Tin Việt Nam 27/9/2014
Nguyễn Thiện Nhân vẫn lãnh đạo MTTQ
Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN khóa VIII bầu ông Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục giữ chức Chủ tịch.
Ông Nhân hiện vẫn là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam vừa có ba ngày làm việc tại Hà Nội và đã bầu ra Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII.
Hội nghị Ủy ban Trung ương đã hiệp thương bầu ra các chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch chuyên trách và không chuyên trách.
Dàn lãnh đạo MTTQ gần như giữ nguyên, với ông Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương; ông Vũ Trọng Kim tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương; và các ông bà Trương Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Văn Pha, Bùi Thị Thanh, Lê Bá Trình tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII.
‘Ngoại vi của Đảng’
Ông Nguyễn Thiện Nhân được bầu làm Chủ tịch MTTQ khóa VII vào tháng 9 năm 2013.
Lúc đó ông còn giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, gây đồn đoán ông sẽ chóng rời khỏi vị trí này.
Việc ông vào vị trí ở MTTQ lúc đó được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bình luận là “thể hiện sự quan tâm của Đảng, của Bộ Chính trị đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”.
Ông Nhân là chủ tịch thứ hai của Mặt trận Tổ quốc, sau ông Phạm Thế Duyệt, là ủy viên Bộ Chính trị.
Ông Duyệt được bầu vào cương vị người đứng đầu Mặt trận vào năm 1999 trong khi còn ở trong Bộ Chính trị tới năm 2001, Đại hội Đảng IX.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được coi là tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản Việt Nam, tập hợp các đoàn thể không trực thuộc Đảng.
Tổ chức chính trị có tuổi đời gần 60 năm này lâu nay bị cho là không có thực quyền trong các quyết sách của đất nước mặc dù hai trong số những chức năng được quy định của Mặt trận là cầu nối để đưa tiếng nói của người dân đến với Đảng và là cơ quan giám sát các hoạt động của bộ máy chính quyền. – BBC
CSVN thả hai tù nhân sắp mãn hạn – Ông Trần Tư, người tù thế kỷ
Trong tuần này đã có thêm hai tù nhân chính trị là Trần Tư và Nguyễn Tuấn Nam bất ngờ được trả tự do trước thời hạn. Đây là các tù nhân mang án nặng với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”, được đặc xá sau khi đã có một số tù nhân lương tâm khác mãn hạn tù trở về trong tháng Chín.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Trần Tư, 73 tuổi, một tù nhân chính trị bị án chung thân, giam tại Nam Hà đã được phóng thích vào ngày 24/09/2014 và đã về đến nhà tại Saigon một hôm sau đó. Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ đã đến thăm hỏi và làm hồ sơ để ông trở về Mỹ.
Trang Dân Làm Báo cho biết, ông Trần Tư là cựu hạ sĩ quan thông dịch định cư tại Mỹ từ 1986, bị bắt năm 1993 khi trở về Việt Nam nhằm phát triển tổ chức Liên đảng Cách mạng Việt Nam do ông thành lập cùng với số tiền gần 200.000 đô la.
Một tù nhân chính trị khác là ông Nguyễn Tuấn Nam tức Bảo Giang, 76 tuổi, thành viên đảng Nhân dân Hành động cũng vừa được đặc xá trước thời hạn 14 tháng, hiện sức khỏe rất yếu. Theo trang web của Hội Nhà báo Độc lập, ông bị bắt năm 1996 cùng với 45 người khác và bị lãnh án 19 năm tù vì tội “trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” theo điều 91 Luật hình sự.
Cùng được đặc xá một lượt với ông Nguyễn Tuấn Nam là các tù nhân chính trị Trần Hoàng Giang và Nguyễn Long Hội, đều bị giam ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Trước đó ngày 11/9 nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, 65 tuổi, mãn hạn tù 6 năm vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” đã trở về với gia đình.
Các tù nhân này được trả tự do sau khi thời điểm thường được đặc xá là 2/9 đã trôi qua. Đáng chú ý là hiện nay Hoa Kỳ đang phát ra các tín hiệu về khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Martin Dempsey vừa đến thăm Việt Nam, và Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến cũng đã lặng lẽ đến thăm Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh cũng sẽ chính thức đi Mỹ vào đầu tháng 10. Dư luận cho rằng trong bối cảnh đó, sẽ có những tù nhân lương tâm được chính quyền Việt Nam phóng thích trong thời gian tới.
Ông Trần Tư, được mệnh danh là “người tù thế kỷ” với số năm trong tù là 21 năm về tội âm mưu lật đổ chính quyền. Ông vừa được trả tự do vào ngày 24 tháng 9 và đang chờ đợi quay trở về Mỹ vì ông là thường trú nhân của Hoa Kỳ trước khi bị bắt. Mặc Lâm của RFA có cuộc trao đổi ngắn với ông sau đây:
Mặc Lâm: Xin chúc mừng ông vừa trở lại khung trời tự do sau hơn 20 năm bị giam. Xin ông cho biết ông bị bắt vào lúc nào và khi bị bắt ông bị kết tội gì?
