Vì sao chính quyền Thái Lan phải nhẹ tay với người biểu tình?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vì sao chính quyền Thái Lan phải nhẹ tay với người biểu tình?

Cảnh sát chống bạo động án binh trước trụ sở chính phủ thại Bangkok ngày 14/2/2014.

REUTERS/Athit Perawongmetha

 

Arnaud Dubus / Trọng Nghĩa

Chủ nhật 16 Tháng Hai 2014

Tại Thái Lan, từ ba tháng rưỡi nay, những người biểu tình chống chính phủ đã xuống đường ở thủ đô Bangkok, và từ một tháng nay, họ đã tổ chức chiếm đóng một số ngã tư chiến lược và cơ quan chính phủ trong thành phố. Sau một thời gian cố tránh không cho cảnh sát đối đầu trực tiếp với người biểu tình, từ ngày 14/02/2014 vừa qua, chính quyền Thái Lan bắt đầu huy động cảnh sát đến giải tỏa nhiều địa điểm bị phong trào chống chính phủ trấn giữ.

Chiến dịch cảnh sát lớn, được gọi là “Chiến dịch Valentine” vì bắt đầu vào ngày hội tình yêu 14/02, có mục tiêu là giành lại quyền kiểm soát các khu vực bị người biểu tình chiếm đóng, trong đó có các cơ quan chính phủ trọng yếu. Nhưng theo ghi nhận của Arnaud Dubus, Thông tín viên RFI đặc trách khu vực tại Bangkok, đó không phải là một chiến dịch càn quét dứt khoát, bởi vì sau hai ngày, người biểu tình vẫn hiện diện tại nhiều nơi.

Hôm đầu tiên của chiến dịch, cảnh sát đã dễ dàng giải tỏa được khu lều trại của người biểu tình chung quanh trụ sở chính phủ, nơi mà nữ Thủ tướng Yingluck Shinawtra không đến được từ hai tháng nay. Thế nhưng, chỉ ít lâu sau, người biểu tình lại quay trở lại địa điểm đó để dựng lại các « chiến lũy ».

Ngày hôm qua, 15/02, hơn một ngàn cảnh sát đã được huy động đến chiếm lại khu công sở Cheang Wattana phía bắc thủ đô Thái Lan, cũng nằm trong tay người biểu tình. Thế nhưng sau đó họ đã rút lui, nhường chỗ cho những cuộc thương thảo với người biểu tình để cho khu vực này được mở cửa hoạt động trở lại.

Nhìn chung, chiến dịch giải tỏa chỉ nhắm vào các công sở, còn các ngã tư đường phố chiến lược vẫn tiếp tục ở trong tay người biểu tình. Điều này cho thấy là chính phủ Thái Lan chưa dám mạnh tay đàn áp phong trào chống đối.

Thông tín viên Arnaud Dubus đã lược lại diễn tiến của tình hình và giải thích lý do tại sao chính phủ dù đã phần nào thay đổi chiến thuật nhưng vẫn có vẻ thiên về một giải pháp mềm mỏng để đối phó với người biểu tình :

Arnaud Dubus : Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu bị những người ủng hộ họ chỉ trích. Nhóm gọi là phe Áo đỏ cho rằng chính phủ đã thất bại trong việc đối phó với những người biểu tình đã làm tê liệt Bangkok trong vài tháng. Có lẽ chính vì sức ép đó mà chính phủ đã tung ra chiến dịch cảnh sát hôm thứ Sáu vừa qua.

Thế nhưng đồng thời, rõ ràng là nhà chức trách muốn tránh không cho bất kỳ một tình huống bạo động không kiểm soát được nào xẩy ra. Và như vậy họ ủng hộ việc đàm phán với giới lãnh đạo phong trào biểu tình, chứ không phải là ưu tien dùng cảnh sát để đàn áp.

Có một số lý do giải thích thái độ mềm mỏng đó. Trước hết, chính phủ Thái Lan biết rằng nếu họ sử dụng võ lực để đàn áp, võ lực cũng sẽ được các lãnh đạo biểu tình – trong đó có cả cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban – sử dụng ngay trở lại để chống lại chính phủ. Cần phải nhớ rằng khi còn tại chức, Suthep là một trong những người dẫn đầu chiến dịch đàn áp đẫm máu chống lại các cuộc biểu tình của phe Áo đỏ vào năm 2010, đã khiến cho 92 người thiệt mạng.

Một lý do khác rất đơn giản là rất nhiều vệ sĩ của giới lãnh đạo được trang bị vũ khí. Họ cũng thường là cựu quân nhân. Một cuộc tấn công bắt các lãnh đạo đó có thể xấu đi và gây ra thương vong. Chính phủ Thái Lan muốn tránh điều đó.

Chính vì thế mà trong hai ngày qua, chúng ta chứng kiến những cảnh tượng trong đó lực lượng cảnh sát tiến gần đến người biểu tình, rồi sau đó lại rút lui nếu gặp phải kháng cự. Sau đó họ đàm phán với những người lãnh đạo biểu tình để người biểu tình tự nguyện rời bỏ nơi chiếm đóng.

