Tin Thế Giới – 1/10
Lễ Quốc Khánh TQ bị lu mờ vì biểu tình ở Hong Kong — Người biểu tình làm ngơ trước lệnh giải tán
Vào lúc Trung Quốc đánh dấu ngày Quốc Khánh hôm nay, một cuộc tụ tập chống đối của hàng ngàn người ở Hong Kong đòi cải cách bầu cử sâu rộng hơn cho thành phố cảng này đã phủ một bóng mờ lên các buổi lễ của Bắc Kinh.
Tại buổi thượng kỳ để đánh dấu ngày lễ tại Hong Kong, người biểu tình đã la ó và giơ dấu hiệu trỏ ngón tay xuống khi các máy bay trực thăng bay trên bầu trời. Cũng có những tiếng hô đòi nhà lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh đang dự lễ từ chức.
Không can dự vào lúc này
Ngay lúc này, Trung Quốc chủ yếu giữ thái độ không can thiệp vào các cuộc biểu tình mà ở lục địa là điều không thể nghĩ tới. Nhưng trong khi các cuộc biểu tình kéo dài, thì có nhiều phần chắc chúng sẽ trở thành một thách thức lớn hơn nữa cho Bắc Kinh, khiến giới hữu trách không còn mấy chọn lựa để đáp lại.
Một số đã nêu ra quan ngại rằng các giới chức Hong Kong có thể quay ra nhờ Bắc Kinh hỗ trợ để ngăn chặn các cuộc biểu tình, và có khả năng sử dụng vũ lực. Trong khi những mối lo ngại về một cuộc trấn áp giống như Thiên An Môn đang được lan truyền, báo Global Times của đảng Cộng sản Trung Quốc tìm cách dập tắt những mối lo ngại về cách đáp ứng mạnh tay có thể có ấy.
Trong một bài xã luận tuần này tập trung vào cách thức các nhà hoạt động cấp tiến đang đe doạ đến hình ảnh và nền kinh tế của Hong Kong, báo này lập luận rằng Trung Quốc không còn là một nước giống như cách đây 25 năm nữa khi xảy ra vụ Thiên An Môn.
Bài xã luận nói Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc xử lý bất ổn xã hội và đã học được các bài học từ những nước khác.
Ông Bill Bishop, một chuyên gia phân tích về Trung Quốc và là nhà xuất bản Tin thư Sinocism China rất có ảnh hưởng, nói rằng vẫn còn quá sớm để nói Bắc Kinh sẽ đáp lại ra sao.
Ông Bishop chuyển tin nhắn qua Twitter hôm thứ tư rằng trong khi ông cảm thấy có phần chắc sẽ không tái diễn các sự kiện của năm 1989, bác bỏ khả năng ấy sẽ là một sự sai lầm.
Một quốc gia, hai chế độ
Khi Anh Quốc bàn giao Hong Kong từ chế độ thuộc địa vào năm 1997, một hình thức chính quyền gọi là “một quốc gia, hai chế độ” đã được thiết lập để bảo đảm những quyền tự do cơ bản được tôn trọng.
Các cuộc tụ tập công cộng rất thường xảy ra tại thành phố cảng này, nhưng các cuộc biểu tình mà Hong Kong đang trải qua hiện nay là lớn nhất và mang tính đối đầu nhất kể từ khi được giao hoàn cho Trung Quốc và được tạo dựng thành một khu vực hành chính đặc biệt.
Trung Quốc đè nén mọi mưu toan thách thức thẩm quyền của mình, nhưng một lý do họ có thể giữ thái độ không can thiệp ngay bây giờ, theo nhận xét của các chuyên gia, là vì các yêu sách cơ bản của người biểu tình là đòi phổ thông đầu phiếu, chứ không phải là mưu toan thách thức hình thức chế độ đã sẵn có ở Hong Kong.
Ông Tô Hạo, một giáo sư trường Ngoại giao Bắc Kinh nói đó là vì mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc chứng tỏ một mức độ tự chế và không can thiệp.
Ông Tô nói: “Sẽ là điều bất xứng nếu chính quyền trung ương can thiệp trực tiếp, bởi vì dù gì, đó cũng là nội bộ của Hong Kong.”
Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh đến sự tin tưởng trong tuần này vào chính quyền ở Hong Kong và khả năng xử lý các vụ biểu tình. Nhưng, các bài tường thuật về đề tài này ở Trung Quốc tập trung vào lý do vì sao người biểu tình đưa ra các yêu sách ít hơn, so với cách thức các hoạt động của họ là bất hợp pháp và đe doạ đến sự ổn định kinh tế và xã hội của Hong Kong.
