Ðiểm Báo Pháp – 3/10/2014
Người biểu tình cầm dù ngăn chặn ngõ vào trụ sở chính quyền Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 03/10/2014.REUTERS/Tyrone Siu
Hồng Kông : Chính quyền mong phong trào phản kháng ‘tự phân hủy’
Theo RFI
Mai Vân
Ngày 03-10-2014 18:35
Bên cạnh thời sự Pháp chiếm tựa đầu các trang nhất hôm nay với cuộc chạy đua giành chiếc ghế chủ tịch đảng cánh hữu UMP của cựu Tổng thống Sarkozy, thờ i sự quốc tế được chú ý rộng rãi vẫn là cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông.
Tuy nhận định dưới góc độ khác nhau nhưng cảm nhận chung của báo giới Pháp đều như tựa của báo Libération ở trang Thế giới, nói đến « chiến lược » để phong trào phản kháng gọi là « tự phân hủy » mà chính quyền Hồng Kông đang áp dụng. Tờ báo nhắc lại lời của lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh khẳng định không từ chức và sẽ kiên nhẫn (chờ đợi).
Tác giả bài báo, đặc phái viên Philippe Grangereau, nhìn thấy dường như chính quyền Hồng Kông đã thay đổi chiến lược : Sau khi sử dụng vũ lực, lựu đạn cay để giải tán đám đông biểu tình vào lúc cuối tuần, giờ đây vị lãnh đạo rất bị ghét bỏ ở Hồng Kông chờ « thời gian bào mòn người biểu tình ».
Một nguồn tin thân chính quyền đã giải thích như trên và còn nói thêm là ngoại trừ « tình hình rơi vào hỗn loạn, sẽ không phái cảnh sát chống bạo động… dù tình hình này kéo dài hàng tuần hay cả tháng, nhưng sẽ được giải quyết một cách hòa bình ».
Libération nhận xét : Ý định là như thế nhưng chính quyền Hồng Kông cũng chuẩn bị đối phó với mọi tình huống. Hôm thứ Tư, ngưòi biểu tình đã thấy cảnh sát lấy từ trên xe những thùng có ghi ‘round, 38mm, rubber baton multi’ : Rõ ràng đây là những thùng đạn cao su.
« Kênh liên lạc đã được mở ra »
Về giới biểu tình, tác giả bài báo trích lời chuyên gia Pháp Jean Pierre Cabestan ở Hồng Kông, ghi nhận là phong trào phản kháng gồm nhiều khuynh hướng và nếu thống nhất trên hai mục tiêu – buộc lãnh đạo Hồng Kông từ chức, và đòi bãi bỏ quyết định của Quốc hội Trung Quốc ngày 31/08, tức là chỉ những ‘người yêu nước mới có quyền ứng cử’ – thì ngược lại, họ khá chia rẽ trên phương thức hành động.
Về giải pháp hòa bình ra khỏi cuộc đọ sức hiện nay, chuyên gia Pháp thấy là có khả năng, vì những « kênh liên lạc đã được mở ra giữa lãnh đạo phong trào phản kháng và chính quyền Hồng Kông, và không loại trừ khả năng là thương lượng mở ra thẳng với Bắc Kinh, qua mặt ông Lương Chấn Anh. » Một trong người thành lập phong trào Occupy Central – Chiếm lĩnh Trung Hoàn – ông Trần Kiện Dân (Chan Kin-man), đã huy động người làm trung gian để mở thương lượng với Bắc Kinh.
Báo Les Echos nhận định tương tự như đồng nghiệp Libération, là « tại Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc đánh cuộc trên sự hụt hơi của phong trào phản kháng ». Tờ báo nhắc lại là dường như là Bắc Kinh đã ra lệnh cho ông Lương Chấn Anh không được cho nổ súng và tìm một gỉải pháp hòa bình.
Báo La Croix và Le Figaro cũng nêu bật khả năng trên. La Croix trong hàng tựa nói đến ‘Hồng Kông trên con đường lắng dịu’, vì chính quyền Hồng Kông đã chấp nhận thương lượng trong vài ngày tới đây với lãnh đạo sinh viên. Nhưng tờ báo cũng thận trọng cho là trong lúc Bắc Kinh khó thể bỏ kế hoạch bầu cử năm 2017, giải pháp cho tình hình đối đầu hiện nay khá eo hẹp.
Le Figaro trong hàng tựa lớn trang quốc tế nói đến : « Cánh cửa đối thoại hé mở ở Hồng Kông ». Tờ báo ghi nhận ông Lương Chấn Anh không từ chức nhưng đồng thời đề nghị thương lượng với sinh viên.
