Việt Nam sẽ có TPP?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam sẽ có TPP?

Các Bộ trưởng Thương mại và đại diện các nước tham dự phiên họp về Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP ở Singapore tháng 12, 2013.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi là một cơ hội tuyệt vời giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng, đặc biệt trong thời điểm này khi Việt Nam đang rất muốn thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn về kinh tế vào Trung Quốc. Tổng thống Barack Obama cũng muốn hoàn tất đàm phán TPP trong năm nay khi ông thực hiện chuyến công du tới châu Á vào cuối năm. Với việc Mỹ đang muốn xoay trục về châu Á, các chính sách của Mỹ đang có nhiều ưu tiên hơn đối khu vực này nhất là khi Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh để bành trướng trên biển Đông. Việt Nam đang rất muốn đạt được thỏa thuận này với Mỹ – một thị trường quan trọng nhất của Việt Nam. Nhưng các chuyên gia nói rằng còn có nhiều rào cản cho tiến trình đàm phán và có nhiều thách thức cho Việt Nam khi tham gia TPP.

TPP được coi là một “hiệp định thương mại bậc nhất của thế kỷ 21 khi nó gói gọn trong đó 40% lượng GDP toàn cầu và 1/3 thương mại toàn thế giới,” theo lời phát biểu của bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Kerry trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Đồng Doanh Nghiệp Mỹ-ASEAN (US-ABC) vừa được tổ chức tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ.

Ông  Kerry đã kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ gây ảnh hưởng đến quốc hội để thông qua TPP:

“Chúng tôi cần các bạn giúp đỡ để đạt được TPP với quốc hội Mỹ và người dân Mỹ. Và chúng tôi cần các bạn gọi điện, tổ chức các cuộc gặp mặt để đưa quốc hội vào cuộc.”

Chủ tịch US-ABC, ông Alexander Feldman, nói với VOA Việt Ngữ rằng TPP đối với Việt Nam thực sự là một sự thay đổi diện mạo và nó sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp của cả 2 bên.

Việt Nam tham gia đàm phán TPP từ cuối năm 2010. Các đối tác của hiệp định bao gồm Mỹ và 10 nước khác trung khu vực châu Á Thái Bình Dương. Theo số liệu thống kê của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, năm 2009, Mỹ đứng đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với tổng số tiền đầu tư là 9.8 tỷ đô la. Trong 1 số năm gần đây, các công ty của Mỹ đã nằm trong số những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên còn có nhiều rào cản từ cả 2 phía Mỹ và Việt Nam.

Ông Murray Hiebert, phó giám đốc tổ chức nghiên cứu  Đông Nam Á Sumitro Chair thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS, nói các nhà chức trách Mỹ cho rằng Việt Nam là những nhà thương thuyết khó khăn nhất:

“Một trong những rào cản lớn nhất, theo tôi nghĩ, là Mỹ vẫn chưa cho Việt Nam một tiếp cận thị trường tốt và tôi đã nói chuyện với các nhà thương thuyết bên phía Việt Nam của bộ Công Thương, họ nói rằng nếu họ có một tiếp cận tốt vào thị trường Mỹ thì có nghĩa là thuế nhập khẩu lên hàng may mặc sẽ giảm nhiều và do đó sẽ dễ dàng giải quyết nhiều vấn đề khác.”

Các vấn đề về nhân quyền trong đó có việc cải cách thể chế liên quan đến vai trò của công đoàn lao động cũng đang là những vấn đề mà Việt Nam vấp phải trong quá trình đàm phán TPP với Mỹ.

Ngoài ra các giới chức Việt Nam cũng lo ngại về các điều khoản của Mỹ yêu cầu các sản phẩm dệt may và những sản phẩm may mặc đầu vào xuất sang Mỹ phải có nguồn gốc từ Mỹ hoặc từ các nước trong khối TPP. Hiện nay các mặt hàng này của Việt Nam đang có nguồn chủ yếu từ nước láng giềng Trung Quốc không phải là thành viên của TPP.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của trường Đại Học New South Wales, cảnh báo về điều này:

“Tại thời điểm này có một sự mất cân bằng thương mại vô cùng lớn và thậm chí một số mặt hàng xuất khẩu như may mặc, giày dép đang phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Khi Việt Nam gia nhập TPP có nghĩa là thuế xuất cao hơn – bởi vì TPP muốn các nước sử dụng nguyên liệu từ các nước thành viên. Do đó, Việt Nam phải tìm cách làm thế nào để thay thế các nguyên liệu nhập từ Trung Quốc bằng các nguồn từ các nước thành viên.”

