Hồng Kông: Sự hóa thân mới nhất của phong trào Occupy
Minh Anh
Cuộc xuống đường đòi dân chủ ở Hồng Kông, tối 10/10/2014 - Reuters
«Tại Hồng Kông, chính quyền muốn áp đặt» và «Tại Hồng Kông, Bắc Kinh tấn công vào những rào cản» lần lượt là những tựa đề các bài viết trên Le Figaro và Libération. Nhưng đối với Le Monde, «Hồng Kông là một sự hóa thân mới của phong trào Occupy». Vào ngày 13/10/2014, sau khi cho cảnh sát đến phá dỡ các rào cản, ngay sau đó có khoảng 100 người đeo khẩu trang, đôi khi được trang bị cả dao đến tìm cách gỡ bỏ những hàng rào do sinh viên dựng lên và đã xảy ra đụng độ xô xát.
Người biểu tình nghi ngờ những kẻ giấu mặt đó là những thành viên của Hội Tam Hoàng, một tổ chức mafia Trung Quốc. Báo Libération còn cho hay những người tấn công vào người biểu tình nói tiếng phổ thông, tiếng nói được sử dụng phổ biến tại Hoa lục, chứ không phải là tiếng Quảng Đông, được sử dụng tại Hồng Kông.
Theo quan sát của hai tờ báo hiện chính quyền đang tìm cách lấy lại lợi thế, khi đánh cược vào sự ngán ngẩm của người dân do biểu tình kéo dài và sự hụt hơi từ từ của phong trào. Nhưng, Le Figaro cũng lưu ý chỉ cần một tia lửa nhỏ có nguy cơ làm bùng lại phong trào phản kháng.
Hồng Kông: một sự hóa thân mới của cuộc cách mạng dân chủ
Thế nhưng, nếu nhìn lại các phong trào phản đối bộc phát từ năm 2011, Le Monde nhận thấy Hồng Kông thật sự là một hóa thân mới nhất của phong trào Occupy. Một phong trào đã làm biến đổi hoàn toàn khái niệm «cách mạng dân chủ». Nhận định này được tờ báo trình bày cặn kẽ trên mục Tranh luận, qua bài viết có tựa đề «Phong trào Occupy được toàn cầu hóa».
Cứ mỗi lần tuyên bố chấm dứt phong trào Occupy, thì nó lại trỗi dậy ở đâu đó: Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Bosnia… Gần đây nhất là Hồng Kông, nảy sinh vào năm 2011. Phong trào Occupy đã chiếm lĩnh trụ sở Ngân hàng HSBC, làm tê liệt thành phố trong vòng một tuần, nhằm biểu thị tình đoàn kết với Occupy ở Hoa Kỳ, diễn ra tại Zuccotti Park, New York.
Nhưng phong trào Occupy bắt đầu từ Bắc Phi, chứ không phải tại Hoa Kỳ. Rồi từ đó lan dần sang các quốc gia thuộc khu vực biển Địa Trung Hải như Hy Lạp và Tây Ban Nha. Chỉ đến khi nó làm chấn động trung tâm chủ nghĩa tư bản, Wall Street, phong trào mới được nhân rộng sang các nước khác từ Achentina cho đến Nam Phi…
Theo bài viết, những gì xảy ra cho đến ngày hôm nay, ta có thể xem Occupy như là một cuộc cách mạng dân chủ. Điểm đặc trưng của phong trào cách mạng này là không nhằm chiếm lấy quyền lực như nhiều cuộc cách mạng trong quá khứ. Nếu như đa số các phong trào Occupy trên thế giới đều bị phá vỡ, Hồng Kông lại là một trong những phong trào giữ được hơi lửa lâu nhất, kéo dài từ tháng 10/2011-08/2012.
Đến năm 2013, ngọn lửa đó lại bùng lên dưới sự lãnh đạo của hai vị giáo sư và một linh mục, với một cái tên mới là Occupy Central with Love and Peace (OCLP). Thế nhưng, chính hai nghiệp đoàn sinh viên-học sinh, quá mệt mỏi vì sự chần chừ của lãnh đạo OCLP về việc ấn định ngày biểu tình, đã đi trước một bước, quy tụ đến hơn 50.000 người. Tầm mức quan trọng của phong trào đã gây bất ngờ trên toàn thế giới, kể cả những người chủ xướng phong trào OCLP.
