Tấm mộ bia năm cũ Tưởng Niệm cố Gs. Nguyễn Văn Bông – Nguyễn Văn Tiết
TẤM MỘ BIA NĂM CŨ
TƯỞNG NIỆM CỐ GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN BÔNG
Từ ngày GS. Nguyễn Văn Bông mất đến nay đã được 34 năm. Trong thời gian này, tuy GS không còn ở trên đời nữa nhưng tôi cảm thấy như có mối liên hệ vẫn còn gần gũi với Giáo Sư.
Có ba trường hợp sau đây: Lần thứ nhất: Ngay sau khi GS mất, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (PTQGCT) giao tôi nhiệm vụ liên lạc với gia đình, để khi cần, phong trào sẽ giúp đỡ. Nhà tôi lúc đó ở gần nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi nên thỉnh thoảng qua thăm mộ thầy. Thấy trước mộ phần thiếu tấm mộ bia, sẵn dịp đối diện nhà có cửa tiệm làm mộ bia, tôi đề nghị và xin phép Cô cho tôi đặt mua và dựng mộ bia cho thầy. Tấm mộ bia đó ở bên cạnh GS cho đến ngày Cộng sản dẹp bỏ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
Lần thứ hai: Sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, chúng giật sập tượng đồng bán thân của GS dựng trước thư viện của học viện. Nhân dịp đi dự lễ giỗ lần thứ 27 của GS do Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh (CSVQGHC) miền Đông tổ chức, anh Chủ Tịch Tổng Hội là Lê Hữu Em có sáng kiến đề nghị đúc lại tượng đồng và giao tôi nhiệm vụ thực hiện (mướn điêu khắc gia Phạm Thế Trung ở Toronto) với sự đóng góp của tổng hội. Bức tượng đồng của GS hiện nay được đặt tại Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo ở Nam Cali.
Hôm nay là lần thứ ba tôi lại có dịp gần gũi với GS, nhân dịp tro cốt của GS được cải táng tại đất nước tự do này (Hoa Kỳ).
Ở đây và từ nay, chắc chắn là Cộng Sản VN sẽ không còn cơ hội để sách nhiễu thầy nữa và tôi cũng sẽ không còn dựng mộ bia cho thầy như năm cũ.
Tôi chỉ xin phép phát biểu một vài cảm nghĩ để tưởng niệm thầy. Trong phần phát biểu, tôi sẽ trình bày hai điểm chính sau đây:
– Bối cảnh lịch sử.
– Phục vụ đất nước.
BỐI CẢNH LỊCH SỬ
GS. Nguyễn Văn Bông được bổ nhiệm làm Viện Trưởng Học Viện QGHC vào ngày 15-11-1963. Một trong những cải tổ quan trọng của Học Viện QGHC lúc bấy giờ là sau khi đảm nhận chức vụ Viện Trưởng, để nâng cao trình độ chuyên môn và để đề cao vai trò quan trọng của các cấp chỉ huy hành chánh trong guồng máy công quyền VN, GS. Bông đã cho thiết lập ban Cao Học gồm các ngành hành chánh, kinh tế và ngoại giao mà trước đó ở học viện chỉ có ban đốc sự mà thôi.
Điều kiện để được dự thi vào ban cao học là các thí sinh phải có bằng Cử nhân hoặc tốt nghiệp một đại học chuyên nghiệp có trình độ tương đương với Cử nhân.
Tôi còn nhớ, đề thi của môn luận văn – có hệ số cao nhất – trong kỳ thi tuyển sinh viên đầu tiên vào ban cao học hồi năm 1965 là một đề tài chỉ vỏn vẹn có 7 chữ: “Vấn Đề Các Nước Bị Chia Đôi”.
Đây là một đề tài hoàn toàn có tánh cách chánh trị.
Đây cũng là tựa đề của một trong những bài tham luận chánh trị nổi tiếng của GS Bông được đăng tải trước đó trên tập san Quê Hương, một tập san tập họp những bài viết có trình độ cao của những nhân vật chánh trị hoặc học giả ‘nặng ký’ thời bấy giờ.
