“Hướng về mối quan hệ Bình thường Mới Hoa Kỳ-Việt Nam” và cuộc Họp mặt Phạm Bình Minh & John Kerry – Bs. Mã Xái

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Hướng về mối quan hệ Bình thường Mới Hoa Kỳ-Việt Nam” và cuộc Họp mặt Phạm Bình Minh & John Kerry – Bs. Mã Xái

Về một kỷ nguyên mới trong bang giao Việt Mỹ.

Tin từ Trung tâm Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc Tế ngày 18/9/2014 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh sẽ thăm Washington vào những ngày đầu Tháng Mười năm 2014 để tham khảo ý kiến với Ngoại Trưởng John Kerry. Cuộc họp của hai vị là để bàn thảo cụ thể hơn và đào sâu hơn các vấn đề cần được giải mã qua Tuyên bố chung được công bố về quan hệ đối tác toàn diện song phương (bilateral comprehensive partnership) giữa hai nhà lãnh đạo Obama và Trương Tấn Sang tại Phòng Bầu Dục (Ovale Office) tháng Bảy năm 2013. Tin cũng cho biết thêm năm tới 2015 Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ đánh dấu kỷ niệm năm thứ 20 bình thường hoá quan hệ ngoại giao kể từ 1995 sau một cuộc chiến lâu dài và nhiều năm mâu thuẫn. Theo CSIS những điều kiện hiện nay đã chín mùi để các nhà lãnh đạo hai quốc gia đề ra những bước đi cụ thể hầu bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước, một mối quan hệ mới ở một mức độ cao hơn; làm được như vậy đòi hỏi sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau; sau hai thập niên quan hệ, một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác như thế đã được thiết lập. Đó là nội dung bài tham luận của Ernest Z Bower, Murray Hiebert về một góc nhìn để “Hướng về mối Quan hệ Bình thường Mới Mỹ-Việt “Moving toward a New Normal: US-Vietnam Relations at 20” đăng ngày 18/09/2014 trên web CSIS (Center for Strategic & International Studies). Ernest Bower là nhà nghiên cứu nổi tiếng về các vấn đề ĐNA của Trung Tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc Tế, có ảnh hưởng lớn đến chánh sách của chánh phủ Hoa Kỳ và các nước Châu Á; ông đã từng là Cố Vấn cho chánh phủ CSVN trong những năm 2006, 2007. Bài tham luận này của ông Ernest Bower được phổ biến trong bối cảnh bang giao phức tạp Việt-Hoa-Trung sau sự kiện giàn khoang HD-981.

Cho tới hôm nay thì nhà cầm quyền Việt Nam chỉ mới thông báo ông Phạm Bình Minh sẽ tham dự và phát biểu tại Khoá họp 69 Đại Hội Đồng LHQ tại New York. Không thấy nhắc đến việc ông John Kerry từng mời ông Phạm Bình Minh sang Hoa Kỳ qua một cuộc điện đàm hồi Tháng Năm vừa qua sau sự kiện giàn khoang HD-981 và cuộc công du của ông đã bị hoãn, thay vào đó ông Phạm Quang Nghị một ủy viên trung ương Bí thư thành ủy Hà Nội thực hiện chuyến đi trong tình hình khẩn trương về sự rạn nứt trầm trọng trong quan hệ Việt-Trung mà các nhà phân tích thời cuộc cho rằng ông Nghị có sứ mạng vận động sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ trước động thái xâm lăng trắng trợn của Trung Cộng với thái độ khinh miệt và trịch thượng. Không biết thực hư của cuộc vận động của ông Nghị ra sao mà nhiều nghị sĩ, nhà ngoại giao, tướng lãnh Hoa Kỳ tấp nập đến Việt Nam với những khuyến cáo các cấp lãnh đạo CSVN về việc cải thiện nhơn quyền, cải cách kinh tế… để lịnh cấm vận bán vũ khí được nới lỏng, để kết thúc việc đàm phán TPP… Đa số quần chúng hỗ trợ quan điểm thoát Trung và kêu gọi CS Hà Nội chuyển hướng xích lại với Hoa Kỳ nhưng lãnh đạo CSVN sau những ngày tháng thậm thụt điều đình với Bắc Kinh và cuối cùng sư thật trần truồng đã lô diện “đứa con hoang” lại xin trở về. Ủy viên Bộ chánh trị Thường vụ Đảng CSVN Lê Hồng Anh cũng được TBT Nguyễn Phú Trọng giao phó trọng trách của đăc phái viên để xin hòa hiếu với Chủ Tich Tập Cận Bình, nối lại mối quan hệ đồng chí ngàn đời, khôi “phục lại 16 chữ vàng, bốn tốt” từ Hội Nghị Thành Đô (1990) mà nguyên ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã từng hơn một lần cho rằng thỏa thuận Thành Đô đã mở ra một thời kỳ Bắc Thuộc mới.

Cần nâng cấp Quan Hệ Mỹ-Việt?

Từ năm 2013, nhơn dịp thượng đỉnh Obama-Sang, trong mối bang giao hai nước, Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã được nâng cấp lên mức đối tác toàn diện song phương. Nhưng ông Ernest Bower và nhóm chuyên gia Á Châu thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế thấy rõ hơn ai hết mức độ lệ thuộc Bắc Kinh của tập đoàn lãnh Đạo CSVN và chánh sách hàng hai, đu dây của Hà Nộị. Tuy nhiên, ông Ernest Bower lại nghĩ rằng bằng vào cách làm việc cùng nhau hơn hai thập kỷ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập sự tin tưởng, hiểu biết và lòng tôn trọng lẫn nhau, hai nước có thể nhìn xa hơn quá khứ và hướng tới tương lai cho một kỷ nguyên mới, đưa nền bang giao hai quốc gia lên một tầm cao mới và sâu hơn vào lúc hai nước chuẩn bị chào mừng quan hệ ngoại giao năm thứ 20 (2015-1995). Ông Ernest Bower đã duyệt lại những thành quả tốt đẹp trong bang giao Mỹ Viêt từ sau ngày bình thường hoá 1995 với nhà nước CHXHCNVN qua những cải tiến lớn lao thuộc nhiều lãnh vực trong quan hệ kinh tế, chánh trị, an ninh, quốc phòng với những vấn đề gai góc là nhân quyền trong các cuộc đối thoại hằng năm. Hoa Kỳ đã hỗ trợ CSVN vào các tổ chức quốc tế và mở cửa cho CSVN hội nhập vào nếp sống toàn cầu hoá. Tới ngày nay, những người làm chánh sách Đổi Trục về Á Châu vẫn nhìn Việt Nam như một đối tác tiềm năng trong sách lược Á Châu Thái bình dương của Hoa Kỳ. Trong sách lược biển, hai nước chia sẻ mối quan tâm chung về tự do hàng hải và thương mãi trong vùng Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa), ngăn chặn võ lực và cưỡng ép trong tranh chấp lãnh thổ, bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải. Về mục này ông Ernest Bower cần ghi thêm là Hoa Kỳ bảo vệ Biển Đông vì có quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ nơi đó, trong khi CSVN giải quyết vấn đề Biển Đông thì họ dựa theo thỏa thuận bán nước cho Trung Cộng, miễn là quyền lợi của đảng CSVN được đảm bảo và được tiếp tục bám trụ quyền lực, chứ không vì quyền lợi đất nước, dân tộc.

Ẩn số cần giải đáp để “Hướng về quan hệ bang giao mới”

Theo ông Ernest Bower đã đến lúc nâng cấp mối quan hệ Việt Mỹ lên tầm cao hơn, sâu hơn nếu các giải pháp cho các vấn đề ông đưa ra được thực hiện, hầu hai quốc gia “Hướng về một Quan hệ bình thường Mới“, để chào mừng 20 năm thiết lập bang giao Mỹ-Việt, như CSIS đã đưa tin về mục tiêu buổi họp John Kerry-Phạm Bình Minh vào đầu tháng Mười năm 2014. Tám vấn đề đưa ra để hai quôc gia giải quyết bao gồm an ninh quốc phòng (bỏ cấm vận võ khí sát thương, mở rộng hợp tác quân sự hàng hải), vấn đề cải thiện nhơn quyền và trả tự do cho tù nhơn chánh trị, cải tổ cấu trúc kinh tế, hoàn tất đàm phán TPP, cùng việc phê chuẩn của quốc hội, việc thừa nhân CSVN như một nước đủ tiêu chuẩn của nền kinh tế thị trường; cam kết thời biểu dọn dẹp ô nhiễm dioxin tại Đà Nẵng và tại sân bay Biên Hòa; thiết lập Đối Thoại Chiến Lược Mỹ-Viêt hàng năm ở mức độ theo dõi 1.5 (at the track-1.5 level) để khai triển các ý kiến củng cố quan hệ song phương.