Tờ báo phân tích là dưới sức ép của người biểu tình, lãnh đạo Hồng Kông đã phải nhượng bộ đôi chút để bám chặt hơn vào chiếc ghế của ông.Vài phút trước khi tối hậu thư đòi ông từ chức hết hạn, ông Lương Chấn Anh lên tiếng đề nghị một cuộc gặp với sinh viên. Một cử chỉ mà Le Figaro cho là để tránh nguy cơ sinh viên tràn vào trụ sở chính quyền với khả năng đụng độ đẫm máu.
Về phía phong trào phản kháng, Le Figaro nhận thấy là lãnh đạo phong trào tổ chức biểu tình muốn tranh thủ sự ‘nhiệt tình’ trong mấy ngày qua để ghi điểm, nhưng họ cũng thấy họ phải tính với thời gian. Cái giá kinh tế mà Hồng Kông phải trả do biểu tình là một yếu tố nặng ký.
Hồng Kông : Thách thức lớn nhất của Bắc Kinh sau Thiên An Môn
Tờ báo nhìn về phía Trung Quốc nhìn thấy tình hình sôi sục ở Hông Kông hiện nay là thách thức lớn nhất đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc từ sau Thiên An Môn.
Và Bắc Kinh đang chuẩn bị một cuộc đọ sức dài hơi với Hồng Kông. Và như để đối phó với con virút nguy hiểm, chính quyền Trung Quốc đã ‘cách ly’ Hồng Kông, áp dụng nào là kiểm duyệt thông tin, bắt hàng chục người, nào là cấm du lịch… để tránh không cho đòi hỏi dân chủ ở Hồng Kông lây nhiễm sang Trung Quốc.
Thảt ra theo Le Figaro, Bắc Kinh đứng trước một sự đối đầu trực diện và không thể sử dụng tại Hồng Kông những dụng cụ như ở Hoa Lục để kiểm soát chặt chẽ, bóp nghẹt mọi cuộc biểu tình, nổi dậy như bắt người một cách độc đoán, giam cầm vô thời hạn …
Tờ báo nêu tư thế tế nhị của ông Tập Cận Bình trên hồ sơ này : Chủ tịch Trung Quốc buộc phải chạy đua với thời gian và giựt dây ở hậu trường. Ông sẽ lên tiếng vào lức thích hợp.
Tờ báo ghi nhận một nghịch lý là chiến dịch chống tham nhũng của ông, một công cụ ngoạn mục để tăng uy tín của ông, và loại trừ các đối thủ, lại khiến thế đứng của ông có thể bị suy yếu : chiến dịch tạo thêm kẻ bất bình và các đối thủ của ông sẽ khai thác ‘mặt yếu ‘của ông trên hồ sơ Hồng Kông.
Hồng Kông : Các gương mặt tiêu biểu của phong trào phản kháng
Ngoài ra, Le Figaro và Le Monde hôm nay chú ý đến các gương mặt trẻ nổi bật của phong trào phản kháng Hồng Kông. Le Figaro đạc biệt chú ý đến Hoàng Chi Phong mới 17 tuổi, nhưng là biểu tượng của ‘Thế hệ hoa dù’.
Tờ báo không xiết ngạc nhiên trước cảnh cậu thanh niên gầy gò nhỏ thó, đứng trên một chiếc ghế khập khiễng lại được đám đông hoan nghênh như đón tiếp một ngôi sao nhạc rock.
Anh cầm chiếc micro là hàng nghìn người bao vây trụ sở chính quyền nín thở để nghe. Anh chỉ phát biểu ngắn gọn ‘hãy kiên trì, đoàn kết, hãy gọi người hỗ trợ’, rồi biến mất trong đám đông dưới những tiếng hoan hô nhiệt liệt.
Mới 17 tuổi nhưng Hoàng Chi Phong đã là ngọn cờ đầu của phong trào đấu tranh, cho thấy cậu là một nhà đấu tranh lão luyện, đầy kinh nghiệm đấu tranh chính trị. Chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc bắt đầu cảnh giác.
Tờ báo hóm hỉnh cho là Hoàng Chi Phong cũng được « sự an ủi tối cao » : hiện nay anh bị truyền thông chính thức của Trung Quốc tố giác là người của tình báo Mỹ, CIA.