Theo giải thích của tờ báo nguyên nhân kinh tế là những động cơ chính của người biểu tình Hồng Kông. Ngược dòng thời gian, Hồng Kông của những năm 1960 bị xem như là một «thành phố nghèo và khốn khổ». Nhưng những chương trình cải cách được thực hiện trong những năm 1970-1980, biến Hồng Kông thành thí điểm cho chính sách tự do mậu dịch mới, đã mang đến cho xứ thuộc địa này một sự trỗi dậy kinh tế thần kỳ. Thu nhập bình quân đầu người tại Hồng Kông còn cao hơn cả mẫu quốc, Vương quốc Anh. Hồng Kông dành ra 15% – 20% ngân sách cho văn hóa, giáo dục và dịch vụ công khác (tại Anh quốc là gần 50%).
Kể từ khi bị trao trả về cho Trung Quốc năm 1997, nhiều vấn đề kinh tế – xã hội bắt đầu nảy sinh. Hồng Kông triển khai một mô hình kinh tế tự do mới theo cách riêng lai tạp với kiểu chủ nghĩa chuyên chế thị trường. Làn sóng ồ ạt du khách Trung Quốc đổ vào, biến khu thuộc địa cũ thành một kiểu siêu thị hạng sang.
Sự trỗi dậy của một lớp tư sản làm chết dần chết mòn các tiểu thương địa phương, các khu phố bình dân và làm dội giá thị trường bất động sản. Những trùm bất động sản mới lấn chiếm các vùng nông thôn để mở rộng đô thị nhưng lại không chú trọng đến việc xây nhà xã hội. Trong khi giới trẻ bị buộc phải sống trong cảnh túng quẫn. Cuối cùng là nạn tham nhũng. Tình trạng móc ngoặc giữa quan chức cao cấp chính phủ và các nhà đầu tư diễn ra ở mọi cấp độ, không chừa một ai, kể cả Ủy ban độc lập chống tham nhũng.
Kết quả là vào năm 2013, trên tổng số 7 triệu cư dân, có đến khoảng 1,63 triệu người (hơn 23% dân số) sống dưới ngưỡng nghèo. Cộng đồng Occupy Central đã được sinh ra từ việc nhận thức được rằng: chính quyền bù nhìn này đang làm tay sai cho chế độ cộng sản và giới doanh nhân Hồng Kông tạo thành một lũ vô hại duy nhất và như nhau. Do đó, cần phải bứng bỏ đi.
Đó chính xác cũng là loại sâu bọ mà phong trào Occupy tại Hoa Kỳ từng ý định tố cáo dưới danh nghĩa «99%» và buộc tội số «1%». Nó không chỉ đơn giản vấn đề phân phối phúc lợi, bất công xã hội, mà vì còn vấn đề quyền lực giai tầng. Bởi vì, «1%» là tỷ lệ những người đã dùng sự giàu có của mình để gây ảnh hưởng chính trị, để rồi ngược trở lại, nó cho phép họ được làm giàu hơn nữa.
Từ đó cho thấy các phong trào khác ở nhiều quốc gia khác nhau đều có cùng một ghi nhận. Tùy theo từng bối cảnh kinh tế-chính trị-xã hội mà mỗi phong trào tại mỗi quốc gia có những kết quả khác nhau. Hiện, tại Hồng Kông, lối thoát chính trị vẫn nằm trong ngõ cụt. Đảng cộng sản Trung Quốc hiện trong thế khó xử. Một sự thỏa thuận cũng có thể khuyến khích các sự kiện tương tự xảy ra tại Hoa lục.
Trong khi đó người biểu tình Hồng Kông quan ngại một Thiên An Môn sẽ lặp lại và đang tìm cách vận động công luận quốc tế. Ý nguyện thiết lập một cuộc bầu cử dân chủ chỉ mới là bước khởi đầu một làn sóng rộng lớn hơn chống lại sự cai trị theo chủ nghĩa tự do chuyên chế mới. Một dân tộc, đã từng được nếm hương vị nền dân chủ trực tiếp, đào tạo về sự đồng thuận và tự tổ chức, sẽ là một cơn ác mộng tồi tệ cho chính phủ tương lai.
Đương nhiên Hồng Kông có nguy cơ trở nên kém «sinh lợi» hơn, nhưng nó cũng có thể thổi đến một làn gió mới cho nền dân chủ tại Trung Quốc, tờ báo kết luận.