Tin Thế Giới – 20/10/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 20/10/2014

Biểu tình ‘hoàn toàn của dân HK’

Những nhà hoạt động dân chủ Hong Kong đã cực lực bác bỏ cáo buộc của Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh rằng các cuộc biểu tình của họ có sự nhúng tay của ‘các thế lực bên ngoài’.

Anh Alex Chow, một lãnh đạo của Liên đoàn Sinh viên Hong Kong, nói rằng bình luận trên của Lương là ‘vô trách nhiệm’ và rằng Lương không đưa ra được bằng chứng nào cho cáo buộc trên.

Không nói rõ

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình ATV, Lương nói các cuộc biểu tình ở Hong Kong ‘không hoàn toàn là của người dân sở tại vì có sự nhúng tay của các thế lực bên ngoài’.

Tuy nhiên Lương từ chối nói rõ điều này cũng như nêu đích danh quốc gia mà Lương cho là có liên quan.

“Đưa ra phát biểu rằng có thế lực bên ngoài xâm nhập vào cuộc biểu tình ngay trước khi bắt đầu đối thoại là bằng chứng cho thấy Lương đang muốn trấn áp toàn bộ phong trào,” lãnh đạo sinh viên Alex Chow nói.

Một người biểu tình có tên là Jeffery Hui nói với BBC: “Đây là phong trào hoàn toàn của người dân, hoàn toàn do những người dân sống ở Hong Kong, lo cho Hong Kong, những người đã đứng lên chống lại chế độ.”

Các quan chức chính quyền trung ương ở Bắc Kinh đã cảnh báo về ‘sự can thiệp bên ngoài’ vào Hong Kong còn truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc phương Tây ‘kích động’ biểu tình.

Các phân tích gia cho rằng TC đưa ra các cáo buộc can thiệp này để ngăn chặn các nước ủng hộ cuộc biểu tình ở Hong Kong.

‘Khỏi tầm kiểm soát’

Mặc dù số lượng người biểu tình đã giảm sút trong những ngày qua, một số người biểu tình vẫn đóng ở các khu vực Admiralty, khu trung tâm hành chính, Vịnh Causeway và Mongkok, khu thương mại sầm uất.

Cảnh sát và người biểu tình đã xảy ra xô xát mặc dù trong đêm Chủ nhật ngày 19/10 không xảy ra vụ đụng độ nào.

Cảnh sát đã dỡ bỏ rào chắn và lều của người biểu tình nhưng không giải tán các điểm biểu tình.

Lương không nói liệu chính quyền có tìm cách dẹp hết các cuộc biểu tình hay không nhưng nói: “Chúng tôi cần thời gian để nói chuyện với người dân, nhất là các sinh viên. Điều tôi muốn là vấn đề này sẽ chấm dứt một cách yên bình và có ý nghĩa.”
Lương cũng nói thêm rằng cuộc biểu tình ‘đã vượt khỏi vòng kiểm soát thậm chí đối với những người đã phát động nó. Họ không thể chấm dứt đước biểu tình, vốn là một mối lo lớn’.

Những người biểu tình, đa phần là sinh viên, cáo buộc Lương đã không dám đối đầu với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Phe biểu tình và chính quyền Hong Kong đã đồng ý đàm phán vào thứ Ba ngày 21/10 và cuộc đàm phán này sẽ được phát trực tiếp trên truyền hình. – Theo BBC

Trung Cộng (TC) họp hội nghị trung ương Đảng lần 4

Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp họp hội nghị trung ương ở Bắc Kinh với nghị trình tập trung vào pháp trị và chống tham nhũng.

Hội nghị trung ương 4 này có sự tham dự của 205 ủy viên trung ương và 170 ủy viên dự khuyết.

Đảng Cộng sản Trung Quốc có gần 90 triệu đảng viên nhưng quyền lực nằm trong tay Ban Chấp hành trung ương.

Các hội nghị trung ương ở TCthường đưa ra những cải cách chính trị quan trọng và được xem là cuộc họp quan trọng nhất trong đời sống chính trị TC.

