Mỹ và CSVN thảo luận về việc kiềm chế những yêu sách chủ quyền của Trung Cộng trên biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mỹ và CSVN thảo luận về việc kiềm chế những yêu sách chủ quyền của Trung Cộng trên biển Đông

Cần hợp tác đa quốc gia để ngăn chặn chiến thuật hung hăng của Bắc Kinh

YALE GLOBAL – Tác giả: David Brown – Người dịch: Huỳnh Phan – 25-09-2014

H1

Vào đầu tháng 10 khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry gặp nhau, hành vi hung hăng của Trung Quốc trong vùng biển Đông Nam Á sẽ đứng đầu chương trình nghị sự. Trong những tháng dẫn đến cuộc họp này giới nghiên cứu chính sách đối ngoại chủ chốt của Washington đã tranh luận liệu việc can dự vào tranh chấp này có nằm trong lợi ích của Mỹ hay không. Hàm ý chiến lược của việc để cho Trung Quốc giành lấy ảnh hưởng là ngày càng nghiêm trọng. Mỹ không nên can thiệp vào cuộc tranh chấp nầy với phương thức quân sự, hoặc quay đi chỗ khác. Kerry và Minh sẽ phải tìm ra một tiến trình trung gian bảo vệ được sự tự chủ của Mỹ về chính sách trong khi vẫn duy trì sự cân bằng trong khu vực.

Là một cường quốc đang trỗi dậy, hợp tác của Trung Quốc là trọng yếu trong nỗ lực chống khủng bố, làm chậm đi biến đổi khí hậu, hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân v.v… Tuy nhiên, Mỹ không thể phớt lờ thôi thúc của Trung Quốc muốn thiết lập quyền bá chủ đối với các vùng biển tiếp giáp đất nước họ. Thận trọng trong biển Hoa Đông, nơi mà Nhật Bản, liên minh với Hoa Kỳ, là một đối thủ đáng gờm, và tự tin ở biển Đông, Trung Quốc đã quyết thách thức trật tự quốc tế thể hiện trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và quan điểm cho rằng tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết không phải bằng vũ lực mà bằng thương lượng hay phân xử của trọng tài.

Sáu năm trước, Trung Quốc đã đưa ra một bản đồ sơ sài minh họa cho yêu sách của họ về “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với khu vực giới hạn bởi đường chín đoạn bao quanh gần như toàn bộ 3,5 triệu km vuông trên biển Đông.

Kể từ đó cứ mỗi năm trôi qua, Trung Quốc đều nâng mức đặt cược lên. Triển khai hàng trăm tàu thuyền đánh cá biển sâu và nhiều chục tàu cảnh sát biển, Bắc Kinh đã thách thức chủ quyền của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế vẽ theo các quy định của UNCLOS. Họ đã tống ngư dân Việt Nam ra khỏi ngư trường truyền thống, giành các nguồn tài nguyên thủy sản của bãi cạn Scarborough khỏi sự kiểm soát của Manila, quấy rối thăm dò dầu khí ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam, và thả các bia chủ quyền xuống bãi ngầm James (TQ gọi là Tăng Mẫu), chỉ cách bờ biển Malaysia khoảng 50 hải lí và cách đảo Hải Nam khoảng 860 hải lí về phía nam. Năm nay, Trung Quốc một lần nữa chứng tỏ ra rất thành thạo về các sáng kiến chiến thuật, triển khai một giàn khoan dầu nước sâu và một đội tàu hộ tống vào vùng biển gần bờ biển miền Trung Việt Nam đồng thời phái một đội tàu máy bơm, tàu nạo vét và máy trộn xi măng xa về phía nam với nhiệm vụ chuyển đổi một vài rạn san hô thành các đảo nhân tạo.

Bắc Kinh tỏ ra chai lì và giận dữ vì phát biểu cứng rắn của các nhà ngoại giao Mỹ, từ bà Hillary Clinton và ông John Kerry tới cấp dưới. Chính phủ của Tập Cận Bình có thể biết rõ rằng các hồ sơ làm chỗ dựa cho “yêu sách lịch sử” của họ đối với biển Đông là không thể chấp nhận được về mặt pháp lý, nhưng dư luận Trung Quốc lại thấy những hồ sơ đó có sức thuyết phục. Những người dân thường Trung Quốc rất tức giận vì các nước kề cạnh “Nam Hải” đang “đánh cắp tài nguyên của Trung Quốc” khi họ đánh cá trong vùng biển quốc tế hoặc khoan dầu khí ngoài khơi.

Hình như Trung Quốc không có ý định nộp yêu sách lãnh thổ rộng lớn nhờ toà án quốc tế phán quyết. Họ cho thấy ít quan tâm tới việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử với Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Quá lắm thì những người phát ngôn của Trung Quốc chỉ cho thấy có xu hướng hào phóng chỉ khi nào Việt Nam hay Philippines thừa nhận sự vượt trội của các yêu sách của Trung Quốc.

Do đó, khó có thể coi biển Đông như một sàn diễn phụ nhỏ đối với những hi vọng về hiểu biết lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và siêu cường mới nổi Trung Quốc. Cuộc xung đột này không phải là không quan trọng; các tuyến đường biển ở đó chuyển tải gần một nửa khối lượng giao thương thế giới. Bây giờ lại thêm nỗi lo sâu sắc về chiến thuật của Bắc Kinh ở biển Đông ngày càng hung hăng hơn và việc họ bác bỏ các quy tắc của trật tự quốc tế mỗi khi thấy bất tiện, cho thấy bản chất thực sự của Trung Quốc – hành động và thái độ mà cộng đồng quốc tế phải đấu tranh ở những nơi khác trong thời gian tới. Do đó, cuộc đối đầu tại biển Đông thành mối quan tâm chính của ngoại giao và hoạch định chiến lược của Mỹ.

