Ðỗ Mười, Người, Chuột, Cách Mạng Gõ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðỗ Mười, Người, Chuột, Cách Mạng Gõ

Nhân tố bí ẩn – Mấy hôm nay tôi cứ nghĩ về ông Đỗ Mười. Hơn nữa, tôi tưởng tượng tôi là Đỗ Mười. Rồi tôi tự hỏi: Nếu là ông, tôi sẽ làm gì trong cảnh đất nước bị Tàu uy hiếp này? Và câu trả lời là: Tôi không cần làm gì cả. Hoặc, tôi có thể làm rất nhiều. Tùy tôi, cái tôi cá nhân, không phải cái tôi tập thể do Đảng chỉ đạo. Tùy tôi là người hay là chuột.

Tôi thử đi tìm Đỗ Mười nhưng chẳng thấy mấy. Bác cứ như “người bí ẩn”, như “nhân tố bí ẩn”, như “người đi trên mây” ấy. Wikipedia phiên bản tiếng Anh bảo có rất ít thông tin về Đỗ Mười, dù thông tin trên Wikipedia tiếng Anh về bác cựu Tổng Bí thư này dài gấp mười lần bài trên Wikipedia tiếng Việt. Nhưng, có lẽ lý do chính có ít thông tin về bác là vì bác thực sự không có gì đáng nói, tính theo tiêu chuẩn “đáng nói” về một lãnh tụ trên thế giới, dù lãnh tụ ấy thành hay bại, minh quân hay bạo chúa.

Có ý kiến cho rằng: Bác Mười cũng giống như Xuân tóc đỏ – cậu trai nhặt banh sân quần, nhờ số đỏ mà lên – bác Mười nghe đồn xuất thân hoạn lợn – Wikipedia nói bác vốn là thợ sơn nhà (house painter) – nhờ có Đảng mà lên, và Đỗ Mười, hay Mười tóc bạc, cũng chẳng khác gì Phiêu tóc tiêu, Mạnh tóc nhuộm, hay Trọng tóc trắng, nói chung tất cả đều đỏ. Đó là ý kiến có chiều chế nhạo, vì xuất thân và may mắn là một chuyện, còn việc họ làm lại là chuyện khác. Tôi vẫn tin một người không đáng kể là vì người ấy không là, không làm, hoặc không có gì đáng được nhắc đến, chứ không vì người ấy xuất thân hèn mọn hay số đỏ gặp hên.

MỘT ĐỖ MƯỜI
Nói như trên, thực ra cũng hơi oan cho bác Mười. Vì bác vẫn có ít nhất là một điều hết sức “đáng kể”: Bác là người duy nhất còn sống, trong số 90 triệu dân Việt đang sống, đã tham gia mật nghị Thành Đô bên Tàu vào tháng 9 năm 1990. Các bác tham gia khác như Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng đều quy tiên cả rồi. Và có tham gia thì chắc là bác biết cả về thỏa thuận Thành Đô, được đồn đãi là thỏa thuận bán nước Việt cho Tàu, đồng ý cho Việt trở thành phiên bang, thuộc quốc, vùng tự trị, hay tỉnh lỵ gì đó của Tàu.

Nhưng, tuy là người duy nhất biết rõ, đến giờ bác Mười lại không nói gì. Và như thế, đó sẽ là điều “đáng kể” thứ hai về Đỗ Mười, lịch sử sau này không thể bỏ sót, nếu bác không đột biến và quyết định mở miệng. (Cũng có khi tuy tham gia nhưng bác Mười lại không biết gì, hoặc không được biết gì, và nếu vậy thì quả là không còn gì để nói nữa.)

Đáng kể cũng vì trong những tuần đầu sau ngày 1/5/2014, ngày Tàu cắm giàn khoan 981 ở Việt Nam, trong khi cả nước sôi sục, dân xuống đường, trí thức lên tiếng… thì Đỗ Mười im lặng, y như Nguyễn Phú Trọng im lặng, Lê Khả Phiêu im lặng, Nông Đức Mạnh im lặng, kể cả Quốc hội cũng không dám ra nghị quyết lên án, không dám kiện kẻ quấy rối nhà mình… Họ ứng xử cứ như Biển Đông là chuyện người, không liên quan đến mình, dù các bác mấy năm nay vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường, không ai á khẩu.