Trần Tư: Tôi bị bắt ngày mùng 5 tháng 3 năm 1993 can tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Mặc Lâm: Chúng tôi được biết lúc ấy ông đã sang định cư tại Mỹ và tự ý quay trở về Việt Nam để hoạt động và bị bắt. Xin ông cho biết động cơ nào khiến ông làm như vậy?
Trần Tư: Ai cũng biết người Việt Nam ai cũng biết là yêu quý nước Việt Nam và luôn luôn quay về đất nước Việt Nam. Cái đó là nhiệm vụ của mỗi người. Chúng ta làm đúng hay sai, đó là chuyện của chúng ta. Nhiệm vụ của người Việt Nam là phải làm. Chắc chắn là như vậy. Vì vậy giờ đây tôi đang ở Việt Nam. Do đó rất là khó khăn. Chúng ta sẽ nói chuyện với nhau sau chứ giờ này ở đây khó lắm.
Mặc Lâm: Xin ông cho biết là bao nhiêu lâu nữa thì ông sẽ quay trở về Mỹ?
Trần Tư: Chỉ vài ba ngày thôi. Tối đa là một tuần lễ. Tôi còn phải đi làm răng. Hư hết 32 cái răng.
Mặc Lâm: Thưa ông, Lãnh sự quán Hoa kỳ tại TP HCM đã nói chuyện với ông chưa?
Trần Tư: Chưa thấy ai liên lạc gì cả. Từ ngày hôm qua đến ngày hôm nay chưa thấy. Tôi sẽ liên lạc với họ. Nhiệm vụ của tôi là liên lạc với họ nhưng để tôi làm thủ tục xong đã. Để tôi làm xong bộ răng đã, răng tôi hư hết rồi.
Mặc Lâm: Thời gian ông bị giam tổng cộng bao nhiêu lâu thưa ông?
Trần Tư: Tôi bị giam 21 năm, 6 tháng, 23 ngày.
Mặc Lâm: Theo bản án chung thân như vậy họ có giảm án cho ông hay không?
Trần Tư: Họ xử chung thân nên đó là có giảm. Chung thân thường thường là 30 năm. Có giảm được 8 năm mấy.
Mặc Lâm: Trong thời gian hơn hai mươi năm ông có ngày nào ở chung với người khác hay không?
Trần Tư: Tôi ở chỉ có một mình. 21 năm trong phòng giam đặc biệt nhất của Việt Nam. Tuyệt đối một mình ở trong khu kỷ luật.
1 năm được thăm nuôi 1 lần
Mặc Lâm: Gia đình ông thăm nuôi như thế nào? Có thường xuyên mỗi tháng hay không thưa ông?
Trần Tư: Có được thăm. Một năm thăm một lần. Có, mà không phải đơn giản đâu. Con tôi phải chạy muốn chết mới cho. Con tôi báo cho Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng viện gửi cho Tòa đại sứ Mỹ, Bộ Ngoại giao thì Bộ ngoại giao (VN) mới chấp nhận cho con tôi được thăm tôi.
Mặc Lâm: Trong suốt 21 năm bị tù đày như vậy có giới chức nào của Hoa Kỳ tới trại giam thăm ông hay không?
Trần Tư: Rất nhiều cấp cao như tổng thống Bill Clinton hay George Bush qua để đón tôi về mà cũng không được. Nhiều người lo cho tôi lắm như Vatican chẳng hạn. Tôi cảm ơn nhiều lắm. Thật sự, họ lo cho tôi nhiều trong lúc tôi không phải là người Mỹ hay người Anh gì. Họ lo cho tôi nhiều. Tôi biết vậy.
Mặc Lâm: Trong khi bị giam như vậy ông có biết tin tức gì xảy ra bên ngoài hay không?
Trần Tư: Có, mỗi ngày tôi coi TV nửa tiếng đồng hồ. Tôi có cái TV chút xíu bằng lòng bàn tay. Con tôi gởi cho tôi. 23 tiếng còn lại là bịt lỗ tai. TV đó bắt được đài trong nước, đài Việt Nam từ 11:40 đến 12:10. Luôn luôn như vậy. Ngày nào cũng vậy.
Mặc Lâm: Ngoại trừ răng không còn tốt nữa thì sức khỏe nói chung của ông ra sao?
Trần Tư: Rất tốt lành. Ăn uống tốt lành thôi. Sức khỏe thì vô cùng khỏe mạnh, linh hồn lẫn thể xác.
Mặc Lâm: Vâng, một lần nữa xin được chúc mừng ông, hy vọng khi ông về tới Mỹ chúng tôi sẽ tiếp tục được nghe tiếng của ông.
Thưa quý vị, ông Trần Tư sinh năm 1941 sau khi định cư tại Mỹ ông quay trở lại Việt Nam để hoạt động trong tổ chức Liên đảng Cách mạng Việt Nam vào năm 1993 sau khi khối Đông Âu sụp đổ. Không may cho ông tổ chức bị vỡ lỡ, ông bị bắt và giam giữ tại Phú Yên. Do chưa có quốc tịch và chỉ là thường trú nhân của Mỹ nên ông không được chính phủ Hoa Kỳ can thiệp một cách tích cực. Ở lứa tuổi 72 ông cho biết vẫn mạnh khỏe và tráng kiện và sẽ quay về lại Hoa Kỳ trong vài ngày tới. – RFI, RFA