Tin Thế Giới 28/9/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới 28/9/2014

Nhóm Al-Nusra đe dọa trả đũa không kích

Nhóm phiến quân ‘Mặt trận al-Nusra’ của Syria lên án các cuộc không kích được liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu thực hiện là “một cuộc chiến tranh chống lại đạo Hồi”.

Trong một tuyên bố trên mạng, nhóm vũ trang có liên kết với al-Qaeda kêu gọi các chiến binh thánh chiến trên khắp thế giới nhắm mục tiêu vào các quốc gia phương Tây và Ả Rập tham gia các trận không kích.

Tuyên bố được đưa ra khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác mở rộng các cuộc không kích chống lại nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo (IS) hoạt động ở Iraq và Syria.

Lầu Năm Góc nói các phi cơ phản lực đã tấn công thành phố Raqqa của Syria hôm thứ Bảy cũng như các vị trí của IS gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Các chiến binh người Kurd đã đang bảo vệ thị trấn Kobane của người Kurd trên biên giới Syria kể từ khi một cuộc tấn công của IS làm khoảng 140.000 thường dân phải bỏ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu với khoảng 40 quốc gia, bao gồm cả các quốc gia Ả Rập, đã tuyên bố sẽ tiêu diệt nhóm IS đang kiểm soát phần lớn vùng đông bắc của Syria và miền bắc Iraq.

Các chiến thuật tàn bạo của nhóm, bao gồm giết người hàng loạt, chặt đầu và bắt cóc các thành viên của các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc, đã dẫn đến can thiệp quốc tế.

‘Đe dọa liên minh’

Mặc dù chia sẻ niềm tin cực đoan Hồi giáo, IS và al-Nusra Front là các đối thủ cạnh tranh, mà gần đây đã đụng độ với nhau ở Syria.

Nhưng hôm thứ Bảy, phát ngôn viên của al-Nusra, Abu Firas al-Suri, lên tiếng đe dọa các quốc gia liên minh.

“Các nước này đã cam kết một hành động khủng khiếp mà sẽ đặt họ vào danh sách các mục tiêu thánh chiến trên toàn thế giới”, chỉ huy của al-Nusra nói.

“Đây không phải là một cuộc chiến chống lại al-Nusra, mà là cuộc chiến chống lại đạo Hồi.”

Cả hai nhóm IS và al-Nusra tạo thành một phần của mạng lưới phức tạp các phiến quân hoạt động ở Syria.

Hoa Kỳ chưa tuyên bố al-Nusra là mục tiêu không tập nhưng các phi cơ đã tấn công một nhóm mới mang tên Khorasan, nhóm mà các nhà phân tích nghi ngờ là một phần của Mặt trận al-Nusra.

IS cũng đã kêu gọi các chiến binh thánh chiến mở các cuộc tấn công vào các nước liên minh.

Hôm thứ Bảy, một phát ngôn nhân của phe đối lập ôn hòa ở Syria nói phe này ủng hộ các cuộc không kích chống IS, nhưng phản đối bất kỳ hành động nào gây ra thương vong cho thường dân.

Hussam al-Marie nói với BBC rằng các nước phương Tây cũng nên thực hiện các cuộc tấn công chống lại chính phủ ở Damascus.

“Cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng là kẻ thù của chúng tôi hệt như chế độ của (Tổng thống) Assad vậy,” ông al Marie nói.

“Chúng tôi muốn thoát khỏi chế độ độc tài Syria và chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của thế giới tự do để tiếp tục chiến đấu chống lại chế độ (Assad) và ISIS (Nhà nước Hồi giáo). Chúng tôi đang chiến đấu trên hai mặt trận.”

‘Nã hỏa lực’

Trong khi đó trên mặt đất, IS nã hỏa lực vào Kobane hôm thứ Bảy và nhiều người đã bị thiệt mạng, theo tường thuật tại chỗ của phóng viên BBC, Paul Wood.

Tư lệnh chiến dịch của Hoa Kỳ thông báo rằng một tòa nhà bị IS chiếm đóng và hai xe vũ trang đã bị phá hủy gần biên giới Kobane.

Hàng ngàn người tị nạn là người Kurd, cùng với cừu và gia súc của họ, đang dựng trại tại tuyến đường sắt đánh dấu biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều cuộc không kích đã đánh trúng các mục tiêu của IS ở những nơi khác tại Syria và ở bắc Iraq hôm thứ Bảy.

Hôm thứ Sáu, Anh trở thành quốc gia mới nhất tham gia chiến dịch không kích chống IS sau khi các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ các cuộc không kích ở Iraq, nhưng không phải ở Syria.

Hai trong số sáu chiếc RAF Tornados đóng tại đảo Cyprus đã thực hiện các phi vụ chiến đấu đầu tiên vào ngày thứ Bảy, nhưng đều trở lại căn cứ mà chưa thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào.

