Điểm Báo Pháp 9-10-2014
Một nữ sinh Hồng Kông sau những ngày biểu tình sôi đông . Ảnh chụp ngày 9/10/2014treen đường dẫn đến trung tâm tài chính của thành phố. – REUTERS/Tyrone Siu
Hồng Kông: Trung Quốc trước ngã ba đường
Theo RFI – Minh Anh – 09-10-2014 17:45
Báo Le Figaro số ra ngày 09/10/2014, trong mục «Ý kiến» trở lại với cuộc «Cách mạng của những chiếc ô» qua bài nhận định đề tựa: «Hồng Kông: Chế độ Trung Quốc trước thế khó xử». Với khái niệm «một quốc gia, hai chế độ», Bắc Kinh giờ đây phải làm như thế nào, biến Hồng Kông thành nơi thí điểm để mở rộng quyền dân chủ trong đại lục? Hay Hồng Kông phải đi theo guồng máy của chế độ cộng sản Trung Quốc?
Tờ báo viết: «Thách thức đối với Bắc Kinh thật khó nói thành lời tránh để cho khát khao dân chủ ngày càng lớn của người dân trên cựu thuộc địa không tác động đến sự ổn định của cả nước». Người dân Hồng Kông không thật sự đòi hỏi một nền dân chủ theo kiểu phương Tây. Nhưng họ ngày càng lo lắng khi thấy Bắc Kinh áp đặt mô hình của mình trước thời hạn 50 năm do Trung Quốc đưa ra vào năm 1997. Theo bài viết, rõ ràng có một khe hở quan trọng trong công thức thần kỳ «một quốc gia, hai chế độ» được ký kết giữa Trung Quốc và Anh quốc. Một công thức đầy mâu thuẫn, tờ báo viết. Vào đầu những năm 1980, chính ông Đặng Tiểu Bình đã đưa ra đề xuất trên trong các cuộc thương lượng với cố nữ Thủ tướng Margaret Thatcher. Điều này cho phép Bắc Kinh rút ngắn thời gian nhưng không làm mất mục tiêu cuối cùng là đồng hóa Hồng Kông và Đài Loan. Trong khi đó, trong suy nghĩ của phương Tây, một quốc gia hùng mạnh như Trung Quốc thực thi các quyền lãnh thổ nhưng không can thiệp vào nền chính trị của một vùng đất như Hồng Kông lại điều không thể. Chính bản thân người dân Đài Loan cho đến hiện nay vẫn không chấp nhận khái niệm này. Hiện đối với Bắc Kinh, nguy cơ phong trào đòi dân chủ lan sang cả lục địa tạm bị đẩy lùi. Sinh viên học sinh chấp nhận đối thoại trước khi phải dùng đến vũ lực để trấn áp. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn phải tỏ ra thận trọng bởi cái bóng ma Thiên An Môn và những bài học kinh nghiệm rút ra từ những phong trào phản kháng tại Ba Lan và Tiệp Khắc sau khi chế độ Liên Xô cũ sụp đổ. Do đó, các điều khoản nhượng bộ sẽ bị hạn chế. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là phong trào đòi dân chủ tại Hồng Kông sẽ bị dập tắt. Nó vẫn sẽ tiếp diễn nhưng dưới một dạng thức ngầm, chí ít cho đến năm 2017. Như vậy, đối với Tập Cận Bình, đây sẽ là một phép thử quan trọng, một cuộc khủng hoảng đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền lãnh đạo đất nước cách đây hai năm. Câu hỏi đặt ra: Nếu tuân theo ý tưởng «Một quốc gia, hai chế độ», Hồng Kông sẽ là nơi thí điểm cho sự tiến triển của chế độ cộng sản hướng tới việc cho phép người dân tham gia rộng rãi hơn vào đời sống chính trị? Hay là cựu thuộc địa Anh quốc sẽ phải khuất phục trước các lệnh của Bắc Kinh và các phương pháp quản lý, với tất cả những hệ quả có thể có trên bình diện trật tự công cộng? Bài viết kết luận, bản chất «giấc mơ Trung Hoa» do ông Tập Cận Bình đề xướng, vận mệnh Hồng Kông cũng như Đại lục và cả của Đài Loan giờ đây đều phụ thuộc vào công thức này. Hồng Kông: Một thế hệ nói ‘Không’ với Bắc Kinh Cũng liên quan đến Hồng Kông, tạp chí Courrier International, số ra từ ngày 09/10-15/10/2014 đưa tít trên trang nhất “Hồng Kông, thế hệ nói không với Bắc Kinh”. Tạp chí còn trích dịch lại nhiều bài viết đăng trên các nhật báo Hồng Kông, Anh quốc và Nhật Bản nhận định về sự kiện. Tờ Tài kinh tin báo (Shun Po – Hong Kong Economic Journal) nhận định «Sự thức tỉnh của giới trẻ». Bởi vì, nhiều người trẻ trong số những người tham gia biểu tình trong những ngày qua là