Đe dọa ổn định kinh tế
Trung tâm tài chính của Châu Á lâu nay vẫn nổi tiếng là nơi đặt thương mại và kinh doanh lên trước chính trị, nhưng trong những năm gần đây, những mối lo ngại đã gia tăng, nhất là trong giới thế hệ trẻ hơn, về công ăn việc làm trả lương thấp và một luồng liên tục người từ Hoa lục đổ vào cạnh tranh về cơ hội.
Trong lúc này, có ít dấu hiệu cho thấy các cuộc biểu tình châm ngòi cho những lời kêu gọi thay đổi chính trị ở Hoa lục.
Trung Quốc đã ngăn chặn việc thảo luận trên mạng về các cuộc biểu tình và những lời bình duy nhất được phép đăng tải là những lời lên tiếng ủng hộ lập trường của chính phủ và chỉ trích người biểu tình.
Tổ chức Ân xá Quốc tế tranh đấu cho nhân quyền cho biết có ít nhất 20 người đã bị bắt giữ trong 2 ngày vừa qua vì đã đăng các hình ảnh trên mạng kèm theo tin nhắn ủng hộ người biểu tình. Trong một thông cáo công bố hôm thứ tư, Ân xá Quốc tế kêu gọi phóng thích họ ngay tức thời và vô điều kiện. Tổ chức cũng nêu ra rằng có 60 người đã bị chính quyền triệu tập để thẩm vấn.
Chưa rõ các cuộc biểu tình có thể tác động ra sao đến nền kinh tế Hong Kong. Và mặc dù một số người ở Trung Quốc đã dự đoán những thiệt hại to lớn do các cuộc biểu tình, nền kinh tế ở Hong Kong giống như phần còn lại ở Châu Á, vốn đã chật vật phải đối phó với tác động của nền kinh tế chậm lại của Trung Quốc.
Những người biểu tình đòi dân chủ hôm nay đã lớn tiếng chửi bới ông Lương Chấn Anh, trưởng quan hành chánh Hồng Kông, tại buổi lễ đánh dấu kỷ niệm 65 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa.
Tại buổi lễ chào cờ ở Công trường Bauhinia hôm nay, một số nhân vật tranh đấu đã la ó trong lúc những người khác hát quốc ca Trung Quốc. Một số người quay lưng không nhìn về hướng lá cờ. Một số người lớn tiếng đòi Trưởng quan Hành chánh Lương Chấn Anh từ chức.
Buổi lễ mừng ngày Quốc Khánh này được cử hành trong lúc hàng vạn người biểu tình tiếp tục chiếm cứ 3 khu vực chính của đặc khu hành chánh Hồng Kông để đòi Bắc Kinh thực hiện cải cách dân chủ.
Không có tin gì về bạo động kể từ ngày chủ nhật, khi cảnh sát dùng lựu đạn cay và thuốc xịt nước cay mắt để tìm cách giải tán những người biểu tình nhưng không thành công.
Ông Lương Chấn Anh hôm qua lên tiếng yêu cầu chấm dứt ngay cuộc biểu tình. Nhưng hôm nay ông không trực tiếp đề cập tới người biểu tình, mà chỉ kêu gọi mọi thành phần trong xã hội làm việc với chính phủ với một thái độ mà ông gọi là “hòa bình, hợp pháp, hợp lý và thực tế.” Trong khi đó, ông Trần Kiện Dân, một trong những người khởi xướng chiến dịch Chiếm Trung, đã ngỏ lời xin lỗi những người mà sinh hoạt đã bị gây gián đoạn bởi ba địa điểm biểu tình. Trong lúc cố gắng để khỏi bật khóc, ông Trần nói rằng ông hy vọng là người dân Hồng Kông hiểu rằng những người biểu tình “đang tranh đấu cho sự hài hòa trong dài hạn của xã hội.”
“Từ khi phong trào bắt đầu, tôi đã muốn xin lỗi. Hôm nay tôi xin thay mặt cho 3 người sáng lập phong trào và những người tổ chức cuộc phản kháng để ngỏ lời xin lỗi tới những người gặp phải những sự bất tiện. Chỉ có khi nào ông Lương Chấn Anh từ chức thì tình hình mới có thể được cải thiện.”
Nhiều cửa tiệm và văn phòng, cùng với một số trạm xe lửa điện và các tuyến xe buýt, đã phải đóng cửa vì cuộc biểu tình.
Cuộc biểu tình cũng làm cho các nhà đầu tư lo ngại. Chứng khoán Hồng Kông hôm thứ ba giảm gần 1,3% sau khi đã giảm 1,9% trong ngày thứ hai. Thị trường đóng cửa nghỉ lễ trong ngày hôm nay và ngày mai.