Tối hôm thứ Bảy, theo giờ địa phương, hai phi cơ chiến đấu của Không lực Hoàng gia Anh đã tham gia vào một phi vụ bay xa hơn và sau đó trở lại căn cứ an toàn.

Anh Quốc cũng có một phi cơ do thám Rivet Joint ở trong khu vực.

Còn các chiến đấu cơ của Pháp đã tham gia nhiều cuộc không kích ở Iraq, trong khi Bỉ và Hà Lan cam kết mỗi nước cử sáu phi cơ F-16 tham gia và Đan Mạch triển khai bảy chiếc.

Các quốc gia châu Âu cho tới nay chỉ đồng ý tấn công các mục tiêu ở Iraq theo yêu cầu giúp đỡ của chính phủ nước này. – BBC

Phe biểu tình Hong Kong ra yêu sách

Phong trào ‘Chiếm giữ Hong Kong’ – tức biểu tình ngồi để làm tê liệt khu trung tâm tài chính của Hong Kong – đã ra yêu sách.

Occupy Central, tổ chức đứng ra tập hợp cuộc biểu tình, nói họ muốn chính phủ Trung Quốc hủy bỏ những quy định về cuộc bầu cử đặc khu trưởng vào năm 2017.

Họ cũng muốn chính quyền nối lại việc tham vấn người dân về cải cách dân chủ.

Hàng ngàn người biểu tình đã cắm trại bên ngoài trụ sở chính quyền ở trung tâm Hong Kong.

Cải cách chính trị

Một thông cáo của Occupy Central nói rằng Đặc khu trưởng Hong Kong, ông Lương Chấn Anh, đã ‘không đáp ứng yêu cầu cải cách chính trị’.

“Chúng tôi yêu cầu ông Lương ra báo cáo về cải cách chính trị cho chính quyền trung ương và báo cáo này phải phản ảnh đầy đủ những đòi hỏi của người dân Hong Kong về dân chủ,” thông cáo viết.

“Nếu ông Lương không phản hồi, chúng tôi sẽ tăng cường hành động.”

Lúc đầu, tổ chức này định phát động chiến dịch chiếm giữ Hong Kong vào ngày 1/10 tới nhưng những người lãnh đạo của họ đã quyết định đẩy sớm lên một vài ngày và thay đổi địa điểm để tranh thủ thời cơ từ cuộc biểu tình của sinh viên bên ngoài tòa nhà chính quyền.

Phóng viên BBC, Juliana Liu, ở Hong Kong cho biết thậm chí trước khi phong trào ra thông báo phát động chiến dịch, hàng ngàn người đã tự động đến nơi để ủng hộ cuộc biểu tình của sinh viên.

Sinh viên đang ngồi bên ngoài trụ sở chính quyền định bám trụ cho đến khi nào họ bị buộc phải rời đi, phóng viên Liu nói.

Tuy nhiên, một số sinh viên bày tỏ lo ngại rằng phong trào ‘Chiếm trung tâm’ đang chiếm chỗ cuộc biểu tình của họ.

“Nhiều sinh viên đã bỏ đi ngay khi Occupy Central ra thông báo rằng họ bắt đầu chiếm giữ trung tâm,” cô Vito Leung, 24 tuổi, một sinh viên đã tốt nghiệp, nói với BBC.

“Tôi nghĩ họ (Occupy Central) đang hành động một cách gượng ép. Đây luôn là một phong trào riêng biệt của sinh viên mặc dù có mục tiêu giống nhau nhưng đường hướng khác nhau. Tôi không nghĩ là nên để mọi thứ chung vào như thế này.”

“Lòng dũng cảm của sinh viên và công chúng khi quyết định một cách tự phát sẽ bám trụ đã làm lay động nhiều người dân Hong Kong,” thông cáo của Occupy Central viết.

“Vậy mà chính quyền vẫn không mảy may lay động. Khi bánh xe thời gian đã đến điểm này, chúng tôi quyết định đứng lên và hành động.”

Ít nhất 34 người đã bị thương kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu, trong đó có bốn sỹ quan cảnh sát, giới chức Hong Kong cho biết.

Bất tuân dân sự

Trước đó, lãnh đạo của phong trào đấu tranh dân chủ ở Hong Kong đã tuyên bố phát động một chiến dịch bất tuân dân sự ở quy mô lớn.

Ông Benny Tai, người đứng đầu phong trào Occupy Central, đã nói chuyện trước hàng ngàn người tập trung trước trụ sở chính quyền ở trung tâm Hong Kong.

Việc này diễn ra chỉ một ngày sau khi hơn 60 người biểu tình tiến vào một khu vực cấm và bị bắt giữ.