những thanh niên rất ít quan tâm đến chính trị. Nhưng chính phản ứng bạo lực của cảnh sát và cách áp đặt thiếu dân chủ của Bắc Kinh đã đẩy họ xuống đường biểu tình ủng hộ phong trào bất tuân dân sự. Bài xã luận của tờ Minh báo Hồng Kông thì đề tựa «Sự nổi dậy của những kẻ không quyền lực». Cuộc đấu tranh sẽ phải còn dài, nhưng mầm khát khao dân chủ đã bám rễ sâu trong lòng xã hội dân sự, theo như đánh giá của một nhà bình luận. Đối với South China Morning Post, «Chống lại tổ chức ủng hộ Bắc Kinh». Những người ủng hộ dân chủ khởi xướng phong trào Occupy Central hình thành một liên minh đối lập, xuất thân từ một phong trào xã hội và phong trào nổi dậy chống vụ trấn áp Thiên An Môn. Tờ The Diplomat phát hành từ Tokyo thì kêu gọi “Đừng bán mất linh hồn của mình”. Sự bất bình có nguồn gốc sâu xa. Người dân Hồng Kông sẽ không thay đổi chính kiến đổi lấy những lời hứa hẹn kinh tế. Hồng Kông: Con rơi, con lạc? Nhưng đáng chú ý nhất là bài viết đề tựa «Bị Trung Quốc phản bội, bị người Anh bỏ rơi» của bà Anson Chan, đăng trên tờ The Observer tại Luân Đôn để mô tả hoàn cảnh của vùng đất thuộc địa cũ của Anh Quốc này. Bà Anson Chan, từng là cánh tay mặt của viên toàn quyền Hồng Kông cuối cùng Chris Patten và từng là trợ lý thứ nhất cho chính quyền Đặc khu Hồng Kông do Trung Quốc thành lập. Bà Chan tỏ ra thất vọng về thái độ im lặng của Anh quốc. Chí ít Luân Đôn cũng phải có những hành động tương xứng với danh dự. Bởi vì, nước Anh cũng có phần trách nhiệm đạo lý và pháp lý đối với Hồng Kông. Chính Anh quốc đã ký hiệp ước 1984 đảm bảo việc duy trì những giá trị chính yếu, cách sống, kể cả quyền tự do ngôn luận và tập hợp biểu tình tại Hồng Kông cho đến năm 2047. Thực tế cho thấy chỉ có tiền bạc mới có tiếng nói. Giới doanh nhân Anh quốc tỏ thái độ thận trọng khi có ai đó đề cập đến sự kiện. Họ chỉ muốn mọi thứ sẽ tiếp tục như lúc trước. Họ thích người biểu tình tự giải tán và tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Quan điểm của chính quyền Luân Đôn cũng gần như thế. Theo bà Chan, về mặt cơ bản, đòi dân chủ không phải là động cơ duy nhất của các cuộc biểu tình diễn ra tại Hồng Kông. Mà còn cả mối lo Bắc Kinh không giữ lời hứa cho bầu cử lãnh đạo đặc khu vào năm 2017 theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Song song đó, bà Chan chỉ trích thái độ hèn nhát của ông Lương Chấn Anh. Vị đặc khu trưởng đã đặt người dân Hồng Kông dưới một kiểu tham vấn nực cười. Vấn đề nằm ở bản báo cáo ông gởi về Đại lục. Và Bắc Kinh đã dùng nó làm cơ sở cho dự thảo của Ban thường vụ Quốc hội, nguồn gốc của sự nổi dậy. Một bản báo cáo bà Chan đánh giá là không trung thực và đã bóp méo nguyện vọng của người dân. Bà Chan phê phán sự hèn nhát không dám nói sự thật của người lãnh đạo. Cho dù ông Lương Chấn Anh có thể phớt lờ ý nguyện của người Hồng Kông, nhưng ít ra bản báo cáo cũng phải trung thực. Ông Lương Chấn Anh và dàn lãnh đạo của ông không còn tính chính đáng và có nguy cơ ngày càng khó lãnh đạo Hồng Kông. Kobané: Người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận Nhìn sang vùng Trung Cận Đông, các cuộc oanh kích của liên quân cũng không ngăn cản được đà tấn chiếm vùng Kobané của quân thánh chiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo EI. Trong khi đó, người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ trở nên giận dữ vì bị chính phủ ngăn cấm trở về Syria để hỗ trợ đồng hương đang bị vây hãm. Một số báo Pháp hôm nay tập trung bàn luận nhiều về chủ đề này. Le Figaro đưa tít nhận định «Đối mặt với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bình chân như vại». Chính vì điều đó nên tờ Le Monde trên trang nhất cho rằng: «Cuộc chiến tại Kobané khơi ngòi cơn giận