Báo Le Monde không chỉ nêu danh Hoàng Chi Phong, mà tờ báo gọi là ‘‘em út’. Bên cạnh đó, Le Monde liệt kê nào là Chu Vĩnh Khang (Alex Chow) sinh viên 24 tuổi ; cao niên hơn là ông Đái Diệu Đình (Benny Tai) 50 tuổi, giáo sư luật Đại học Hồng Kông, người chủ xướng ‘bất phục tùng dân sự’, Trần Kiện Dân (Chan Kin Man) 55 tuổi giáo sư xã hội học, đồng sáng lập phong trào Occupy Central, Tiền Chí Kiện (Edward Chin) nhà tài chính đã huy động 80 lãnh đạo ngân hàng hỗ trợ cho phong trào.
Đây là những gương mặt nổi bật, nhưng còn nhiều người ở phía sau, ví dụ như ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) một nhà tài phiệt 66 tuổi, Lý Trụ Minh (Martin Lee) được xem như một trong những người cha của phong trào, và phải kể đến Đức Hồng Y Trần Nhật Quân (Joseph Zen) 82 tuổi, nhưng hoạt động không ngơi nghỉ.
Chính quyền Thái Lan bị « bé cái lầm ! »
Báo Les Echos, nhìn qua châu Á, đã chú ý đến một chuyện khôi hàin nhưng có thật, vừa mới xẩy ra tại Thái Lan. Trong khoảnh khắc một vài tiếng đồng hồ hôm qua, thứ Năm 02/10/2014, chính quyền Thái Lan đã hân hoan chào mừng một sự kiện lịch sử : Đó là được vinh dự tổ chức trong thời gian tới đây cuộc đua xe đạp nổi tiếng nhất hành tinh : Vòng đua nước Pháp – Tour de France ! Thế nhưng sau đó ít lâu, chính nhà tổ chức Tour de France đã dội một gáo nước lạnh lên niềm vui của Thái Lan !
Sau khi được cấp dưới của mình báo cáo, Cơ quan Quản lý Du lịch Thái Lan TAT đã chính thức ra thông cáo tuyên bố rất vui mừng về việc Thái Lan sắp được tổ chức cuộc đua xe đạp đầy uy tín trên lãnh thổ của mình.
Theo các cán bộ thuộc cơ quan này, các cuộc thảo luận về khả năng dời Vòng đua nước Pháp qua Thái Lan kể từ năm 2016 đã bắt đầu vào giữa tháng Chín nhân một cuộc gặp tại Paris giữa cơ quan TAT và ông Jean-Etienne Amaury, Chủ tịch Tổ chức Thể thao Amaury (ASO), chịu trách nhiệm quản lý Tour de France.
Ông Thawatchai Arunyik, lãnh đạo cơ quan TAT còn tuyên bố : « Chúng tôi chưa chắc chắn về số lượng các chặng đua mà chúng tôi được tổ chức, sẽ là một, hai hoặc toàn bộ các chặng, tất cả các điều đó sẽ nằm trong vòng đàm phán ». Nhân vật này không quên khẳng định rằng Thái Lan « là địa điểm lý tưởng để tổ chức một sự kiện uy tín. »
Khi được hỏi quyết định di dời đáng ngạc nhiên đó, Tổ chức ASO ngay tối qua, đã dội một gáo nước lạnh vào sự phấn khởi của chính quyền Thái Lan, và cho rằng hiểu lầm có thể đến từ việc dịch sai.
Một phát ngôn viên ASO xác nhận : « Quả là đang có đàm phán, nhưng không phải là để di dời Tour de France qua Thái Lan… mà là để tổ chức một cuộc đua một ngày ở Thái Lan, tương tự như cuộc đua Tour de France Saitama criterium » mà ASO đã tổ chức tại Nhật Bản.
Cuộc đua Tour de France Saitama criterium sẽ diễn ra tại Nhật vào ngày 25 tháng 10 tới đây, với sự có mặt của nhiều tay đua từng tham gia Vòng đua nước Pháp vào mùa hè vừa rồi. Các cuộc đua nhỏ này nhằm quảng bá bộ môn đi xe đạp cũng như thương hiệu « Tour de France » ở châu Á.
Mỹ : Obama giống người tiền nhiệm nào ?
Trên trang Quốc tế, báo Le Monde hôm nay cũng có một bài bút ký hóm hỉnh về Tổng thống Mỹ Obama, với tựa đề Obama – Ấn bản Bush (cha) ? Ngay trong những chữ đầu, giọng điệu châm biếm của bài viết đã lộ rõ : Trong cuộc đua tài, khoe sắc giữa các tổng thống Mỹ, phần chính sách đối ngoại, Barack Obama quả là đang khởi đầu nan. Giải Nobel Hòa bình năm 2009 bị công dân của mình đánh giá rất thấp – và điểm số ở ngoại quốc cũng không mấy khá hơn ».
