CSVN nhờ Ấn giúp thoát Trung
Tổng thống Ấn Pranab Mukherjee và Chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang. Ảnh chụp tại Hà Nội ngày 15/09/2014. – Reuters
Theo RFI Thanh Phương – 11-10-2014 12:43Vào lúc Việt Nam đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc về mặt kinh tế vào Trung Quốc, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ viếng thăm chính thức Ấn Độ cuối tháng này. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam sẽ đến thành phố Bodh Gaya ngày 28/10/2014 và hôm sau sẽ đến thủ đô New Delhi để mở các cuộc hội đàm chính thức với các lãnh đạo Ấn Độ.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Ấn Độ chính là theo lời mời của thủ tướng Narendra Modi, do tổng thống Pranab Mukherjee chuyển đến nhân chuyến viếng thăm cấp Nhà nước của ông kéo dài 4 ngày ở Việt Nam vào tháng 9. Trước đó, trong tháng 8, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã đến thăm Việt Nam, đánh dấu cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa đại diện chính phủ Modi với giới lãnh đạo Hà Nội. Có thể nói là chưa bao giờ giữa Ấn Độ với Việt Nam hoạt động ngoại giao lại ráo riết như thế, trong ba tháng liên tiếp có ba chuyến viếng thăm cấp cao Nhưng nếu như trước đây quan hệ New Delhi và Hà Nội tập trung nhiều vào lĩnh vực quốc phòng, thì chuyến đi vào cuối tháng này của ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ đặt trọng tâm vào kinh tế. Trong một bài báo đăng trên mạng ngày 11/10/2014, tờ The New Indian Express cho biết là theo nhiều nguồn tin, chuyến viếng thăm của thủ tướng Việt Nam chủ yếu sẽ nhằm thiết lập thêm nhiều quan hệ hợp tác kinh tế, tìm kiếm thêm nhiều nguyên liệu, để qua đó giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc. Lĩnh vực mà Việt Nam đang trông chờ nhiều vào Ấn Độ chính là dệt may. Hiện giờ, phần lớn nguyên liệu thô cho ngành dệt may của Việt Nam là nhập từ Trung Quốc, mà đây lại là một trong những ngành xuất khẩu “chủ lực” đối với Việt Nam. Trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Hà Nội đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc. Các nguồn tin do tờ The New Indian Express trích dẫn cho biết là các doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn nhập thêm vải và sợi polyester từ Ấn Độ. Trong năm 2013, trao đổi mậu dịch giữa Việt Nam với Trung Quốc lên đến 50 tỷ đôla, trong khi trao đổi mậu dịch với Ấn Độ chỉ mới đạt 8 tỷ đôla. Gia tăng mậu dịch với Ấn Độ cũng sẽ là cách để Việt Nam giảm bớt thâm hụt thương mại với Trung Quốc, vẫn gia tăng liên tục và hiện ở mức rất cao. Trong năm 2013, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đã lên đến gần 24 tỷ đôla, tăng 44,5% so với năm 2012. Chuyến đi thăm Ấn Độ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cuối tháng này cũng diễn ra sau khi lần đầu tiên trong một thông cáo chung với tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 30/09, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đề cập đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông và yêu cầu các bên “tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” và tìm một giải pháp hòa bình cho khu vực. Bắc Kinh đã phản ứng bực tức trước thông cáo chung nói trên. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, trong một cuộc họp báo đã tuyên bố « tranh chấp tại Biển Đông cần phải được giải quyết giữa các nước trực tiếp liên quan, thông qua đàm phán.. Không một bên thứ ba nào được can thiệp vào».