Thực vậy, trong đám tang Tướng Võ Nguyên Giáp ngày 13/10/2013, cả bốn bác Mười Phiêu Mạnh Trọng đều có mặt nghiêm chỉnh, bộc lộ cảm xúc vừa phải, rõ ràng là không ai liệt giường. Còn bác Mười thì vào ngày 25/1/2014, tuy gần 100 tuổi nhưng bác vẫn có vẻ sung sức và cười mãn nguyện khi nhận huy hiệu 75 năm tuổi Đảng do ông Trọng trao, lưng bác vẫn thẳng và khỏe để bắt tay ông Phiêu, ôm hôn ông Sang, nhận hoa ông Mạnh.

Bài “Đồng chí Đỗ Mười nhận huy hiệu 75 tuổi Đảng” trên trang điện tử của Chính phủ đăng cùng ngày còn trích lời ông Trọng khen bác Mười “Trong những năm gần đây, tuy tuổi đã cao, nhưng đồng chí tiếp tục miệt mài nghiên cứu, tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng và Nhà nước.” Còn bác Mười nhân dịp này cũng “… nguyện tiếp tục tuyệt đối trung thành với Đảng; nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng, Cương lĩnh, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước; không làm điều gì ảnh hưởng đến uy tín và thanh danh của Đảng; ra sức bảo vệ Đảng….”

Hỏi: Những vị như Đỗ Mười tuy không làm được nhiều điều đáng kể cho dân cho nước nhưng vì sao họ cứ tuyệt đối, nghiêm chỉnh, ra sức trung thành, chấp hành và bảo vệ Đảng thế nhỉ? Đáp: Họ chỉ đang làm một việc đơn giản là “ăn cây nào, rào cây nấy.” Chắc là vậy. Nhưng, phải chăng khi cây Đảng mãi đỏ, mặc cho cây đời mãi đen, thì dường như bi kịch là đây, hài kịch cũng là đây.

TẬP THỂ BAO CHE ANH
Xét cho cùng thì những vị như Đỗ Mười không làm được nhiều điều đáng kể, có lẽ, phần lớn cũng chẳng phải lỗi tại họ, mà tại cái cơ chế nó thế, họ chỉ là lá nhỏ trên cây đỏ.

Cơ chế Đảng đẻ ra những diễn viên, và các vị Tổng Bí thư, trong đó có Đỗ Mười, chỉ là những hình nhân mấp máy môi, hoặc đi đứng đưa tay giơ chân theo mười ngón tay giựt dây của Đảng.

Và một khi tập thể kiểm soát cá nhân thì một loạt câu hỏi được đặt ra: Vai trò của cá nhân nằm đâu? Quyền của cá nhân nằm đâu? Cá nhân ấy có ‘vô nhiễm’ trách nhiệm không? Cá nhân ấy có vô tội không khi Đảng phạm phải những sai lầm chết người, từ Cải cách Ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, xét lại chống Đảng, đánh miền Nam, đánh tư sản, kinh tế mới, học tập cải tạo, thỏa thuận Thành Đô, xóa bỏ ký ức chiến tranh chống Tàu 1979, thờ 16 vàng 4 tốt, khai thác bô-xít, cho Tàu thầu rừng đầu nguồn, im lặng ngoan hèn khi giặc Tàu cắm giàn khoan, nhưng cùng lúc trấn áp bỏ tù người biểu tình yêu nước…?

Rõ là khi tập thể bao cấp trách nhiệm, thì cá nhân sẽ trốn chui trốn nhủi trong ngóc ngách của tập thể để được an toàn. Trăm sự cứ việc đổ đầu Đảng, còn cá nhân gần như vô can, “còn Đảng còn mình” nghĩa là còn Đảng là còn chỗ nấp an toàn.
Và khi đã là hình nhân, thì hình nhân bằng đất, bằng bùn, bằng sắt, có xuất thân bần nông, đầu bếp, y tá, thợ sơn, hoạn lợn hay thày giáo chăng nữa cũng chẳng có nghĩa gì. Cơ chế Đảng vừa cho chỗ nấp, vừa cho phép những kẻ kém tài, bảo thủ, tâm tha hóa nhưng khéo chơi trò chính trị, luôn tuyên bố “tuyệt đối trung thành với Đảng”… được chiếm ghế lớn, quyền cao, được ngồi trên đầu dân, được múa may quay cuồng với tư cách một cá nhân bất khả xâm phạm – dĩ nhiên là múa may quay cuồng trong tay và dưới chân những kẻ sai bảo khác.

