Tin Thế Giới – 2/10/2014
Bắc Kinh cảnh báo — Người biểu tình chặn lối vào các toà nhà chính phủ — NT Vương Nghị ‘Hồng Kông là chuyện nội bộ của TQ’
Chính phủ trung ương Trung Quốc cảnh báo về tình trạng hỗn loạn và hậu quả nghiêm trong nếu các cuộc biểu tình đòi dân chủ tiếp tục ở Hong Kong.
Chính quyền Hong Kong cảnh báo người biểu tình chớ nên chiếm đóng các công ốc, và Trung Quốc nói người biểu tình đang đem sự hỗn loạn đến Hong Kong.
Những lời cảnh báo được đưa ra sau khi tin cho hay Trung Quốc đã bắt giữ hơn 20 người ở lục địa có hành động ủng hộ các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong. Ông William Nee, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế, vừa công bố một báo cáo về các vụ bắt giữ, nói:
“Dường như có rất nhiều người bị bắt giữ, có thể là vì bày tỏ sự ủng hộ dành cho các cuộc biểu tình ở Hong Kong.”
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết Trung Quốc đã bắt người ở nhiều thành phố, trong đó có Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Quảng Châu và Giang Tô. Những người bị bắt đã bày tỏ sự ủng hộ trên mạng đối với các cuộc biểu tình, có ý định du hành tới Hong Kong để tham gia biểu tình hay cạo đầu trong khuôn khổ chiến dịch ‘Cạo đầu cho Hong Kong’ ở lục địa.
Những vụ bắt giữ diễn ra tiếp theo nhiều ngày kiểm duyệt ở các cấp cao trong chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc đã cấm các hình ảnh cuộc biểu tình được chia sẻ trên mạng và chận dịch vụ chia sẻ hình ảnh Instagram hồi cuối tuần qua. Các bản tin về các cuộc biểu tình cũng bị kiểm duyệt gay gắt.
Người biểu tình ở Hong Kong bác bỏ đề nghị mà Bắc Kinh đưa ra cho cuộc bầu cử chức hành chánh trưởng quan của thành phố này vào năm 2017. Kế hoạch này sẽ chỉ cho phép dân chúng bầu cho các ứng viên được chọn bởi một ủy ban với thành phần là những người trung thành với Bắc Kinh. Người biểu tình nói họ phải được phép chọn những ứng cử viên vào chức lãnh đạo thành phố một cách trực tiếp.
Trong một bài xã luận trên báo Nhân dân của chính phủ Trung Quốc, Trung Quốc nói người biểu tình sẽ lôi kéo Hong Kong vào tình trạng ‘hỗn loạn’.
Bài bình luận trang nhất tiếp tục nói rằng người biểu tình đã ‘vi phạm trắng trợn luật lệ và quy định của Hong Kong, cản trở nghiêm trọng giao thông và gây rối trật tự xã hội’.
Các nhà phân tích về Trung Quốc như ông Thời Ân Hoằng, một giáo sư tại trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cũng lập lại các phát biểu của chính phủ. Ông nói nếu Trung Quốc tìm cách thoả hiệp với người biểu tình thì họ sẽ tưởng thưởng cho các nhà hoạt động dân chủ ở Hong Kong mà hành động bị chính phủ coi là cực đoan.
“Chính phủ Trung Quốc coi những người này vào lúc này là những người đã làm một việc gây thiệt hại cho Trung Quốc, cho trật tự và sự ổn định của Trung Quốc. Và tôi nghĩ đó là một sự thực. Và tôi không muốn đưa ra nhận định nào về các hành động được tiến hành bên trong lục địa.”
Nhưng những người bênh vực cho nhân quyền nói chính các chiến thuật mạnh tay mà chính phủ Trung Quốc sử dụng để trấn áp bất đồng đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình. Những nhà hoạt động như ông William Nee của Tổ chức Ấn xá Quốc tế, cho rằng các mưu toan của Trung Quốc nhằm hạn chế quyền tự do phát biểu và báo chí ở Hong Kong, cũng như sự cách biệt ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo, sẽ tiếp tục khích lệ các cuộc biểu tình, cho dù các cuộc biểu tình hiện nay sẽ biến dần.
Cuối cùng vì chính phủ Trung Quốc dường như không muốn thoả hiệp và giới trẻ ở Hong Kong dường như rất quyết tâm tranh đấu cho quyền của họ; có phần chắc nhất là đối đầu và thảo luận về tương lai của Hong Kong sẽ tiếp tục rất mãnh liệt’.
