Tin Thế Giới – 5/10/2014
Người biểu tình Hồng Kông di chuyển — Chướng ngại vật được tháo dỡ gần trung tâm hành chánh — Chính quyền ra tối hậu thư
Những người biểu tình tại Hồng Kông có vẻ đang rút khỏi một số địa điểm biểu tình để hiện diện tập trung hơn tại các địa điểm chính bên ngoài tòa nhà chính phủ.
Tuy nhiên, các sinh viên biểu tình nói rằng họ không chặn lối vào trụ sở chính phủ và nhấn mạnh rằng các công chức công sở có thể trở lại làm việc.
Lãnh đạo của Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh, đã cảnh báo rằng cảnh sát sẽ đảm bảo các cơ quan chính phủ và trường học mở cửa trở lại vào thứ Hai.
Suy giảm
Phóng viên BBC John Sudworth tại Hồng Kông cho hay cảm giác trên đường phố của thành phố cho thấy sắp bắt đầu ‘một kết cục’ của biểu tình.
Số lượng người biểu tình đã suy giảm và nhiều người có vẻ sẽ không tiếp tục đương đầu trước một hàng rào dày đặc của cảnh sát sắp được tăng cường theo dự kiến, phóng viên của chúng tôi nói thêm.
Ông Lương đã kêu gọi những người biểu tình chấm dứt các cuộc biểu tình, cảnh báo rằng cảnh sát được phép tiến hành tất cả các hành động cần thiết để vãn hồi trật tự xã hội.
Còn Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) thì nói họ luôn mở ngỏ lối vào dẫn tới các trụ sở chính phủ, và nói thêm rằng không có lý do gì khiến cho các nhân viên không thể trở lại làm việc vào ngày thứ Hai.
Cả hai chính phủ Hồng Kông và người biểu tình hôm Chủ nhật cho biết rằng họ đã sẵn sàng bắt đầu đàm phán để tìm một giải pháp khai thông bế tắc vốn kéo dài một tuần.
Nhưng liên đoàn sinh viên nói rằng sẽ rất “khó thuyết phục công chúng và yêu cầu những người biểu tình giải tán mà không có bất kỳ kết quả (đàm phán) nào đạt được trên thực tế”.
Các cuộc đàm phán đã được lên kế hoạch cho ngày thứ Bảy, nhưng những người biểu tình đã rút lui, sau khi nhóm ủng hộ Trung Quốc tấn công họ ở quận Mong Kok vào tối thứ Sáu.
Theo VOA, những người biểu tình dân chủ ở Hồng Kông đồng ý tháo dỡ chướng ngại vật gần trung tâm hành chánh xuống, một ngày trước thời hạn cuối chính thức phải làm sạch đường phố.
Động thái này diễn ra khi một số người biểu tình rút khỏi một khu vực biểu tình khác ở quận Mong Kok, mặc dù chưa rõ là liệu người biểu tình sẽ tập trung về một chỗ biểu tình chính hay họ sẽ rút lui hoàn toàn.
Cuối ngày thứ bảy, các thủ lãnh của hiệp hội sinh viên chính đồng ý một cuộc thương lượng mới với chính phủ, nếu chính phủ bảo đảm rằng cảnh sát bảo vệ cho người biểu tình mà hôm thứ Sáu đã bị các băng đảng tấn công ở khu mua sắm Mong Kok.
Hành chánh Trưởng quan Hồng Kông Lương Chấn Anh hôm thứ Bảy cảnh cáo rằng mọi hành động cần thiết sẽ được thực hiện để bảo đảm cho nhân viên chính phủ có thể đến văn phòng làm việc vào tuần tới.
Hàng vạn người biểu tình đã tập trung bên ngoài trung tâm hành chính Hồng Kông trong một khoảng thời gian sau tuyên bố của ông Lưu. Họ thề quyết sẽ tiếp tục tranh đấu đòi có nhiều quyền hơn trong việc bầu chọn lãnh đạo. Các thủ lãnh sinh viên nói rằng họ sẵn sàng để cho nhân viên chính phủ trở lại văn phòng làm việc, nhưng sẽ tiếp tục chiếm khu trung tâm tài chánh.
Cả hai bên đổ lỗi cho nhau đã châm ngòi cho bạo động hôm thứ Sáu.
Cảnh sát đã bắt giữ 19 người liên can đến các vụ xô xát đã làm 18 người bị thương, trong đó có một số cảnh sát viên.
Cảnh sát nói một số người bị bắt liên hệ đến những băng đảng tội phạm có tổ chức có tên là Tam Hoàng.
Người đứng đầu cơ quan an ninh Hong Kong Lai Tung-kwok ngày thứ Bảy bác bỏ tin là nhà cầm quyền thành phố sử dụng các băng đảng chống những người biểu tình để cố quét sạch những người này ra khỏi các đường phố. Ông gọi những cáo buộc này là những lời đồn đoán và hoàn toàn vô căn cứ và không công bình.
Lời lẽ cứng rắn của ông Lương Chấn Anh về vãn hồi trật tự vào Thứ Hai không làm giới dân chủ Hồng Kông nao núng. Một giáo sư đại học Hồng Kông cho AFP biết ông khuyến khích bạn bè và sinh viên tiếp tục phong trào đấu tranh bất bạo động. Sinh viên Hồng Kông tuy lo lắng trước nguy cơ bị đàn áp nhưng không có ý định bỏ cuộc bởi vì họ đang “đấu tranh cho những giá trị cơ bản của tự do và dân chủ”.
Theo đặc phái viên RFI có mặt tại chỗ, Heike Schmidt, cho tới sáng Chủ Nhật người dân Hồng Kông vẫn tham gia chiến dịch chiếm đóng đường phố của giới sinh viên, học sinh:
“Không khí sáng ngày Chủ nhật hôm nay vui nhộn. Trời nắng. Nhiều gia đình với con em, kể cả con nhỏ khi thì đặt trong xe đẩy, khi họ công kênh con trên vai, tiến về phía hàng ngàn sinh viên đang chiếm đóng khu Admiralty. Trên trục lộ chính, bình thường ra thì rất đông xe cộ qua lại trong ngày nghỉ cuối tuần, nhưng hôm nay, sinh viên ngồi ăn ngay trên mặt đường. Một số khác thì mở sách, vở ra học bài, như để không lãng phí thời gian.
Phong trào chiếm đóng đường phố của học sinh, sinh viên Hồng Kông sau một tuần lễ đã tỏ dấu hiệu mệt mỏi. Có người nằm ngủ ngay tại chỗ. Nhưng bên cạnh những khuôn mặt mệt mỏi còn có cả sự lo âu. Sáng nay chẳng hạn nhiều vụ đụng độ đã xảy ra tại khu Mongkok. Chính quyền Hồng Kông lên giọng đe dọa người biểu tình.
Tối hôm qua, trong một bài diễn văn được phát đi trên đài truyền hình, ông Lương Chấn Anh kêu gọi người biểu tình giải tán và lãnh đạo Hồng Kông quyết tâm giải quyết dứt điểm tình hình nội trong ngày hôm nay Chủ Nhật. Vào ngày mai Thứ Hai, mọi người sẽ đi làm trở lại sau một tuần lễ nghỉ phép.
Chính quyền Hồng Kông cam kết tái lập trật tự, ổn định cho 7 triệu dân cư tại chỗ. Lời lẽ cứng rắn đó của ông Lương Chấn Anh khiến nhiều người lo ngại. Một số tin đồn đang được chuyển tải qua các mạng xã hội cho biết là cảnh sát đang chuẩn bị can thiệp. Dù vậy, trước mắt chưa có dấu hiệu người biểu tình Hồng Kông nhượng bộ. Trái lại họ đang tăng cường thêm các biện pháp phòng thủ”. – BBC, VOA, RFI
|
|
2.
Bắc Hàn: Sức khoẻ của lãnh tụ Kim ‘không có vấn đề gì’
Một giới chức hàng đầu của Bắc Triều Tiên nói với Bộ trưởng Thống nhất Nam Triều Tiên rằng sức khỏe của lãnh tụ Kim Jong Un không có vấn đề gì cả.
Bộ trưởng Thống nhất Ryoo Kihi-jae hôm Chủ nhật cho hay ông đã hỏi ông Kim Yang Gon, bí thư Đảng Công nhân cầm quyền Bắc Triều Tiên, về những đồn đại rằng lãnh tụ trẻ Kim Jong Un đang bị bệnh, nhưng Bí thư Kim Yang Gon khẳng định rằng ‘không có vấn đề gì cả’.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên trước đó được thấy trên truyền hình đi khập khiễng, và hơn một tháng qua đã không xuất hiện trước công chúng, một sự vắng mặt bao trùm trong chuyến thăm bất ngờ đến Nam Triều Tiên của ba phụ tá hàng đầu của lãnh tụ Kim.
Phái đoàn Bắc Triều Tiên đã họp với Bộ trưởng Thống nhất Ryoo của Nam Triều Tiên hôm thứ Bảy tại Incheon, và hai bên đồng ý nối lại các cuộc đối thoại cấp cao đã bị đình hoãn nhiều tháng qua.
Các cuộc đàm phán được dự trù sẽ diễn ra trong khoảng thời gian bắt đầu vào cuối tháng 10 cho đến đầu tháng 11.
Truởng ban đặc trách về Hàn Quốc của đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Yang Gon (Kim Dưỡng Kiện) tuyên bố với chính phủ Hàn Quốc là sức khỏe lãnh tụ trẻ của miền Bắc vẫn tốt.
Dường như để đánh tan mối nghi ngờ Kim Jong Un bị bệnh nặng hoặc bị quản thúc, ông Kim Yang Gon chuyển lời thăm hỏi “chân thành” của lãnh đạo miền Bắc đến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (Phác Cận Huệ) người mà chính Kim Jong Un trong thời gian gần đây đã gọi một cách mạ lỵ là “mụ đàn bà nội trợ”.
Tuy nhiên, theo lời kể lại của Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc thì ông không nhận được một thông điệp chính xác nào cả từ phái đoàn Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã không xuất hiện từ nhiều tuần lễ nay kể cả vắng mặt trong cuộc họp Quốc hội vào tuần trước. Truyền hình Nhà nước cũng không cung cấp hình ảnh nào mới sau khi cho thấy lãnh tụ trẻ béo phì đi đứng không bình thường.
Chuyến thăm viếng một ngày của phái đoàn nhân vật thân cận với lãnh đạo Bình Nhưỡng đã tạo ra hy vọng hai bên sẽ nối lại tiếp xúc. Ngoài Bí thư đảng cầm quyền còn có Phó Thống chế Hwang Pyong So (Hoàng Bính Thệ), tân Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương và Phó Thống chế Choe Ryong Hae (Thôi Long Hải), tất cả đều là nhân vật được xem là thân cận nhất của Kim Jong Un.
Cách nay hơn một tuần, Phó Thống chế Thôi Long Hải nhường chức Chủ tịch Quân ủy trung ương cho Hoàng Bính Thệ và sau đó chuyển sang nắm chức vụ Chủ tịch Ủy ban thể dục thể thao quốc gia. – VOA, RFI
Phe Taliban bày tỏ sự ‘trung thành với IS’
Phe Taliban ở Pakistan đã bày tỏ sự ủng hộ cho Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq.
Trong một thông báo nhân ngày Lễ Eid của người Hồi giáo, Taliban đã kêu gọi người Hồi giáo ở hai quốc gia này đoàn kết chống lại ‘kẻ thù’ là liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.
IS đã chiếm được một vùng rộng lớn ở Syria và Iraq nhưng cũng đang chiến đấu chống lại những nhóm chiến binh kình chống nhau có liên hệ với al-Qaeda.
Phe Taliban ở Pakistan đã tiến hành cuộc nổi dậy chống lại chính quyền Islamabad kể từ năm 1997.
Thông báo này do Maulana Fazlullah, lãnh đạo của nhóm Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) đưa ra hôm thứ Bảy ngày 4/10 và được người phát ngôn của ông ta gửi đi.
‘Tự hào’
“Chúng tôi tự hào với chiến thắng của các bạn trước kẻ thù. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng các bạn vào những lúc thành công cũng như thất bại,” ông Fazlullah nói với các chiến binh IS.
“Vào những lúc khó khăn này, chúng tôi kêu gọi các bạn hãy kiên nhẫn và đoàn kết bởi vì kẻ thù đang hợp sức chống lại các bạn. Hãy quên sự hiềm khích lẫn nhau.”
Thông cáo này cũng nói cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ‘sẽ sát cánh cùng IS vào thời điểm khó khăn này và sẽ giúp đỡ những gì có thể’.
Phóng viên BBC Shaimma Khalik ở Islamabad nói cho tới nay có ít bằng chứng cho thấy có thỏa thuận nào đó giữa IS và Taliban ở Pakistan.
Nhưng gần đây, cũng theo phóng viên Khalik, người ta đã nhìn thấy những người ủng hộ IS ở thành phố Peshawar ở tây bắc Pakistan đang phát tờ rơi ca ngợi IS.
Đà tiến quân nhanh chóng của IS ở Iraq kể từ tháng Sáu đã khiến Mỹ và các đồng minh tiến hành không kích để ngăn chặn.
Hôm thứ Bảy ngày 4/10, quân đội Peshmerga của người Kurd và lực lượng dân quân Shia đã đẩy lùi các chiến binh IS ra khỏi một cây cầu có vị trí chiến lược ở gần thành phố Kirkuk ở miền bắc Iraq.
Còn ở Syria, IS đang tiến về thị trấn Kobane nằm trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã trở thành chiến trường chính giữa các chiến binh Hồi giáo và lực lượng kháng chiến.
Hơn 160.000 người Syria, đa phần là người Kurd, đã chạy sang biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi IS phát động chiến dịch tấn công Kobane hồi tháng trước.
Hơn 190.000 đã thiệt mạng trong hơn ba năm xung đột ở Syria. – BBC
Malaysia: Kêu gọi không trả người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc
Một tổ chức nhân quyền Malaysia, ngày 05/92014 kêu gọi chính phủ tỏ lòng nhân đạo không trục xuất người tỵ nạn đến từ Tứ Xuyên. Hơn 150 người Duy Ngô Nhĩ nhập cảnh bất hợp pháp bị cảnh sát phát hiện và bắt giam cách nay hai hôm.
Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng trấn áp tại Tân Cương, hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ đã bỏ xứ đi tỵ nạn. Theo AFP, cách nay hai hôm, cảnh sát Malaysia trong một cuộc lục soát chống di dân bất hợp pháp tại Kuala Lumpur, đã bắt được 155 người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương trong số này có 76 trẻ em.
Được tin này, tổ chức nhân quyền Suaram kêu gọi chính phủ Malaysia đánh động công luận và kêu gọi chính phủ hãy bảo vệ sinh mạng cho những di dân Duy Ngô Nhĩ vì trả họ về Trung Quốc là đưa họ vào chỗ chết. Suaram lưu ý chính quyền Malaysia số phận của 76 trẻ em nếu cha mẹ bị tù đày hay tử hình.