TẬP THỂ THIÊU SỐNG ANH
Tập thể bao bọc anh, nhưng đó mới chỉ là một vế, vì nói ngược lại cũng không sai, bi và hài kịch diễn ra cùng lúc.
Tập thể tuy bao che trách nhiệm cho cá nhân, nhưng tập thể cũng có thể hy sinh cá nhân bất cứ lúc nào. Tập thể có thể thiêu sống cá nhân như thiêu sống vật tế thần, nhân danh sự ổn định và an toàn của tập thể. Chuyện “con hổ” Chu Vĩnh Khang, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Tàu, một thời bất khả xâm phạm vừa sa bẫy là một ví dụ rất điển hình.

Với người dân cũng vậy, dư luận trong dân có thể kết án Đảng chung chung, nhưng dân vẫn nhìn rất rõ những cá nhân đang chui nhủi đàng sau lưng Đảng.
Và khi một tập thể sụp đổ, như hàng loạt các Đảng Cộng sản đã sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô năm 1989-1991, thì những cá nhân sẽ hiện nguyên hình tội đồ. Nếu mượn cách ví von mới đây của ông Nguyễn Phú Trọng thì có thể nói: Những tội đồ hiện nguyên hình ấy gợi nhớ hình ảnh những con chuột lột, ướt nhão thảm hại và run lẩy bẩy trước ánh mắt mọi người nhìn vào, đúng lúc cái bình (phong) là Đảng vỡ tan tành.
Có lẽ, đó chính là điều mà các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đang trăn trở, vào lúc cái bình phong rách nát không còn che chắn được bao lâu nữa cơn cuồng phong là sự phẫn nộ của dân chúng. Có lẽ đó cũng là điều mà bốn vị Tổng Bí thư cũ và mới đang trăn trở.

TRƯỜNG KỲ IM LẶNG
Cũng không chỉ bốn ông Mười Phiêu Mạnh Trọng, nhiều trí thức đã từng trăn trở điều vừa kể, có vị trí thức còn đề nghị cả một kế sách cho bác Trọng thoát hiểm con tàu Titanic Đảng đang chìm. Ngày 23/6/2014, nhà trí thức Hạ Đình Nguyên đã lên tiếng khuyên ông Nguyễn Phú Trọng từ chức. Kết bài “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành thái hậu Dương Vân Nga, tại sao không?” ông Nguyên viết:

Gỡ nhục cho mình, tháo ách cho nước, làm đối phương kinh ngạc, giá như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhân dân xoay trục, mà khẳng khái đứng dậy trao ghế cho người khác, như Thái hậu Dương Vân Nga đã làm! Đất nước sẽ phát triển, Biển Đông sẽ bình yên, thế đứng của Việt Nam sẽ bền vững. Và ông sẽ được toàn dân xem xét, có thể được tôn vinh về nhân cách. Bám ghế thêm hai năm, rồi thui thủi ra về với một linh hồn rách nát, phỏng thân thế sự nghiệp có ra gì! Cái vinh quang chân chính sao không nắm lấy?

Nhưng bác Trọng vẫn im lặng. Hay là bác cũng có ngẫm nghĩ? Rồi từ đó đến nay, nhiều người tâm huyết đã tiếp tục lên tiếng, đưa ra những lời kêu gọi, nhưng ông Trọng, ông Sang, ông Dũng, ông Mười, ông Phiêu, ông Mạnh vẫn đều đều im lặng.

Họ im lặng khi ngày 28/7/2014, 61 đảng viên tâm huyết với Đảng gửi “Thư ngỏ” đến Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), yêu cầu:

Trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, với trách nhiệm và vị thế của mình, ĐCSVN tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa…”
Là người chủ đất nước, nhân dân có quyền được biết và phải được biết sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và những điều quan trọng đã ký kết với Trung Quốc như thỏa thuận Thành Đô năm 1990, thỏa thuận về hoạch định biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ, những thỏa thuận về kinh tế v.v…

Họ tiếp tục im lặng như không có gì xảy ra khi báo mạng Dân Quyền ngày 13/8/2014 đăng bài “Bí mật Thành Đô: sao không hỏi ông Đỗ Mười” của tác giả Trần Phi Đông. Xin trích:

