Điểm Báo Pháp 21-10-2014
Mỹ phẩm chặn đường danh vọng của nữ bộ trưởng Yuko Obuchi – REUTERS/Toru Hanai
Thủ tướng Nhật Bản bị tác hại ra sao sau vụ hai nữ bộ trưởng từ chức?
Theo RFI – Mai Vân – 21-10-2014 18:03
Thời sự Châu Á khá được báo Pháp ngày 21/10/2014 chú ý, từ sự kiện một tân tổng thống lên nhậm chức ở Indonesia, căng thẳng tại Hồng Kông, cho đến việc 2 nữ bộ trưởng Kinh tế và Tư Pháp Nhật từ chức. Về sự kiện này, Le Monde đưa tin: «Hai Bộ trưởng Nhật từ chức cùng trong một ngày». Libération trong dòng tựa trang thế giới nói một cách thảm thương: «Tai họa đến từ các nữ bộ trưởng tại Nhật».
Tờ báo nhắc lại nguyên nhân khiến 2 nữ bộ trưởng phải từ chức: Bộ trưởng Kinh tế – Thương mại và Công nghiệp Obuchi sử dụng tiền công quỹ để mua mỹ phẩm; Bộ trưởng Tư pháp Midori Matsushima vì phạm luật bầu cử. Nghiêm trọng đối với ông Abe là trường hợp bà Obuchi, được đánh giá là có khả năng trở thành Thủ tướng sau này. Theo Libération, khi đề cử bà Yuko Obuchi giữ chức vụ trọng đại nói trên, ông Abe đã chọn một biểu tượng: Một phụ nữ trẻ tuổi trong một nước Nhật đang già đi, bị đàn ông thống trị và phân biệt đối xử. Ở tuổi 40, bà Obuchi là người lý tưởng để thực hiện chính sách mà ông muốn thúc đẩy: Khuyến khích phụ nữ đi làm, để họ «tỏa sáng», đảm nhận vai trò mà kinh tế Nhật đang cần. Thủ tướng Abe còn nhắm vào bà Obuchi để thực hiện một chủ trương khác của ông: Thuyết phục người dân chấp nhận việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân. Nhưng giờ đây thì tình hình quả là thảm hại. Libération cho là ngày đen tối hôm qua sẽ để lại dấu vết, làm cho người ta nhớ lại những vụ tai tiếng trong thời đầu tiên ông Abe giữ ghế Thủ tướng trước đây. Theo Libération, cả 5 vị nữ bộ trưởng ông đề cử hiện nay, không chỉ riêng 2 vị vừa từ chức, đều bị mang tiếng dính vào các vụ bê bối. Về ảnh hưởng của sự kiện, Le Monde cho là khó có thể nói là điều đó có đe dọa sự tín nhiệm của dân chúng đối với ông Abe hay không. Trong một cuộc thăm dò dư luận cuối tuần qua, số người đánh giá tốt Thủ tướng đã giảm 6,8 điểm, tức là xuống còn 48,1% người ủng hộ. Nhưng người Nhật cho thấy là họ quan tâm đến vấn đề kinh tế, thuế TVA tăng lên 10% vào năm tới, hơn là hành vi tai tiếng các nữ bộ trưởng. Báo kinh tế Les Echos thì không lạc quan, và suy luận như đồng ngiệp Libération. Tờ báo nhìn thấy uy tín của Thủ tướng bị ảnh hưởng. Theo Les Echos, từ hai năm qua, Thủ tướng Abe đã có được một giai đoạn tốt lành chưa từng thấy trong một nước Nhật bị ‘sách nhiễu’ trong hàng thập niên với hàng loạt vụ xì căn đan chính trị, tài chính, đấu đá đảng phái. Ông Abe đến nay đã chỉnh đốn được hàng ngũ trong đảng nắm đa số ở Quốc hội, đối lập thì im hơi lặng tiếng. Nhưng thế cần bằng rất cần thiết cho chương trình cải tổ của ông đã vỡ tung vào hôm qua. Sự ra đi vội vã của hai vị Bộ trưởng Kinh tế và Tư pháp sẽ không chỉ tác động đến chính sách thăng tiến phụ nữ gọi là ‘Womennomics’ của ông Abe, mà còn gây bất an sâu đậm trong hành pháp. Uy tín chính phủ sẽ sụt giảm trong những ngày tới đây.