Giới lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc dưới quyền của ông Tập Cận Bình đã có một chủ trương cứng rắn đối với bất đồng chính trị hay chỉ trích từ phía các nhà hoạt động. Dưới trướng của ông Tập Cận Bình, nhà chức trách đã duy trì các chính sách nhà nước gắt gao về kiểm duyệt, áp dụng các biện pháp an ninh mạnh tay ở các khu vực có bất ổn về sắc tộc và bắt giữ hàng chục nhân vật bất đồng và các nhà hoạt động pháp lý.
Các đám đông ủng hộ đòi dân chủ chiếm đóng trung tâm Hong Kong đã thưa dần đáng kể trong ngày thứ năm. Trong khi giới hoạt động tìm cách duy trì áp lực lên chính phủ để chấp nhận các yêu sách của họ, vấn đề trở thành liệu những con số lớn người có tiếp tục tham gia hay hậu thuẫn quần chúng sẽ dần dà giảm sút.
Một số nhà hoạt động đòi dân chủ ở Hong Kong đang tìm cách chặn lối vào toà nhà có văn phòng của Hành chánh Trưởng quan. Một số người lãnh đạo Phong trào Cách mạng Dù cho biết họ dự tính sẽ gia tăng việc gây gián đoạn cho các chức năng của chính phủ cho đến khi nào Trung Quốc đồng ý không can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Hong Kong nữa.
Theo Mio Chang là Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Baptit Hong Kong.
“Kế hoạch của chúng tôi là, tiếp tục làm áp lực đối với chính phủ và đó là một điều cần thiết trong quá trình này.”
Cảnh sát Hong Kong đã trấn áp người biều tình hồi đầu tuần, nhưng giới hữu trách sau đó đã nhượng bộ, để cho các đám đông tụ tập với hy vọng cuối cùng họ sẽ tự ý giải tán.
Những người còn ở ngoài đường vẫn tiếp tục cam kết với sứ mạng. Nhiều người như cô Ruby Yeung bày tỏ sự ủng hộ bằng cách dán những thông điệp lên một bức tường.
“Chúng tôi chỉ viết rằng, chúng tôi ủng hộ dân chủ thực sự và bênh vực cho quyền tự do phát biểu, và chúng tôi ủng hộ Hong Kong.”
Một số cư dân Hong Kong không tham gia biểu tình coi phong trào này là dân chủ trong hành động. Cô Cassie Leung, một học sinh 16 tuổi đến cùng với gia đình.
“Đây quả là một cách thực tập tốt cho tôi để học hỏi về những gì đang xảy ra ở Hong Kong và nó đã kích thích nhận thức xã hội của tôi và không những chỉ về các phong trào dân chủ như Chiếm Trung mà có lẽ còn cả các phong trào xã hội khác nữa.”
Duy trì nhận thức và sự ủng hộ của công chúng ở mức cao, và huy động số đông người ủng hộ tiếp tục chiếm đóng Hong Kong dường như là một thách thức chủ yếu cho các nhà hoạt động đòi dân chủ trong những ngày sắp tới.
Ở Mỹ, tiếp đồng nhiệm Vương Nghị tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại lập trường của Washington trên hồ sơ Hồng Kông: Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc nên có phản ứng kiềm chế trước cuộc “cách mạng ô dù”. Lập tức ông Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh cáo Washington không nên can thiệp vào “công việc nội bộ của Bắc Kinh”.
Thông tín viên Anne Marie Capomaccio ghi nhận những lời lẽ kém xã giao của hai ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc.
“Hiếm khi nào các Ngoại trưởng lại có những lời lẽ kém ngoại giao như cuộc đối đáp giữa hai ông John Kerry và Vương Nghị ngày hôm qua. Ngoại trưởng Mỹ tiếp đồng nhiệm Trung Quốc tại Washington để chuẩn bị cho chuyến công du Trung Quốc vào đầu tháng 11 tới đây của tổng thống Barack Obama.
Ngoại trưởng Kerry đã trở lại với những sự kiện đang diễn ra ở Hồng Kông, nơi từng là thuộc địa của Anh Quốc. Ông bày tỏ quan điểm về quyền tự do ngôn luận của người biểu tình, về nền dân chủ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ tuyên bố ‘Trung Quốc biết rõ là chúng tôi ủng hộ Hồng Kông được bầu cử theo mô hình phổ thông đầu phiếu, đây là điều đã được quy định trong Hiến Pháp… Và chúng tôi thực sự mong muốn chính quyền Hồng Kông sẽ giải quyết vấn đề này một cách chừng mực, tôn trọng quyền của người biểu tình được bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa’.