Ông Phạm Văn Đồng đã mang tiếng với công hàm 1958 và đã quy tiên. Ông Nguyễn Văn Linh cũng đã chết từ lâu. Người biết nhiều thông tin nhất về hội nghị Thành Đô là ông Hồng Hà cũng đã qua đời…
Còn một người duy nhất vẫn còn sống, và nghe nói tuy tuổi cao nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn: ông Đỗ Mười ở ngay đường Phạm Đình Hồ, Hà Nội.”
Sao thiếu tướng Lê Duy Mật, đại tá Nguyễn Đăng Quang và 61 vị đảng viên trong nhóm TN61 không đến chất vấn ông Mười?
Sao người dân không kéo đến trước nhà ông Đỗ Mười và cử đại điện vào chất vấn ông?…
Đến hỏi ông Đỗ Mười đi. Đến ngay kẻo muộn!
Dẫu ông Mười không nói gì như ban lãnh đạo hiện thời của Đảng CSVN thì sự hiện diện của người dân trước nhà ông đòi chất vấn ông cũng có rất rất nhiều ý nghĩa.

Họ im lặng khi ngày 2/9/2014, 20 cựu sĩ quan lên tiếng trong “Kiến nghị của một số cựu sĩ quan Lực lượng Vũ trang Nhân dân gửi Lãnh đạo nhà nước và Chính phủ CHXHCN Việt Nam”:

Là người chủ và người bảo vệ đất nước, Nhân dân và lực lượng vũ trang phải được biết chính xác hoàn cảnh thực tế của Quốc gia. Vì vậy, Nhà nước phải báo cáo rõ ràng với Nhân dân về thực trạng quan hệ Việt-Trung và về những ký kết liên quan đến lãnh thổ trên biên giới, biển đảo và các hợp đồng kinh tế ảnh hưởng lớn đến an ninh và chủ quyền của Quốc gia… yêu cầu Chủ tịch [Trương Tấn Sang] và Thủ tướng cho chúng tôi và Nhân dân biết rõ thỏa thuận tại Hội nghị Thành Đô năm 1990.”

Kiến thì kiến, nghị thì nghị, các bác vẫn một mực im lặng, cứ như “im lặng theo Đảng là vàng.” Hay, như trên đã nói, các bác thực ra chỉ là hình nhân, không bị giựt dây thì cứ nín lặng, rũ xuống, vô hồn?

IM LẶNG LÀ LỬA
Nhưng, bình tĩnh mà xét thì sự im lặng của các bác chỉ là một phản ứng thụ động, theo thói quen, đầy tính chủ bại, và rất nguy hiểm cho bản thân các bác. Im lặng không là vàng, mà là lửa sẽ thiêu rụi kẻ ngậm miệng khi dân cần họ nói.
Bác Đỗ Mười, cũng như thất cả các vị khác, đều có thể nhân danh cá nhân mình và lên tiếng, lên tiếng để rửa sạch vết nhơ đã im lặng đồng lõa với sai lầm. Đó là cơ hội cuối cùng, trước khi quá trễ.

Ngoài tư cách Đảng viên, tư cách lớn nhất của các bác là tư cách công dân nước Việt, hơn nữa, tư cách của một con người, và đã là người thì cần biết tôn trọng sự thật và biết lo toan cho sự an nguy của cộng đồng.

Bác Mười cũng chỉ là dân nằm dưới luật pháp cơ mà. Hay là bác và Đảng hồi nào giờ vẫn ngồi ngoài, ngồi trên, ngồi chồm hổm trên luật pháp và dân vẫn mặc kệ?
Chợt nghĩ, sao Quốc hội không yêu cầu Đỗ Mười lên tiếng, và nếu bác bất tuân thì phải xử như mọi người bất tuân khác. Hay Quốc hội không làm được vì bác Mười và các vị trong Bộ Chính trị đang có “kim bài miễn tử” bất khả xâm phạm? (Gần đây, trong khi nhà báo Gordon Chang – trên National Interest, 24/8 – nói Tập Cận Bình đang “xé nát” Đảng Cộng sản Tàu vì chống tham nhũng không chừa cả Ủy viên Ban Thường trực Bộ Chính trị, thì nhà báo đấu tranh dân chủ nổi tiếng ở Hoa lục, La Xương Bình (Luo Changping) – trên Foreign Policy, 6/8 – lại yêu cầu Tập phải mạnh dạn “xé” nát kim bài miễn tử rốt ráo hơn nữa, vì mọi người, bất kể đó là ai, đều phải nằm dưới pháp luật.)

