Tin Việt Nam 26/9/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam 26/9/2014

50,000 lính VN thiệt mạng ở Campuchia?

Tròn 25 năm Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, hiện vẫn chưa có con số thống kê thống nhất về số lượng binh lính Việt Nam thiệt mạng và thương vong ở đất nước Chùa Tháp.

Trao đổi với BBC trong cuộc tọa đàm hôm 25/9/2014, Đại tá Phạm Hữu Thắng, chuyên gia về Campuchia thuộc Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam đưa ra con số binh sỹ Việt Nam thiệt mạng là gần bốn chục ngàn người.

Tuy nhiên, theo số liệu mà một cựu chuyên viên tổ nghiên cứu về Campuchia của Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra con số tử vong có thể lên tới năm chục ngàn, hoặc thậm chí cao hơn nữa.

“Trong tay tôi có con số thống kê của ngành Quân y, Tổng cục Hậu cần, số thương vong trong mười năm, cả bị thương và hy sinh là hơn 156.000.

“Trong đó, hy sinh gần 39.000. Đây là số liệu của ngành Quân y, của Tổng cục Hậu cần, Quân đội Nhân dân Việt Nam”, Đại tá Thắng nói với BBC.

Từ Paris, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy đưa ra một số liệu khác.

Ông nói: “Những con số đưa ra hiện nay cũng chưa chính xác lắm… Nhưng người ta nói khoảng 55.000 binh sỹ, tức là bộ đội cộng với thanh niên xung phong Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Campuchia thời gian đó.”

Theo ông Huy, năm 1979, khi Việt Nam bắt đầu phát động phong trào đưa các lực lượng sang Campuchia, nhiều thanh niên Việt Nam được vận động sang quốc gia láng giềng để dọn dẹp chiến trường.

Tiến sỹ Huy nói: “Thanh niên Việt Nam được vận động trong những đội thanh niên xung phong để qua đó dọn chiến trường và đồng thời để chuẩn bị cơ sở khi bộ đội tiến quân, thì họ đi sau lưng để dọn chiến trường.

“Tôi thấy số người chết năm 1979 không biết là bao nhiêu, nhưng trong suốt mười năm, tôi nghĩ con số khoảng 55 ngàn người.”

‘Tài liệu mật’

Là người từng tham gia theo dõi cuộc chiến Việt Nam ở Campuchia từ Bộ Ngoại giao, như tự giới thiệu, ông Đặng Xương Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao và Lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sỹ, cho biết thêm thông tin về con số thương vong này.

“Tôi cũng là người theo dõi Campuchia và theo dõi cuộc chiến Việt Nam ở Campuchia, qua tài liệu của Bộ Ngoại giao, chắc cũng của và thông qua Bộ Quốc phòng (Việt Nam), đây là những tài liệu mật mà tôi cũng chỉ tham khảo, đọc qua một vài lần gì đó,

“Thì con số đó là 100.000, mười vạn, quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh tại Campuchia, đã hy sinh trong 13 năm có mặt ở Campuchia”, ông Hùng nói.

Bình luận về ý nghĩa và những con số thương vong này, Tiến sỹ Tạ Văn Tài, cựu giảng viên luật học Đại học Havard từ Hoa Kỳ nói:

“Ngoại trưởng (Việt Nam) Nguyễn Cơ Thạch đã nói một câu rất chí lý là vì vấn đề thương vong đó, cho nên từ nay không bao giờ Việt Nam gửi quân đội ra hải ngoại đấu tranh nữa.

“Đó là kết luận rất lý chí và điểm đó cũng rất đúng với chiến trường của các nước khác khi mà ở lại quá mức cần thiết. Ví dụ như là Hoa Kỳ ở lại Trung Đông bây giờ.”

Theo chuyên gia về luật học này, bài học rút ra là phải biết cách ‘thoát ra khỏi’ một cuộc chiến tranh ra sao.

Ông Tài nói: “Nguyên tắc căn bản là đã vô chiến tranh, thì phải có một lối ra, phải có một ‘exit’, một tư duy ‘exit’ thì mới được.”