Học sinh, sinh viên và các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong phản đối quyết định của Bắc Kinh không cho Hong Kong bầu cử dân chủ hoàn toàn vào năm 2017.

Ông Tai, người đồng sáng lập của phong trào Occupy Central, đã phát động chiến dịch phong tỏa khu trung tâm tài chính của Hong Kong trong một tuyên bố bất ngờ hôm thứ Bảy ngày 27/9.

Lúc đầu, việc này được dự định vào đầu tháng sau.

Cuộc biểu tình hôm thứ Bảy ngày 27/9 không chỉ có sinh viên mà còn rất nhiều người khác tham gia, phóng viên BBC ở Hong Kong Juliana Liu cho biết.

Con số này tăng từ hàng trăm cho đến hàng ngàn trong khi cảnh sát chặn các con đường xung quanh khu vực và kêu gọi người biểu tình, nhất là thiếu niên, hãy về nhà, phóng viên Liu nói.

Nhiều người đi biểu tình đã mặc áo choàng và đeo đồ bảo vệ mắt để phòng trường hợp cảnh sát xịt tiêu để giải tán đám đông như họ đã làm hôm 26/9.

Khoảng 30 người đã bị thương trong ngày hôm đó khi xô xát tại một điểm biểu tình quen thuộc ở gần trụ sở chính quyền – nơi đã bị cấm tiếp cận kể từ tháng Bảy.

Occupy Central nói cảnh sát đã xịt tiêu mà không cảnh báo và lên án việc sử dụng ‘sức mạnh không cần thiết’ đối với ‘những người biểu tình ôn hòa’.

Cảnh sát Hong Kong cho biết họ đã bắt giữ 61 người hôm 26/9, trong đó có lãnh đạo hàng đầu của phong trào sinh viên là Joshua Wong.

Học sinh, sinh viên Hong Kong đã bãi khóa trong tuần này.

Hôm thứ Năm ngày 25/9, khoảng 2.000 sinh viên đã tổ chức một cuộc biểu tình vào ban đêm tại tư gia của ông Lương Chấn Anh, đặc khu trưởng Hong Kong.

Cuộc bãi khóa của sinh viên là bước đầu để Occupy Central phát động một cuộc đại biểu tình vào ngày 1/10.

Hong Kong được Bắc Kinh cho hưởng quy chế ‘một đất nước, hai chế độ’. Điều này có nghĩa là người dân Hong Kong có quyền biểu tình.

Hồi tháng Tám, Bắc Kinh quyết định rằng trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong vào năm 2017, các ứng cử viên phải được một ủy ban đề cử thông qua trước. Các nhà hoạt động cho rằng điều này không dân chủ. – BBC

Nga: Cần ‘định lại’ quan hệ với Mỹ

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói rằng các mối quan hệ giữa Moscow với Washington cần có điều mà ông gọi là “một sự định lại” mới.

“Định lại” (reset) là chữ mà Hoa Kỳ thường dùng để nói tới nỗ lực của ông Barack Obama nhằm cải thiện quan hệ với Nga khi ông mới lên nắm quyền.

Trong cuộc phỏng vấn được chiếu trên truyền hình ngày hôm nay, ông Lavrov đổ lỗi cho Hoa Kỳ về mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Ông nói rằng Nga muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nhưng “Nga không phải là nước đã phá hủy các mối quan hệ.”

Washington và Liên hiệp Âu Châu tố cáo Moscow hỗ trợ cuộc nổi dậy đòi ly khai ở miền đông Ukraine và đã áp dụng các biện pháp chế tài tài chánh. Những biện pháp này đã được siết chặt nhiều lần sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.

Hôm qua, trong bài diễn văn đọc tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, ông Lavrov nói rằng “Washington đã công khai tuyên bố quyền đơn phương sử dụng vũ lực” và “đang tìm cách quyết định thay cho mọi người điều gì là tốt và điều gì là xấu.”

Ông Lavrov nêu lên chiến dịch oanh kích của NATO nhắm vào các mục tiêu người Serbia ở Kosovo năm 1999, cuộc xâm chiếm Iraq năm 2003 và sự can thiệp của NATO ở Lybia năm 2011 như những thí dụ của điều mà ông gọi là “chính sách hách dịch” của Tây phương.

Ông cũng mô tả vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi tháng tư là một sự lựa chọn của khối người nói tiếng Nga ở đó.

Trong bài diễn văn đọc ngay trước diễn văn của ông Lavrov, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier gọi vụ sáp nhập đó là một hành vi tội ác – một sự mô tả chung của Washington và Liên hiệp Âu Châu gồm 28 nước hội viên.

