Đèn cù soi tỏ u mê
Hà Văn Thịnh/Quê Choa
Nếu như Bên thắng cuộc đã khẳng định, một lần, dứt khoát rằng hầu như tất cả các nhà sử học chuyên về Lịch sử Việt Nam hiện đại chỉ là những “nhà” được phóng đại từ những cái lều theo nguyên tắc lều vẫn hoàn lều (trong đó có người viết bài này) thì Đèn cù đã đạt đến sự thăng hoa của cảm xúc, của rất nhiều những câu chuyện kể thật như đùa mà bất kỳ ai sau khi đọc cũng phải nghiến răng lại để cho mọi người biết rằng mình đang… cười ra nước mắt!
Cũng xin nhấn mạnh là tôi không dám đoan quyết những gì trình bày trong Đèn cù là hoàn toàn xác thực (lý do sẽ nói ở cuối bài này); do đó, cảm nhận của bài này chủ yếu dựa trên niềm tin vào sự trung thực của tác giả.
Lâu lắm rồi tôi mới được đọc một cuốn Hồi ký – tiểu thuyết giàu chất văn chương hay như thế về đời thường của các quan to, quan nhơ nhỡ, quan bé, quan dựa cột… dềnh dàng. Càng đọc thì càng phải toát mồ hôi để bụng bảo với dạ rằng thì ra mãi cho đến hôm nay mới biết mình ngu thậm ngu tệ, ngu không cho ai ngu cùng, ngu không biết đường về vì cái lẽ bị dối lừa suốt bấy nhiêu năm, đọc mòn sách mà cứ bán tin bán nghi về những điều xưng xưng hão…
Đèn cù kể mà như vẽ, như đẽo gọt một thớ gỗ xù xì để sau mỗi lần bóc tách từng sợi, từng mảnh gỗ, hình hài của những bức tượng nửa người nửa chưa phải…, có tên gọi đích thực là sự trơ tráo tàn nhẫn của dối lừa, tiểu nông, tham lam, thiển cận ngày càng hiện rõ trước cái nhìn tinh tế, sắc sâu của người viết.
Những sự thật từ trong bóng tối của lịch sử hiện nguyên hình là cái lẽ tít mù nó lại vòng quanh, theo sự sai khiến, độ nóng của… cố vấn TQ(!) Ôi chao là đớn đau cho số phận của cả một dân tộc được đặt vào tay của những người không thể làm gì hơn là trao vận mệnh quyền lực của họ vào… tay kẻ khác! Một câu hỏi nhức đến tận cơn đau răng trong… tim là: Tại sao Trung Quốc chỉ đi trước ta có mấy năm đánh du kích – nhưng lại đi sau ta 4 năm về mặt kinh nghiệm quản lý nhà nước, lại có quyền chỉ đạo, áp đặt tất tần tật, kể cả áp đặt cái chết, nỗi đau và vô số những sai lầm? Đến bây giờ, câu hỏi vẫn còn nguyên.
“Đời ta thành con rối/ Cho cuộc đời giật dây” là lời tiên tri có ý nghĩa huyền bí khi ta biết cả một giống nòi, truyền thống, sơn hà xã tắc chỉ gói gọn trong cụm từ vô cảm lạnh lẽo: “Stalin đã phân công Trung Quốc (tức Mao) ‘phụ trách’ Việt Nam”(!) Quả là không đủ ê chề để nghĩ rằng người ta nhân danh Quốc tế Cộng sản (mặc dù ngay cả cái Quốc tế đó cũng đã chết tự lâu rồi) để biến cả một đất nước thành con tin, thành sân chơi quyền lực và, thật thảm hại là trên cái sân chơi đó có quá nhiều kẻ nghiệp dư. Hàng triệu người cứ nhắm mắt chạy theo cái đèn cù đau đớn và nhục nhã ấy mà chẳng biết, chẳng hay rằng 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, hàng vạn người sẽ tìm đến cái chết với những vần thơ tự sướng như là máu thịt của chính mình: “Cầm cành hoa đi giữa loài người/ Vui nào bằng em nhỉ/ Cầm ngọn súng lên đường diệt Mỹ/ Ta đi qua thời gian” (Chế Lan Viên). Chao ôi, thời còn trẻ, tôi tự hào là học sinh thuộc nhiều thơ Tố Hữu, thơ Chế lan Viên nhất… thành phố Vinh (tính so với các bạn cùng khóa gồm 3 lớp 10 năm 1973, không phải vì tôi giỏi mà vì chúng nó chẳng đứa nào học khối C bởi xác tín rằng học khá khối C là một kẻ… ngu hề).