Ngoại trưởng Trung Quốc hắng giọng trong lúc ông Kerry phát biểu. Cắt lời Ngoại trưởng Mỹ một cách ngắn gọn, nhưng ông Vương Nghị tỏ rõ lập trường cứng rắn khi nhắc lại ‘Hồ sơ Hồng Kông là thuộc vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc… tất cả mọi quốc gia đều phải tôn trọng nguyên tắc cơ bản đó trong quan hệ quốc tế’.
Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm là người biểu tình Hồng Kông vi phạm luật phát mà tới nay, ở Mỹ cũng như ở Hồng Kông không một nơi nào chấp nhận để luật pháp bị vi phạm. Sau những lời lẽ kém xã giao như trên, hai ông Vương Nghị và John Kerry cùng rời khỏi phòng họp báo để tiếp tục họp kín”. – VOA, RFI
Giá dầu giảm ‘do Ả rập Saudi’
Giá dầu toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm sau khi Ả rập Saudi hạ giá bán chính thức.
Người ta quan ngại về cung quá mức sau khi sản lượng tại Hoa Kỳ cao hơn cùng với dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khiến kéo giá xuống.
Giá dầu thô Brent giảm hơn 1% xuống mứuc 93 USD/thùng, là mức thấp nhất kể từ tháng Sáu 2012.
Giá dầu thô nhẹ của Mỹ giảm xuống dưới 90 USD/thùng lần đầu tiên trong 17 tháng.
Vào thứ Tư, Ả rập Saudi thông báo họ giảm giá bán trong động thái bảo vệ thị phần, theo giới phân tích.
“Đây là thay đổi cơ bản trong thị trường dầu với Ả rập Saudi nói công khai rằng họ sẵn sàng cạnh tranh về giá,” Bjarne Schieldrop, phân tích gia từ SEB cho biết.
Việc giảm giá dầu được thông báo trong bối cảnh Tổ chức Xuất khẩu Dầu lửa (Opec) và Hoa Kỳ đang tăng sản lượng. – BBC
Tin Hoa Kỳ
Giám Đốc cơ quan mật vụ/Secret Service từ chức sau bê bối an ninh nghiêm trọng
Giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ, bà Julia Pierson, từ chức sau hai vụ sơ suất lớn về an ninh có thể đã khiến tổng thống gặp nguy hiểm.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm qua cho biết bà Pierson đã gặp Tổng thống Barack Obama, và ông Obama tỏ lòng cảm kích về 30 năm phục vụ đất nước của bà. Ông Earnest nói bà Pierson nhận trách nhiệm về những khuyết điểm của cơ quan này cũng như nhận trách nhiệm khắc phục những sơ sót đó.
Bà Pierson phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ Quốc hội trong tuần này sau khi để xảy ra hai vụ xâm phạm an ninh nghiêm trọng vào tháng trước.
Cựu chiến binh Iraq Omar Gonzalez đã cầm dao nhảy qua hàng rào Tòa Bạch Ốc và chạy vào dinh tổng thống sau khi thoát khỏi tầm kiểm soát an ninh. Ông ta bị bắt trong một căn phòng. Tổng thống và gia đình không ở trong tòa nhà lúc vụ việc xảy ra.
Ba ngày trước đó, một nhân viên bảo vệ có vũ trang với tiền án hình sự đã đi cùng thang máy với ông Obama và đoàn cận vệ của ông ở thành phố Atlanta, bang Georgia.
Năm 2011, một loạt đạn bắn vào Tòa Bạch Ốc, nhưng thiệt hại từ vụ nổ súng này đã không được phát hiện mãi cho đến bốn ngày sau đó.
Trong một hành vi sai trái khác, một số mật vụ dính líu đến một vụ bê bối gái mại dâm trong một chuyến công du của tổng thống đến Colombia vào năm 2012, và một đêm nhậu nhẹt cuối tháng Ba năm nay đã khiến ba mật vụ bị đưa về nước trong chuyến đi của tổng thống tới Amsterdam.
Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho biết Cơ quan Mật vụ chịu ảnh hưởng của “một loại văn hóa tự mãn và bất tài.” Ông và nhà lãnh đạo khối Dân chủ Nancy Pelosi kêu gọi mở một cuộc điều tra.
Gonzalez, người xâm nhập Tòa Bạch Ốc, đã ra tòa ở Washington hôm thứ Tư và nhận tội. Ông ta phải đối mặt với 10 năm tù nếu bị kết tội.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson đã bổ nhiệm đặc vụ phụ trách bảo vệ tổng thống Joseph Clancy làm quyền giám đốc Cơ quan Mật vụ. – VOA