Câu hỏi được tờ báo Pháp đặt ra là các đánh giá đó có xác đáng hay không ? Và Le Monde đã trả lời ngay : « Có lẽ là không ».
Theo nhật báo Pháp, ông Obama thường được so sánh nhiều nhất với người tiền nhiệm Jimmy Carter (1976-1980), cũng trong đảng Dân chủ, bị coi là một thảm họa. Là một người ngoan đạo, có cung cách sống giản dị và khiêm tốn, ông Carter bị cáo buộc là đã làm giảm uy thế của Hoa Kỳ trên trường quốc tế, đã thể hiện một tính cách yếu đuối vốn đã bị các kẻ thù của nước Mỹ – Liên Xô, Cách mạng Hồi giáo Iran – lợi dụng một cách trâng tráo.
Phải chờ đến khi bầu cựu thống đốc California Ronald Reagan (1980-1988) thuộc đảng Cộng hòa, một nhân vật oai vệ đã kinh qua Hollywood, thì dân Mỹ mới khôi phục lại hình ảnh của một nước Mỹ mà họ thích…
Trước khi ông phát động chiến dịch oanh kích chống lại tổ chức thánh chiến gọi là « Nhà nước Hồi giáo », lời phê phán nặng nề nhất nhằm vào ông Obama được gói trong cụm từ : Tổng thống đang trên đà Carter hóa ở giai đoạn cuối.
Trong những cuộc thăm dò dư luận, đa số người Mỹ trách ông Obama là đã tạo nên ấn tượng về một nước Mỹ chần chờ và bất lực trước những mối nguy của thời đại : Sự vươn lên của một nước Nga nung nấu lòng phục hận, và chủ nghĩa đế quốc khu vực của một Trung Quốc muốn áp đặt sự thống trị trên vùng Đông Nam Á.
Obama : Không thích chiến tranh nhưng buộc phải lâm trận
Thế nhưng, đối với Le Monde, chê bai ông Carter là một điều không đúng vì về mặt đối ngoại, vị tổng thống thứ 39 của nước Mỹ đã để lại nhiều thành quả đáng chú ý. Và rất có thể là khi chết đi, ông Carter sẽ được tôn vinh như một vị tổng thống vĩ đại.
Những người chê bai ông Obama hiện nay, thường là những kẻ ca ngợi ông Roanald Reegan. Thế nhưng, theo Le Monde, nhà báo Mỹ Thomas Friedman trên tờ New York Times, đã cho rằng công việc của ông Obama ngày nay khó khăn hơn công việc của ông Reagan trước đây rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang có nhiều cực mạnh mới cũng như cũ đang đấu tranh với nhau và chưa vạch ra được luật chơi mới, và chịu thêm sự khuấy động của một số tác nhân phi Nhà nước như tố chức Nhà nước Hồi giáo chẳng hạn.
Theo Le Monde, toàn bộ chính sách đối ngoại của ông Obam được hình thành trên cơ sở chống lại di sản của người tiền nhiệm G.W. Bush, từ việc tìm mọi cách rút ra khỏi hai chiến trường Irak và Afghanistan, cho đến niềm tin rằng bộ máy quân sự Mỹ cũng có giới hạn…
Đối với Le Monde, điều oái oăm là Tổng thống Obama, một người không thích chiến tranh, lại phải lâm trận, mà lại phải lao vào một khu vực mà ông từng muốn rút người Mỹ đi. Tệ hại hơn nữa là ông lại đề ra một mục tiêu quá cao là triệt hạ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, điều có lẽ khó có thể làm được với chiến dịch không kích đơn thuần, mà phải dùng đến quân lính trên bộ, và nhất là xây dựng lại được hai quốc gia đang rệu rã là Irak và Syria.
Tuy vậy, theo Le Monde, ông Obama có thể làm suy yếu tổ chức Nhà nước Hồi giáo, khoanh vùng nhóm này, giảm bớt quy mô các vụ tàn sát đang diễn ra cũng như lượng người phải tản cư. Điều quan trọng hơn cả là ông đã kéo được các nước Ả Rập vào chiến dịch không kích, một điều không dễ làm chút nào.
Căn cứ vào các điểm trên đây, Le Monde kết luận : Nếu cần phải so sánh, thì phải đối chiếu ông Obama với Tổng thống George Bush Cha (1988-1992), một người đã biết khéo léo xử lý sự rệu rã đầy nguy hiểm của Liên Xô.