Hà Nội hy vọng TT Hoa Kỳ sẽ viếng thăm Việt Nam như ông Obama nói sẽ “cố gắng” khi ông Trương Tấn sang ngỏ ý mời TT Obama trong dip gặp gỡ năm 2013. Vừa qua, trong chuyến công du các nước Á Châu Nhựt Bổn, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Mã Lai thì Việt Nam đã không nằm trong lộ trình của TT Obama. Các nhà hoạch định chiến lược Hoa kỳ đánh giá Việt Nam như môt đối tác tiềm năng trong chách sách Đổi Trục về Á Châu của Washington. Các đồng minh và đối tác đang trông chờ những tín hiệu về quyết tâm cam kết của ông Obama với chách sách tái cân bằng này trong hội nghị thượng đỉnh APEC mùa thu 2014. Hai TT Bush và Clinton đều đã thăm Việt Nam. Từ nay cho đến năm 2015 ( kỷ niêm 20 năm bình thường bang giao), nếu Hà Nội không chuyển biến tích cực trong cải thiện nhơn quyền, thì lời hứa “cố gắng” thăm xã giao nước CHXHCNVN của TT Obama trước khi hết nhiệm kỳ khó đáp ứng được lời mời của ông Trương Tấn Sang trước đây. Việc thăm viếng Việt Nam sẽ là tín hiệu cho sự nâng cấp bang giao. Chờ xem!

Hoa Kỳ đã nghĩ đến lúc nới lỏng và cuối cùng loại bỏ các lịnh cấm bán võ khí sát thương cho CSVN nhưng nhà nước Việt Nam cần có chuyển biến thích đáng về nhơn quyển, thay đổi thể chế như đã ghi trong bản tuyên bố với báo chí của Nghị sĩ John McCain khi thăm Việt Nam trong tháng Tám vừa qua. Nhà cầm quyền CSVN tới bây giờ đã có những bước đi thụt lùi trong lãnh vực tôn trọng nhơn quyền và tự do tôn giáo như nhận định từ cơ quan quốc tế về nhơn quyền. Đồng bào Việt Nam không muốn thấy trao võ khí sát thương cho tập đoàn CSVN vẫn tiếp tục chánh sách trấn áp với chính nhơn dân mình. Liệu cuộc tham vấn Phạm Bình Minh- Obama tháng Mười tới đây có giúp gì hơn cho việc buôn bán này, trong khi một số nhận định nhứt là các nhà quân sự (như Tướng Dempsey) cổ võ cho việc nới lỏng và loại bỏ lịnh cấm vận này có thể làm tăng sức mạnh cho Việt Nam trong thế đề kháng trước thái độ gây hấn gia tăng của Trung Cộng đối với Việt Nam, có thể giúp Việt Nam cải thiện nhơn quyền và từ đó đưa Hà nội xích lại gần Hoa Kỳ hơn cho một bang giao mới? Chia sẻ với ý này, nhà bình luận Paul Leaf trên tờ The Diplomat (11/9/2014) nhận định Hoa Thạnh Đốn đang cần một đối tác mạnh, đặc biêt tại Á Châu, nơi mà Trung Cộng có những hành động xâm lấn đối với các lân bang, đe dọa thay đổi hiện trạng khu vực, Hà Nội có thể là một lực đối trọng chống lại Bắc Kinh.

Mở rộng phạm vi tham gia của hải quân Mỹ-Việt-Nam bao gồm các cuộc tập duợt cứu trợ nhơn đạo và thảm họa chung, nhấn mạnh khả năng tương tác và phương cách tiếp cận cho các tàu Mỹ để bảo trì và sửa chữa. Thông cáo chung thượng đỉnh Obama-Sang 2013 có ghi “tái khẳng định cam kết triển khai Bảng Ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2011…” Đô đốc Samuel Locklear Tư lịnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương tại hội thảo ở Philippines hôm 25/5/2014 trước việc TC đặt giàn khoang HD-981, trả lời báo chí về triển vọng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược…”Chúng tôi luôn hướng tới việc thăm dò cơ hội để mở rộng quan hệ đối tác của chúng tôi đối với các nước như Việt Nam, nhưng Việt Nam chỉ là một trong số các quốc gia đó”.  Thượng đỉnh Obama-Sang 2013 chỉ nâng cấp quan hệ Viêt Mỹ lên tới mức “đối tác toàn diện”, chưa phải là đối tác chiến lược như Sang mong muốn. Không biết ông Ernest Bower, cố vấn cao cấp và là Giám đốc Chương trình ĐNA của CSIS muốn nâng cao quan hệ Việt Mỹ đến mức nào khi nhà nước CHXHCN mang nặng ý thức hệ Mác-Lê, chủ trương “chánh sách 03 không”. Như vậy là từ chối trở thành đồng minh với Mỹ, điều kiện cần thiết được Hoa Kỳ bảo vệ khi đất nước bị xâm lăng. Chờ xem cuộc thảo luận Kerry-Minh! Và cuộc thảo luận có đưa hai quốc gia Việt Mỹ tới thiết lập Đối Thoại Chiến Lược Mỹ Việt hằng năm ở mức độ theo dõi 1.5?

