Đài Loan bày tỏ hậu thuẫn đối với phong trào đòi dân chủ Hồng Kông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đài Loan bày tỏ hậu thuẫn đối với phong trào đòi dân chủ Hồng Kông
Sinh viên biểu tình tại Đài Bắc để hỗ trợ cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đang diễn ra tại Hồng Kông, ngày 29/9/2014.

Sinh viên biểu tình tại Đài Bắc để hỗ trợ cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đang diễn ra tại Hồng Kông, ngày 29/9/2014.

Ralph Jennings – 29.09.2014

Hàng ngàn người Đài Loan hôm chủ nhật đã xuống đường biểu tình để bày tỏ hậu thuẫn cho phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông. Các nhà lãnh đạo Đài Loan cũng công khai lập lại sự ủng hộ dành cho các nhân vật tranh đấu ở Hồng Kông. Từ Đài Bắc, thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Chính phủ Đài Loan đã bày tỏ sự hối tiếc đối với những vụ đụng độ hôm chủ nhật ở Hồng Kông, nơi hàng ngàn người biểu tình chiếm cứ khu trung tâm tài chánh để đòi chính quyền thực hiện phổ thông đầu phiếu.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình Al-Jazeera, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu cho biết ông cảm thấy lo lắng về tình hình Hồng Kông và tuyên bố Đài Loan là nơi duy nhất của Trung Quốc có được dân chủ. Ông cũng bác bỏ đề nghị “một quốc gia hai chế độ” mà giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra.

“Tôi nghĩ rằng nếu có được phổ thông đầu phiếu thì đó là một việc có ý nghĩa vô cùng to lớn cho Hồng Kông và Hoa Lục, nhất là cho hình ảnh của Hoa Lục trên trường quốc tế. Chúng tôi đã nói rất rõ là Đài Loan không chấp nhận mô thức “một quốc gia, hai chế độ”. Chúng tôi nghĩ rằng nếu chế độ đó là một chế độ tốt thì chúng ta nên có “một quốc gia, một chế độ”.”

Các nhà phân tích ở Đài Bắc cho rằng sự ủng hộ cho phong trào dân chủ Hồng Kông có thể sẽ được tăng cường sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với một phái đoàn Đài Loan dến thăm Hoa Lục rằng Đài Loan nên chấp nhận mô thức một quốc gia, hai chế độ – như Hồng Kông đã làm.

Ông Ngô Thụy Quốc, Giám đốc công ty tư vấn rủi ro chính trị e-telligence, nói rằng Bắc Kinh không hiểu rõ tình hình.

Cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán các sinh viên biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong, ngày 29/9/2014.
Cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán các sinh viên biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong, ngày 29/9/2014.

“Rõ ràng là có một cái hố ngăn cách giữa nhận thức của Bắc Kinh và thực tế ở Đài Loan. Nói một cách bao quát, nếu tự do dân chủ là những gì mà người dân Hồng Kông đang theo đuổi thì đó là điều mà tất cả các nước láng giềng cần phải chú tâm theo dõi.”

Đài Loan đã có một chính phủ riêng từ những năm cuối của thập niên 1940, khi chính phủ Quốc Dân Đảng bị phe Cộng Sản đánh bại và thiên đô sang Đài Loan. Từ khi ông Mã Anh Cửu lên giữ chức tổng thống năm 2008, các nhà lãnh đạo Đài Loan và Trung Quốc đã bắt đầu gạt qua một bên những sự khác biệt về chính trị để tiến hành các cuộc thương nghị về kinh tế, thương mại. Những cuộc thương nghị đó đã mang lại hơn 20 hiệp định có lợi cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đài Loan.

Bắc Kinh áp dụng mô thức “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông năm 1997, theo đó cựu thuộc địa Anh này nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc nhưng được tự trị về kinh tế và chính trị trong vòng 50 năm. Giờ đây các nhà tranh đấu dân chủ Hồng Kông muốn thực hiện phổ thông đầu phiếu để chọn trưởng quan hành chánh vào năm 2017 và các thành viên của Viện Lập pháp vào năm 2020.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng này Trung Quốc nói rằng họ không sẵn sàng để cho Hồng Kông có bầu cử tự do. Họ muốn một ủy ban đề cử, hầu hết là những người thân Bắc Kinh, lựa chọn các ứng cử viên cho chức vụ trưởng quan hành chánh.

Ủy ban Hoa Lục của chính phủ Đài Loan hôm thứ 6 vừa qua cho biết đảo quốc này không thể chấp nhận mô thức một quốc gia hai chế độ mà Bắc Kinh đề nghị. Ủy ban này nói rằng hơn 70% dân chúng Đài Loan phản đối mô thức đó.