Khi tham gia TPP, thuế suất nhiều mặt hàng sẽ phải giảm dần đến mức % và các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, nhất là từ các nước không tham gia TPP, sẽ được hưởng lợi từ những quy định này. Có lẽ nhận thấy được lợi thế này, trong thời gian qua nhà đầu tư Trung Quốc tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam. Chỉ tính riêng dệt may từ năm 2013 trở lại đây đã có khoảng 90% số doanh nghiệp tham gia là của Trung Quốc.

Chuyên gia về Việt Nam, ông Jonathan London của trường Đại học Thành Thị Hồng Kông cũng có quan điểm tương tự. Ông nói rằng “TPP có một số yếu tố có thể có hại cho nền kinh tế của Việt Nam” và Việt Nam có thể sẽ mất nhiều thứ nếu không biết tận dụng nó:

TPP sẽ mở rộng cơ hội cho những công ty dù là nước ngoài ở Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ – thị trường quan trọng nhất của Việt Nam. Cũng có một nghịch lý mà theo nhiều người, một nhóm có lợi nhất nếu theo TPP ở Việt Nam có thể chính là những công ty của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta chưa rõ tương lai quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc như thế nào. Nhưng nếu quan hệ Việt Nam-Trung Quốc không xấu đi một cách kinh khủng thì một nhóm sẽ ăn lợi nhất với TPP ở Việt Nam là những công ty của Trung Quốc. Tại sao? Bởi vì họ sẽ sử dụng Việt Nam như một sân khấu để xuất khẩu sản phẩm của họ sang thị trường Mỹ.

Giáo sư Thayer nói “về lâu dài Việt Nam cần phải có TPP để có được tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Mỹ, cải thiện nền kinh tế và tạo một vị thế mạnh mẽ hơn để đương đầu với Trung Quốc về sau này.”

Do vậy mà Việt Nam đang vô cùng mong muốn tham gia khối nắm giữ 40% kinh tế thế giới này nhưng điều đó không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Việt Nam. Ông Carl Thayer cho biết:

Obama vẫn chưa thực hiện một bước tiến nào cho thấy Mỹ sẽ thông qua TPP. Hầu như là mọi thứ sẽ xảy ra sau bầu cử giữa kỳ. Việt Nam muốn tham gia TPP, muốn có được miễn thuế. Nhưng nó không hoàn toàn phụ thuộc vào Việt Nam. Nó phụ thuộc vào tổng thống Mỹ, mà chủ yếu là vào việc đàm phán với Nhật Bản để nới lỏng tình trạng này. Và nó phụ thuộc vào ông Obama sẽ thuyết phục được quốc hội bỏ phiếu thông qua TPP hay không. Do đó nó nằm ngoài khả năng của Việt Nam.

Chủ tịch US-ABC Feldman cũng nói rằng còn có nhiều rào cản về chính trị cho quá trình này:

“Chúng tôi có bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 nên mọi việc đều đang bị dừng lại. Nhưng hy vọng rằng sau cuộc bầu cử giữa kỳ và vào kỳ họp sau bầu cử và trước khi quốc hội mới nhóm họp, chúng tôi có thể đưa TPP ra quốc hội. Có thể sau kỳ bầu cử này chúng tôi sẽ bàn bạc thực sự nghiêm túc để đưa ra những vấn đề chính còn tồn đọng.”

Việt Nam được coi là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP trong số các nước thành viên. Theo bản phân tích về kinh tế vĩ mô Việt Nam của HSBC, thu nhập quốc dân Việt Nam đến năm 2020 sẽ tăng khoảng 10% nếu vào được TPP. Theo một nghiên cứu đánh giá về tác động của TPP lên các nền kinh tế của các nhà kinh tế học của trường Đại học Brandeis, GDP của Việt Nam có thể tăng 35.7% trong vòng thập niên tới. Ông Thayer nói:

“Nếu không tham gia TPP sẽ là một bất lợi cho Việt Nam. Nếu Việt Nam không toàn cầu hóa, không hội nhập thì Việt Nam sẽ bị bỏ lại phía sau. Và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nói rằng sự nguy hiểm lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt là bị bỏ lại phía sau.”

Dù cách nào thì Việt Nam cũng có lợi nếu tham gia TPP. Nhưng chiến lược lớn hơn của Việt Nam phải là xuất hàng vào thị trường Mỹ. Như dù có TPP hay không thì theo giáo sư London Việt Nam “cần phải tập trung phát triển quan hệ toàn diện với Mỹ. Đó mới là cách để Việt Nam có một phương hướng kinh tế mới trong bối cảnh Trung Quốc đang thách thức chủ quyền.”