Ở biển Đông, sự tham gia của Mỹ là cốt yếu để ngặn chặn tham vọng của Trung Quốc. Chỉ phát biểu cứng rắn thôi sẽ không làm cho ASEAN mạnh hơn hay gây ấn tượng với Bắc Kinh.

Từ góc độ chiến thuật, Mỹ đã cư xử như không có lựa chọn khả thi nào trong không gian rộng lớn từ việc lên án hành động khiêu khích của Trung Quốc tới việc triển khai Hạm đội 7. Trái lại, Trung Quốc đã liên tục khai thác các cơ hội trong khoảng trung gian. Họ đã dựa vào lực lượng bán quân sự, các tàu cảnh sát biển và các “tàu đánh cá” phụ trợ để đẩy xa thêm tham vọng chủ quyền của mình trong khi Hải quân Trung Quốc kín đáo chờ thời ở đằng xa.

Bắt chước chiến thuật của Trung Quốc, Mỹ, bạn bè và các nước đồng minh châu Á có thể đẩy mạnh hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển với nhau, nổi bật trong đó có một lịch trình mạnh mẽ các cuộc tập dợt đa phương trên biển. Trợ giúp quân sự làm tăng thêm khả năng canh phòng biên giới biển của các nước Đông Nam Á sẽ làm giảm khả năng Trung Quốc tung ra những điều bất ngờ khó chịu. GS Carlyle Thayer lập luận, nếu được sắp xếp khéo léo, các hoạt động như vậy sẽ “đặt lên Trung Quốc trách nhiệm phải cân nhắc mức nguy hiểm trong việc đối đầu với đội hình hỗn hợp tàu thuyền và máy bay”.

Washington cũng nên tăng cường quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam, nước Đông Nam Á duy nhất có cả khả năng răn đe quân sự lẫn ý chí, khi có bảo đảm sự hậu thuẫn của Mỹ, đứng lên đương đầu với Trung Quốc. Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan hồi tháng 5 đã làm các nhà lãnh đạo cộng sản Hà Nội kinh ngạc và có thể đã làm đảo lộn thế cân bằng trong Bộ Chính trị, chống lại việc tiếp tục những nỗ lực kiên trì xoa dịu Bắc Kinh.

Hà Nội và Washington đã tìm cách xích lại gần nhau từ mùa hè năm 2012 và gia tăng thêm vào mùa hè này. Chủ yếu vì lý do thể diện – không thích bị gộp chung với Bắc Triều Tiên, Iran, Syria và Trung Quốc – Việt Nam muốn Mỹ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Trong khi đó, Washington lại ra điều kiện không bán vũ khí đến khi có “chuyển biến” trong các vấn đề quyền con người – một vấn đề có nhiều khả năng xuất hiện trong cuộc nói chuyện giữa Kerry-Minh.

Tăng cường quan hệ hiểu biết chiến lược không phải là điều dễ dàng cho Hà Nội hoặc Washington. Mỗi bên phải bỏ đi một ít về các quyền tham gia chính trị. Tuy nhiên, với con sói trước cửa Hà Nội, các điều chỉnh thực tế có thể đặt nền tảng cho việc chống lại hiệu quả những thôi thúc của Bắc Kinh, muốn giành quyền bá chủ đối với Biển Đông và thống trị các quốc gia lân cận.

Mỹ đã can thiệp có hiệu quả trong việc hậu thuẫn Philippines. Các bước để nâng cấp và tăng cường khả năng giám sát biển và tự vệ của Philippines đã có một ảnh hưởng bổ ích, làm giảm mối lo ngại một cách tuyệt vọng, rằng Manila có thể can dự vào hành vi nguy hiểm.

Một cách can dự cao tay hơn của Mỹ trong việc đối mặt với Trung Quốc ở biển Đông là phải củng cố thế ngoại giao. Về mặt này, Mỹ có thể thúc giục Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines tìm cách giải quyết các yêu sách của họ với nhau. Mỹ có thể nuôi dưỡng các sáng kiến lôi kéo chính quyền Trung Quốc vào cuộc thảo luận về quản lý đa phương nguồn thuỷ sản đại dương đang cạn kiệt nhanh chóng cũng như các công ty Trung Quốc về việc cùng nhau thăm dò đáy biển tìm dầu khí.

Không có cách nào khác để Hoa Kỳ can dự tích cực hơn vào các vấn đề biển Đông mà không chọc giận Trung Quốc. Điều đó có thể sẽ có những hậu quả tiêu cực trong ngắn hạn cho việc hợp tác Mỹ-Trung trong các lĩnh vực khác, mặc dù Bắc Kinh khó có thể ngừng việc hợp tác vì lợi ích riêng của họ để trừng phạt Washington. Hậu quả lâu dài của việc hạn chế tham vọng quá vênh váo của Trung Quốc sẽ có tác dụng tốt – Bắc Kinh sẽ hiểu rằng họ không thể tuỳ ý viết lại các quy tắc trong quan hệ quốc tế.

David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ đã về hưu, viết về Việt Nam đương đại.