‘Biết ơn’

Nhìn lại sự kiện diễn ra 25 năm về trước, cũng như đánh giá ý nghĩa cuộc can thiệp quân sự của quân đội Việt Nam, vốn dẫn đến sự sụp đổ của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ từ năm 1979 ở Campuchia, nhân dịp này, Tiến sỹ Vannarith Chheang, nhà nghiên cứu người Campuchia từ Đại học Leeds, Anh quốc nói:

“Về vấn đề nhân đạo, tôi nghĩ người Campuchia, phần lớn người Campuchia biết ơn đối với sự hy sinh của quân đội nhân dân Việt Nam là giải phóng người Campuchia.”
Tuy nhiên, vẫn theo chuyên gia đang nghiên cứu tại Trung tâm Hòa bình và Hợp tác này, tình hình chính trị ở Campuchia và nhận thức của các đảng phái ở Campuchia hiện nay cũng có sự không thống nhất về hành động can thiệp quân sự của quân đội Việt Nam trước đây.

“Ở Campuchia cũng có nhiều vấn đề vì nhiều đảng phái, phe phái chính trị khác nhau, như vậy cũng có một nhóm người phản đối việc Việt Nam giải phóng Campuchia và gọi đó là việc xâm lược của Việt Nam đối với đất nước Campuchia”, Tiến sỹ Vanarith Chheang nói thêm.

Là một phóng viên theo các chuyển biến gần đây trong quan hệ Campuchia – Việt Nam, phóng viên Hồng Nga của BBC tiếng Việt chia sẻ thêm với tọa đàm.

“Đối với một bộ phận những người đã tìm hiểu lịch sử, hay những người đã sống trong thời kỳ Khmer Đỏ chẳng hạn, tôi nghĩ rằng chắc chắn họ vẫn có một sự hàm ơn đối với quân đội Việt Nam, bởi vì đã đặt dấu chấm hết cho một thể chế vô cùng tàn bạo như vậy. Thế nhưng đối với giới trẻ có một sự quan ngại, bởi vì họ không biết được về lịch sử của nước họ.

“Nó cũng giống như giới trẻ ở bất cứ đất nước nào, không riêng gì ở Việt Nam chẳng hạn, thì họ không nắm được những gì đã xảy ra. Và tinh thân bài Việt Nam thật sự gây lo ngại trong lúc này.

Khi tôi nói chuyện với một số thanh niên, thì cảm thấy rằng thứ nhất họ không biết gì về lịch sử, và thứ hai là họ có một cái nhìn khá phiến diện đối với sự tham gia của Việt Nam trong vòng mười năm, trong một thập niên như vậy ở đất nước Campuchia.”

Tự mâu thuẫn

Liên Hợp quốc ngày nay không chỉ lên án chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ, mà còn đem ra xét xử nhiều thành viên của chính quyền này về các tội ác chống nhân loại.

Khi được hỏi, liệu LHQ có tự mâu thuẫn gì hay không khi cũng chính chế độ này mấy chục năm về trước lại được LHQ công nhận cho giữ một chiếc ghế đại diện ở quốc tế, Tiến sỹ Vannarith Chheang nêu quan điểm:

“Khi đó thời gian đang là chiến tranh lạnh, như vậy vấn đề LHQ chấp nhận chiếc ghế của Khmer Đỏ cũng phản ánh chính sách của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ cùng các nước phương Tây khác và cả Trung Quốc nữa, cũng ủng hộ Khmer Đỏ, để làm thế nào không cho ảnh hưởng của Việt Nam lan truyền hiệu ứng Domino (domino effects) ở trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở Đông Dương. Như vậy đó là vấn đề chính trị và trong thời gian chiến tranh lạnh.”

Từ Paris, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy bình luận thêm:

“Từ sau năm 1975, chính quyền cộng sản miền Bắc đã tiến chiếm miền Nam, đã gây ra một phong trào thuyền nhân rất vĩ đại. Chính vì vậy, cái nhìn của thế giới đối với chế độ, chính quyền Việt Nam lúc đó rất là xấu, mặc dù Việt Nam đã đưa quân qua, sang Campuchia để giải phóng dân tộc Campuchia khỏi nạn diệt chủng.