Các chính phủ nước ngoài và các tổ chức nhân quyền tiếp tục theo dõi sát tình hình trong lúc một số người lo ngại là có thể xảy ra những vụ bạo động.
Gần 200.000 người đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư trên mạng để yêu cầu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hối thúc Trung Quốc chớ thực hiện điều mà họ gọi là “cuộc thảm sát Thiên an môn lần thứ nhì”.
Để đáp lại thỉnh nguyện thư này, một thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết Washington tin rằng tính chất chính đáng của trưởng cơ quan hành chánh Hồng Kông “sẽ được gia tăng rất nhiều” nếu đòi hỏi của người biểu tình về phổ thông đầu phiếu được đáp ứng. Thông cáo cũng thúc giục giới hữu trách Hồng Kông tự chế và kêu gọi người biểu tình bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng John Kerry sẽ thảo luận về vụ khủng hoảng chính trị này với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại một cuộc họp ở Washington trong ngày hôm nay.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon đã thúc giục đôi bên trong vụ giằng co ở Hồng Kông giải quyết những sự bất đồng với một cách thức mà ông gọi là “hòa bình và bảo đảm cho sự tôn trọng các nguyên tắc dân chủ.”
Đây là vụ rối loạn tệ hại nhất ở Hồng Kông kể từ khi cựu thuộc địa Anh này được giao hoàn cho Trung Quốc vào năm 1997.
Những nhóm biểu tình vào lúc bắt đầu của ngày lễ Quốc khánh không đông bằng những ngày trước, nhưng theo dự liệu số người tham gia sẽ đông đảo hơn trong những giờ sắp tới. Nhiều người tình nguyện đang thu nhận thức ăn, nước uống và những phẩm vật khác để phân phát cho người biểu tình. Họ cũng dọn dẹp rác rưởi và bảo vệ trật tự.
Sinh viên Vương Bình cho biết người biểu tình sẵn sàng chiếm cứ thành phố cho tới khi nào việc đó còn cần thiết.
“Tại sao chúng tôi làm việc này? Chúng tôi làm việc này cho Hồng Kông. Chúng tôi cần tự do.”
Những chiếc dù đã được dùng hồi đầu tuần này để chận nước cay mắt mà cảnh sát xịt vào người biểu tình giờ đây phần lớn là dùng để che nắng, che mưa và như một biểu tượng của cuộc phản kháng đòi cải cách dân chủ.
Phong trào được gọi là “Cuộc Cách Mạng Dù” dường như đang thu hút thêm những người ủng hộ từ bên ngoài các nhóm sinh viên và những nhân vật tranh đấu cho dân chủ. Một cư dân Ma Cao tên Benson Zheng đã đến Hồng Kông tham gia biểu tình và cho biết như sau.
“Chắc chắn là như vậy. Tôi thấy sinh viên học sinh ở Ma Cao đến đây để tham gia sự kiện này, để ủng hộ cho phong trào ở Hồng Kông hiện nay.”
Anh Yan Chung, nhân viên của một công ty mậu dịch ở Hồng Kông, nói rằng giờ đây dân chủ quan trọng hơn chuyện làm ăn mua bán.
“Nếu chúng tôi không đứng lên và không tới đây thì chúng tôi sẽ không có cơ hội nữa. Đây là cơ hội duy nhất. Cho nên nó quan trọng hơn chuyện làm ăn mua bán.”
Tính cho đến buổi trưa giờ Hồng Kông mọi việc diễn ra một cách êm thắm, trong lúc hầu như hoàn toàn không có sự hiện diện của cảnh sát trên các đường phố. – VOA
Thổ Nhĩ Kỳ: Dự thảo nghị quyết can thiệp chống “Nhà nước Hồi giáo”
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua 30/09/2014 đệ trình lên Quốc hội một dự thảo nghị quyết cho phép quân đội nước này can thiệp vào Iraq và Syria để chống lực lượng “Nhà nước Hồi giáo”, hiện đang tiến sát một thành phố của người Kurdistan ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Tối hôm qua, 30/09/2014, chính phủ Ankara thông báo đã đệ trình lên Quốc hội một dự thảo nghị quyết cho phép quân đội nước này can thiệp vào Iraq và Syria để chống lực lượng “Nhà nước Hồi giáo”. Dự thảo nghị quyết này sẽ được thảo luận ở Quốc hội ngày mai và trên nguyên tắc sẽ được thông qua một cách dễ dàng, bởi vì Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền (AKP) hiện chiếm đa số tuyệt đối ở Quốc hội.