Cách hành văn độc đáo của Đèn cù không dễ gì học được bởi lịch sử, nỗi đau không bị biến thành gạch vỡ, ngói vụn mà như thể nó có hình hài thực sự làm cho ta nhức nhối, ta có cảm giác không phải nỗi đau ám ảnh ta mà thực ra ta đang đuổi theo nó, ta đang được sống cùng, sống thật với nó. Không ít những câu văn kể về cái chết của kẻ thù mà ta lại xót xa, xúc động đến lạ kỳ: “Xác lính Pháp nằm dài suốt hai vệ đường bốc mùi thối rữa. Cỏ lau mầu cốm non rạp xuống làm thảm đỡ mịn nhẵn đến không thể ngờ. Trên đó, trên tấm thảm ngỡ được là ủi đặc biệt công phu đó, những lồng ngực trống rỗng như đắp bằng bùn trộn trấu có những búi ruồi say sưa đánh vòng vo ve tíu tít ở bên trong”. Tác giả đã miêu tả thật độc đáo về thân phận ngu ngơ, thảm hại của những ông quan chỉ biết hoắng lên (từ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói tại Đại hội Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế năm 1992/có thể tôi nhớ sai năm vì lúc đó mới được kết nạp vào Hội/ nhưng tuyệt đối không nhớ sai từ và ngữ cảnh vì sau phát biểu ấy, bác Tạo bay một nhát ra tận… Hà Nội) với những cái ghế quyền lực: “Hạnh phúc đúng là đang rịn ra ở trên những bộ mặt chợt mềm chảy xuống vì xúc động”. Người trí thức mơ ngủ hay mê ngủ chỉ cần đọc mấy chữ thôi là đủ để biết anh ta được “tôn trọng” đến cấp độ nào trong con mắt của những lãnh đạo vừa ít học, vừa có thân phận… đèn cù: “ngọn đuốc kị lửa trí tuệ”…
Tôi tin rằng, những gì Đèn cù muốn chuyển tải, phải một thời gian lâu nữa mới đủ thấm ít nhiều vào sự tăm tối của tôi bởi đến bây giờ tôi mới thực sự nhận ra mình u mê bền vững quá. Thật ra, tôi cũng như không ít người gọi là có học khác, luôn phải ngụp lặn trong một biển đời thực – hư lẫn lộn do sự lừa dối tinh vi đến mức tài tình, đúng như nhận xét của bác Trần Đĩnh: “Người ta lừa bịp đại trà được là nhờ khai thác những bản năng thấp hèn trong con người: sợ và tham lam”.
Nhân đây cũng nói luôn rằng, tôi không đồng ý với GS Nguyễn Văn Tuấn – mặc dù tôi vô cùng kính trọng GS ít nhất là hơn 10 lần qua hơn 10 bài của GS mà tôi đã đọc, kính trọng ở mức không đủ chữ để khen và cảm phục) khi ông cho rằng Đèn cù là “những câu chuyện cá nhân mang tính vụn vặt” (Quechoa, 23.09.2014). Theo tôi nghĩ, những “vụn vặt” ấy có sức mạnh lột trần tất cả mọi thần tượng mà không dễ gì dùng cách khác diễn tả nổi. Ví dụ, chỉ cần đưa ra hai chi tiết rất ư là “vụn vặt” (nếu thực sự chính xác): Kể chuyện lãnh đạo cao nhất chỉ đạo Phạm Ngọc Thạch nghiên cứu xem rau muống luộc hay rau muống xào tốt hơn cho con người và chuyện về một vị tướng ‘nghiện’ sự đồng hành của bộ ba bún, thịt chó, mắm tôm lại đưa ra đề xuất – (và thực hiện thật, tôi còn nhớ rõ) cấm người dân làm bún để tiết kiệm… gạo(?) Trí tuệ của lãnh đạo như thế, đủ để biết rõ cái lý do vì sao đất nước mãi nghèo hèn…
Đèn cù có dăm bảy chỗ sai hoặc trùng lặp. Ví dụ, có cái sai làm người đọc khó hiểu: “tết Quý Dậu, 1957”(câu cuối cùng, chương 4). Bác Trần Đĩnh là người nói tiếng Trung giỏi đến mức người TQ nhầm là… người TQ, làm sao có thể lại sai ở kiến thức tối thiểu: Năm dương lịch có số sau cùng là số 7 phải Đinh (Đinh Dậu, 1957), số 4 là Giáp (Giáp Tý, 1984/Giáp Ngọ 2014), số 8 là Mậu (Mậu Thân, 1968), số 0 là Canh (Canh Ngọ, 1990)…? Ở một chỗ khác, tác giả nói “mưu lật đổ của Đảng cộng sản ở Indonesia rồi bị Sukarno trấn áp thảm sầu” là không đúng. TQ đã đạo diễn cho đảng CS Indonesia (PKI) tiến hành cuộc đảo chính tháng 9.1965 với sự đồng thuận của TT Sukarno và chính Tổng thống Sukarrno đã bị Shuharto (Shuharto được các nhà bình luận trên thế giới gọi là “viên tướng luôn mỉm cười” – The Smiling General) trấn áp. Sukarno đã sai lầm trầm trọng khi liên minh với PKI trong đất nước có tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới(!) để chống Mỹ dưới cái vỏ “trung lập”. Sau khi bị Ngoại trưởng Mỹ J.F. Dulles thẳng thừng cảnh cáo “trung lập là vô đạo đức” (Neutralism is immoral), TT Sukarno hiểu ngay về nguy cơ bị phái hữu lật đổ nên đã manh động… Tướng Shuharto đã tàn sát hơn nửa triệu đảng viên CS và làm tổng thống Indonesia từ 1967 tới tận tháng 5.1998…
Những chỗ thiếu chính xác trong Đèn cù làm cho người đọc có đôi chút băn khoăn về những chi tiết còn lại. Mặc dầu vậy, Đèn cù có lẽ, sẽ mãi là “quả hoả châu dập dềnh tròng (chòng?) ghẹo trên đầu” quan chức nước ta và… nghĩ suy của tất cả chúng ta!
Huế, 27.9.2014
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả