Mỹ không kềm chế được tham vọng biển đảo của Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – REUTERS /Evan Vucci
Tranh chấp biển đảo đang gây sóng gió cho quan hệ của các quốc gia Châu Á, mà đặc biệt là quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hiện rơi xuống thấp nhất từ một năm nay. Dưới danh nghĩa đồng minh của một số quốc gia Châu Á, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đề nghị Bắc Kinh giảm bớt các yêu sách chủ quyền lãnh thổ, nhưng không thành. Le Figaro đăng tựa : “Kerry không kềm được tham vọng của Trung Quốc”.
Tờ báo nhận định, tài gỡ mìn của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn không thay đổi được tình hình. Các quốc gia láng giềng của Trung Quốc bị bắt nạt và ngày càng quan ngại trước các yêu sách lãnh thổ ngày càng mạnh của Trung Quốc, ông John Kerry đã cố gắng đàm phán với chủ tịch nước Tập Cận Bình, nhưng cũng vô ích, thậm chí Hoa Kỳ cũng đã đe dọa rằng, các quần đảo đang tranh chấp với Nhật là nằm trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh, quy định Mỹ được phép can thiệp bảo vệ Nhật khi có một nước thứ ba tấn công. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn bỏ ngoài tai những cảnh cáo trên.
Hoa Kỳ luôn hy vọng hợp tác tốt với Bắc Kinh, đồng minh có trọng lượng duy nhất của Bình Nhưỡng nhằm thuyết phục chế độ Kim Jong-un giải trừ chương trình hạt nhân. Ngoại trưởng John Kerry nhận định sau cuộc hội đàm vừa qua : đàm phán với chủ tịch nước Tập Cận Bình rất mang tính « xây dựng, tích cực và tôi lấy làm vui mừng vì đã có dịp bàn luận chi tiết về các thách thức của chính quyền Bình Nhưỡng ».
Thế nhưng, ngoại trưởng John Kerry đã không thành công trong việc giải quyết hồ sơ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với các nước láng giềng tại Biển Đông. Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, thậm chí cả những lãnh hải rất xa với vùng duyên hải của mình, gây lo ngại đặc biệt cho Philippines và Việt Nam. Thế nhưng, căng thẳng nhất vẫn là tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa hai đại cường kinh tế Châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc.
Trên truyền hình Trung Quốc, một bộ phim nhiều tập mang tên : « Kỵ sĩ chống Nhật » miêu tả lại cảnh quân Nhật xâm lược Trung Quốc trong những năm 1930, chúng ta sẽ thấy bạo lực hận thù của Trung Quốc đối với Nhật vẫn còn quá lớn. Đó là một cao thủ võ lâm với sức mạnh siêu phàm cắn xé vụn thi thể của những người lính Nhật trong một bể máu. Thế nhưng, một cuộc chiến khác, với vai chính là các nhà ngoại giao Trung Quốc, cũng được phô bày trên màn ảnh.
Tại khắp các thủ đô, các nhà ngoại giao Trung Quốc vốn nổi tiếng là kín đáo, giờ đây lại bắt đầu làm mưa làm gió. Trong một mục được đăng trên tờ Daily Telegraph, đại sứ quán Trung Quốc tại Luân Đôn đã nêu lên hình ảnh nhân vật xấu Lord Voldemort trong truyện Harry Potter để lên án những khuynh hướng quân phiệt của thủ tướng Nhật.
Cuối cùng, bài báo nhận định, Trung Quốc ngày càng tự tin hơn vào chính mình, đang sử dụng nghệ thuật « quyền lực mềm » và trở thành « đối thủ » đáng gờm đối với Hoa Kỳ trong khu vực, bất chấp chính sách « xoay trục » sang Châu Á của Mỹ.
Căng thẳng Nhật – Hàn làm lung lay chính sách « xoay trục » của Mỹ
Nhìn sang tranh chấp lãnh hải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, tờ Le Figaro tiếp tục phân tích, giữa Tokyo và Seoul, quá khứ đã qua nhưng hận thù vẫn còn đó. Tình hình này làm lung lay chiến lược « xoay trục » của Mỹ tại vùng Đông-Bắc Á. Ngoại trưởng John Kerry phải đóng vai trò làm lính cứu hỏa để dập bớt đám cháy đang âm ỉ trong hai đồng minh chính của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Khi công du tại Seoul vào thứ năm vừa qua, Ngoại trưởng John Kerry đã kêu gọi Hàn Quốc và Nhật Bản cùng nhau bỏ qua những xung khắc « có từ quá khứ để đối mặt với những thách thức chiến lược hiện tại ». « Chúng ta cần phải duy trì một sự phối hợp mạnh mẽ giữa ba bên, đặc biệt là trước mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên ». Tuần trước đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng gửi cùng một thông điệp đến người đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida, khi ông công du tại Washington.
Trong một bài diễn văn, Thủ tướng Nhật Abe mang khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc mong muốn trang bị cho Nhật một quân đội thật sự. Điều này làm tái phát những vết thương cũ của Hàn Quốc thời kỳ bán đảo Triều Tiên thuộc địa từ năm 1910-1945, bất kể hiệp ước bình thường hóa quan hệ được ký kết vào năm 1965. Từ khi nhậm chức cách đây một năm, nữ Tổng thống Park Geun-hye vô cùng cương quyết.
Bà đã loại trừ mọi cuộc họp thượng đỉnh với Thủ tướng Abe, chừng nào ông vẫn chưa thể hiện thái độ ăn năn về những tội ác mà Nhật đã gây ra trong quá khứ. Seoul đòi hỏi Thủ tướng Nhật phải có lời xin lỗi. Thái độ cứng rắn của nữ tổng thống Hàn Quốc đe dọa chiến lược « xoay trục » của Tổng thống Obama tại Châu Á nhằm chống lại đe dọa của Bình Nhưỡng và đặc biệt là ngăn chặn sự lớn mạnh của Trung Quốc. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh quan trọng, bởi vì Mỹ đặt nhiều căn cứ quân sự tại đây.
Tại Seoul, ông Kerry tái khẳng định sự kiên định của Washington trong việc « tái cân bằng » lực lượng ngoại giao và quân sự tại Á châu, để kêu gọi các đồng minh của mình nỗ lực hòa giải với nhau. Ông cũng nhận thấy là không phải dễ để làm được điều ấy.