Sở dĩ giới nhân quyền phải lên tiếng khẩn cấp vì Kuala Lumpur đã hai lần trục xuất người tỵ nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc. Lần đầu, 11 người vào năm 2011 mà chính phủ Malaysia lý giải là họ thuộc tổ chức “buôn người”. Lần thứ hai, 6 người, năm 2012 ngay vào lúc Cao Ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc đang cứu xét quy chế tỵ nạn của họ.
Tổ chức nhân quyền Suaram kêu gọi chính phủ hợp tác với Cao Ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc và đòi tư pháp phải xem xét từng trường hợp một những người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam.
Vì muốn thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh, năm 2012, chính quyền Malaysia đã bất chấp những lời phản đối của Cao ủy tỵ nạn, trao 6 người Duy Ngô Nhĩ xin tỵ nạn cho Trung Quốc. Được AFP đặt câu hỏi, Cơ quan di trú của Malaysia từ chối trả lời về trường hợp của 155 người mới bị bắt.
Những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên và Tân Cương thường chọn các nước Đông nam Á như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam làm nơi trung chuyển trên đường tìm tự do. – RFI
Tin Hoa Kỳ
Mỹ sắp bố trí tàu chiến tự hành tại eo biển Malacca
Hải quân Mỹ thông báo sắp sử dụng vũ khí mới là tàu tuần dương tự hành để hộ tống chiến hạm hoạt động trong khu vực “nhạy cảm” như eo biển Ormuz ở vùng vịnh Ba Tư và eo biển Malacca nhìn ra biển Đông Nam Á.
AFP trích dẫn nguồn tin hải quân Mỹ cho biết công nghệ sử dụng trong chương trình thám hiểm sao Hỏa đã được áp dụng vào lãnh vực quân sự đó là việc sử dụng phương tiện tự hành để tác chiến.
Hải quân Mỹ sẽ được trang bị hàng loạt tàu hộ tống tự hành, không người lái, mà theo kết quả thử nghiệm và biểu diễn hồi tháng 8 vừa qua trên dòng sông James ở Virginia đã mang lại kết quả tin cậy.
Trong cuộc diễn tập này, 13 tàu tự hành được sử dụng. Khi được lệnh, 5 chiếc tàu tự động bảo vệ một chiến hạm mẹ đưa ra khỏi vùng nguy hiểm một cách an toàn, 8 chiếc còn lại dàn ra bao vây hải thuyền “ địch ”.
Kết quả “kinh ngạc” và “vượt hẳn mọi tiên liệu”
Sau đợt thử nghiệm kéo dài hai tuần lễ, Phó Đô đốc Matthew Klunder, Giám đốc nghiên cứu của hải quân tuyên bố với báo chí là trong tương lai gần chiến thuật này sẽ được ứng dụng tại các vùng an ninh nhạy cảm. Có thể tại eo biển Malacca (giữa Malaysia và Singapore) và eo biển Ormuz (vùng Vịnh).
Trong vòng một năm sắp tới, các hạm đội Mỹ sẽ được tăng cường tàu chiến không người lái, dài 11 mét này. Chỉ cần một sĩ quan là đủ để theo dõi hoạt động của 20 tàu chiến tự hành.
Khác với máy bay không người lái, tàu chiến tự hành có khả năng tự quyết nhiều hơn, không cần phải chờ người điều khiển ra lệnh mỗi giai đoạn. Mỗi tàu chiến tự mình di chuyển, tự điều hợp với các tàu tự hành khác theo đội hình tốt nhất khi gặp nguy hiểm.
Một điểm lợi nữa là trị giá mỗi chiếc tàu không người lái không cao và được gọi là “vũ khí giá rẻ” và tránh được tổn hại sinh mạng thủy thủ.
Tuy nhiên, những người chống lại yêu cầu phải có tranh luận và đặt ra luật lệ rõ ràng, ấn định điều kiện và giới hạn việc sử dụng loại vũ khí này. – RFI