người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ». Một nhận định cũng được Libération đồng chia sẻ: «Kobané: Thổ Nhĩ Kỳ khơi dậy sự giận dữ của người Kurdistan». Kobané thành phố biểu tượng cho sự kháng cự của người Kurdistan tại Syria sắp rơi vào tay quân thánh chiến EI. Thế nhưng thái độ lãnh đạm của chính quyền đã khiến cho khoảng 15 triệu người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ tức giận. Nhiều trận đụng độ nảy lửa đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình, theo lời kêu gọi của đảng Dân chủ nhân dân (HDP), đảng chính trị chính của người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ. «Một đêm đẫm máu» là nhận định của Libération. Suốt đêm qua, 08/10/2014, vòi rồng, hơi cay và dùi cui đã được sử dụng nhằm dập tắt làn sóng phản đối. Kết quả là có 16 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Lần đầu tiên, kể từ hơn 20 năm qua, lệnh giới nghiêm được ban hành tại 6 khu vực. Ankara: «EI và PKK cũng giống như nhau» Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại ngăn cản người Kurdistan trong nước đến Syria tham chiến. Le Monde có bài phân tích đề tựa «Đối với Ankara, đảng PKK còn nguy hiểm hơn cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo». Tờ báo cho hay Ankara đặt ra ba điều kiện dù Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ đã bật đèn xanh cho phép chính phủ tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại tổ chức EI, đang trên đà chiếm đánh Kobané. Đó là: «hình thành vùng cấm bay, an ninh cho vùng biên giới, hướng dẫn và huấn luyện cho các chiến binh phe nổi dậy ôn hòa tại Syria và tại Irak». Trên thực tế, chính quyền Ankara e ngại những đòi hỏi của người Kurdistan trên lãnh thổ sẽ lan tỏa. Sự hình thành khu tự trị Rojava, tuyên bố hồi tháng 11/2013 có nguy cơ gợi ý cho những người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Dù rằng đã có những cuộc thương lượng hòa bình giữa chính quyền Ankara với lãnh đạo đảng PKK, đảng Lao động Kurdistan, hiện đang bị cầm tù, nhưng không lúc nào chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bỏ qua cơ hội nhắc đi nhắc lại rằng: «EI và PKK cùng nguy hiểm như nhau». Le Monde cho rằng, nếu như đối với liên minh phương Tây, chống tổ chức EI là một ưu tiên hàng đầu thì đối với Ankara chỉ là hàng thứ yếu. Tổng thống Erdogan muốn lật đổ tổng thống Syria Bachar al-Assad. Triệt hạ tận gốc đảng PKK và lực lượng bổ sung có vũ trang của đảng này. Kiểm soát toàn bộ vùng lãnh thổ người Kurdistan tại Syria nhằm buộc hồi hương số người tỵ nạn, vốn đang đè nặng lên ngân sách Thổ Nhĩ Kỳ (4 tỷ đô-la). Về mặt chính thức, Ankara biện minh việc thành lập vùng cấm bay bắc Syria nhằm bảo vệ các thường dân khỏi các cuộc không kích thường xuyên từ quân đội Syria. Tuy nhiên, sự việc đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một đòi hỏi khó có thể đạt được đồng thuận. Bởi vì liệu đó có là cơ hội để quân thánh chiến có biến chúng thành sào huyệt của mình hay không ? Nếu như vậy, đây quả là một «ván cờ nguy hiểm của Thổ Nhĩ Kỳ trước cuộc chiến tại Syria» theo như hàng tựa nhận định của La Croix. Ebola hoành hành trước sự lãnh đạm của thế giới Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo và sự kiện Hồng Kông trong thời gian gần đây lấn át cả một mối họa khác đang âm thầm cướp đi bao sinh mạng. Dịch bệnh Ebola đang hoành hành tại Tây Phi giờ đang đã vượt ra ngoài biên giới đến Hoa Kỳ và Châu Âu. La Croix chạy tít lớn trên trang nhất: «Tại Guinee, ổ dịch virus Ebola». Tờ báo dành hai trang lớn cho bài phóng sự của đặc phái viên Pierre Cochez thực hiện. Ông mô tả lại những khó khăn các bác sĩ thuộc tổ chức Y sĩ không biên giới đối mặt hàng ngày từ việc thiếu thốn phương tiện, nhân