Như vậy là sau khi đã gián tiếp từ chối, nay Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham gia chiến dịch can thiệp quân sự của liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu để chống lực lượng thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại hai nước láng giềng Iraq và Syria.
Trong những ngày qua, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần tuyên bố là ông sẵn sàng “làm những gì cần thiết” để tham gia chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo. Ông cũng đề nghị lập một “vùng trái độn” ở miền Bắc Syria để đón tiếp người tị nạn, cũng như để bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Về tình hình chiến sự, theo tin từ Đài quan sát Nhân quyền Syria, liên quân quốc tế hôm nay đã mở các cuộc không kích vào các vị trí của lực lượng thánh chiến “Nhà nước Hồi giáo”, hiện đang tiến sát thành phố Ain al-Arab của người Kurdistan ở miền Bắc Syria. Theo tổ chức nhân quyền nói trên, lực lượng người Kurdistan đã chiến đấu rất kiên cường để bảo vệ thành phố của họ.
Nếu chiếm được Ain al-Arab, lực lượng Nhà nước Hồi giáo sẽ kiểm soát được một vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Bắc Syria, dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. – RFI
Tin Hoa Kỳ
CDC xác nhận ca bệnh Ebola đầu tiên ở Mỹ
Các giới chức y tế Hoa Kỳ đã xác nhận ca bệnh Ebola đầu tiên trong nước. Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh, gọi tắt là CDC, Bác sĩ Tom Frieden xác nhận hôm qua rằng virut Ebola chết người đã được phát hiện nơi một bệnh nhân nam bị lây nhiễm ở Liberia.
Bác sĩ Friden nói: “Người này rời Liberia vào ngày 19 tháng 9, đến Hoa Kỳ ngày 20 tháng 9. Không có triệu chứng bệnh khi rời khỏi Liberia hay lúc vào Hoa Kỳ, nhưng 4 hoặc 5 ngày sau, khoảng ngày 24 tháng 9, thì bắt đầu có các triệu chứng.”
Bác sĩ Frieden nói người bệnh không được nêu danh tính đã nhập viện hôm chủ nhật vừa rồi tại Bệnh viện Texas Health Presbyterian ở Dallas và nay đang được cách ly nghiêm ngặt. Các giới chức bệnh viện đang tìm cách xác định ai đã tiếp xúc với người bệnh này.
Một vị bác sĩ tên là Edward Goodman của bệnh viện này cho biết:
“Tôi không thể nói chuyện với những người ngoài bệnh viện, nhưng qua những gì chúng tôi đang xác định – và chúng tôi đang tìm hiểu tất cả những người có thể đã tiếp xúc – dường như không có sự phơi nhiễm nào đáng kể, bởi vì chỉ có phơi nhiễm – mà là phơi nhiễm với máu hay dịch chất cơ thể, và vào lúc đến khám bệnh, thì ông ta không đau ốm như thế, không có dịch chất cơ thể nào biểu hiện, ông ta không nôn mửa hay bị tiêu chảy.”
Bác sĩ Frieden nói CDC đã chuẩn bị cho một ca bệnh Ebola ở Hoa Kỳ, và chắc chắn giới hữu trách sẽ khống chế được virut này.
4 nhân viên cứu trợ người Mỹ bị lây nhiễm bệnh ở Tây Phi đã được đưa bằng máy bay về Hoa Kỳ để điều trị sau khi bị ốm, và sau đó đã bình phục. Một bác sĩ Mỹ nhiễm virut trong thời gian ở Sierra Leone đã được đưa bằng máy bay về Hoa Kỳ hôm chủ nhật và đang được điều trị tại cơ sở y tế liên bang ở thủ đô Washington.
Ebola đã gây thiệt mạng cho gần 3.100 người và làm lây nhiễm cho hơn 6.500 người ở Tây Phi. Guinea, Liberia, và Sierra Leone là các nước bị lây nhiễm nhiều nhất,
Virut gây xuất huyết không kiểm soát được, làm ói mửa và tiêu chảy. Virut lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch chất cơ thể của những người nhiễm bệnh.
Không có cách điều trị cụ thể, nhưng một bác sĩ Mỹ được chẩn đoán nhiễm virut đã được phát hiện là không còn bị nhiễm sau khi dùng một loại thuốc đang được thử nghiệm hồi tháng 8.
Ngũ Giác Đài hôm qua cho hay sắp gửi 700 binh sĩ đến Liberia để giúp nước này xử lý vụ bộc phát bệnh. 700 kỹ sư quân đội cũng sẽ giúp xây các trung tâm điều trị. Không có nhân viên quân đội nào của Hoa Kỳ cung cấp sự chăm sóc trực tiếp cho các bệnh nhân Ebola. – VOA