‘Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng’

Hồi tháng Bảy, Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo rằng chủ đề của Hội nghị trung ương 4 sẽ là ‘pháp trị’. Tuy nhiên, các phân tích gia cảnh báo rằng ở TC, khái niệm ‘pháp trị’ thường được cho là tăng cường sự lãnh đạo của đảng cầm quyền chứ không phải là chia sẻ hay phân tán quyền lực.

“Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói về pháp trị, họ gần như luôn nói về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng,” ông Michael Davis, một giáo sư luật ở Đại học Hong Kong, nói với hãng tin Pháp AFP.

“Sự lãnh đạo của Đảng là ‘pháp trị của họ,” ông nói thêm, “Họ quyết định nguyên tắc luật pháp cho phù hợp với các mục tiêu ở từng thời điểm.”

Nhật báo nhà nước China Daily đã có một bài viết trước thềm hội nghị cho biết hội nghị này sẽ ‘đẩy nhanh việc xây dựng nền quản trị bằng luật pháp từ cấp cao nhất và thông qua đó thúc đẩy công bằng xã hội cho đất nước’.

Một trong bài xã luận khác, tờ báo này kêu gọi các lãnh đạo Đảng tấn công vào nạn ‘lạm dụng quyền lực’ mà họ cho rằng ‘khiến cho không thể có công bằng’ trong nền kinh tế TC.

“Nếu đất nước muốn đạt được những cải cách trong những lĩnh vực khác nhau và thiết lập cũng như duy trì một xã hội công bằng, thì cần phải loại bỏ tâm lý tôn thờ quyền lực trong các quan chức Đảng và Nhà nước,” bài xã luận viết.

Hội nghị trung ương lần này cũng sẽ ra quyết định đối với Chu Vĩnh Khang, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa trước hiện đang bị điều tra về tham nhũng.

Trong thời gian trước khi diễn ra hội nghị trung ương, TC đã tiến hành trấn áp rộng rãi những người bất đồng với một số luật sư bị bắt giữ, AFP cho biết.

Biên tập viên về Trung Quốc của BBC Carrie Gracie cho biết mặc dù quyền lực được cho là của Ban Chấp hành Trung ương thì các ủy viên trung ương chỉ có nhiệm vụ là gật đầu với những chính sách do Tổng bí thư Tập Cận Bình đưa ra.

Tập đã đưa nhiệm vụ chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu của ông kể từ khi ông trở thành chủ tịch nước hồi năm 2013.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng ông không có ý định đặt Đảng Cộng sản của ông dưới sự kiểm soát của pháp luật bằng cách cho ra đời hệ thống tư pháp độc lập.

Hội nghị trung ương Ba hồi năm ngoái đã đưa ra một loạt cải cách nhằm cải tổ nền kinh tế TC trong vòng một thập niên tới.

Sau hội nghị này, các nhà lãnh đạo TC đã hứa hẹn thị trường tự do sẽ có vai trò lớn hơn mặc dù các công ty nhà nước vẫn là trụ cột của nền kinh tế. – Theo BBC

Nga bác tin ‘tàu ngầm bị nạn’ ở Baltic

Hải quân của Thuỵ Điển đang tiếp tục tìm kiếm vùng biển để xem có hoạt động gì của Nga ở biển Baltic hay không.

Báo Thuỵ Điển nói từ hôm cuối tuần, hải quân nước họ đã truy tìm sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu từ một chiếc tàu ngầm Nga ngoài khơi vùng biển Thụy Điển hôm thứ Năm.

Giới chức Thụy Điển tuy thế chỉ nói họ làm công việc truy tìm thông tin tình báo chứ không tìm tàu ngầm.

Chuẩn đô đốc Thụy Điển, Anders Grenstad chỉ xác nhận đây là vùng biển “có các nước ngoài quan tâm”.
Cùng thời gian, giới chức Nga bác bỏ tin nói có tàu ngầm của họ gặp nạn ngoài khơi Thụy Điển, theo BBC News 20/10.