Các chuyên gia của CSIS đều nghĩ TPP có lợi cho cả hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam vì nó nằm trong kế hoạch kinh tế, an ninh, quân sự, chánh trị của chiến lược đổi trục về Châu Á, và CSVN vào được TPP thì cơ may cải thiện nền kinh tế cao hơn. Kết quả đàm phán TPP có thành công hay không tùy thuộc vào mức độ đáp ứng của nhà cầm quyền CSVN đối với đòi hỏi của hiệp hội, sau vòng đàm phán tại Hà Nội tháng Chín vừa qua dù có và tiến bộ như lời phát biểu của Bà Barbara Weisel, trưởng phái đoàn đàm phán Hoa kỳ, nhưng thực tế chưa thấy dấu hiệu lạc quan vì quyền quyết định thông qua nằm trong tay quốc hội mà Hạ Nghị Viện do đảng Dân Chủ kiểm soát có vẻ không thuận lợi khi hồ sơ nhơn quyền của CHXHCNVN chưa sáng sủa. Trước khi Phạm Bình Minh tham vấn Ngoại trưởng Hoa Kỳ thì Phó Thủ tướng Vũ văn Ninh cũng đã đến vận động với Hoa Thạnh Đốn cho việc kết thúc đàm phán TPP. Cuộc bầu cử Quốc Hội Hoa Kỳ nửa nhiệm kỳ cũng đã gần kề, tiến đến cuộc vận động bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ, liệu các Nghị sĩ, Dân Biểu còn thì giờ để lo cho TPP? TT Obama đã nói với CT Sang “sẽ thông qua sớm nhứt vào cuối năm 2013”, mà bây giờ cho đến cuối năm 2014 cơ hội như đã cạn dần.

Thay lời kết

Hướng về một kỷ nguyên mới trong bang giao Mỹ-Việt bằng việc nâng cấp từ bang giao đối tác toàn diện lên một mức cao hơn có thể làm vừa lòng cả hai phía vì cả hai quốc gia cùng có lợi. Hoa Kỳ cần tăng cường quan hệ bang giao vì Việt Nam nằm vào môt vị trí chiến lược quan trọng cho chánh sách Đổi trục về Á Châu của Obama, nhứt là trong lúc Trung Cộng hung hãn xâm lấn Việt Nam, gây nên xáo trộn an ninh khu vực. Nền “bang giao nâng cấp mới” hỗ trợ việc bãi bỏ lịnh cấm vận nhằm đưa tới việc bán võ khí sát thương cho CSVN, là giúp tăng cường sức mạnh quân sự (như CSVN sắp mua loai phi cơ trinh sát P-3 của Mỹ), tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ; chiến lược tái cân bằng mà thiếu vắng TPP là một thất bại trong ba mũi dùi chiến lược kinh tế, an ninh quốc phòng, chánh trị. Cho nên rồi chánh phủ Obama sẽ mắt nhắm mắt mở trong cách nhìn nhơn quyền để cho CSVN được thu nhận vào TPP, hay du-di để cho nhà cầm quyền CSVN được xem như một nước đủ tiêu chuẩn mang nhãn hiệu của nền kinh tế thị trường. Hoa Kỳ vẫn coi CSVN như một đối tác tiềm năng đang xích lại Hoa Thạnh Đốn gần hơn nhưng vẫn giữ môt khoảng cách an toàn để khỏi làm phật lòng Bắc Kinh. Hoa Kỳ cũng thừa biết nhóm lãnh đạo Hà Nội sẽ không từ bỏ quan hệ 16 chữ vàng 4 tốt giữa hai đảng CS với Trung Nam Hải để đổi lấy quan hệ liên minh với Hoa Kỳ. Cái sách lược của nhà nước Obama vì quyền lợi đối với CSVN như vậy, lơ là với vấn đề Nhơn quyền như vậy, Hoa Kỳ gián tiếp nuôi dưỡng và kéo dài chế độ độc tài toàn trị Hà Nội, môt chế độ cần được giải thể.

Tài liệu tham khảo:

Moving toward a New Normal: US-Vietnam Relations by Ernest Z. Bower, Murray Hiebert CSIS Volume V/Issue 19/Septempber 18, 2014

Chronology of US-Vietnam Relations.Embassy of the United States State Department