phiếu đòi dân chủ trong một cuộc trưng cầu ý dân, và 510 nghìn người đã xuống đường biểu tình vào ngày 1 tháng 7.
Theo một nguồn tin nội bộ, cuốn Sách trắng này là một kế hoạch của Trương Đức Giang và Lưu Vân Sơn. Họ đã chọn phát hành cuốn sách này vào ngày 10 tháng 6, cùng ngày với ngày khai sinh cơ quan an ninh mang tên Phòng 610, cơ quan được thành lập bởi Giang Trạch Dân nhằm đàn áp Pháp Luân Công cách đây 15 năm.
Cuốn sách này được phát hành sau ngày 4 tháng 6 – ngày diễn ra buổi cầu nguyện tại Hồng Kông nhằm tưởng nhớ vụ thảm sát tại Thiên An Môn và trước cuộc tuần hành ngày 1 tháng 7 thường niên tại Hồng Kông. Ngày phát hành cuốn sách đã được lựa chọn cẩn thận với mục đích khuấy động tình hình ở Hồng Kông.