sự, di chuyển trắc trở, cho đến những trở ngại về phong tục tập quán, tôn giáo, rủi ro bị nhiễm bệnh cao. Tờ báo không ngần ngại gọi cuộc chiến chống dịch bệnh tại đây là «trận chiến Châu Phi», theo như tựa đề bài xã luận. Báo Le Monde cũng dành hai trang lớn để viết về hiện tượng này. «Tây Phi trong vòng xoáy Ebola» tựa đề bài viết. Làm thế nào con virus Ebola, được phát hiện tại Trung Phi năm 1976, lại xuất hiện ở Tây Phi? Khi nào thì dịch bệnh mới kết thúc? là những câu hỏi tờ báo đặt ra. Một điều chắc chắn có thể khẳng định được là chính sự phản ứng chậm chạp của quốc tế đã tạo thuận lợi cho con virus lan rộng ra khắp các làng mạc và các vùng nông thôn tại Liberia và Sierre Leon. Trong khi mà ca bệnh tái phát đầu tiên được phát hiện vào cuối năm 2013. Ngay từ tháng 03/2014, Tổ chứ Y sĩ Không biên giới đã cảnh báo nguy cơ lan rộng, nhưng phải đợi đến tháng 08/2014 này Tổ chức Y tế thế giới mới chịu gióng chuông báo động. Đến khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên tại phương Tây, Hoa Kỳ, Pháp và Anh mới «tuyên chiến chống lại virus» vào tháng 09/2014 vừa qua. Le Monde cũng chú ý đến ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại Tây Ban Nha. Theo tờ báo, từ dịch bệnh «Ebola: Khe hở của hệ thống y tế Tây Ban Nha làm Châu Âu lo lắng». Tranh luận bùng phát sau khi Tây Ban Nha thông báo phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên vào tối thứ Hai 06/10/2014 vừa qua. Một nữ hộ lý, từng chăm sóc hai bệnh nhân nhiễm bệnh được đưa về từ Libéria và Sierra Leon vào hồi tháng 8 và 9/2014, phát hiện bị nhiễm bệnh. Một loạt các nghi vấn được đặt ra. Tại sao cô này đã báo cho bệnh viện nơi cô làm ngay từ cuối tháng 9 vừa qua những dấu hiệu bệnh đầu tiên, nhưng họ lại trả cô về các dịch vụ chăm sóc bệnh bình thường ? Tại sao cô chỉ được đưa vào cách ly từ ngày 06/10? Tại sao cô không được đưa đi xét nghiệm virus Ebola sớm hơn? Ebola: Bệnh chưa tới nhưng người đã hoảng Courrier International lại quan tâm đến khía cạnh tâm lý của người dân tại những quốc gia mới phát hiện những ca bệnh đầu tiên. Tờ báo trích dịch lại một bài viết trên tờ The Washington Post với tựa đề «Ebola: Sự lây nhiễm tinh thần» Con virus chỉ có thể lan truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Ebola cũng không thể di chuyển trong không khí. Trong khi người dân tại Tây Phi đang vật vã chiến đấu chống lại dịch bệnh hiểm nghèo chưa từng có trong lịch sử, tại Mỹ, một ca bệnh đầu tiên mới phát hiện đã làm người dân phát hoảng. Họ cư xử cứ như là sắp bị mắc bệnh đến nơi. Người bệnh đầu tiên sống Texas, anh ta đã bị cách ly và những người thân có tiếp xúc với anh ta vào lúc bị nhiễm bệnh cũng đã được cô lập để theo dõi. Hiện tại những người đó chưa có biểu hiện phát bệnh. Nhiều trường hợp có khả năng khác tại Hoa Kỳ, tưd New York cho đến Washington đều có dấu hiệu âm tính. Virus Ebola vẫn chưa tàn phá nước Mỹ, vậy mà từ «Ebola!» xuất hiện khắp nơi, kèm theo đó là nỗi sợ hãi. Các tờ báo thay phiên nhau giật tít lớn như «Truy đuổi Ebola» trên tờ Time, «Ebola: nỗi khiếp hãi trên đường phố» của tờ Daily News, «Ebola: Một người nhập viện tại thành phố» của tờ New York Post… Các đài thay phiên nhau làm phóng sự, phát hình các buổi tranh luận giữa các chuyên gia đưa ra những nhận định làm khủng hoảng tinh thần người dân. Theo tác giả, quả thật chết vì bệnh Ebola là một cách chết đáng sợ. Nhưng đó cũng không phải là cái chết kinh khủng nhất, còn nhiều cách khác nữa như tai nạn xe, kẻ giết người hàng loạt hay như bệnh viêm phổi chẳng hạn. Dịch bệnh Ebola đang đánh thức nỗi sợ tập thể, trong một chiều hướng nào đó, như trong những phim về các dịch bệnh, vốn cũng được lấy cảm hứng từ sự tưởng tượng mà ra thôi.