 

RFI : Một tu sĩ Phật giáo, Luang Pu Buddha Issara, đóng một vai trò tích cực hỗ trợ các lãnh đạo phong trào biểu tình chống chính phủ. Nhân vật này cụ thể là như thế nào ?

Arnaud Dubus : Luang Pu Buddha Issara là thủ lĩnh của nhóm người biểu tình tại khu Chaeng Wathana ở phía bắc Bangkok. Đây chính là nhóm tích cực nhất trong việc kháng lại chiến dịch giải tỏa của cảnh sát vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy vừa qua.

Buddha Issara là một tu sĩ Phật giáo người gốc miền nam Thái Lan. Ông là trụ trì của một ngôi chùa ở Nakhon Pathom, một khu vực rất tôn trọng truyền thống tại miền Trung của Vương quốc Thái.

Khi được hỏi là liệu ông có thấy là kỳ quái không pha trộn Phật giáo và chính trị. Buddha Issara trả lời là ngược lại, theo ông đó là một điều khá cần thiết, bởi vì nếu không có ảnh hưởng tôn giáo, chính trị sẽ trở thành phi đạo đức.

Vai trò của tu sĩ Buddha Issara rất đáng chú ý vì nó minh chứng cho xu hướng tái chính trị hóa của Phật giáo ở Thái Lan trong hai mươi năm gần đây.

Kể từ cuối thế kỷ XIX, Phật giáo bị nhà nước Thái Lan kiểm soát chặt chẽ và đã mất đi mọi sắc thái chính trị. Nhưng từ những năm 1980, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của một vài nhóm Phật giáo đóng vai trò tích cực trong chính trị, ở theo tất cả mọi xu hướng tả hay hữu, như đền Dhammakaya ở phía bắc Bangkok, hoặc giáo phái khổ hạnh Santi Asoke.

RFI : Cuộc khủng hoảng lần này dường như kéo dài vô tận. Vào lúc này, đã lóe lên một tia hy vọng nào về một giải pháp hay chưa ?

Arnaud Dubus : Chính phủ Thái Lan đang cố gắng tham gia đối thoại với phe đối lập, nhưng muốn là tiến trình bầu cử vào ngày 02/02 vừa qua phải được tôn trọng. Nếu yêu cầu này được đáp ứng, chính quyền có vẻ sẵn sàng thảo luận về việc cải cách hệ thống chính trị. Tuy nhiên, chính phủ của bà Yingluck Shinawatra đang phải đối mặt với một sự từ chối dứt khoát của những người biểu tình và lãnh đạo của họ là Suthep Thaugsuban.

Ông Suthep đòi hỏi là Thủ tướng Yingluck phải ra đi và nhường quyền lại cho một hội đồng gồm những người được chỉ định để thực hiện một công cuộc cải cách nhằm loại bỏ tham nhũng. Vấn đề là không ai biết là hội đồng đó sẽ được chỉ định như thế nào, cũng như là các cải cách cụ thể sẽ được đề xuất là gì. Một thỏa hiệp giữa chính phủ và đối lập có vẻ rất khó đạt.

Ngoài ra, có thể là chính phủ Thái Lan và Thủ tướng Yingluck bị Tòa án Tối cao kết tội tham nhũng trong chương trình hỗ trợ giá gạo. Điều đó sẽ làm cho chính phủ sụp đổ, nhưng không nhất thiết mang lại một giải pháp cho cuộc xung đột. Bởi vì lúc đó, rất có khả năng là phe xuống đường sẽ là những người Áo đỏ, ủng hộ bà Yingluck và anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin. Tình hình trước mắt có vẻ khó tìm được giải pháp.

RFI : Nhìn chung, cuộc khủng hoảng dai dẳng phải chăng có nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho tư thế của Thái Lan trong khu vực ?

Arnaud Dubus : Thái Lan đang tụt lại phía sau so với các nước ASEAN khác, vào lúc mà mọi thành viên khối Đông Nam Á đang khẩn trương làm việc, chuẩn bị cho Cộng đồng ASEAN dự kiến ra đời vào ngày 31 tháng 12 năm 2015.

Ngân hàng Thái Lan hiện gợi lên một tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,5% trong năm 2014. Định chế này cũng nói về sự sụt giảm 10% số lượng khách du lịch trong năm nay, trong khi mà số du khách đến Thái Lan luôn luôn tăng kể từ giữa những năm 1980 đến nay.

Trong vùng Đông Nam Á, các quốc gia như Việt Nam và Indonesia đang đi trước về mặt kinh tế. Một cựu Thủ tướng Thái Lan rất có uy tín là ông Anand Panyarachun, cách đây vài hôm, đã cho rằng nguy cơ Thái Lan bị suy thoái không thể loại trừ.

Giới làm kinh tế như đang bị lên cơn sốt. Tuy nhiên điều lạ lùng là họ lại có xu hướng chỉ đổ lỗi cho chính phủ về tình hình đang diễn ra của đất nước, nhưng hầu như không bao giờ kết tội các phong trào chống chính phủ.

RFI : Thành thật cảm ơn Thông tín viên Arnaud Dubus tại Bangkok