Chọn một vấn đề thời sự chánh trị làm đề tài cho một kỳ thi tuyển để chọn lựa những cán bộ có trọng trách điều khiển guồng máy hành chánh quốc gia, trong giai đoạn đất nước phải đương đầu với cuộc chiến tranh khuynh đảo do CS Bắc Việt phát động trong mưu đồ xâm chiếm miền Nam, chứng tỏ GS Nguyễn Văn Bông đã quan tâm đặc biệt và đặt nặng vấn đề đấu tranh chánh trị trong cuộc chiến tranh ý thức hệ đang xảy ra tại VN và mong muốn đào tạo một thế hệ cán bộ hành chánh trong tương lai, không những có đầy đủ khả năng về chuyên môn mà còn phải có trình độ hiểu biết về tình hình chánh trị ở trong nước cũng như trên thế giới.
Bởi vì vấn đề các nước bị chia đôi là một vấn đề thời sự chánh trị nóng bỏng nói lên tình trạng tranh chấp giữa hai thế lực tư bản và cộng sản đang xảy ra trên thế giới, mà VN là một con rối bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp đó.
Ai cũng biết, sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, thế giới bắt đầu đi vào cuộc chiến tranh lạnh mà hai thế lực tư bản và cộng sản đang tranh giành ưu thế để áp đăt ảnh hưởng của phe mình trên toàn thế giới. Ba nước Đức, Triều Tiên và VN là nạn nhân trực tiếp của cuộc tranh chấp nói trên và tuy cùng bị chia đôi nhưng mỗi nước lại có nguyên nhân, hoàn cảnh và cách xử trí khác nhau.
Riêng về trường hợp của VN, vấn đề đất nước bị chia đôi là một giải pháp chánh trị nhằm chấm dứt chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh đã kéo dài trong 9 năm liền mà không có lối thoát, vì thế do sự áp đặt của các cường quốc tại hội nghị Genève hồi năm 1954, VN bị chia làm hai vùng: phía Bắc vĩ tuyến 17 thuộc vùng ảnh hưởng của phe CS, phía Nam thuộc vùng ảnh hưởng của phe tự do.
Tình trạng đất nước bị chia đôi tuy là niềm đau lớn của dân tộc nhưng nó cũng đã giải tỏa được tâm trạng khắc khoải của nhiều người VN yêu nước muốn chọn lựa con đường thích hợp với lý tưởng của mình để phục vụ đất nước, mà trước đó, trong phong trào đấu tranh giành độc lập do Việt Minh lãnh đạo, họ đã bị dằng co và lẫn lộn giữa một bên là yêu nước theo truyền thống dân tộc và một bên là yêu nước phải yêu xã hội chủ nghĩa.
Sau hiệp định Genève 1954, lằn ranh phân biêt trắng đen đã được xác định: miền Bắc theo chế độ cộng sản, miền Nam theo chế độ tự do.
Việc xác định vị thế của hai chế độ trên đây đã tạo điều kiện dễ dàng cho từng lớp trí thức VN ở hải ngoại trong việc lựa chọn con đường mà họ cho là có chánh nghĩa để trở về nước phục vụ.
Trong bối cảnh lịch sử đó, GS. Nguyễn Văn Bông và phần lớn những người trí thức cùng thế hệ với ông ở hải ngoại đã lần lượt trở về miền Nam để góp phần xây dựng đất nước.
Miền Nam đang mở rộng cửa và dang tay đón nhận những nhân tài của đất nước. Chính vì thế mà chúng ta không lấy làm lạ là dưới chế độ VNCH, từ giữa thập niên 50 cho đến năm 1975, mặc dầu chiến sự đang lan rộng, hàng trăm hàng ngàn trí thức khoa bảng có học vị cao, bất chấp mọi rủi ro nguy hiểm, đã từ bỏ cuộc sống an nhàn với đời sống vật chất đầy đủ ở nước ngoài để trở về nước phục vụ, ở miền Nam. Họ đã được chánh quyền miền Nam trọng dụng và trân quí.
Họ đảm nhận những vai trò giảng huấn tại các đại học hay các trường cao đẳng hoặc được giao phó những chức vụ then chốt tại các cơ quan chuyên môn như ngân hàng, bưu điện, kiến thiết, canh nông… hay taị các cơ sở công kỹ nghệ như nhà máy xi măng Hà Tiên, công ty điện lực, nhà máy đường Hiệp Hòa, nhà máy dệt Bảy Hiền, khu kỹ nghệ Biên Hòa.