Vấn đề nằm ở chỗ này: Vì sao Đảng, Bộ Chính trị và các ông Tổng Bí thư mới cũ cứ im lặng trường kỳ trước lời kêu gọi đổi mới chính trị, bỏ chủ nghĩa, trả tự do cho tù nhân lương tâm, đối thoại với dân, bạch hóa thông tin, báo chí tự do, bầu cử tự do, tam quyền phân lập… dù nhiều người đã khuyến cáo đó là lối thoát duy nhất, là sinh lộ giữa đất chết, cho nước, cho dân, cho cả Đảng?

SƯỚNG NGAY
Chợt xem truyền hình, tôi biết được thêm một chút về tâm lý con người, và điều này hé mở giải đáp cho câu hỏi trên. Tóm tắt là: Bác Đỗ Mười, cũng như các lãnh đạo Đảng khác, im lặng trường kỳ trước lời kêu gọi và ta thán của dân là vì các bác không thể “hoãn cái sự sung sướng” của quyền lực trước mắt, dù là để cho toàn dân, toàn Đảng và bản thân có thể sung sướng gấp trăm sau này. Nói nôm na thì họ muốn “sướng ngay”, thay vì phải “chống cám dỗ hôm nay” để “mai sướng”.

Chuyện được kể trên kênh NatGeo (National Geographic) trong loạt chương trình Brain Games, Mùa 3, chiếu vào đầu tháng 10/2014.
Có 9 đứa trẻ 6 tuổi, các bé đứng trước một thử thách đơn giản: Nếu nhịn thèm được 15 phút trước một cái bánh kem ngon lành, thì mỗi em sẽ có không phải một, mà là ba cái bánh kem ngon lành. Nói cách khác, nhịn một thì được ba, và chỉ cần nhịn 15 phút.
Thử thách bắt đầu. Từng trẻ, trong căn phòng riêng được quan sát từ kiếng ngoài, tự đưa ra chiến thuật chống thèm cho riêng mình:
Bé thì đọc 24 chữ cái a,b,c,d,e,f… Bé thì đếm số 1,2,3,4,5,6…
Nhưng 24 chữ cái thì đọc khoảng 45 giây là xong, không giúp bé trụ được 15 phút, và càng đếm thời gian thì càng thấy thời gian qua lâu hơn. Cái bánh thì nằm đó hớ hênh mời mọc, 15 phút nhịn dài không chịu được.

Có hai bé trai cùng ngồi một phòng, hai bé khuyến khích nhau kiềm chế. Bé thứ nhất bảo: “Đừng ăn!” Bé thứ hai đáp: “Yeah! Tớ sẽ không ăn, tớ nghe cậu!”
Trong khi đó, một bé gái cố chống thèm bằng cách đẩy ghế ra thật xa chiếc bàn có bánh, bé hiểu “xa mặt thì cách lòng”. Phút thứ 11 trôi qua, phút thứ 12 trôi qua. Nhưng đến phút 13, bé lại từ từ nhích ghế, nhích ghế gần lại chiếc bàn có bánh… Rồi khi đến nơi, thay vì dùng tay, bé gục mặt xuống, dùng miệng ngoạm chiếc bánh mà ăn ngon lành. Có lẽ bé nghĩ nếu không dùng tay thì không phạm lỗi, nào ngờ “toeeeee…” tiếng còi báo thất bại reo lên, bé thua cuộc khi chỉ còn 1 phút nữa là hết!
Với hai bạn trai ‘phối hợp tác chiến’ trên kia thì sau 14 phút trôi qua, bỗng cậu bé bên phải đổi ý. Không hiểu sao, cậu vội vàng cầm chiếc bánh nhét hết vào miệng nhai ngồm ngoàm, như vừa ăn vừa giấu. Trong khi cậu bên trái tay cầm bánh, nhưng dứt khoát không ăn, và chiến thắng.
Kết quả là trong 9 trẻ trải qua thử thách chống thèm, có 5 bé thành công, nhịn ăn bánh trong 15 phút, để được hưởng gấp ba.