“Nhưng mà hình ảnh Việt Nam, một quốc gia xua đuổi người ra biển một cách khủng khiếp như vậy, thành ra người ta có một cái nhìn xấu. Như vậy, mặc dù Việt Nam đã đuổi chế độ diệt chủng Pol Pot ra khỏi biên giới, nhưng thế giới vẫn không có một cái nhìn thiện cảm với Việt Nam, mà nghĩ Việt Nam là một quốc gia xâm lăng…

“Thành ra tôi thấy vấn đề này hết sức tế nhị, vấn đề hoàn toàn là chính trị, chứ không liên quan gì đến nhân đạo hết. Thành ra tôi nghĩ rằng nếu trở lại vấn đề này, phải nhìn lại vấn đề khách quan thời đó là nước Việt Nam dưới con mắt của thế giới rất là xấu, người ta nhìn Việt Nam như một quốc gia không tôn trọng nhân quyền cũng như là sự bình yên của miền Nam thời đó.”

‘Con bài mặc cả’

Trung Quốc được cho là quốc gia đã từng ủng hộ, hậu thuẫn chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ mạnh mẽ nhất từ khi lực lượng này nắm quyền ở Campuchia năm 1975 cho tới năm 1979, và Bắc Kinh cũng tiếp tục ủng hộ Khmer Đỏ sau khi chính quyền này sụp đổ, tan rã.

Được hỏi ngoài những nguyên nhân chính trị ra, liệu Trung Quốc có gặp vấn đề gì về mặt ‘đạo lý’ ở đây hay không khi được cho là đã ‘tiếp tay’ cho Khmer Đỏ ‘diệt chủng’ và gây nhiều tội ác chống nhân loại ở Campuchia, Tiến sỹ Vannarith Chheang nói:

“Cũng có vấn đề đạo lý đối với Trung Quốc về vấn đề chế độ Khmer Đỏ và đặc biệt là Tòa án xét xử chế độ Khmer Đỏ hiện nay đang diễn ra ở Campuchia, thì phía Trung Quốc cũng không ủng hộ nhiều để đem lại vấn đề lịch sử, đặc biệt là sự liên kết của Trung Quốc trong việc ủng hộ Khmer Đỏ.”

Trở lại với việc quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia, khi được hỏi liệu quyết định này có liên quan thế nào đến sự kiện mang tên Hội nghị Thành đô, chỉ một năm sau đó, năm 1990 giữa lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo Trung Quốc, ông Đặng Xương Hùng nêu quan điểm:

“Lúc đó, để bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, chúng ta (Việt Nam) một mặt đã tuyên bố đơn phương rút quân, không kèm thêm điều kiện gì nữa, chúng ta đơn phương rút quân khỏi Campuchia, và rút quân hoàn toàn vào tháng 9/1989.
“Cùng lúc đó chúng ta đã sửa lại lời nói đầu của Hiến pháp, sửa lại Điều lệ Đảng, bỏ cái “Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm, trực tiếp”. Tất cả những sự kiện như thế, để chuẩn bị cho vấn đề bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc…

“Việt Nam muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, mà Việt Nam chỉ có con bài lúc đó thế mạnh đó là vấn đề Campuchia, do đó việc đi đến thỏa thuận Thành Đô, là việc đi đến bình thường hóa quan hệ hai nước gắn chặt với việc giải quyết vấn đề Campuchia,” cựu quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với BBC. – BBC

Ông Phạm Bình Minh thăm Mỹ 1-2/10

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ trong hai ngày 1/10 và 2/10.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Thông cáo của bộ này nói tại Washington DC, “Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry sẽ trao đổi các biện pháp nhằm triển khai các thỏa thuận giữa các lãnh đạo hai nước về việc phát triển đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ”.

Hai ông cũng sẽ trao đổi “về các hoạt động kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (1995-2015) cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm”.