Họ là những người đã góp phần thiết thực vào việc xây dựng và làm thay đổi bộ mặt nghèo nàn của miền Nam.
Họ là những người đã đào tạo nhân tài cho đất nước để nâng cao dân trí.
Họ là những người đã đem ánh sáng văn minh và phổ biến những tư tưởng tiến bộ, những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến làm nền tảng vững chắc cho công cuộc xây dựng và phát triển một nước VN tự do, giàu mạnh.
GS Nguyễn Văn Bông là mẫu người tiêu biểu cho những người trí thức nói trên.
Do đó có thể nói sự trở về để phục vụ đất nước của những nhân tài ở hải ngoại là cơ hội ‘bằng vàng’ của dân tộc ta, mà vào đầu thế kỷ thứ 20, những nhà cách mạng dân tộc tiền bối trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã mơ ước mà không thực hiện được.
Nhưng những cơ hội đó đã bị CSVN dập tắt bằng võ lực hồi tháng 4 – 1975, đặc biệt bằng những cuộc mưu sát dã man mà GS Nguyễn Văn Bông là một trong những nạn nhân của chúng trong ngày 10 tháng 11 năm 1971.
Sát hại những nhân tài của đất nước không cùng quan điểm chánh trị với mình là một trọng tội đối với dân tộc mà đảng CSVN đã phạm phải trong suốt thời gian qua, kể từ khi Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa CS vào nước ta cho đến ngày nay.
PHỤC VỤ ĐẤT NƯỚC
GS Nguyễn Văn Bông về nước hồi tháng giêng năm 1963. Ông về nước không phải chỉ mang theo hành trang chữ nghĩa hoặc những kinh ngiệm đã học hỏi và trông thấy ở nước ngoài, mà ông về nước với cả một tấm lòng, một hoài bão của một thanh niên vừa mới 33 tuổi.
* Vai trò giảng huấn.
Công việc đầu tiên của GS là công việc giảng huấn. Với bằng Thạc sĩ Công Pháp Quốc Tế (1962) và hai bằng Tiến Sĩ Luật Khoa và Chánh Trị Học (1960), ngay sau khi mới về nước, GS. đã được mời giảng dạy tại Đại Học Luật Khoa Saigon.
Bài thuyết giảng của GS về đề tài: “Đối Lập Chánh Trị Trong Chế Độ Dân Chủ” trong ngày khai giảng 1 tháng 8, 1963 tại trường Luật Saigon đã làm cho tên tuổi của GS nổi bật, được nhiều người biết đến, đặc biệt là giới sinh viên và ban giảng huấn trường Luật cùng những người có quan tâm đến thời cuộc đất nước.
Ngoài nội dung phong phú mới lạ của bài thuyết giảng, thái độ trầm tĩnh và can đảm của GS đã làm cho người nghe ngưỡng mộ. Bởi vì, đối lập chánh trị là một quan niệm hoàn toàn mới mẻ đối với nền dân chủ còn phôi thai lúc bấy giờ, hơn thế nữa, quan niệm đó lại được phổ biến trong môi trường chánh trị đầy xáo trộn của phong trào Phật giáo đấu tranh chống lại chánh quyền. Do đó, những ý kiến phát biểu của GS dễ gây ‘dị ứng’ đối với các nhà lãnh đạo quốc gia đương thời.
Đem lý tưởng dân chủ tự do của Tây Phương về truyền đạt và phổ biến cho những môn sinh của mình trong bối cảnh chánh trị đầy xáo trộn của đất nước và sau đó đem áp dụng quan niệm đối lập chánh trị vào thực tế qua việc thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, một đoàn thể chánh trị đối lập công khai hồi năm 1968, GS Nguyễn Văn Bông quả thật là một chiến sĩ (nói theo GS. Nguyễn Ngọc Huy) đã đi tiên phong trong tiến trình xây dựng dân chủ trong bước đầu tập tành dân chủ của VN.
* Vai trò Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
Cách nay không lâu, anh Nguyễn Tấn Phát (Đốc sự 11) có cho tôi một tấm ảnh khổ lớn chụp hình đội banh Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tại sân Hoa Lư trong trận chung kết giải bóng tròn sinh viên liên khoa Viện Đại Học Saigon, niên khóa 1963-1964, giữa đội QGHC và Đại Học Khoa Học. Trong ảnh có hình của GS Viện Trưởng đứng giữa.