THUA CHẮC
Kết thử thách, người dẫn chương trình vừa kể đưa ra hai nhận xét đáng chú ý:
Thứ nhất: Chiến lược chống cám dỗ chỉ bằng ý chí, tức cứ ngồi trước cám dỗ rồi bụng bảo dạ phải cầm lòng là một chiến lược tất thua và thua tất! Cần biết rời xa cám dỗ, làm cho đầu óc mình bận rộn với việc khác, quên cám dỗ đi.
Thứ hai: Khả năng chống cám dỗ (khổ trước, sướng sau), trong quá trình tiến hóa của người, mới chỉ được phát triển 200.000 năm nay ở bán cầu não trước, trong khi bản năng buông mình theo cám dỗ để được sướng ngay lại là bản năng thâm căn cố đế của con người từ thuở hồng hoang triệu triệu năm trước.
Rút lại thì chống cám dỗ (khổ trước, sướng sau), hoặc buông theo cám dỗ để mình bị dụ dỗ (sướng ngay, bất kể ngày mai) nói lên khả năng tiến hóa của một con người, và có lẽ cũng nói lên sự trưởng thành hay trẻ con của cả một dân tộc.
Lịch sử loài người có lẽ cũng sẽ đánh giá một dân tộc, hay các cá nhân, bằng tiêu chuẩn đơn giản đó thôi: Họ có dám chịu khổ hôm nay vì sự thật, tình thương, nhân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ ngày mai, hay chỉ biết sướng ngay hôm nay bất chấp đó là cái sướng của kẻ nô lệ quỳ gối, hay của thú vật chỉ thích chăm sóc cho cái bụng, bộ phận sinh dục hay bộ lông, ổ nằm của mình.

CÁCH MẠNG GÕ
Nếu biểu tượng của cuộc biểu tình Chiếm đóng Trung Tâm ở Hong Kong vào tháng 10/2014 là người cầm dù, thì biểu tượng của cuộc đấu tranh vì sự thật và tình người, vì lương tâm và dân chủ ở Việt Nam có lẽ là hình ảnh của người đàn bà nông dân, áo bà ba, quần thụng, đi dép, đầu đội nón, đặc biệt là bà đưa bàn tay lên gõ cửa nhà các vị lãnh đạo. Đó sẽ là cuộc “Cách mạng gõ”, hoặc “Cách mạng mõ”.

Ngoài ca hát, hô khẩu hiệu, người biểu tình có thể mang theo mỗi người một thanh tre và một chiếc dùi nhỏ, để vừa đi vừa gõ, như người gõ cửa, như thằng Mõ. Hàng chục, hàng trăm nghìn tiếng gõ sẽ vang lên, gõ để đánh thức lương tâm người cộng sản, để họ rời chỗ nấp sau tấm bình phong rách nát, hay chỗ nấp trong cái bình vôi méo mó chật chội, để đứng thẳng dậy, thoát kiếp chuột hèn và ướt mèm, vươn vai trở lại làm người, làm người dân.

Ngày mai, sẽ có đứa cháu của ông Đỗ Mười, 17 tuổi, có thể cũng tên Phong như Hoàng Chi Phong, đến gõ cửa nhà ông, hỏi ông về Thành Đô. Rồi sẽ có một trong 61 Đảng viên ký Thư ngỏ ngày 28/7 đến nhà ông gõ cửa. Rồi sẽ có một hay mười vị cựu sĩ quan viết Kiến nghị ngày 2/9 đến nhà ông gõ cửa. Nói chung, hễ công an ngơi canh gác lúc nào là sẽ có người đến gõ cửa nhà ông Đỗ Mười lúc đó. Rồi có thể sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người, trong đó có rất đông các phụ huynh chở con mình đi học, tụ tập trước nhà ông lúc 6 giờ mỗi sáng để gõ tre, gõ mõ đánh thức ông dậy. Mỗi người cũng có thể sẽ mang theo một hòn cuội nhỏ, đặt trước nhà ông. Rồi nhiều mùa lá đỏ héo úa trôi qua, lâu ngày cuội nhỏ sẽ thành gò to, dưới chân gò sẽ có tấm bảng ghi “Nơi đây ngày trước là nhà ông Đỗ Mười”.

(Cũng xin mở ngoặc để kết, có lẽ không thừa: Vì ông Đỗ Mười là người duy nhất sót lại của Thành Đô, ông cũng nên hết sức cẩn trọng, biết đâu đang có thế lực đen tối nào đó muốn ông im lặng vĩnh viễn.)

© 2014 Từ Linh