Theo AFP, Bộ Quốc phòng Nga đề nghị Thụy Điển liên lạc với Hà Lan để tìm câu trả lời vì phía Nga cho rằng một tàu ngầm chạy động cơ diesel của Hà Lan là Bruinvis “thực hiện các nhiệm vụ ngoài khơi Stockholm trong tuần qua”.

Ngay sau đó, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hà Lan, Marnoes Visser nói với báo chí rằng không có chuyện như thế xảy ra với tàu chiến của họ.

Căng thẳng vùng Baltic

Dù thực hư vụ ‘tàu ngầm gặp nạn’ ở Baltic ra sao, điều được báo chí ghi nhận là căng thẳng có vẻ tăng lên giữa Nga và các nước cùng chung vùng biển này.

Hiện Nga có một số tàu ngầm đóng tại căn cứ Kaliningrad trên bờ Baltic giáp ranh Ba Lan và Lithuania.

Báo Svenska Dagbladet của Thụy Điển nói nước này nhận được tín hiệu radio bằng tiếng Nga trên làn sóng cho kênh cứu hộ đêm thứ Năm.

Sau đó tín hiệu mật mã từ một điểm ở bán đảo Thụy Điển và Kaliningrad cũng được ghi nhận.

Thụy Điển sau đó đã cử tàu Visby có phương tiện tìm kiếm tàu ngầm vào đội tìm kiếm gồm cả các chiến hạm khác, cùng một số trực thăng và lính thuỷ quân lục chiến.

Theo báo Anh, tờ The Guardian ra hôm thứ Hai ở London, Thụy Điển là một trong số các nước vùng Bắc Âu và biển Baltic nâng mức cảnh giác do căng thẳng với Nga gia tăng sau khủng hoảng Ukraine.

Hồi tháng 9/2013, hai phi cơ SU-24 của Nga đã bay vào không phận Thuỵ Điển ở vùng Baltic, khiến Stockholm phải cử phi cơ quân sự lên ứng phó.

Vẫn theo The Guardian, tuần qua, Phần Lan lên tiếng nói hải quân Nga hai lần “quấy nhiễu” các tàu nghiên cứu môi trường của họ ở vùng biển quốc tế, buộc các tàu Phần Lan phải chuyển hướng.

Nga cũng cho cả một tàu ngầm và một trực thăng bay sát vào tàu Phần Lan, theo tờ báo Anh trích các nguồn từ Bắc Âu. – BBC

Tin Hoa Kỳ
Mỹ thả dù vũ khí, đạn dược, thuốc men cho người Kurd ở Kobani

Quân đội Mỹ cho biết họ đã thả dù vũ khí, đạn dược và tiếp liệu y tế cho những người Kurd đang bảo vệ thành phố Kobani ở miền bắc Syria trước cuộc tấn công của phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Các nhà phân tích nói rằng hành động có thể gây căng thẳng cho các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Tư lệnh Miền trung của quân đội Mỹ cho biết 3 chiếc vận tải cơ C-130 đã thực hiện những phi vụ thả dù tiếp liệu ở vùng phụ cận Kobani, trong đó có những vũ khí nhẹ do chính quyền người Kurd ở Iraq cung cấp. Các chuyến thả dù đầu tiên trong cuộc chiến ở thành phố biên giới này có mục đích giúp cho chiến binh người Kurd bảo vệ Kobani trước cuộc tiến công của Nhà nước Hồi giáo.

Thông cáo của quân đội Mỹ cho biết 135 cuộc không kích do Hoa Kỳ dẫn đầu gần Kobani đã làm chậm lại đà tiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo trong trận đánh mà Ngũ giác đài nói đã gây tử vong cho hàng trăm chiến binh của nhóm khủng bố này.