Nhìn tấm ảnh, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động và rơi nước mắt. Hơn 40 năm về trước, thầy Bông còn trẻ quá và đứng chung với đám học trò trông giống như là anh em với nhau vậy.
Nhìn tấm ảnh, tôi cũng đã hình dung ngay được con người của Thầy. Trẻ trung, điềm đạm, ít nói, luôn luôn nở nụ cười mỉm nhẹ nhàng trên môi, với cặp kính cận dầy cộm trên đôi mắt tương đối nhỏ, dưới vầng trán cao và rộng, Thầy đã được anh chị em sinh viên xem như người anh cả trong gia đình QGHC với lòng kính mến sâu xa.
Những bài giảng của GS với bố cục chặt chẽ, nội dung sâu sắc, lời văn ngắn gọn sắc bén, giọng nói chắc nịch và trong sáng, Thầy đã được anh chị em sinh viên ngưỡng mộ như một bậc tôn sư khả kính, tài đức vẹn toàn.
Thật ra, tôi trực tiếp được biết GS Bông kể từ khi GS về nhậm chức Viện trưởng QGHC hồi cuối năm 1963, lúc đó tôi đang học năm thứ 3 Đốc sự khóa 9. Sau đó tôi còn học với GS thêm 2 năm nữa ở ban Cao học khoá 1 (1965-1967) và có dịp hoạt động với GS trong Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến từ năm 1968 đến năm 1971. Nhờ đó, tôi có dịp tiếp xúc và được biết về Giáo Sư.
Trong thời gian đảm nhận chức vụ Viện trưởng, GS đã thực hiện được một số cải cách quan trọng cho học viện:
Thiết lập thêm ban cao học và ban tham sự song song với ban đốc sự đã có từ trước. Với ba ban học kể trên, mỗi năm học viện QGHC đã đào tạo và cung cấp cho cơ quan công quyền trên 200 cán bộ cấp chỉ huy và điều khiển đáp ứng phần nào nhu cầu nhân sự và trẻ trung guồng máy hành chánh.
Tuyển chọn thành phần giảng huấn trẻ trung có trình độ cao, ngoài hai cây cổ thụ nổi tiếng là GS. Nguyễn Ngọc Huy và GS. Vương Văn Bắc, phần lớn các Giáo Sư mới được tuyển dụng vào ban giảng huấn của trường đều rất trẻ và có bằng tiến sĩ như: GS. Lê Công Truyền, GS. Hoàng Xuân Hào, GS. Nguyễn Mạnh Hùng, GS. Tạ Văn Tài, GS. Cao Thị Lễ, GS. Nguyễn Minh Tỵ, GS. Cao Văn Hở, GS. Phan Thanh Ngô, GS. Trần Anh Tuấn, GS. Đỗ Quí Sáng … Đa số những vị Giáo Sư này đều ở lứa tuổi trên dưới 35.
Chương trình giảng huấn tân tiến: chương trình giảng dạy ở học viện được áp dụng theo mô thức quản trị hành chánh công của các nước Tây phương, đặc biệt là của đại học Michigan, đồng thời không ngừng cải tiến chương trình giảng huấn cho phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước.
Với vai trò viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, GS. Nguyễn Văn Bông đã thực sự góp phần quan trọng vào việc đào tạo một thế hệ cán bộ hành chánh trẻ trung, đa hiệu, có đầy đủ kiến thức chuyên môn và khả năng điều khiển guồng máy hành chánh quốc gia từ trung ương đến địa phương trong giai đoạn hết sức khó khăn của đất nước.
Những môn sinh của GS đã một thời làm vẻ vang cho trường QGHC và làm rạng danh các bậc tôn sư, đặc biệt, đã làm thay đổi hẳn bộ mặt hành chánh quan liêu già nua của thời lệ thuộc.
*Vai trò lãnh đạo chánh trị: dấn thân.