Trước khi thăm Hoa Kỳ, ông Phạm Bình Minh sẽ thăm Canada trong hai ngày 29-30/9 theo lời mời của Ngoại trưởng John Baird nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam không cho biết thêm chi tiết về lịch trình ở Mỹ của ông Phạm Bình Minh.

‘Biết Trung Quốc’

Chiều 24/9, ông Phạm Bình Minh đã có buổi nói chuyện tại Hội châu Á (Asia Society) ở New York, nhân dịp ông tham gia kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở đây.

Bài nói chuyện của ông với chủ đề ‘Ví trí của Việt Nam trong trật tự thế giới’ giải thích về chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng như nhu cầu cân bằng quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời cho biết Việt Nam có thể đóng góp được gì cho một châu Á-Thái Bình Dương vững mạnh hơn.

Trong khi bài diễn văn của ông phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng chưa đưa được ra vấn đề gì mới, phần hỏi và trả lời của ông đã thu hút sự chú ý và hưởng ứng của cử tọa.

Ông Phạm Bình Minh trực tiếp trả lời câu hỏi bằng tiếng Anh.

Khi được hỏi về quan hệ với Trung Quốc, ông phó thủ tướng nói quan hệ của Việt Nam với nước láng giềng là quan hệ đối tác chiến lược.

“Ngoài quan hệ chính trị rất tốt đẹp, từ khía cạnh kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam”, chiếm 1/3 tổng thượng mại với thế giới của Việt Nam.

Theo ông, cả hai đều là nước xã hội chủ nghĩa và quan hệ trên mọi kênh, giữa hai Đảng, hai nhà nước, và nhân dân hai bên.

Ông Phạm Bình Minh thừa nhận rằng Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

“Có thể, đối với Philippines (quốc gia cũng có tranh chấp chủ quyền biển với Trung Quốc), họ không đoán trước được [về quan hệ với Trung Quốc], nhưng chúng tôi thì biết rõ về quan hệ hai bên.”

Khi cử tọa đề cập tới vụ Trung Quốc chuyển giàn khoan nước sâu 981 vào vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam, ông Phạm Bình Minh nói Việt Nam đã “kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình trong khi yêu cầu đối thoại” với Trung Quốc.

Ông cho hay đã có đã có hơn 40 cuộc trao đổi ở mọi cấp lãnh đạo giữa hai bên trong quá trình giải quyết bất đồng giàn khoan.

Kiện Trung Quốc?

Khi được hỏi về khả năng sử dụng các cơ chế luật pháp quốc tế trong phân định tranh chấp chủ quyền biển với nước láng giềng Trung Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh nói Việt Nam muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, bằng mọi phương thức phù hợp Hiến chương LHQ, thông qua đàm phán.

“Nếu đàm phán song phương mà đạt kết quả thì là điều tốt.”

Ông đưa ra dẫn chứng rằng Việt Nam đã thành công trong đàm phán biên giới trên bộ với Trung Quốc, cũng như đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ. “Đó là cách thức hòa bình và Việt Nam muốn giải quyết vấn đề bằng mọi cách thức có thể, kể cả bằng luật pháp”.

Ông Phạm Bình Minh nói về tranh chấp Hoàng Sa, Trung Quốc đã chiếm quần đảo này bằng vũ lực năm 1956 và 1974 và vẫn đang kiểm soát toàn bộ đảo.

“Chúng tôi muốn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và nhiều lần đã đề nghị Trung Quốc đàm phán thế nhưng Trung Quốc không chịu với lý do đây là đảo của Trung Quốc.”

Đối với câu hỏi liệu Việt Nam có đồng ý với đề xuất đàm phán song phương trong các vấn đề lãnh thổ hay không, ông Phạm Bình Minh giải thích: “Quần đảo Hoàng Sa là vấn đề giữa chỉ Việt Nam và Trung Quốc, nên có thể giải quyết song phương”.

Tuy nhiên ông nhấn mạnh, “quần đảo Trường Sa có 5 nước và một vùng lãnh thổ (Đài Loan) cùng tranh chấp, thì là vấn đề đa phương và cần có cách tiếp cận đa phương”. – BBC