Hôm thứ sáu, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Miền trung, Đại tướng Lloyd Austin nói rằng những vụ không kích ở Syria và Iraq có mục đích làm sút giảm năng lực chỉ huy và kiểm soát của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

“Chúng tôi đã có được những hiệu quả như mong muốn và chúng tôi tìm kiếm những bằng chứng của điều này chẳng những trong hoạt động đánh giá thiệt hại, mà quan trọng hơn nữa, chúng tôi nhận thấy những sự thay đổi trong cách thức hoạt động và chiến thuật của địch quân, phản ánh một sự sút giảm trong năng lực của họ và những hạn chế đối với sự di chuyển của họ. Thí dụ, chúng tôi không còn thấy họ di chuyển trên khắp nước trong những đoàn công voa lớn. Giờ đây họ di chuyển phần lớn trên một nhóm nhỏ những chiếc xe dân sự. Điều này gây cản trở cho khả năng tập trung và gia tăng khả năng tác chiến của họ. Chúng tôi cũng nhận thấy họ thay đổi cách thức truyền tin liên lạc, cho thấy họ không thể phối hợp, điều hợp các hoạt động của họ.”

Tướng Austin nói rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo đã dồn nhiều nỗ lực cho mục tiêu chiếm được Kobani và cảnh báo rằng thành phố gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ này có thể bị thất thủ, mặc dù ông cảm thấy phấn khởi trước quyết tâm bảo vệ thành phố của các chiến binh người Kurd.

Ông Rick Brennan, một nhà phân tích cấp cao của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation ở Washington, cho biết việc Thổ Nhĩ Kỳ không chịu giúp các chiến binh người Kurd đã phương hại tới nỗ lực chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo.

“Việc Thổ Nhĩ Kỳ không để cho Mỹ sử dụng các căn cứ không quân ở nước họ để tấn công Nhà nước Hồi giáo và không để cho chiến binh người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đến giúp các chiến binh người Kurd ở Kobani đang tạo ra một tác động tiêu cực đối với những hoạt động dài hạn ở Kobani.”

Ông Brennan cũng nhanh chóng đề cập tới việc Thổ Nhĩ Kỳ phải đối phó với những hoạt động đòi ly khai của người Kurd thiểu số ở nước họ và Ankara đã hối thúc liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đối đầu với Tổng thống Syria Bashar al-Assad để chấm dứt cuộc nội chiến bùng ra hồi tháng 3 năm 2011.

Hôm thứ bảy vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã thảo luận qua điện thoại với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về tình hình Kobani và những biện pháp để chặn đúng đà tiến của Nhà nước Hồi giáo. Đôi bên cam kết hợp tác với nhau để chống lại nhóm khủng bố này.

Hôm qua, ông Erdogan tuyên bố ông chống đối việc cung cấp vũ khí cho chiến binh người Kurd ở Kobani. Ông cho rằng Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd, tổ chức chính trị chính của người Kurd ở Syria, và cánh quân sự của đảng này tương đương với Đảng PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ, là tổ chức mà cả Ankara lẫn Washington đều xem là một tổ chức khủng bố.

Các nhân vật tranh đấu ủng hộ người Kurd cho đài VOA biết rằng giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn không cho các nhà tranh đấu ở Pháp, Đức và một số nước khác trong Liên hiệp Âu Châu tiếp tế lương thực và thuốc men cho Kobani. Ông Ariz Harki, một nhà tranh đấu ở Pháp, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ chẳng những ngăn chận việc vận chuyển các loại tiếp liệu phi sát thương mà còn ngăn không cho chiến binh người Kurd trở về Syria để chiến đấu chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay đã gặp gỡ các giới chức của Indonesia, Australia, Brunei, Philippines và Singapore tại Jakarta, nơi ông tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Joko Widodo.

Một giới chức tháp tùng Ngoại trưởng Kerry cho biết ông hy vọng Indonesia, Malaysia và Brunei – các nước có đa số dân theo đạo Hồi, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Ông cho biết Washington muốn tăng cường sự hợp tác với các nước Đông Nam Á để ngăn chận việc tuyển mộ chiến binh người nước ngoài, chống lại những chiến binh đó khi họ về nước, phá vỡ hoạt động kinh tài của các phần tử cực đoan và vô hiệu hóa những sự tuyên truyền của các nhóm khủng bố. – VOA