Để thực hiện lý tưởng dân chủ tự do của mình, GS Nguyễn Văn Bông đã quyết định dấn thân vào hoạt động chánh trị cùng với GS Nguyễn Ngọc Huy và những người cùng chí hướng đã đứng ra thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (PTQGCT), một đoàn thể chánh trị công khai hợp pháp tại miền Nam, đối lập với chánh quyền hồi cuối tháng 10 năm 1968.
Sự thành lập PTQGCT trong giai đoạn chiến tranh đang diễn ra khốc liệt là một bằng chứng cụ thể đã nói lên tinh thần dấn thân của GS, một sự dấn thân vì dân vì nước của một sĩ phu có trách nhiệm trong thời loạn, đồng thời, nó cũng nói lên ước muốn thực thi dân chủ thực sự cho VN của giáo sư.
Bởi vì theo quan niệm của GS, đối lập chánh trị là điều kiện tiên quyết của một thể chế chánh trị dân chủ và việc ra đời của PTQGCT là nhằm vào mục tiêu nói trên. Nhìn xa hơn nữa, việc xây dựng một chánh đảng mạnh là điều rất cần thiết cho miền Nam, không những chỉ để ổn định chánh trường nội bộ mà còn nhằm chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chánh trị trực diện với đảng CSVN trong tương lai, nếu một mai chiến tranh chấm dứt và có bầu cử tự do.
Tôi còn nhớ trong ngày ra mắt đầu tiên của PTQGCT tại rạp Thống Nhất ở Saigon hồi đầu năm 1969, ngồi bên cạnh GS. trên bàn Chủ tịch đoàn, tôi cảm thấy mình như con chim sẻ bên cạnh một đại bàng.
Sau đó, thường xuyên cùng đi sinh hoạt với GS, khi thì ở trung ương, khi thì ở địa phương, đặc biệt là những lần ra mắt Phong Trào ở các tỉnh, thị xã, tôi mới thấy được khả năng thu hút quần chúng của GS, đặc biệt là thành phần trí thức trung lưu.
Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến phát triển và lớn mạnh nhanh chóng, chỉ trong một thời gian ngắn sau ngày ra mắt, hầu hết các tỉnh, thị xã và các xã quan trọng trên toàn quốc đều có cơ sở tổ chức của Phong Trào.
Sự lớn mạnh đó có được, ngoài sự tận tâm tận lực hoạt động của các đoàn viên nồng cốt, trong đó uy tín cá nhân của GS là một trong những yếu tố có khả năng thu hút mạnh mẽ nhứt.
Do đó, trong hai lần đại hội toàn quốc của Phong Trào, GS đều được bầu vào chức vụ Chủ tịch đoàn với trọn vẹn tổng số phiếu của đại biểu đại hội.
Trong giai đoạn này, với tư cách là lãnh tụ của một đoàn thể chánh trị lớn, vai trò lãnh đạo của GS đã được biểu lộ một cách đầy đủ, được xem như mẫu mực của một nhà chánh trị có tầm vóc quốc gia tài đức vẹn toàn, có khà năng thu phục nhân tâm và lãnh đạo đất nước trong cuộc đấu tranh chánh trị đương đầu với CS.
Giữa lúc uy tín đang lên cao và có tin được mời thành lập chánh phủ dân sự, GS đã bị CS ám sát chết. Sự ra đi của GS trong lúc đang hăng say dấn thân phục vụ đất nước, không chỉ là tin buồn cho gia đình, cho chiến hữu, cho bằng hữu, cho môn sinh và cho quần chúng, mà còn là một mất mát lớn của đất nước.
Đám tang của GS Nguyễn Văn Bông, cố Viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, cố Chủ tịch PTQGCT được cử hành trọng thể tại trụ sở trung ương của Phong Trào đường Phan Đình Phùng.
Lễ di quan được cử hành lúc 7 giờ sáng ngày 15 tháng 11 năm 1971.
Một đoàn người đông đảo chưa từng thấy, dài hơn một cây số, gồm đủ mọi thành phần xã hội, đã chờ sẵn từ tờ mờ sáng tinh sương, ngậm ngùi đưa tiễn một NHÂN TÀI CỦA ĐẤT NƯỚC đến nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
Đây là một đám tang lớn nhất trong vòng 40 năm qua.
Washington DC, ngày 9 tháng 7 năm 2005.
Nguyễn Văn Tiết
Cựu Dân Biểu
ĐS 9 & CH 1