Con đường khó khăn trước mắt của ‘Obama của Indonesia’ Joko Widodo
Nhìn về Châu Á, La Croix và Le Figaro chú ý đến Tổng thống vừa nhậm chức ở Indonesia và đều nhắc lại trong hàng tựa biệt danh: Joko, Obama (của) Indonesia. La Croix dưới hàng tựa ngắn gọn: «Joko Widodo, ‘Obama của Indonesia’ nhậm chức», nhận thấy một trang sử đã lật qua ngày 20/10, ở Indonesia ; bởi vì lần đầu tiên từ khi ông Suharto bị lật đổ vào năm 1998, người lãnh đạo tối cao Indonesia không phải là người thưộc tầng lớp chính trị – quân sự truyền thống, mà xuất thân từ gia đình bình dân. Ông tập tễnh ở cấp địa phương, trước khi vươn lên ở cấp quốc gia. Tờ báo điểm lại hành trình chính trị của tân tổng thống: Được bầu làm thị trưởng năm 2005, được bầu lại 5 năm sau, rồi đắc cử chức Thống đốc Jakarta 2012. Ở mỗi chặng đường trong sự nghiệp chính trị này, Joko Widodo đều tỏ quyết tâm chống tham nhũng, giảm nghèo khó. Quá trình của ông và nét hao hao giống đương kim Tổng thống Mỹ khiến ông được mệnh danh là ‘Obama của Indonesia’. Tân Tổng thống Indonesia cũng bị chỉ trích thiếu kinh nghiệm chính trị ở cấp quốc gia. Sự thiếu kinh nghiệm này theo La Croix, cộng thêm với việc ông không có đa số ở Quốc hội, và ngân sách eo hẹp, sẽ làm cho công việc của Joko Widodo khó khăn không ít. Cho nên trong hàng tựa trang quốc tế, Le Figaro nói đến «Joko, một Obama Indonesia, chua chi đã bị sức ép». Tờ báo trước tiên tả cảnh vui mừng của dân chúng, một cảnh lễ hội chưa từng thấy từ năm 1998. Le Figaro cũng nêu bật là nét giống ông Obama của Joko Widodo rất đáng ngạc nhiên. Tờ báo cũng nêu tính khác lạ của nhân vật, lên đến đỉnh cao nhờ vào tài năng quản lý và sự trong sạch của mình, không dựa vào các đảng phái truyền thống mà dựa vào cộng đồng thiếu số người Hoa hay Thiên chúa giáo tại Quốc gia đông dân cư Hồi giáo. Nhưng Le Figaro cũng nhìn thấy là câu chuyện thần tiên này có lẽ kết thúc ngay ở ngưỡng cửa dinh Tổng thống. Giới đầu tư không tin rằng ông Widodo có thể thực hiện chương trình đầy cao vọng của ông nhằm hiện đại hóa Indonesia. Tờ báo còn nhìn thấy mối nguy hiểm có tên là Prabowo Subianto, ứng viên thất cử, và lãnh đạo giới thủ cựu Indonesia, đang quyết tâm phục hận, đe dọa làm tê liệt công việc của người mới đến. Ông Subianto, xuất thân từ quân đội, con rể của cố lãnh đạo độc tài Suharto, hiện vẫn nắm Quốc hội Indonesia.
Lãnh đạo Hồng Kông không muốn trao nhiều quyền hành cho ‘người nghèo’.
Tình hình Hồng Kông cũng được báo Pháp hôm nay tiếp tục theo dõi. Le Monde ở trang Quốc tế nêu bật trong hàng tít «một tình hình rất cãng thẳng trước khi nối lại đối thoại»: Sinh viên là nạn nhân của hành vi bạo động của cảnh sát và băng đảng mafia thân Bắc Kinh. Tờ báo đăng bên cạnh một bức ảnh chụp cảnh biểu tình ờ khu thương mại Mong Kok, ngày 20/10. Le Monde tường thuật việc cảnh sát, vì cho là đang ở một nơi không ai nhìn thấy, nên đã hành hung một thanh niên biểu tình tay đã bị trói. Một nhân chứng giải thích là khi thấy hơi tiêu cay không hiệu quả, không giải tán được biểu tình, cảnh sát đã sử dụng dùi cui đánh đập, đánh bổ xuống đầu và cổ. Rất là nguy hiểm, họ có thể đả thương nghiêm trọng và gây thương vong. Le Monde tỏ vẻ bất bình khi trích lời lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh, cho là tình hình vuột ra ngoài tầm kiểm soát, và lấy lại lập luận quen thuộc của Bắc Kinh: «Có âm mưu, xúi giục từ bên ngoài.» Les Echos hôm nay cũng chú ý đến ông Lương Chấn Anh, với một tựa mỉa mai: Ở Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh e ngại trao quyền quá nhiều cho người nghèo. Tờ báo nhận thấy ông Lương Chấn Anh không được người dân Hồng Kông mến mộ vì ông bị xem là một con rối của Bắc Kinh, một người thân cận giới kinh doanh, tài phiệt, dửng dưng trước số phận giai cấp bình dân. Bây giờ, theo tờ báo, lãnh đạo Hồng Kông còn sẽ mang tiếng hơn nữa trong cuộc phỏng vấn dành cho truyền thông nước ngoài. Les Echos trích tờ Wall Street Journal, đã lập lại phát biểu của ông Lương Chấn Anh, cảnh báo về những « rủi ro » gắn với một thể thức phổ thông đầu phiếu thực sự, tức là bầu cử tự do thật sự, với lý do theo ông, là thể thức này trao quá nhiều quyền hạn cho tầng lớp bình dân. Về cuộc bỏ phiếu năm 2017 chọn lãnh đạo mới cho Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh cho là bỏ phiếu theo thể thức một người một lá phiếu có nghĩa là ‘trao quyền lựa chọn cho một nửa dân chúng Hồng Kông có thu nhập không đầy 1800 đô la Mỹ/tháng. Theo ông, một ủy ban đề cử ứng viên, như theo ý muốn của Bắc Kinh, sẽ cho phép tránh được tình trạng trao quyền hạn quá nhiều cho tầng lớp bình dân như nói trên, tránh sự đại diện rộng rãi của nhiều thành phần dân chúng. Les Echos lập lại là những suy nghĩ như trên là điều mà một phần dân chúng Hồng Kông trách ông Lương. Họ xem ông là hiện thân của một chế độ trao quyền cho những người đặc quyền, đặc lợi, có thế lực, những tài phiệt ngày càng tỏ ra ngoan ngoãn đối với Bắc Kinh, và không chút quan tâm đến những chênh lệch to lớn trong xã hội Hồng Kông. Les Echos kết luận là trong lúc đối thoại mở ra hôm nay giữa chính quyền và sinh viên đòi bầu cử theo thể thức phổ thông thật sự vào năm 2017, tuyên bố của Lương Chấn Anh, thái độ hoàn toàn không cởi mở của ông trên vấn đề này, chỉ có thể làm cho trao đổi giữa hai bên thêm sóng gió.