Ông Steinmeier tố cáo Moscow “đơn phương thay đổi đường biên giới đang có ở Âu Châu”, và vì thế, Moscow “đã vi phạm luật pháp quốc tế.” – VOA

Nhật: 30 người chết do núi lửa phun

Nhân viên cứu hộ đã tìm thấy 30 người leo núi đã tắt thở ở gần đỉnh núi Ontake sau khi nó phun trào lửa đột ngột hôm thứ Bảy ngày 27/9.

Những người này đã không còn thở và tim đã ngừng đập, các nguồn tin cho biết. Hiện giờ những người này chờ cơ quan y tế xác nhận là họ đã chết hay chưa.

Khoảng 250 người đã bị kẹt trên dốc núi nhưng phần đông đã leo xuống an toàn.
Núi lửa Ontake, nằm cách Tokyo khoảng 200 km về phía Tây, đã đột ngột phun trào hôm 27/9, phun ra tro bụi và đất đá.

Bình thường đây là nơi mà du khách yêu thích để ngắm lá vàng mùa thu.

Khi công việc tìm kiếm được tiến hành khẩn trương vào ngày Chủ nhật 28/9, giới chức Nhật Bản cho biết họ đang tìm 30 người mà họ lo sợ là đã chết hay đã bị tro bụi chôn vùi.

Các máy bay trực thăng quân sự đã kéo bảy người ra khỏi một khu vực sườn núi vào sớm ngày 28/9, theo hãng tin Mỹ AP. Các nhân viên cứu hộ đi bộ cũng đã giúp những người khác xuống núi.

Nhật là một trong những nước có hoạt động núi lửa nhiều nhất trên thế giới nhưng kể từ năm 1991 không có ai ở nước này thiệt mạng vì núi lửa phun. Hồi năm 1991, 43 người đã chết khi núi lửa Unzen ở miền tây nam phun trào.

Phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes ở Tokyo cho biết hiện chưa rõ tại sao không có cảnh báo sớm về vụ phun trào của núi Ontake.

Nhật Bản giám sát các núi lửa của họ rất chặt chẽ và bất cứ ngọn núi nào có dấu hiệu sắp hoạt động thì họ sẽ ngay lập tức không cho người leo núi tiếp cận. Nhưng lần này chuyện đấy đã không xảy ra. – BBC

Phạm Bình Minh tại diễn đàn LHQ: Cần tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ngày 27/09/2014, Ngoại trưởng Trung Quốc đã cho rằng cần phải áp dụng luật lệ quốc tế để giải quyết các tranh chấp, nhưng không hề nhắc tới Biển Đông, nơi Bắc Kinh bị tố cáo là coi thường luật lệ quốc tế. Trong phát biểu sau đó, Ngoại trưởng Việt Nam đã nêu bật tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc để xác định rằng mọi nước lớn nhỏ đều phải từ bỏ việc dùng võ lực trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Do một sự trùng hợp ngẫu nhiên của chương trình nghị sự, đại diện Trung Quốc và Việt Nam đã cùng phát biểu trong một phiên thảo luận cấp cao trong khuôn khổ Khóa họp thứ 69 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.

Được lên tiếng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lập lại quan điểm cố hữu của Bắc Kinh theo đó các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ phải được tôn trọng, do đó cần phải áp dụng luật lệ quốc tế một cách “công minh và đúng đắn” trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Ngoại trưởng Trung Quốc đã nêu lên trường hợp Gaza, Iraq, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, nhưng lại không nói gì về các tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc với các láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam hay Philippines tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh bị tố cáo là không ngần ngại ỷ thế nước lớn dùng sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp, mặc nhiên coi thường luật pháp quốc tế.

Nếu Trung Quốc cố tình không nói đến Biển Đông, thì ngược lại Việt Nam, qua phát biểu của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ít phút sau đó, đã công khai nêu vấn đề Biển Đông thành ví dụ về việc không được dùng võ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền.

Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã dành riêng một đoạn trong bài phát biểu để nêu lên tranh chấp Biển Đông và lập trường tôn trọng luật lệ quốc tế của Việt Nam: “Chúng tôi kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết bất đồng, tranh chấp trong quan hệ quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)”.

Trong bài tường trình về cuộc khẩu chiến gián tiếp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại nghị trường Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, Thông tín viên báo Philippines Rappler tại New York đã mỉa mai tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi nhận định như sau:

“Sau khi cho tàu tiến vào vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông, và cho xây dựng cơ sở tại đấy, Trung Quốc lại nói là cần phải có luật lệ “công bằng và đúng đắn” để giải quyết các tranh chấp toàn cầu… Quốc gia bị cáo buộc không chấp hành luật pháp quốc tế khi đòi hỏi chủ quyền quá đáng trên Biển Đông lại kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng luật lệ ‘công bằng và đúng đắn’ trong việc giải quyết tranh chấp”. – RFI